Phía Sau Trang Chữ

Có một dạo Tuấn làm chủ bút cho một tờ báo lá cải ở vùng Hồ Muối bang Utah. Loại báo này thường được chất đống trong chợ. Các chị các bác đi chợ thuận tay thì vói lấy một tờ, thích thì đọc, không thích thì lấy gói đồ, lót nồi niêu cũng được. Công việc nhẹ, tiền cũng nhẹ nhưng Tuấn yêu văn chương nên coi đó như một thú vui hiền lành. Mỗi ngày đi làm về thay vì ngồi vào bàn nhậu thì Tuấn ngồi vào máy vi tính gõ lóc cóc. Nhờ làm việc này mà Tuấn quen được nhiều người. Họ gởi bài vở đến cho Tuấn, thỉnh thoảng nói chuyện tào lao, lâu ngày thành thân, đem chuyện gia đình ra kể lể. Một điều buồn cười là Tuấn chưa hề gặp gỡ những người cộng sự với mình bao giờ, mọi sự liên lạc chỉ qua màn hình vi tính. Mặt mũi của họ là những trang chữ, bài viết, bài thơ, ngay cả tên cũng chưa chắc là tên thật. Họ buồn vui hay giận dữ, cau có hay mềm mỏng gì thì lộ ra trong giọng văn của họ, Tuấn tuỳ theo đó mà đoán thôi. Anh A, anh B văn chương mộc mạc chắc là người hiền lành, chị C coi bộ đanh đá và chắc bị tình phụ nên oán hận bọn đàn ông quá cỡ, có bao nhiêu nỗi niềm trút hết lên mặt chữ. Làm việc lâu biết tính nết nhau chớ mặt mày thì mường tượng trong trí thôi, mà như thế cũng có sự thú vị riêng của nó. 

Một hôm Tuấn nhận được một bài thơ ngắn bốn câu của tác giả ký tên là Tuyết Trang. Bài thơ như thế này

“Tháng sáu trôi nghiêng thuyền độc mộc

Vụng về ngọn cỏ níu bờ lau

Tháng chín hoa thu viền nỗi đợi

Tháng chạp chìm sâu giấc mộng đầu”

Bài thơ ngộ ngộ, lơ mơ, huyền ảo, Tuấn không hiểu lắm nhưng vẫn cho lên trang. Báo phát hành. Tuyết Trang thấy bài được đăng thì gửi mấy hàng cho Tuấn trong email: “Cám ơn anh Tuấn nhé. Trang rất vui.” Tuấn đáp: “Không có chi. Hân hạnh chào đón tác giả mới.”

Từ đó Tuyết Trang làm thơ gửi cho Tuấn thường xuyên, cứ vài hôm là một bài bốn câu. Tự nhiên Tuấn thấy mến người nữ tác giả này kỳ lạ. Thơ của Trang chưa chắc hay đối với người khác nhưng hợp với tâm trạng của Tuấn nên Tuấn yêu thích lắm. Trang bảo: “Anh người miền Trung phải không? Bài viết của anh hay nhắc tới những địa danh miền Trung.” Tuấn đáp: “Vâng. Đúng là tôi người miền Trung. Tôi ở Huế. Xóm tôi ngày xưa tên là Thuận Lập. Tôi tha phương cầu thực mấy chục năm rồi. Nhớ người xưa quê cũ lắm. Giờ trở về chắc không còn ai nữa.” Thế là Trang làm bài thơ tặng Tuấn:

“Ngó về thành phố bình minh

Chòm mây lấp ló một tinh tú buồn

Xóm nhà Thuận Lập đâu xa

Trong tim anh đó kẻ ca người đùa

Chiều về nhặt chiếc lá thưa

Đốt lên thấy bóng hình xưa tìm về”

Nhiều người thích bài thơ này của Trang. Nhất là Tuấn. Tuấn đăng bài lên báo rồi cắt bài thơ trên trang báo để dành riêng cho mình nữa. 

Có lần Tuấn hỏi: “Trang quê ở đâu? Người Nam hay Bắc?” Trang đáp: “Quê nhà ở huyện Tây Xuyên. Cha làm tri phủ ngồi miền Hà Khê.” Tuấn biết Trang nhái thơ Lục Vân Tiên để chọc mình. Anh bảo: “Ghê chưa… dám giỡn với cụ Đồ Chiểu há. Cụ không còn thì tui thay mặt cụ …tui phạt đó nghe.” “Phạt gì?”- Trang hỏi. “Phạt không đăng thơ của Trang nữa chớ phạt gì”. Trang nín thinh, ba bốn ngày trốn biệt. Rốt cuộc người nhớ lại là Tuấn, lại lăng xăng lên email gọi Trang ơi Trang hỡi. “Anh trên núi xuống tìm em. Em đi như thể cánh chim về rừng. Sao em bối rối ngập ngừng. Hay là em đã thẳng đường về dinh?” Trang cười: “Hạt cườm trên cổ lung linh. Ngựa ô cất bước về dinh, dinh nào? Em về trên bến ngàn sao. Ngàn sao hỏi bến nào bến sao.” Tuấn bảo: “Trang làm thơ rối quá. Tôi không đăng đâu.” Trang bảo: “Anh không thích thì cứ bỏ đi.” Tuấn vờ giận rồi lại làm hòa. Xong lại đùa bỡn như bình thường. Hôm nào không thấy chữ Trang trên email là Tuấn nhớ ghê lắm. 

Trang đến, Trang đi cùng với những bài thơ làm Tuấn thấy mình trẻ như một chàng trai tơ, lâng lâng vui sướng. Từ chỗ hay viết văn xuôi Tuấn chuyển qua viết văn vần. Hai bên đối đáp toàn bằng thơ:

“Phải là em đấy hay ai

Kéo tôi thức giấc trăng đầy mái hiên

Trăng này trăng của tôi riêng

Rớt trên ngực áo bỏ quên không đành”

Trang đáp lại

“Trăng xanh trăng của riêng mình

Đã rơi trên nước tan tành bấy trăng

Vớt lên ướt sũng khuya rằm

Mà trăm mảnh vỡ còn vằng vặc đêm”

Tuấn ôm bài thơ của Trang vào ngực ngủ thiếp đi. Trong mơ Tuấn thấy mình lạc vào cánh đồng cỏ không người mênh mông vô tận, thấp thoáng là những mô đất lè tè trên con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Trời lúc ấy thẫm lại, tím hoang vu bốn bề. Tuấn đi mà không biết mình đi đâu, hoàn toàn mất phương hướng. Tuấn cứ thế mà đi, hai tay vẹt vẹt cành cây và những bụi cỏ cao vướng ngang mày cho tới khi Tuấn thấy trước mặt mình là một bờ sông, xa xa có cây dừa dại và một bóng người mặc áo trắng đang ngồi ở đó. Tuấn mừng quá kêu lên: “Ai đó ơi…chờ tôi với. Tôi lạc đường.” Vừa nói vừa rối rít chạy tới nhưng hoá ra cái người ngồi dưới gốc dừa chẳng phải là người mà là tảng đá lớn màu trắng. Tuấn ngơ ngác nhìn tảng đá rồi nhìn xung quanh. Vẫn chẳng có ai. Tuấn men theo bờ sông mà đi và nhác thấy cách mình không xa là cái chòi nhỏ có tấm bảng ghi dòng chữ: “Bán vé qua đò”. Tuấn chạy vội tới. Một ông cụ đang ngồi trong cái chòi đó chơi ô chữ một mình. Tuấn nói: “Chào cụ. Ở đây bán vé đò hả cụ? Sao cháu không thấy con đò nào hết?” Ông cụ đáp:

-Mấy tuần nay nước sông cạn lắm. Đò không hoạt động được. 

-Vậy muốn qua sông thì sao cụ?

-Thì chú mày bơi qua đi.

Ông cụ nheo mắt cười. Tuấn chưa kịp nói gì thêm thì ông cụ đứng lên kéo sập cửa lại. Tuấn buồn bã quay về chỗ gốc dừa có tảng đá trắng ban nãy ngồi nghỉ chân. Không gian tĩnh mịch vô cùng. Nước sông chảy chậm chạp, như hờ hững, như dỗi hờn. Từng đàn chim chiều vụt qua trong màn mây áo não. Đang ngồi nghĩ ngợi mông lung bỗng Tuấn thấy tảng đá lắc lư một chút rồi càng lúc lắc lư càng mạnh. Tuấn hốt hoảng đứng bật dậy nhìn sững tảng đá và rùng mình mở choàng mắt. Lúc này anh mới hay là mình vừa trải qua một giấc mơ lạ. Trong căn phòng vẫn chỉ một mình Tuấn và ngọn đèn ngủ cháy cô đơn bền bỉ. Anh thấy mình trơ trọi quá. Một thân một mình qua đây kiếm tiền nuôi mẹ nuôi em. Rồi mẹ mất. Tình anh em nhạt dần, bạn bè thân không có, thèm một người nói chuyện cũng không dễ mà tìm. 

Tuấn đưa tay vuốt mặt cho tỉnh rồi ngồi vào mở máy vi tính. Mới hai giờ sáng. Không mở máy vi tính thì đâu, biết làm gì. Máy báo có email của Trang. Tuấn liền mở ra đọc. Trang gởi bài thơ nhờ Tuấn đăng báo:

“Tôi đã ngồi đây trọn buổi chiều

Hoàng hôn tịch mịch nước cô liêu

Đợi mãi đò ngang không trở lại

Cây đứng bơ thờ mặc gió trêu.”

Tuấn đọc bài thơ xong tự nhiên liên tưởng đến giấc mơ của mình khi nãy. Hình như có cái gì giông giống giấc mơ ấy ở những chữ “hoàng hôn tịch mịch” “nước cô liêu” “đò ngang không trở lại”. Sao lạ quá. Tuấn trả lời email của Trang: “Trang vừa đi đâu chơi ngoài bờ sông phải không? Thơ hay đó. Sao không rủ tôi đi với.” Trang trả lời: “Không rủ được. Nước sông cạn nên đò nghỉ hết rồi. Đợi hôm nào nước lớn đi đò chơi mới vui.” Tuấn đọc những dòng trên email mà mướt mồ hôi. Sao có những sự trùng hợp lạ quá. 

Tuấn ngồi nghĩ ngợi một lúc lâu rồi bạo dạn viết trên email: “Trang ơi. Ngày mai tôi đi làm về sớm. Tôi mời Trang đi ăn kem được không? Tôi biết có tiệm kem ngon lắm. Chắc chắn là Trang thích đấy.” Trang trả lời: “Trang cám ơn anh. Trang bận lắm. Khi khác nha.” 

Tuấn không nản chí, mời tới mời lui, năn nỉ ỉ ôi đủ kiểu cho tới khi Trang miễn cưỡng nhận lời. Những dòng chữ Trang viết rời rạc và cụt ngủn. Nhưng dù sao cũng là một sự nhận lời. Tuấn hí hửng nói: “Vậy chiều nay tôi đi làm ra ghé đón Trang nhé.” Trang bảo: “Anh không cần đón. Cứ chỉ đường cho Trang. Trang ra một mình được mà.” Tuấn buộc lòng phải chỉ đường rành rẽ cho Trang trên email, thầm nghĩ : “Tôi mà tóm được em thì tôi nhất quyết không để em thoát khỏi tay tôi đâu.” 

Vừa tan sở Tuấn hồi hộp lái xe một mạch tới tiệm kem. Trên đường đi hàng chục chiếc xe đã bóp kèn inh ỏi vì Tuấn lái lạng quạng, băng qua lách lại làm họ phải thắng két két gần đâm sầm vào nhau. Cuối cùng Tuấn dừng lại trước cái tiệm rất dễ thương, thanh nhã, đậu xe và bước vào, lòng rộn rã như có vạn đoá hướng dương đang nở rộ tưng bừng. Lúc vừa mở cửa đi vào thì có một cô gái mặc áo trắng váy trắng hấp tấp vừa từ trong đi ra. Tuấn suýt đụng vào cô ấy nhưng cô gái lướt qua rất nhanh, có lẽ không nghe cả lời “xin lỗi” của Tuấn. Tuấn có cảm giác như một luồng gió lành lạnh vừa lướt qua gáy mình nhưng anh lập tức quên ngay. Anh không mảy may chú ý đến cái sự việc xảy ra trong nhấp nháy ấy, chỉ đưa mắt nhìn khắp trong tiệm mường tượng một khuôn mặt thanh tú đang chờ anh nơi một chiếc bàn nào đó nhưng đảo mắt đến từng góc kẹt vẫn không hề thấy có ai chờ đợi anh cả. 

Tiệm lúc ấy không đông lắm. Vài cái bàn đã có người ngồi ăn kem vừa ngả nghiêng ngả ngửa cười đùa rôm rả. Không thấy ai đi một mình. Tuấn chọn cái bàn gần cửa sổ mắt đăm đăm nhìn những người khách bước ra bước vào. Tuấn cứ ngồi nhấp nha nhấp nhổm, dáo da dáo dác như thế một hồi. Cô bán hàng thấy dáng điệu của Tuấn thì bước đến hỏi:

-Hình như anh đang chờ ai phải không ạ?

-Đúng rồi. Nãy giờ cô có thấy cô gái nào đi một mình không? Tôi hẹn cô ấy ra đây ăn kem mà đợi mãi không thấy cô ấy tới. 

Cô bán hàng nói:

-Lúc trước khi anh tới thì có một cô gái đi một mình vào đây. Tôi hỏi cô muốn ăn gì tôi mang ra thì cô bảo còn đang chờ một người nữa. Tôi mời cô ngồi vào cái bàn cạnh chậu hoa đó. Rồi tôi không chú ý tới cô nữa. Giờ thì tôi thấy anh dường như cũng đang đợi ai. Không biết người anh đợi có phải là cái cô hồi nãy không?

Tuấn ấp úng:

-Thật tình tôi không biết là có phải cô ấy hay không. Tôi chưa gặp cô ấy bao giờ. Còn cái cô chị vừa nói đó? Cô ấy đâu?

Người bán hàng bảo:

-Tôi không biết nữa. Tôi cũng lấy làm lạ. Hồi nãy cô ấy ngồi đó mà nay nhìn lại thì đi mất hồi nào tôi chẳng biết. 

Tuấn hỏi:

-Cô ấy …hình dáng như thế nào hả chị?

Chị bán hàng bảo:

-Tôi không nhớ rõ. Chung chung thì không có gì đặc biệt. 

Tuấn vô cùng thất vọng đáp:

-Kỳ quá. Tôi không hiểu. 

Chị bán hàng nói đến đó thì phải chạy đi lăng xăng tiếp những lượt khách mới vào. Quán kem càng về chiều càng đông. Tuấn ngồi một hồi chán nản đứng dậy ra về. Tất cả những cánh hoa hướng dương vừa nở rộ trong lòng Tuấn cách đây một giờ nay đã gục xuống héo xác xơ. Vừa về đến nhà Tuấn nhảy bổ vào máy vi tính định mắng mỏ Trang bằng tất cả những lời lẽ nặng nề để trút cho hết cái tức giận thì nhận thấy Trang đã gởi email cho Tuấn rồi. Trang viết: “Anh Tuấn. Hồi chiều Trang có ra tiệm kem như đã hẹn với anh nhưng có việc bất ngờ nên phải đi gấp. Trang đã nói với anh là Trang rất bận. Trang không có thì giờ đi ăn. Anh cứ nài ép mãi. Trang thành thật xin lỗi anh.” Tuấn nhìn những hàng chữ cứng đờ trên máy vi tính lòng dâng lên cảm giác chán chường muốn đập phá tất cả. Không lẽ giữa anh và Trang mãi mãi là cái máy vi tính chết tiệt này. Nếu Trang có ra thì ai là Trang? Là cái cô gái gần đụng ở cửa khi Tuấn bước vào hay là cái cô mà người bán hàng đã thuật lại hay là một ai khác nữa? Mọi sự việc đều hết sức mơ hồ, có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên một cách quái đản khiến Tuấn có cảm giác như Trang là cái bóng lơ lửng mà Tuấn vừa suýt chạm tay vào thì nó khéo léo lách đi. Sau chuyện hẹn hò thất bại ở tiệm kem Tuấn không còn mời Trang đi ăn nữa và cứ mặc kệ thời gian trôi đi, mặc kệ những bài thơ bềnh bồng của Trang tiếp tục chập chùng trên trang báo của Tuấn. 

Một hôm Tuấn nghĩ ra được một kế. Anh viết email cho Trang: “Trang ơi. Có một độc giả ái mộ thơ của Trang. Họ gởi cho tôi một bức thư nhờ chuyển đến cho Trang. Thư viết trên giấy hẳn hòi đấy không phải email đâu. Trang cho tôi địa chỉ của Trang đi rồi tôi gởi đến cho Trang.” Đợi mãi không thấy Trang trả lời. Sau một tuần thì Trang viết cho Tuấn: “Trần Thị Tuyết Trang. Số nhà 2455 đường Cối Xay Gió.” Tuấn hỏi: “Trang có số điện thoại không? Nếu có thì ghi ra cho tôi đi. Nếu đi lạc tôi sẽ tìm điện thoại công cộng mà gọi cho Trang.” Trang ghi cho Tuấn số điện thoại với lời dặn dò: “Trang ở trọ nhà người ta. Khi nào kẹt lắm hãy gọi vì đây là số của chủ nhà.” Tuấn đọc email xong lẩm bẩm: “Được rồi. Bây giờ em có chạy đằng trời cũng không thoát.” 

Tan sở chiều hôm ấy Tuấn theo địa chỉ Trang cho trên email tìm đến. Trước đó Tuấn đã coi trên bản đồ và nhận thấy địa chỉ ấy nằm ở phía Đông Bắc thành phố. Tuấn theo bản đồ mà chạy, lên xuống nhiều cây cầu, luồn dưới những hàng cây giao nhau, băng qua những khu phố rất đông đúc chật chội sau rốt rẽ vào con đường có tên là Cối Xay Gió. Con đường này ngắn, một đầu có rất nhiều hàng quán, đầu bên kia thì thưa thớt. Tuấn chạy rề rề, tìm số 2455 nhưng không có. Số 2453 là một tiệm food-to-go, kế đó là một rẫy bắp, hết rẫy bắp là nghĩa trang. Tuấn lấy số điện thoại của Trang cho và tìm đến trạm điện thoại công cộng để gọi. Một giọng phụ nữ vang lên:

-Vườn Vĩnh Cửu xin nghe. Anh cần giúp chi ạ?

Tuấn bàng hoàng:

-Xin lỗi. Chắc tôi gọi nhầm. Tôi đi tìm một người bạn và cô ấy cho số này. 

Nói xong Tuấn gác máy thừ người ra nghĩ ngợi. 

Có một cái gì rất phi lý ở đây. Cái đó giục giã Tuấn phải tìm cho ra sự thật. Anh lái xe đến nghĩa trang có cái tên là Vườn Vĩnh Cửu mang biển số 2455 đường Cối Xay Gió. Tim Tuấn đập thình thịch khi nhìn thấy cái biển số ấy. Văn phòng quản lý nghĩa trang nằm ngay bên tay phải cạnh cổng ra vào. Cửa mở. Bên trong là một phụ nữ lớn tuổi ăn mặc rất nghiêm trang ngồi phía sau một cái bàn lớn. Tuấn bước đến chào:

-Thưa bà. Tôi đi tìm một người bạn. Cô ấy cho địa chỉ và số điện thoại ở đây. Tôi thấy lạ. Chắc chắn cô ấy là một người sống, không phải người chết vì cô ấy viết email cho tôi thường xuyên. Tôi nghĩ là cô ấy đã đùa với tôi. 

Bà quản lý nghĩa trang hỏi:

-Thế bạn anh tên gì?

Tuấn đáp:

-Tên Trần Thị Tuyết Trang ạ. 

Bà quản lý mở quyển sổ lớn bìa cứng bọc da ghi chi chít tên ra dò. Tuấn nghe từng thời khắc trôi qua như từng thế kỷ. Ngón tay bà chợt dừng lại ở một vị trí trên quyển sổ rồi bà ngẩng lên bảo:

-Có một người chết chôn ở đây tên là Trần Thị Tuyết Trang. Anh có muốn đi ra mộ cô ấy với tôi không?

Tuấn nghe tim mình như ngừng đập. Anh lập bập nói “vâng” rồi theo chân bà quản lý bước ra hằng hà sa số những ngôi mộ trùng trùng trên bãi đất mênh mông. Bà len giữa những hàng mộ được bao bọc bởi cỏ xanh, đi thêm một đỗi nữa rồi dừng lại chỉ tay về phía trước:

-Anh cứ đi đi. Mộ cô ấy cuối dãy này, cạnh cái cây lớn đó. 

Tuấn rảo bước về phía ấy và hiện lên trước mặt anh là một ngôi mộ gọn gàng bằng phẳng với tấm bia ghi hàng chữ: “Trần Thị Tuyết Trang

Sinh ngày… mất ngày…”. Tấm mộ bia không có hình. 

Tuấn nhìn sững ngôi mộ, đứng đực ra như trời trồng. Cho tới lúc ấy Tuấn vẫn không tin cô gái làm thơ gởi cho mình trong bấy lâu nay là cô gái nằm dưới ngôi mộ này. Không thể nào phi lý đến như thế được. Chắc chắn đó là một người còn sống và cô ta đã mượn tên, mượn địa chỉ của một người đã chết để dựng ra cái màn này nhằm trêu chọc Tuấn hoặc nhằm che đậy chính bản thân cô ấy mà thôi. 

Vài giọt mưa bắt đầu rơi trên vai áo Tuấn. Anh đứng nhìn mãi cái mộ bia, bần thần, buồn bã. Tại sao Trang phải làm như vậy chứ? Rồi gió chợt lớn dần, càng lúc càng dữ dội, làm lá cây rụng rào rào và bụi mù mịt bốc lên từng đám lớn. Sấm chớp ầm ầm nổi lên bốn bề. Tuấn chạy thật nhanh ra khỏi nghĩa trang, chui tọt vào xe mở máy chạy trong màn mưa trắng xoá. Tóc và áo anh ướt nhẹp, hai ống quần đầy bùn. Anh nắm chặt vô-lăng nghiến răng tự hỏi thêm một lần nữa: “Trang. Tại sao Trang phải làm như vậy chứ?”

Về đến nhà Tuấn một tay che đầu một tay ôm đồ đạc lập cập mở cửa bước vào ướt loi ngoi như một con chuột. 

Nhà tối om từ sau ra trước trừ một quầng sáng duy nhất hắt hiu toả ra từ một bóng đèn trái ớt thắp trường kỳ trên lối đi. Để nguyên bộ quần áo ướt Tuấn run rẩy bước vào bàn làm việc bật máy vi tính. Trên màn hình hiện lên bài thơ của Trang rõ ràng từng dấu chấm dấu phẩy:

“Em đã chết từ lâu

Hồn ẩn sau trang chữ

Như sương trời tan tụ

Thể phách còn chi đâu

Tinh anh như đốm lửa

Lập loè những đêm thâu

Bài thơ bắt nhịp cầu

Cõi trần và mộ sâu

Không hình không diện mạo

Nỗi nhớ rồi phai mau

Cuộc trần ai đã đủ

Sum vầy chỉ chiêm bao”

Bài thơ như một lời thì thầm vọng về từ cõi âm. Tuấn rùng mình dáo dác. Anh có cảm tưởng như có bàn tay ai đó với những cái móng dài và nhọn đang gõ cộp cộp vào mặt kính và sau vườn trong bóng đêm dày đặc là tiếng gió hú, tiếng cành cây quất sàn sạt vào mái nhà. Tuấn hít hơi thật mạnh rồi từ từ nhắm mắt lại thở ra hết những bức bối trong lòng. Nỗi sợ trong anh từ từ lắng xuống như lu nước đục được lóng phèn. Mắt anh rươm rướm dòng lệ. Không. Không hề có chuyện ma quỉ gì ở đây. Tất cả chỉ là một màn kịch do Trang dựng lên nhưng tại sao Trang là người mà phải đội lốt ma để sống? Có lẽ phía sau trang chữ của Trang là một tâm hồn đau khổ, là những u ẩn cần che đậy? Trang không muốn thế gian này biết mình là ai chăng? Mỗi người ai cũng có những bí mật của họ, thì thôi mặc kệ, tốt hơn là Tuấn không nên hỏi gì nữa cả. Cứ để Trang đóng vai ma và Tuấn đóng vai một người trên dương thế, đi tìm nhau mà mãi mãi không bao giờ gặp, cứ tự nhiên mặc kệ tất cả, đừng thèm lý giải thêm nữa những cái hư hư thực thực trộn lẫn vào nhau như một mớ bòng bong rối ren đến nhức đầu. 

Tuấn nhớ lại bài thơ Trang đã gởi cho mình lần đầu tiên:

“Tháng sáu trôi nghiêng thuyền độc mộc

Vụng về ngọn cỏ níu bờ lau

Tháng chín hoa thu viền nỗi đợi

Tháng chạp chìm sâu giấc mộng đầu…”

Kiểm lại từng câu Tuấn thấy hoàn toàn khớp với thực tại. Tuấn quen Trang vào tháng Sáu, mời Trang đi ăn kem vào tháng Chín và nay đến lúc chia tay Trang là tháng Chạp. Sáu tháng đã qua cho một sự quen biết mà đến nay cái kết thúc đã chờn vờn trước mặt Tuấn rồi. Anh gõ vào máy vi tính những câu thơ trả lời Trang:

“Tương tri ngần ấy đủ rồi

Nước sông sẽ chảy một đời sẽ qua

Em là người? Em là ma?

Bấy nhiêu đã đủ ngọc ngà rồi em.”

Tuấn nhìn mãi những dòng chữ của mình và của Trang trên màn hình vi tính, nhìn mãi, nhìn mãi như cố gợi ra trong lòng một hình ảnh nào đó nhưng làm sao có được một hình ảnh nào mà gợi đối với một người Tuấn chưa từng gặp, ngay một mái tóc một nụ cười cũng không hề tồn tại trong tâm trí. Nén một tiếng thở dài, cuối cùng Tuấn bấm chữ send, tắt máy rồi đi ngủ. 

Từ đó về sau những bí mật về Trang mãi mãi là bí mật mà Tuấn chẳng buồn nghiền ngẫm để giải mã. Một điều duy nhất Tuấn buồn là không bao giờ anh còn nhận được thêm một bài thơ hay một email nào của Trang nữa. 

Cao Thanh Phương Nghi

Related posts