Phụ nữ Bangladesh trong thời đại bạo hành

Chân dung cô gái trẻ Nusrat Jahan Rafi bị thiêu sống ở Bangladesh

Thời đại nam nữ bình quyền đã tạo ra những khuôn mặt nữ lưu sáng giá nổi danh trên thế giới như Jacinda Kate Laurell Ardern của New Zealand, Thresa May của Anh và Angela Merkel của Đức…Tuy nhiên, trên thế giới ngày nay không phải ở bất cứ nơi nào nữ quyền cũng luôn luôn được bảo vệ như ở Âu Mỹ. Trái lại tại nhiều quốc gia đang phát triển như ở Phi châu, Á châu… vai trò phụ nữ trong mọi lãnh vực sinh hoạt gần như không được tôn trọng. Họ thường bị chèn ép, kỳ thị và bản thân người nữ còn là nạn nhân của nạn bạo hành. Mới đây trên các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới đều đăng tin một nữ sinh trẻ đẹp bị thiêu sống chỉ vì đứng lên tố cáo bị vị hiệu trưởng tấn công tình dục ngay nơi theo học ở Bangladesh.
Bangladesh, còn gọi là Đông Hồi, nằm ở phía đông Ấn độ trên vịnh Bengal, là một quốc gia khá lớn với dân số trên 160 triệu, có thủ đô là Dhaka, với đa số dân theo đạo Hồi. Dân đông, quốc gia tuy hẹp nhưng có phần trù phú nhờ nhiều sông rạch và đồng bằng phì nhiêu với phong cảnh hữu tình. Trước đây Bangladesh là thuộc địa của Anh quốc, và khi lục địa Ấn độ bị chia ba (1947) thì xuất hiện Đông Hồi và Tây Hồi (Pakistan) bên cạnh Ấn quốc. Là đất hiểm, dân đông nhưng nơi này do hoàn cảnh lịch sử, nên xã hội phân hóa, nhiều mối xung đột về tôn giáo và sắc tộc. Ở đó, bên cạnh thành phần tiến bộ, lại có rất nhiều giới bảo thủ cực đoan trọng nam khinh nữ, tôn sùng hủ tục hơn nhân quyền. Dẫn tới, quyền của phụ nữ nhiều khi bị chà đạp và phụ nữ thường là nạn nhân của nạn bạo hành.
Không mấy người quên, giữa tháng 4, 2019 bi kịch của nữ sinh Jahhan Rafi, đã làm xúc động kẻ có lương tâm, không những tại Bangladesh mà trên toàn thế giới.

Thảm kịch của Nusrat Jahan Rafi.

Cô gái trẻ, 19 tuổi, vào hôm 6/4 bị một nhóm 4 người đội khăn trùm đầu dụ dỗ lên mái ngôi trường Hồi giáo nơi cô đang theo học ở hạt Feni, phía đông nam Bangladesh, rồi trói chặt, và đổ dầu hỏa lên người thiêu sống. Nguyên nhân là Rafi không chịu rút đơn kiện viên hiệu trưởng.
Trước đó, hôm 27/3, Rafi đã đi trình báo cho nhà chức trách rằng thầy hiệu trưởng Maulana Siraj Ud Doula gọi cô lên phòng và liên tục sờ soạng, động chạm cơ thể cô. Nạn nhân cho biết Doula đã sàm sỡ mình nhưng các giáo viên trong trường khuyên cô nên giữ im lặng.

Lời khai của Rafi với nhà chức trách đã được một nhân viên cảnh sát quay lại và đăng lên mạng xã hội, một hành động trái pháp luật. Trong video, Rafi cầu cứu và cố dùng hai tay che mặt. Trong khi nam cảnh sát lại nói “đây không phải vấn đề gì lớn” và yêu cầu Rafi “ngừng khóc bởi chuyện chẳng có gì nghiêm trọng đến mức đó”.
Hiệu trưởng Maulana Siraj Ud Doula đã bị bắt nhưng gia đình Rafi bắt đầu nhận được những lời dọa giết từ những kẻ ủng hộ ông ta và các nam sinh. Ngoài ra, các chính trị gia địa phương cũng kêu gọi thả tự do cho Doula.
Sau khi Rafi tử vong, người dân đã đổ xuống đường hay lên mạng xã hội để thể hiện sự phản đối trước cách đối xử với những nạn nhân bị tấn công tình dục.
Ngày 8/4, cảnh sát bắt giữ 15 người liên quan, bao gồm ba nam sinh, một nữ sinh ở trường vì nghi ngờ đã thiêu sống Rafi. Cảnh sát cũng đã mở cuộc điều tra về việc nhà chức trách xử lý vụ án. Nam cảnh sát chia sẻ video quay cảnh Rafi tới trình báo đã bị thuyên chuyển và đang bị kiện theo Luật Bảo mật Kỹ thuật số.
Cảnh sát cho hay một trong số 17 nghi phạm bị bắt đã tố cáo hiệu trưởng của trường ra lệnh tấn công Rafi.
Ông hiệu trưởng “yêu cầu họ gây áp lực buộc Rafi phải rút đơn kiện hoặc giết chết nếu cô từ chối”, Mohammad Iqbal, người đứng đầu cuộc điều tra, cho biết.
Iqbal cho hay ít nhất 5 trong số các nghi phạm, bao gồm ba bạn cùng lớp của Rafi, đã trói cô lại bằng khăn trước khi châm lửa.
“Kế hoạch được dàn dựng như một vụ tự sát nhưng thất bại khi Rafi cố gắng đi xuống cầu thang. Lửa làm cháy khăn, khiến chân tay Rafi được tự do”, ông nói.
Cô bị bỏng 80% cơ thể và qua đời tại bệnh viện hôm 10/4. Nhưng trước khi chết, cô đã quay lại video, lặp lại cáo buộc với hiệu trưởng.
“Ông ấy đã sờ mó tôi, tôi sẽ chống lại tội ác này tới hơi thở cuối cùng”, cô nói, tiết lộ tên một số kẻ tấn công mình.

Vụ án gây làn sóng phẫn nộ khắp Bangladesh. Thủ tưởng Sheikh Hasina tuyên bố sẽ trừng phạt hung thủ. Các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ đổ lỗi cho số vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục gia tăng ở Bangladesh do chính quyền không truy tố những kẻ tấn công.
“Vụ sát hại kinh hoàng một phụ nữ dũng cảm đang tìm kiếm công lý cho thấy chính phủ Bangladesh đã thất bại trong việc bảo vệ nạn nhân bị tấn công tình dục”, Meenakshi Ganguly, giám đốc tổ chức Quan sát Nhân quyền khu vực Nam Á nói. Ganguly nói:
“Cái chết của Nusrat Jahan Rafi nhấn mạnh chính phủ Bangladesh cần phải bảo đảm an toàn cho những người sống sót khỏi nạn tấn công tình dục, đảm bảo họ tiếp cận được hệ thống pháp lý và không bị trả thù”,.
Không phải cái chết của Nusrat Jahan Rafi là trường hợp đơn lẻ tiêu biểu cho nạn bạo hành nữ giới ở Bangladesh, mà báo chí Canada còn nhắc tới bi kịch của Rumana Monzur, một trí thức Bangladesh từng du học ở đại học British Columbia (University of British Columbia) bị chồng móc mắt cắt mũi chỉ vì ngờ rằng vợ học giòi, bằng cấp hơn mình sẽ bỏ mình theo người khác.
Rumana Monzur, một nạn nhân bị cực hình vì bạo hành nhưng sống sót!
Nguyên nhân do chế độ “chồng chúa vợ tôi” ở Bangladesh. Ông chồng cảm thấy thất thế trước bà vợ tiến bộ, dẫn tới bạo hành, hủy hoại nhan sắc của vợ, có lẽ trong thời đại chúng ta khó kiếm ra ông chồng nào bằng Hasan Sayed Sumon của Bangladesh.
Bi kịch hôn nhân khởi từ một cuộc tình đẹp giữa một kỹ sư với một phụ nữ trí thức cùng quê hương Bangladesh.
Chàng trai có tên là Hasan Sayed Sumon ở Dhaka, một kỹ sư mới tốt nghiệp gặp một cô gái vừa xinh xắn vừa học giỏi có tương lai mở rộng, có tên là Rumana Monzur. Cả hai ở tuổi trên dưới ba chục và giấc mộng xây dựng tổ âm gia đình tràn trề trong tâm tư. Họ lấy nhau và căn nhà hạnh phúc được xây dựng ở Dhanmondi, Dhaka.
Sau năm năm hương lửa mặn nồng, một bé gái ra đời làm cho chuyện tình của Hasan-Rumana thêm đẹp. Đẹp hơn nữa là tương lai của người vợ trẻ. Rumana Monzur trở thành giảng sư tại Đại học Dhaka về môn bang giao quốc tế.
Trong khi ấy người chồng thì không may mắn bằng bà vợ, vì kinh tế toàn cầu suy thoái nên Hasan Sayed Sumon thất nghiệp dài dài.
Chồng trong cơn bĩ, sự nghiệp bế tắc thì đường công danh của vợ lại hanh thông, vì Rumana Monzur được học bổng Fulbright sang Canada theo học cao học. Người phụ nữ thông minh này ghi danh vào Đại học British Columbia (UBC) về môn chính trị và hy vọng sau khi tốt nghiệp trở về nước sẽ trở thành giáo sư chính thức của đại học Dhaka và từ đó có thể tham gia vào phong trào nữ quyền cũng như sinh hoạt chính trị của một quốc gia đang trên đà phát triển dân chủ.

Thế là cuộc chia tay tạm thời diễn ra giữa Monzur và Sayed Sumon.

Có lẽ “xa mặt cách lòng” như người ta thường nói và Sayed Sumon hình như cũng nghĩ thế nên không yên tâm có một bà vợ trẻ đẹp ở một xứ văn minh trọng nữ quyền và trọng tự do cá nhân như Canada. Trong trí tưởng tượng của Sayed Sumon có thể Monzur đã có bạn trai mà như luận kháo rằng là một trí thức Iran, và rồi mai đây sẽ quay lại quê hương đòi ly dị với ông ta để ôm cầm thuyền khác.
Có thể từ ghen tuông và cả ghen tỵ nữa, nên tình yêu ban đầu Sayed Sumon dành cho Rumana Monzur dần dần bị bào mòn và thay vào đó là những cơn ghen ghét ngấm ngầm, càng tưởng tượng thì ghen ghét càng tăng. Rồi ghen ghét biến thành hận kẻ từng là nô lệ của mình sắp biến thành kẻ ngang hàng với mình.
Tuy nhiên cách trở đại dương, làm cách nào Sayed Sumon có thể bay sang Canada để thực hiện ý định trả thù.
Có lẽ cũng biết ông chồng ghen ghét, nên Monzur muốn chứng tỏ tấm lòng “phu xướng phụ tùy” với chồng, vì con, nên đã quyết định bay về Dhaka vào đầu tháng sáu, 2011 để giải tỏa sự nghi ngờ vô cớ của ông chồng đa nghi và độc đoán. Mặc dù thân thích ở British Columbia biết Sayed Sumon là anh chàng hẹp hòi lại võ phu nên khuyên Monzur cần suy nghĩ chín chắn trước khi mua vé máy bay bay về quê cũ, nhưng tất cả không lay chuyển được Monzur. Bà ta nghĩ rằng mùa hè đã trở về, bé gái ở quê nhà đang chờ đợi mẹ, mẹ con gặp nhau hạnh phúc nào bằng! Thế là Monzur quyết định bay về “tổ ấm.”
Không biết rõ việc gì đã xảy ra ở nơi từng là tổ ấm ở Dhanmondi của cặp Rumana Monzur-Sayed Sumon vì nhân chứng duy nhất chỉ là bé gái 5 tuổi đời còn ngây thơ khờ dại. Chỉ biết hậu quả của nó đã là làm cho nhiều người bất bình. Khi người nhà tới hiện trường thì phát giác đôi vợ chồng đang lăn lộn trên mặt đất vì thương tích.
Họ tìm thấy Monzur trong tình trạng bị thương không nhẹ. Mặt bà ta đầy máu vì một phần mũi đã bị cắn đứt và ở miệng của người chồng có máu tươi, hình như ông ta đang nhai miếng thịt của kẻ từng yêu và giờ đây đang hận.
Tệ hại hơn nữa là đôi mắt xưa kia xinh đẹp và thông minh của một phụ nữ trí thức, giờ đây đã gần như lòi ra khỏi tròng. Nạn nhân thở dốc từng cơn biểu lộ đau đớn tới cùng cực sau khi bị hành hạ. Người ta vội đưa Monzur vào nhà thương cấp cứu.
Bệnh viện ở Dhaka sau khi chẩn đoán và sơ cứu nạn nhân đã cho biết Monzur có khả năng bị mù vĩnh viễn.
Báo chí toàn quốc Bangladesh đăng tải tin trên và dư luận toàn quốc nhao nhao bất bình vì tất cả cho rằng Sayed Sumon vì độc tài đã hành hạ và hủy hoại nhan sắc của vợ với ý nghĩ trả thù sự phụ bạc và trừng phạt bà ta vĩnh viễn không còn khoe mặt với đời và vui duyên tình mới được nữa. Hành vi thực là tàn ác, xuất phát từ một tâm hồn hẹp hòi, ghen tỵ, ích kỷ và đầy thành kiến với phụ nữ.
Nghi can Sayed Sumon mãi ngày 15 tháng 06 mới bị bắt giữ và bị truy tố về tội mưu toan giết vợ vì như lời khai của nạn nhân thì nếu không có sự can thiệp kịp thời của người thân bất ngờ tới nhà thì ông chồng cả ghen đã bóp cổ bà ta cho tới chết.
Tuy nhiên, Sayed Sumon không nhận tội. Ông ta một mực cho rằng bị vợ tấn công trước và bản thân chỉ tự vệ mà thôi. Dù không có ai chứng kiến trận ẩu đả giữa người chồng ghen tuông và bà vợ xinh đẹp ngoài đứa con thơ ngây của họ, nhưng chỉ căn cứ vào thương tích của Monzur kẻ bàng quan cũng nhận ra bà ta mới là nạn nhân.
Nạn nhân Monzur mau chóng trở thành tiêu biểu cho nữ quyền ở Bangladesh bị chà đạp một cách tệ hại.
Ở ngoại quốc dư luận cũng lên án việc làm của Sayed Sunon như như một hành vi dã man của nam giới trong những quốc gia nữ quyền không được tôn trọng.

Một đồng học của Monzur ở Đại học British Columbia tiết lộ Monzur chỉ là nạn nhân của một ông chồng ghen bóng ghen gió, chứ sự thực bà ta là một người tận tụy với gia đình, và cho rằng: “Mọi người chúng tôi đều xúc động trước tin Monzur bị hành hung tới mức độ khó chấp nhận. Ở thế kỷ này khó mà tưởng tượng lại xảy ra hành vi man rợ như thế đối với nữ giới!”
Chủ tịch của UBC là Stephen Toope khi ấy trong một thông báo, đã nhận định: “Bi kịch này là một dấu ấn nhắc nhở chúng ta phải làm hơn nữa để bảo vệ quyền theo đuổi học vấn dành cho nữ giới.”
Toope sau đó tiết lộ một quỹ đặc biệt đã được thành lập ở đại học để giúp Monzur gấp rút trang trải các tốn kém y phí mà hiện nay nạn nhân phải đối phó.
Cuối tháng sáu, đã nổ ra một cuộc biểu tình ở Vancouver tố cáo nạn bạo hành đối với nữ giới.
Đồng thời, nhiều cuộc vận động thành lập các quỹ cứu trợ dành cho Monzur cũng đã được tiến hành.

Tình trạng của Ruman Monzur sau đó ra sao?

Theo tờ Daily Star ở Bangladesh thì nạn nhân Monzur ban đầu sau khi cấp cứu ở Dhaka, đã được chuyển tới bệnh viện Sankara Nethralaya, một dưỡng đường chuyên khoa mắt mở Chennai, An. Sau đó vì thấy tình trạng của nạn nhân có nhiều nguy cơ mù lòa, vì giác mô bị tổn hại nặng nề, nhất là mắt trái hoàn toàn hư hại, còn mắt phải may ra có một chút sinh cơ, nên bà ta được chuyển ngay tới dưỡng đường chuyên môn về mắt cao cấp hơn tại Pondicherry và cuối cùng được mang sang Canada trị liệu,
Monzur sau khi hồi tỉnh nghĩ sao về vụ mình là nạn nhân của cuộc hành hung?
Tình vợ chồng đã hết chỉ còn thù hận kẻ bạo hành mà thôi, bà nức nở tuyên bố với báo chí: “Hắn đã đẩy tôi rơi vào cõi tối tăm. Tôi không còn nhìn thấy con gái mình nữa. Con tôi còn quá trẻ, cha mẹ tôi bệnh hoạn, thế mà hắn nỡ lòng nào gây cho tôi thảm trạng này… Tôi cảm thấy bị đe dọa, bất an…Các vị hãy vì công bằng lên tiếng kêu gọi cho hắn sớm ra trước công lý.”
Hiệp hội nữ quyền trong nước Bangladesh trước vụ này cũng sôi nổi đòi trừng phạt thật nặng người chồng bất nhân, ích kỷ ghen ghét vợ giỏi giang hơn mình…
Quyền tổng thư ký của đảng Quốc gia Bangladesh BNP (Bangladesh Nationalist Party) khi ấy là Mirza Fakhrul Islam Alamgir qua báo chí đã gửi lới đòi hỏi chính quyền phải xử nặng Sayed Sumon về tội hành hạ phụ nữ.
Nhưng Hasan Sayeed Sumon không ở tù lâu vì chỉ mấy tháng sau khi bị bắt (tháng 6, 2011) thì vào cuối tháng 11, bị cáo tử vong tại nhà tù vì nguyên nhân không rõ. Phải chăng pháp luật không thể trừng phạt người chồng vũ phu vì dư luận tôn giáo bênh vực hắn nên chỉ còn cách để hắn chết cho xong chuyện!
Trong khi ấy, Rumana dù phải trải qua nhiểu cuộc giải phẫu, cuối cùng chấp nhận mù lòa. Nhưng người phụ nữ kiên cường quyết tâm đứng dậy và vào 2013 tiếp tục tới đại học và vào 2017 lấy được chứng chỉ hành nghề luật sư từ phân khoa Peter A. Allard School of Law của UBC với ước nguyện phần đời còn lại sẽ dành tranh đấu cho nữ quyền…

Chu Nguyễn

Related posts