Mỹ lên án Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Quân đội Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông Mỹ lên án Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hôm thứ Năm, đã chỉ trích việc Bắc Kinh cho tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, nói rằng động thái này sẽ làm mất ổn định hơn nữa tình hình ở vùng biển tranh chấp, theo Reuters.

“Tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng đối với những nỗ lực làm giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định”, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.

“Cuộc tập trận này là cuộc tập trận mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ viết.

Tuần trước chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch cho một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở Biển Đông. Theo đó, quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc diễn tập từ ngày 1/7 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Chuyên gia nói về sự nguy hiểm của Luật an ninh Hồng Kông

Luật an ninh mới của Trung Quốc sẽ được sử dụng để gây sức ép buộc tất cả các hoạt động phải tuân thủ những điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn có ở Hồng Kông, Gordon Chang, tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến công nghệ lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, nói với Breitbart.

Luật mới được chính thức thông qua hôm thứ Ba sẽ “bao gồm tất cả những người ở Hồng Kông [và] cả những người khác trên thế giới”, ông Chang nói. “Ví dụ, nếu bạn ủng hộ những gì Bắc Kinh coi là hành động ly khai, thì bạn sẽ có tội. Nếu bạn ở Hồng Kông, hoặc nếu bạn ở một quốc gia có luật dẫn độ với Trung Quốc, họ có thể bắt và tống bạn vào tù đến hết đời”.

“Nó cho phép chính quyền Trung Quốc kiểm soát trực tiếp Hồng Kông. Họ đã làm điều đó, ở điều 48, có cái gọi là ‘Văn phòng Bảo vệ an ninh quốc gia’ được quy định không phải tuân theo luật Hồng Kông [và] không phải tuân theo hầu hết các điều luật ở Đại lục. Về cơ bản, nó có thể làm bất cứ việc gì mà người dân không thể đoán được. Chúng ta không biết những luật này sẽ được thực thi như thế nào, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.

Trung Quốc cấp báo ‘Hồng thủy Số 1’ ở thượng nguồn đập Tam Hiệp

Trung Quốc hôm 2/7 chính thức công bố Hồng thủy Số 1 tức “lũ số 1” trên sông Dương Tử năm 2020. Khối lượng dòng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp đạt 50.000 m3/s, tương tự tốc độ trong trận lụt lịch sử ở Trung Quốc năm 1998, theo Taiwan News.

Khi những cơn mưa lớn đổ xuống thành những dòng nước cuồn cuộn chảy xiết tàn phá miền Nam Trung Quốc trong tháng thứ hai liên tiếp, chính phủ Bắc Kinh đã ban hành một số cảnh báo lũ lụt lớn ở lưu vực sông Dương Tử, cho thấy có nguy cơ đập Tam Hiệp quá tải.

Hôm thứ Năm (2/7), Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) đưa ra cảnh báo mưa lớn trên khắp Trung Quốc ngày thứ 31 liên tiếp, khiến cư dân mạng tiếp tục suy đoán về tính toàn vẹn của đập Tam Hiệp khi nó phải đối mặt với thử nghiệm lớn nhất kể từ khi nó được hoàn thành vào năm 2003. Mặc dù các quan chức Trung Quốc nhiều lần dán nhãn cho những lo ngại rằng con đập có thể bị sụp đổ thảm khốc là điều “vô nghĩa” thì khu vực này tiếp tục bị vùi dập bởi lũ lụt nặng nề, lở đất và cùng ngày 2/7 ở đó xảy ra trận động đất.

Vào lúc 4:07 sáng ngày 2/7, trận động đất mạnh 3.2 độ có độ sâu chấn tiêu khoảng 8km đã làm rung chuyển quận Zoige ở tỉnh Tứ Xuyên, theo Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc, đặt ra mối lo ngại rằng lở đất có thể đe dọa đến sự an toàn của con đập. Vào lúc 10 giờ sáng, CWRC báo cáo rằng dòng nước đổ vào Hồ chứa đập Tam Hiệp dự đoán đạt 50.000 mét khối mỗi giây (m3/s), tương tự tốc độ trong trận lụt lịch sử ở Trung Quốc năm 1998.

Vào buổi trưa cùng ngày Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang (CWRC) đã ban hành một cảnh báo khẩn cấp rằng thượng nguồn sông Dương Tử có thể chứng kiến “Hồng thủy Số 1 của sông Dương Tử năm 2020”.

Do mưa không ngớt, mực nước ở thượng nguồn sông Dương Tử, Ngô Giang (một nhánh của sông Dương Tử), đập Tam Hiệp và hệ thống hồ Động Đình điều hòa của sông Dương Tử – sẽ “tăng đáng kể”, và mực nước của mỗi trạm thủy văn ở giữa các con sông sẽ tiếp tục tăng.

Hôm 1/7, Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức của Bộ Tài nguyên Nước (MWR) Wang Zhangli nói rằng kể từ tháng 6 ở 250 con sông trên khắp Trung Quốc đã chứng kiến lũ lụt trên mức cảnh báo, chủ yếu ở các khu vực Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và An Huy.

CWRC đã đưa ra một “cảnh báo màu xanh” cho Ngô Giang, Vùng hồ chứa Tam Hiệp và thượng nguồn của sông Dương Tử.

Tính đến 7 giờ sáng 2/7, dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đạt 47.000 m3/s và dự kiến lên mức 50.000 m3/s vào lúc 2 giờ chiều, mực nước tại trạm Ngô Long trên Ngô Giang tăng lên tới 191.7 m và mực nước ở trung lưu Lianhuatang tăng lên 31.68 m.

Theo Quy định mã số hồng thủy tại các sông chính trên toàn quốc của Trung Quốc, khi dòng chảy của nước hồ chứa nước đập Tam Hiệp đạt 50.000 m3/s và mực nước ở vùng trung lưu của Lianhuatang tăng tới mức cảnh báo, lúc đó sẽ chỉ định lũ bằng một con số.

Với việc Trung Quốc công bố “Hồng thủy số 1” cho thấy khối lượng dòng nước chảy hồ chứa đập Tam Hiệp đạt 50.000 m3/s.

Kể từ đầu năm nay, tai ương liên tiếp giáng xuống Trung Quốc, virus corona khởi phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, khiến cả nước điêu đứng.

Chưa thoát dịch bệnh, Trung Quốc giao tranh chết người với Ấn Độ ở biên giới trên dãy núi Himalaya.

Nay mưa lớn liên tiếp trút xuống miền Nam, đập Tam Hiệp nằm chặn sông Dương Tử tại Nghi Xương cũng thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi trữ nguồn nước canh tác tưới tiêu thủy lợi, cũng là một công cụ Trung Quốc dùng để thao túng nguồn nước sinh kế cho các quốc gia vùng Mê Kông đã phải xả nước phòng lũ, đối mặt với các nguy cơ lở đất, sụt lún và sập.

Đài Loan trục xuất 2 phóng viên Trung Quốc

Đài Bắc sẽ trục xuất hai phóng viên truyền hình Trung Quốc đại lục đang hoạt động tại Đài Loan vì những người này sản xuất và phát sóng các chương trình thảo luận về chính trị, vi phạm các quy định của hòn đảo, SCMP đưa tin tối thứ Năm.

Các nhà báo của Đài truyền hình Đông Nam thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, phải rời khỏi Đài Loan vào sáng thứ Sáu (3/7), Hội đồng các vấn đề đại lục (MAC) của chính phủ Đài Loan cho biết.

“Họ đã vi phạm các quy định về những gì được phép làm ở Đài Loan”, phó chủ tịch MAC, Chiu Tsui-cheng, nói, đề cập đến việc hai phóng viên Trung Quốc làm sai các mô tả công việc mà họ đồng ý tuân thủ khi nộp đơn nhập cảnh vào Đài Loan.

Kim nói Triều Tiên đã chiến thắng trong cuộc chiến viêm phổi Vũ Hán

Hãng thông tấn Bắc Hàn, KCNA đưa tin hôm thứ Sáu, lãnh đạo Kim Jong Un tối cao của họ, tại một cuộc họp mở rộng của Bộ chính trị Đảng Lao Động, tuyên bố rằng Triều Tiên đã ngăn chặn thành công sự xâm nhập của virus Vũ Hán.

Mặc dù vậy ông Kim cảnh báo về “biểu hiện tự mãn hoặc buông lỏng” trên mặt trận phòng chống dịch và kêu gọi duy trì “cảnh báo tối đa” đối với công tác này, Reuters dẫn tin từ KCNA cho hay.

Tính tới thời điểm hiện tại, Triều Tiên là một trong số rất ít các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tuyên bố không phát hiện người nhiễm virus Vũ Hán, tuy nhiên truyền thông quốc tế đặt nghi vấn về tính trung thực của chính quyền Bắc Hàn khi lực lượng này phong tỏa gần như mọi đường ra của thông tin trong nước.

Ấn Độ muốn khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông

CNN cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, nói rằng chính phủ Ấn Độ bày tỏ mong muốn thực hiện các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.

Trong một diễn đàn trực tuyến hôm thứ Năm, ông Lorenzana nói rằng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông là mở đối với tất cả các nước.

“Chúng ta không ngăn cản các quốc gia khác đi qua hoặc làm điều gì đó ở Biển Đông. Người Anh đi qua Biển Đông. Người Pháp và tất cả các quốc gia khác cũng thế”, ông Lorenzana nói. Tuy nhiên người đứng đầu lực lượng quân đội Philippines lại cho rằng sự xuất hiện của tàu Ấn Độ ở Biển Đông có thể làm phức tạp thêm tình hình khu vực.

Ủy ban Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng với nhiều khoản nhắm vào Trung Quốc

Một ủy ban quyền lực của Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 741 tỷ USD vào cuối ngày thứ Tư (1/7), trong đó có nhiều điều khoản nhắm vào Trung Quốc.

Reuters đưa tin, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã phê chuẩn dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm (NDAA) vào trước nửa đêm thứ Tư, với toàn bộ 56 phiếu ủng hộ và không có phiếu phản đối.

Reuters cho biết, dự luật đặt ra chính sách cho Bộ Quốc phòng Mỹ về mọi thứ, từ việc đóng bao nhiêu con tàu để mang lại lợi ích cho quân đội, cho đến cách thức Hoa Kỳ chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Theo SCMP, dự luật này vẫn còn những điều cần làm rõ trước khi trở thành luật, nhưng nó cho thấy sự đồng thuận của hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ về Trung Quốc.

SCMP trích lời ông Paul Mitchell, một nghị sỹ Cộng hòa từ Michigan, phát biểu trong cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện: “Có ai trong căn phòng này không tin rằng Trung Quốc là một kẻ thù của Hoa Kỳ và họ đưa ra mọi kế hoạch có thể để trở thành một cường quốc thế giới dựa trên sự bất lợi của chúng ta?”

SCMP cho biết, dự luật bao gồm một loạt các đề xuất lập pháp nhằm thách thức Bắc Kinh về công nghệ, nghiên cứu khoa học và quốc phòng.

Trong số hàng trăm trang của dự luật, có một chương trình tìm cách bảo vệ chuỗi cung ứng kim loại đất hiếm của Hoa Kỳ mà hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu chủ yếu. Theo BBC, đất hiếm được coi là “con bài chủ” của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Theo SCMP, một đề xuất khác yêu cầu phải có báo cáo tình báo về việc hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh. Ngoài ra còn có một chương trình dự kiến sẽ dùng đến hàng tỷ USD, đó là Sáng kiến Tái bảo đảm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm củng cố các liên minh quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương trước mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.

Dự luật dự kiến sẽ được toàn Hạ viện tranh luận trong tháng này. Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện cũng đã thông qua một dự thảo tương tự vào ngày 11/6 và đang được toàn Thượng viện xem xét. Hạ viện và Thượng viện sẽ kết hợp hai bản dự thảo để đưa ra một dự luật thống nhất về ngân sách quốc phòng, sau đó chuyển tới Tổng thống Donald Trump để ông ký ban hành hoặc phủ quyết.

Vào tối thứ Ba (30/6) giờ địa phương, Tổng thống Trump cảnh báo ông có thể sẽ phủ quyết dự luật quốc phòng năm nay, nếu nó yêu cầu đổi tên các căn cứ quân sự được đặt tên theo các sỹ quan thuộc khối Liên minh trong cuộc Nội chiến tại Mỹ vào thế kỷ 19.

Hàng loạt công trình và đường phố của Mỹ đã được đổi tên do ảnh hưởng của phong trào biểu tình Black Lives Matter (Tạm dịch: Tính mạng người da đen quan trọng). Phong trào này nổi lên sau cái chết của ông George Floyd, một nghi phạm da đen ngạt thở khi bị cảnh sát ghì cổ xuống đường. Một số cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, trong khi một số khác ngày càng xuất hiện các tình huống cực đoan như phá phách, hôi của, bạo lực.

Những người biểu tình yêu cầu đổi tên hàng loạt công trình mang tên những người mà họ coi là biểu tượng của việc phân biệt chủng tộc. Những người cực đoan thậm chí còn kêu gọi tấn công các bức tượng của Chúa Jesus và cố Tổng thống Abraham Lincoln, người có công chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ.

‘Kế hoạch đắm tàu’ chuẩn bị chạy trốn của quan chức Trung Quốc đang lâm nguy

Việc gấp rút ra Luật an ninh phiên bản Hồng Kông của Trung Quốc đã gây ra một phản ứng dữ dội trên thế giới. Hoa Kỳ đã bắt đầu các biện pháp trừng phạt, trong đó đáng chú ý nhất là nhắm tới việc đóng băng tài sản các quan chức Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Một số học giả đại lục từng tiết lộ rằng các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che giấu một “kế hoạch đắm tàu”, chuẩn bị sẵn con đường trốn chạy khi ĐCSTQ lụi tàn. Một số nhà phân tích nói rằng một khi dùi cui tài chính của Hoa Kỳ vung lên, tất cả các quỹ chuẩn bị cho vụ đắm tàu của ĐCSTQ ở nước ngoài đều sẽ bị đóng băng hoặc thậm chí bị tịch thu bởi Hoa Kỳ. Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang bận rộn!

Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Hạ viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua “Đạo luật tự trị Hồng Kông” (còn được gọi là “Đạo luật trách nhiệm Hồng Kông”) vào ngày 2/7. Dự luật sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng tiến hành kinh doanh với các quan chức chịu trách nhiệm đối với việc phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông.

Vào ngày đầu tiên ban hành Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông (1/7), Tòa Bạch Ốc đã ban hành một tuyên bố lên án nghiêm khắc hành vi vi phạm các cam kết quốc tế của ĐCSTQ và tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ, “đả kích việc bóp chết tự do và tự trị của Hồng Kông”.

Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố vào ngày 29/6 rằng họ sẽ thu hồi tình trạng đặc biệt của Hồng Kông và đình chỉ thực hiện các quy định ưu đãi đối với Hồng Kông, bao gồm cả việc miễn giấy phép xuất khẩu.

Ngày 26/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức ĐCSTQ trước đây và hiện tại đã vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông.

Ngày 10/6, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, bàn tới các lệnh trừng phạt của các quan chức Bắc Kinh, bao gồm các quan chức chịu trách nhiệm về các vấn đề của “Mặt trận Thống nhất” Hồng Kông, nhắm thẳng vào tầng lớp cao nhất của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ như Hàn Chính và Uông Dương. Ngoài ra, một số quan chức cấp cao cũng đã được nêu tên.

Đây là lệnh trừng phạt cứng rắn và đầy đủ nhất do Quốc hội Hoa Kỳ đề xuất để đối phó ĐCSTQ. Báo cáo khuyến nghị rằng các biện pháp trừng phạt có thể được dựa trên Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Đạo luật này cho phép chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng, bao gồm cấm nhập cảnh, đóng băng và cấm giao dịch tài sản tại Hoa Kỳ.

Và vào thời điểm nhạy cảm khi Hoa Kỳ có ý định trừng phạt cấp cao nhất của ĐCSTQ, Hàn Chính, thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã bị phơi bày về việc sở hữu hàng tỷ đô la tài sản.

Chính trị gia Đài Loan Trần Chiêu Nam ngày 15/6 đã công bố một bài báo có chữ ký cho biết rằng Hàn Chính đang giấu khối tài sản lên tới 3,1 tỷ đô la ở Hoa Kỳ. Đồng thời, Hạ Bảo Long, Lạc Huệ Ninh, Trần Quốc Toàn, Ngô Anh Kiệt, Triệu Khắc Chí và những người khác đều được liệt kê trong danh sách thành viên câu lạc bộ 100 triệu đô la Mỹ.

Bài báo nói rằng một danh sách nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ và người thân của họ ở Hoa Kỳ và danh sách tài sản đang được lưu hành trên Internet. Theo tin đồn, tổng tài sản của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã lên tới 500 tỷ đô la Mỹ, Secretchina cho hay.

Đây cũng không phải một thông tin đáng kinh ngạc, theo “Tài liệu Panama” 2016, những gia đình có ảnh hưởng kinh tế và chính trị của ĐCSTQ đều sở hữu các công ty nước ngoài, họ bao gồm cả các thành viên cũ và còn đang đương nhiệm của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Trước đó vào năm 2012, truyền thông Hồng Kông đã trích dẫn dữ liệu thống kê từ các cơ quan chính thức của ĐCSTQ cho thấy 90% người thân của các thành viên Ủy ban Trung ương đã di cư ra nước ngoài.

Tân Tử Lăng, một học giả đại lục cũng tiết lộ rằng trước Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 18, một cuộc khảo sát đã được tiến hành trong nội bộ đảng cho thấy, hơn 85% trong số họ đã chuẩn bị cho việc “đắm tàu” của ĐCSTQ như định cư nước ngoài, mua nhà.

Liên quan đến việc ĐCSTQ thúc đẩy phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia, học giả tài chính có tên “Lãnh nhãn tài kinh” gần đây đã đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng, dùi cui tài chính của Hoa Kỳ đã vung lên, tất cả các quỹ của “kế hoạch đắm tàu” của ĐCSTQ ở nước ngoài sẽ bị đóng băng hoặc thậm chí bị Hoa Kỳ tịch thu. “Các quan lớn đã phí công một hồi, ngoan cố chống cự, cực kỳ hiếu chiến, chính là nói các quan chức tham lam và quan liệu ĐCSTQ! Ngày tốt lành của họ sắp chấm dứt rồi!”

Giới phân tích tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ tăng lên. Tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông về cơ bản đã biến mất bằng cách loại bỏ việc miễn giấy phép xuất khẩu cho Hồng Kông và hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự dân dụng. Bước tiếp theo là xử phạt tài chính và đóng băng tài sản chính thức.

“Lãnh nhãn tài kinh” nói rằng gần nhất là việc Hoàng Kỳ Phàm và Phương Tinh Hải, Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, đã nói về việc thoát khỏi sự phong tỏa tài chính của Mỹ và tách rời khỏi hệ thống SWIFT. Họ sợ đóng băng tài sản và đang tìm lối thoát cho số lượng lớn tài sản ở nước ngoài của các gia tộc ĐCSTQ. Cho dù đó là quốc tế hóa nhân dân tệ, nắm giữ vàng, hoán đổi tiền tệ hoặc tiền kỹ thuật số, tất cả các nỗ lực này là nhằm thoát khỏi sự kiểm soát đồng đô la, nhưng đều thất bại! “Kế hoạch đắm tàu” trị giá 10 nghìn tỷ đô la của ĐCSTQ sẽ được Hoa Kỳ đưa lên bờ.

Trên thực tế, từ năm 2018, ông Trump đã bắt đầu xử lý các quan chức cấp cao của Trung Quốc và gây ra sự hoảng loạn trong cao tầng chính trị Trung Quốc. Vào ngày 20/9 năm đó, chính phủ Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố trừng phạt Trung tướng Lý Thượng Phúc, Giám đốc Cục Phát triển Thiết bị CMC, đóng băng tài sản quân bị và tài sản của Lý Thượng Phúc trong khu vực tài phán của Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế quyền truy cập vào thị trường tài chính toàn cầu thông qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ và cấm cấp thị thực Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, phản ứng của Bắc Kinh chống lại động thái của Hoa Kỳ mạnh mẽ đến mức đáng kinh ngạc. Họ đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc và đưa ra cái gọi là “nghiêm chính giao thiệp”, họ cũng triệu tập tùy viên quân sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, và thậm chí ngay lập tức triệu hồi tư lệnh hải quân Thẩm Kim Long, hoãn cuộc họp về cơ chế đối thoại giữa Bộ tham mưu Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một số người nói nỗi lo lắng của Bắc Kinh và biện pháp mạnh của ông Trump giống như “Hạng Trang múa kiếm, ý tại Bái Công”. “Bái Công” ở đây là gia đình quyền lực của các cấp cao trong ĐCSTQ. Nếu cuộc chiến thương mại này tiếp tục xấu đi, ông Trump có thể sẽ công khai tên và tài sản của họ. Không ai trong ĐCSTQ dám đảm bảo rằng, một khi Mỹ tuyên bố tài sản của các quan chức Trung Quốc ở Mỹ, sẽ không kích hoạt cơn sóng thần long trời lở đất ở Trung Quốc.

Về “kế hoạch đắm tàu” của ĐCSTQ, học giả chính trị Trung Quốc Trần Vĩnh Miêu đã tiết lộ nó từ năm 2016.

Tháng 11/2016, một bái báo của Trần Vĩnh Miêu được xuất bản trên tạp chí “Năng động” có tiêu đề “Các quan chức cấp cao che giấu các chính sách độc hại”. Theo đó, tiết lộ rằng có một “kế hoạch đắm tàu” được ẩn giấu giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ. Đối nội tăng cường phá hủy, cướp bóc, đối ngoại rải tiền lấy lòng, cải thiện ngoại giao, chuẩn bị các điều kiện sống tốt ở nước ngoài cho các chức sắc. Hóa ra tiền của nhân dân đã được sử dụng để mở đường cho các quan chức.

Tuy nhiên, “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ trong thời gian gần đây đã khiến thế giới thức tỉnh, đặc biệt là việc thúc đẩy cưỡng chế luật pháp tàn ác đối với Hồng Kông, giới quan sát tin rằng kế hoạch đắm tàu của ĐCSTQ đã bị lung lay.

Related posts