“Nhật ký Vũ Hán” của nhà văn Phương Phương tiếp tục gây tranh cãi

  • Lê Vy

Ít nhất hai học giả đã bị điều tra vì ủng hộ tác phẩm của nhà văn Phương Phương. 

Nhật ký Vũ hán và nhà văn Phương Phương (Ảnh: Internet)

Ấn phẩm “Nhật ký Vũ Hán,” câu chuyện cá nhân đầu tiên về cuộc sống của nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang) ở tâm chấn của đại dịch COVID-19, tiếp tục thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc, theo SCMP.

“Nhật ký Vũ Hán” bao gồm những câu chuyện hàng ngày về tình hình Vũ Hán từ khi thành phố bắt đầu phong toả cho đến khi dỡ bỏ cách ly. Bên cạnh những con số thống kế về ca nhiễm, ca tử vong là các chỉ trích mạnh mẽ cách chính quyền xử lý đại dịch.

Ngay sau khi một nhà xuất bản đồng ý phát hành cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Đức vào tháng 6 tới đây, nhiều người tại Trung Quốc Đại lục đã phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, gọi nhà văn Phương Phương là “kẻ phản quốc,” “kẻ nói dối,” thậm chí lăng mạ bà với ngôn ngữ thô tục.

Ngoài các phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng trong nước, chính quyền ĐCSTQ cũng đã gây áp lực lên những trí thức ủng hộ nhà văn, mới đây đã mở cuộc điều tra về ít nhất hai người do “đưa ra những bình luận không phù hợp.”

Ngày 26/4, Đại học Hồ Bắc cho biết họ sẽ điều tra Lương Chấn Bình (Liang Yanping), một giáo sư ngôn ngữ và văn học, vì ủng hộ nhà văn Phương Phương.

Bốn ngày sau, Đại học Hải Nam cũng đưa ra thông báo tương tự liên quan đến một trong những giáo viên đã nghỉ hưu là Vương Chiêu Nghị (Wang Xiaoni). Bà Vương sau đó trở thành mục tiêu mới trên mạng, với nhiều tiếng nói chỉ trích và chửi bới bà “không yêu nước.”

Việc xuất bản “Nhật ký Vũ Hán” cũng gây khó chịu trong cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Một nhóm WeChat dành cho người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ đã đóng cửa vào tháng 3 sau khi các thành viên của nhóm trở nên chia rẽ sâu sắc liên quan đến “Nhật ký Vũ Hán.” Những người ủng hộ nhà văn Phương Phương gọi những kẻ chỉ trích là “đồ ngốc bị tẩy não,” trong khi phe đối lập ném lại những lời lăng mạ như “kẻ phản bội,” hay “những con chó đang chạy.”

Tại Đại lục, hashtag #Fangfang trên Weibo, nền tảng giống Twitter, nhận được khoảng 940 triệu lượt xem và 276.000 bình luận. Hầu hết những bình luận gần đây tỏ ra thù địch với nhà văn.

Nhà văn Phương Phương không phải là người duy nhất bị tấn công. Michael Berry, người đã dịch cuốn sách sang tiếng Anh, cũng hứng chịu cơn thịnh nộ của cư dân mạng Trung Quốc.

“Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc ngày càng trở nên cực đoan, bài ngoại, sẽ rất tệ cho sự hợp tác trong tương lai của Trung Quốc với thế giới,” ông Gu Su, giáo sư triết học và chính trị tại Đại học Nam Kinh nhận định, và cho biết thêm rằng điều này phản ánh các vấn đề của hệ thống giáo dục định hướng của Trung Quốc, theo đó mọi người chỉ nhận được duy nhất nguồn thông tin “chính thống” một chiều quá lâu đến nỗi họ không còn có thể chấp nhận những luồng thông tin trái chiều khác.

Vương Hạo Thiên, một sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở Mỹ và là cựu thành viên của nhóm WeChat đã tan rã vào tháng 3 vừa qua, ban đầu ca ngợi các bài viết của nhà văn Phương Phương, coi bà giống như một phóng viên chiến trường làm việc ở tuyến đầu. 

Nhưng anh Vương đã thay đổi lập trường của mình sau khi bà chỉ trích chính phủ và ví những người chỉ trích bà như lực lượng Hồng Vệ binh của Trung Quốc thời Cách mạng Văn hoá. Vương nói rằng anh đã trở nên bất mãn sau khi anh nhận thấy những điều “không chính xác” trong sách của nhà văn. 

“Hiện tại, tôi không ủng hộ bà Phương và những xuất bản phẩm của bà, nhưng tôi nghĩ đó là sự tự do của bà khi viết và xuất bản nó. Nhưng đồng thời, mọi người cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình về nó, và chính phủ không nên sử dụng quyền lực để can thiệp chuyện này,” anh Vương cho biết. 

Châu Yến, một nữ sinh viên 19 tuổi người Trung Quốc, hiện đang học năm nhất tại một trường đại học ở bang Minnesota, cũng cho rằng “Nhật ký Vũ Hán” đã gây tổn hại hơn là tốt cho Trung Quốc.

“Thật thiếu tôn trọng với đất nước khi xuất bản cuốn nhật ký ở nước ngoài. Chúng ta nên luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên quyền tự do ngôn luận,” nữ sinh này nói.

Nhiều người ở Trung Quốc cũng cảm thấy như vậy.

Diệp Đào, 46 tuổi, chủ quầy trái cây tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc cho biết ông rất tức giận khi nghe tin “Nhật ký Vũ Hán” sẽ được xuất bản ở nước ngoài.

“Tôi đã vô cùng tức giận khi thấy phần giới thiệu phiên bản tiếng Anh trên mạng. Tôi không đồng ý với mọi từ trong đó. Nó là tuyên ngôn của một kẻ phản bội,” ông nói, cho biết thêm rằng cuốn nhật ký sẽ chỉ cung cấp thêm phương tiện cho các nước phương Tây buộc tội Trung Quốc vì đã xử lý sai trong dịch bệnh.

Ông Diệp được sinh ra 2 năm trước khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, một biến động kéo dài hàng thập kỷ dẫn đến cái chết và sự khủng bố đối với hàng chục triệu người. 

Các nhà sử học và xã hội học đã nhận định rằng vì chưa bao giờ có bất kỳ sự phản ánh sâu sắc toàn diện nào về các phong trào do Mao lãnh đạo ở Trung Quốc, nên nó không bao giờ biến mất và mọi người có thể lặp lại sai lầm của mình.

“Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn phủ nhận Cách mạng Văn hóa, vì vậy có thể nói nó có thể quay trở lại, hoặc nó sẽ xảy ra một lần nữa,” ông Quách Ngọc Hoa, giáo sư xã hội học tại Đại học Thanh Hoa nói. “Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế, nhưng không có sự chuyển đổi về ý thức hệ.”

Hà Vĩ Hằng, một sinh viên đại học 19 tuổi ở Bắc Kinh, nói rằng mọi người có thể được phép chỉ trích chính phủ nhưng chỉ trong những thời điểm thích hợp.

“Đây không phải là thời điểm thích hợp để chỉ trích chính phủ khi uy tín của nó đang bị đe dọa,” anh Hà bình luận, và nói thêm rằng việc xuất bản “Nhật ký Vũ Hán” ở nước ngoài sẽ được sử dụng để bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc.

Anh cho biết mình hay đọc tin tức qua WeChat và Yahoo, và chưa bao giờ sử dụng VPN để vượt tường lửa đọc tin tức bên ngoài. 

Trần Xuân, một học giả độc lập ở thành phố Thâm Quyến, cho biết Bắc Kinh ít nhiều đã thành công trong việc giành được cảm tình của giới trẻ qua việc thúc đẩy các thành tựu kinh tế của mình. 

“Ngoài ra, về mặt chính trị, sẽ an toàn khi là một người theo chủ nghĩa dân tộc,” ông nói. “Nếu bạn trở thành một nhà hoạt động quan tâm đến các vấn đề xã hội khác, bạn có thể trở thành mục tiêu.” 

Lê Vy (theo SCMP)

Related posts