NHỎ KHÔNG HỌC…

Đứa trẻ lười học, thường hay bị cha mẹ hăm dọa: “Nếu nhỏ hhông học thì lớn lên chỉ có nước… đi hốt rác”.

Thay vì dọa ông kẹ, hay bà phù thủy có vẻ mơ hồ quá, những đứa bé lớn hơn một chút biết ngay đó là những nhân vật tưởng tượng trong truyện cổ tích, ngang hàng với cô tiên, ông Bụt, con mèo biết nói tiếng người, những bông hoa khiêu vũ… nên không đáng sợ chút nào.

Vì thế mang người hốt rác ra làm viễn cảnh tương lai đen tối có vẻ hay hơn vì đây là thực tế rành rành trước mắt. Đại khái nếu con không học hành chăm chỉ thì sẽ không thể vào tiệm ăn gà rán, đi công viên chơi trượt nước, không có quần áo mới, đồ chơi đẹp… mà sẽ hốt rác giống bà quét rác ngoài đường.

Quả đây là một thí dụ minh chứng không thể rõ ràng hơn. Người dân không có thói quen vất rác vào thùng hoặc đợi xe rác đi ngang để vất vào. Đủ thứ rác rưởi nằm ngoài đường và người hốt rác với cây chổi dài và cái ky cong lưng cặm cụi làm công việc quét dọn đường bất kể nắng chang chang, gió ào ào bụi thốc… Đó là không kể đi cùng với người quét rác là xe rác xông mùi hôi hám khiến ai nấy nín thở đi ngang nhanh cho mau qua.

Người hốt rác hay phu hốt rác, bây giờ gọi là công nhân vệ sinh thường bị cho là một nghề thấp kém, ai không có việc gì làm mới theo do không đòi hỏi chuyên môn cao. Công nhân vệ sinh bao gồm người thu dọn rác, làm vệ sinh trong cơ quan, xí nghiệp, trên đường phố, trong lòng cống rãnh… Tuy nhiên hiện nay công nhân vệ sinh được phát đồng phục, giày, bao tay, khẩu trang… nên hình ảnh của họ không có vẻ lam lũ quá như trước kia.

Hốt rác có hai loại. Xe công chỉ quét rác ngoài đường, còn xe rác tư nhân đi luồn sâu vào các con hẻm nhỏ vào giấc chiều. Xe tư trước kia thích rác chợ vì toàn rau héo, đầu cá… có thể bán cho nhà vườn ủ làm phân bón.

Sắp tới nhà nước sẽ cấm xe rác tư nhân vì không được vệ sinh. Loại này đơn sơ thường là xe ba gác hoặc xe lôi tức là dạng xe máy kéo chiếc thùng to đằng sau. Xe rác tư nhân đi tới đâu mùi hôi tới đó và rác chất cao có thể rớt vãi dọc đường. Cũng có mặt lợi là nhỏ gọn nên mới vào hẻm được, đồng thời giá thành thấp. Nếu đúng tiêu chuẩn là thùng nhựa, thùng composite, ô tô tải chuyển rác… thì tư nhân không thể nào có lời để tiếp tục đi lấy rác. Mà xe công thì không thể nào linh hoạt như tư nhân để đẩy xe rác luồn lỏi vào các con hẻm bàn cờ ngoằn ngoèo được.

Người mình có thói quen vất rác ra ngoài đường bất kể lúc nào và bất cứ nơi đâu. Rác cũng không bỏ trong bọc buộc kín mà cứ vất từa lưa giống như toàn bộ phía ngoài căn nhà ở đều là bãi rác tự do.

Cũng giống như sông hồ và ngay biển cả. Miễn không phải trong phạm vi nhà mình, người ta đều coi là nơi vất rác nên ngay cả đại dương mênh mông, cá mập, cá nhà táng… trong bụng chứa cả nùi nylon, chai nhựa không tiêu hóa nổi.

Một anh công nhân vệ sinh cho biết:

-Tôi có nhắc bà con bỏ rác ra lộ trước 10g đêm nhưng chẳng ai quan tâm. Tưởng 10g là đợt chót rồi, nhưng 11g quay lại vẫn lai rai có rác. Giữa khuya đường xá sạch bong, nhưng mới 3g sáng lại một đống xà bần trước đầu hẻm. Có thanh tra nhưng đành chịu thua. Có người đàng hoàng bỏ rác gọn trong bao nylon, chúng tôi chỉ cầm bỏ gọn lên xe, nhưng có người đổ nguyên bịch rác không cột tung tóe ra đường, một cơn gió thổi bay là là khắp nơi khiến chúng tôi phải quét, hốt. Lại thêm mấy chai nước, ly nước uống giữa chừng mà không dốc hết nước làm thùng rác nhỏ nước long tong, rất dơ bẩn.

Một chị đồng nghiệp nói tiếp:

-Nói nào ngay, có nhà biết điều khi có công chuyện thải nhiều rác có khi cả một chuyến xe thì có cho gởi công nhân thêm ít tiền. Còn đa số thì lén đổ bậy rác, khi thì tấm kiếng bể, chăn gối, nguyên bộ salon rách trơ ra lớp mút thấm nước mưa nặng trịch, khi thì cái tủ nhựa, khi thì cả đống gạch vữa sửa nhà thay vì phải đổ vào khu xà bần quy định thì canh đường vắng, đổ thành đống bên vệ đường cho công nhân vệ sinh đi hốt hết.

Công nhân vệ sinh đường phố làm việc quanh năm, hầu như chỉ nghỉ ba ngày tết. Qua ngày mùng bốn thì lượng rác thu gom gấp ba ngày thành núi. Coi như chẳng bớt việc được ngày nào. Sau mấy ngày tết lại oằn lưng đẩy những chiếc xe rác chở cao ngất những cành đào, cành mai, chậu hoa…

Có người còn ác miệng nói:

-Cứ đổ rác ra để người quét rác có công ăn việc làm!

Trên đường phố dễ thấy hình ảnh các ông bà chủ nhà mặt tiền trong bộ quần áo sang trọng, lịch sự đứng sõng lưng vứt tung tóe bịch thức ăn, bịch nước… ra ngay lề đưởng trước cửa nhà. Nếu là xác chuột chết thì quẳng ra giữa tim đường cho mỗi xe cán qua một tí, thêm nắng, thêm mưa, thêm gió… chẳng mấy chốc phi tang xác con chuột giữa đường mà không hề nghĩ tới một việc khủng khiếp có thể xảy ra bệnh dịch hạch. Vứt cả bịch rác to che lấp miệng cống thoát nước chẳng ai nghĩ đến cảnh người công nhân lội xuống ống cống vớt sình, chai nhựa, kim tiêm… Thậm chí có thùng rác công cộng nhưng người ta không bỏ rác vào thùng mà ném tóe loe ngay cạnh thùng đủ thứ rác bẩn thỉu trộn lẫn nhau. Người trên xe ô tô đang chạy, hạ cửa kính vứt vội túm rác ra lòng đường… Tặc lưỡi:

-Đã có người hốt rác mà!

Thời buổi này mà nhiều người vẫn giữ thái độ coi rẻ, khinh miệt công nhân vệ sinh. Vì thế mới tháng trước, ở Quảng Trị, người công nhân vừa quét đường phố sạch sẽ xong thì cô chủ trẻ của một cửa hàng thời trang liền chạy ra vứt ngay bịch rác bay lả tả, chị công nhân lên tiếng nhắc nhở. Sau ít phút lời qua tiếng lại, “chủ rác” sấn sổ xô đẩy vào, dùng chổi và tay đánh chị lao công, giật nón và hất xẻng, xỉ vả vào mặt người công nhân hơn tuổi nọ. Cảnh này ngẫu nhiên có người chứng kiến, quay clip đưa lên Net. Dân mạng bất bình, nhất loạt nhảy vào chỉ trích khiến cô chủ hồ đồ phải đóng cửa hàng trốn mấy bữa tránh mặt.

Đã từng có đề nghị bắt phạt người vi phạm luật lệ giao thông, đổ rác bậy, gây hấn công nhân vệ sinh đi lao động công ích quét đường, dọn rác trong lòng cống… để thấu hiểu cảnh đời công nhân vệ sinh và ý thức giữ vệ sinh chung mà mãi chưa thực hiện được. Chứ ngay cả thỉnh thoảng phạt tiền cũng không xuể so với số người vất rác bậy và số tiền phạt ít ỏi chẳng răn đe bao nhiêu người vi phạm.

Thực tế đây là một nghề cần thiết trong xã hội. Một ngày có thể thiếu giáo viên, đầu bếp, công nhân may…. Nhưng không thể thiếu người làm vệ sinh. Chỉ một buổi thôi, rác sẽ ùn ứ đầy nhà, đầy đường, đầy cống…

Ngày nay công nhân vệ sinh đã có ngạch, trật, có bảo hiểm… đầy đủ. Đây được coi là công việc độc hại nên có thêm phụ cấp độc hại. Ngoài ra nếu quét dọn ở khu buôn bán sầm uất có thể thu thêm tiền từ những hàng kinh doanh có cửa hàng, quán ăn… Xe nước mía đổ cả cần xé bã mía, hàng quán đều thải ra rất nhiều rác nên thường trả thêm ít tiền cho người đổ rác dù công hay tư. Dù vậy so với công việc nặng nhọc, tiếp xúc với mùi hôi thối, độc hại thì tiền lương vẫn thấp.

Do đặc thù công việc, thời gian làm việc của CN vệ sinh tập trung từ cuối ngày hôm trước đến quá giữa khuya, vì ban ngày xe cộ và khách bộ hành khiến con đường và vỉa hè trở nên đông đúc chật chội. Buổi sáng khi ngủ dậy, người ta đã thấy đường phố sạch sẽ tinh tươm. Nhiều người đi khuya thường bắt gặp nhóm công nhân vệ sinh ngồi quây quần trên bãi cỏ nghỉ ngơi giữa buổi làm khuya hoặc cần mẫn quét rác dưới ánh đèn đường.

Tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Con đường buổi tối vắng vẻ, người phu lặng lẽ quét rác. Họ không những chỉ quét ven lề đường mà còn trên lòng đường, quét rộng ra cả hai bên con lươn giữa đường nên rất dễ bị xe đụng. Thành thử quét thì quét nhưng nghe có tiếng xe nổ xé gió đến gần là phải nhảy lên lươn để tránh, xe qua lại bước xuống quét tiếp. Cứ thế một buổi quét thính tai lắng nghe nhảy lên bước xuống con lươn mấy lần.

Công nhân vệ sinh làm ban đêm dù có mặc áo phản quang nhưng khó tránh người say rượu tông vào. Đêm khuya thanh vắng, không có nhiều người và xe như ban ngày nên ỷ đường vắng teo vắng ngắt càng ít xe ít người, người ta càng phóng như bay, lạng lách bạt mạng như làm xiếc không kể mấy đám đua xe mỗi lần xuất hiện khiến ai có mặt trên đường thất kinh mau mau tìm chỗ nép vào tránh. Công nhân vệ sinh cũng phải gác chổi đợi con “bão” qua hoàn toàn rồi mới quét tiếp. Hay những chỗ tối om thiếu đèn đường chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra. Ở những nơi đó công nhân tụ tập làm gần nhau cho yên tâm hơn.

Thành thử tai nạn đến với người công nhân vệ sinh khi làm việc khuya là không tránh khỏi. Tháng trước có đám tang của chị công nhân. Đêm khuya, một tài xế say rượu tông vào xe rác khiến chị công nhân văng ra xa và tử vong. Chị mất đi để lại gia đình gồm mẹ già và hai con nhỏ còn đang đi học. Đám tang của chị cùng lúc với đám tang của một lãnh đạo cấp cao. Nhưng coi bộ nhân dân thật lòng quan tâm, thương xót chị này hơn!

Hiện nay đã có máy lau đường, máy phun nước rửa đường nhưng loại máy này chỉ vài chiếc hoạt động ở vài đoạn đường ở trung tâm thành phố mà thôi.

Từng có chương trình phân loại rác từ nguồn tức là ngay bắt đầu từ nhà dân chứ không phải ra đến bãi rác mới có một đạo quân nghèo đổ xô vào bới. Như vậy có thể tái chế được phần lớn rác. Thế nhưng chương trình này phá sản từ trong trứng nước vì tuy có phân loại từ đầu thật. Nào là rác vô cơ, hữu cơ… vài loại khác nhau nhưng khi xe xác đến thu gom tất cả bọc rác đã phân loại lại ném lẫn lộn vào bô rác cũng như không.

Cho nên công việc vất vả của người phu quét rác còn dài dài.

Saigon Cô Nương

Related posts