Quân đội Trung Quốc: điểm yếu phòng thủ

Trong những kỳ trước chúng ta đã bàn đến những điểm yếu của quân đội Trung Quốc trên phương diện trang bị, tổ chức, tham mưu, chỉ huy và cả các học thuyết quân sự. Kỳ này chúng ta sẽ bàn đến những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ Trung Quốc, đó là những tử huyệt mà nếu đối phương nhắm đến để tấn công, hậu quả sẽ hết sức tàn khốc cho Trung Quốc.

Đầu tiên là hệ thống “Vạn lý trường thành trên biển” (The Great Wall At Sea), hệ thống chuỗi đảo nhân tạo như là hệ thống “tiền đồn” để kiểm soát hải phận và không phận mà Trung Quốc đã “chiếm” từ lâu trên giấy.

 Từ năm 2015, theo ước tính của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) Trung Quốc đã tạo được một diện tích 600 mẫu tây với các cơ sở hạ tầng như đường băng, kho tiếp liệu, trạm tiếp nhận các tàu hải cảnh cũng như các chiến hạm. Chuỗi đảo này đã cho phép Trung Quốc hiện diện thường xuyên trên vùng biển Đông Nam Á và được giới võ biền diều hâu nước này diễn tả như là những “hàng không mẫu hạm không thể nào chìm”.

Chuyện này đã được nói nhiều, không ai quan tâm thế sự mà không biết. Vấn đề là cái việc làm hỏng thế cân bằng của thiên nhiên của này có thể qua mặt được thiên nhiên hay không?

Mưu sự tại Tập, thành sự tại Thiên

Đầu năm 2016 Trung Quốc đã hút cát đê bồi đắp ở đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo chính Phú Lâm khoảng 12 km về phía Bắc. Không ảnh do vệ tinh nhân tạo chụp vào tháng 2 và 3 năm 2016 cho thấy các tàu nạo vét, xây dựng cầu cát dài 700 m để nối liền đảo Bắc với đảo Trung lân cận.

Tháng 10 năm 2016 hai trận bão đã thổi bay công trình này. Ảnh vệ tinh chụp ngày 14.11.2016, cho thấy cầu cát này đã bị xóa sổ.

Kể ra thì đó là “may” cho Trung Quốc vì trận bão ấy chủ yếu chỉ quét vào hướng Hoàng Sa. Nếu bão mà quét vào vùng biển Trường Sa, thiệt hại của họ sẽ còn lớn hơn nữa.

Trước đó, ngày 1.8.2016, tạp chí Quartz của Mỹ đã cảnh cáo điều này trong bài “MOTHER NATURE: It’s typhoon season in the South China Sea-and China’s fake islands could be washed away” (Mẹ thiên nhiên: Mùa bão tại Biển Đông – và những hòn đảo giả tạo của Trung Quốc có thể bị quét sạch) của ký giả Steve Mollman,

Theo tác giả thì Trung Quốc có thể chai mặt thách thức nền công pháp quốc tế nhưng nhất định phải chịu thua trước sức mạnh của thiên nhiên.

Tác giả dẫn lới giới chuyên môn, theo đó các đảo nhân tạo mà Trung Quốc hút cát biển bồi đắp trên các rạn san hô trên biển Đông có thể bị sóng to, gió mạnh và bão lớn đánh sập. Vì để làm như vậy, Trung Quốc đã bắt tay hủy hoại nền móng của chính các rạn san hô này.

Tác giả dẫn một công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications năm 2014, cho biết trung bình các rạn san hô hóa giải đến 97% năng lượng của các đợt sóng, trong đó phần đỉnh hay cạnh hướng ra biển làm tiêu tan khoảng 86% năng lượng. Trong quá trình xây dựng, Trung Quốc đã hủy hoại các rạn san hô và khiến các hòn đảo nhân tạo này dễ bị cho sóng lớn nuốt chững.

Tác giả cũng dẫn lời nhà sinh vật hải dương nổi tiếng John McManus, Giáo sư tại Đại học Miami (Florida – Mỹ), người đề nghị biến vùng biển Trường Sa thành vùng bảo tồn hải dương quốc tế. Theo Giáo sư McManus thì các bức tường chặn cát mà Trung Quốc xây lên trên các rạn san hô như là nền móng cho các hòn đảo nhân tạo sẽ hủy diệt hệ thống sinh thai của chúng, khiến chúng mất khả năng tự điều chỉnh để tăng trưởng theo mức nước biển đang gia tăng.

Nếu phần móng mất khả năng tự điều chỉnh, chúng sẽ sẽ suy yếu và các cấu trúc bên trên trở nên mong manh.

Tờ báo chỉ ra những phân tích không ảnh từ vệ tinh cho thấy chỉ vài tháng sau khi xây trái phép đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa, Trung Quốc đã phải bồi đắp lại một góc đảo bị “sụt móng”, chìm xuống biển.

Đó là trời tính. Còn nếu mưa thuận gió hòa thì các hòn đảo này phải đối phó với sức của con người!

Người tính

Về mặt chiến lược thì nếu trụ được trên Biển Đông, các hòn đảo nhân tạo đang đóng một ý nghĩa đáng kể trong việc phục vụ tham vọng bành trướng như là căn cứ tiếp liệu cho đội tàu hải cảnh.

Nhưng những tàu hải cảnh này chỉ có thể hù dọa các tàu đánh cá Việt Nam, Philiipines. Còn nếu xảy ra chiến tranh thì thì các hòn đảo này rất khó mà trụ được và khó mà đảm đương vai trò của những “hàng không mẫu hạm không thể nào chìm”.

Về mặt chiến thuật thì những căn cứ trên đảo nhân tạo với bề ngang từ 200 đến 300 mét không thể nào tự phòng thủ được.

Thứ nhất, chúng không có đủ tài nguyên để tự duy trì cuộc sống và sinh hoạt lâu dài. Từ nước uống, đến lương thực, chất đốt v.v…, mọi thứ đều phải tiếp tế từ đất liền, gần nhất là Hải Nam. Trong khi đó thì do diện tích chật hẹp lại trống trải, khả năng dự trữ không cao, do đó nếu bị bao vây lâu ngày thì sẽ kiệt quệ

Thứ hai, các hòn đảo này cũng không có địa thế phòng thủ tự nhiên. Không có thế núi để dựa lưng vào, cũng không có hang sâu để ẩn náu và tòan bộ những mục tiêu này rất dễ bị vùi dập bằng hỏa lực mạnh.

Các đảo nhân tạo không thể di chuyển trong khi vị trí của nó thì vô cùng rõ ràng với tọa độ đã xác định và hình ảnh từ vệ tinh. Trong thời đại của vũ khí chính xác, của bom khôn, của hỏa tiễn có thiết bị định vị GPS, những hòn đảo này là những miếng mồi mà các hạm đội hay phi đội Mỹ tha hồ nhắm bắn.

Ký giả Kyle Mizokami đã phân tích điều này trong bài “How China stealthily built a ‘kill chain’ in the South China Sea” Trên tạp chí The Week ngày 21.5.2015.

Tác giả dẫn trường hợp hòn đảo nhân tạo lớn nhấn là đảo đá ngầm Chữ Thập (Fiery Cross Reef), có vị trí quan trọng vì nằm ngay giữa trung tâm vùng biển Trường Sa.

Nguyên thủy đây là một rạn san hô, khi thủy triều lên thì tất cả chìm xuống nước trừ một hòn đá cao 1 mét. Đến khi thủy triều xuống thì đảo mới nổi lên và có chiều dài 25.93 km và chiều rộng 7.4 km.

Trong điều kiện bình thường, đảo đá này có tình trạng rất bấp bênh thì khi đối mặt với những cơn bão có sức gió 185 km/h hoặc sóng cao hơn 6 mét, chúng có thể bị quét sạch hoặc ít nhất cũng bị tàn phá nghiêm trọng.

Cuối năm 1988 Trung Quốc đã xây dựng tại đây một nhà giàn bằng nhà bê tông dài hơn 60 mét, đến năm 2014 bắt đầu bồi đắp thành đảo nhân tạo lớn nhất rộng 2.74 km2 với tổng kinh phí trên 73 tỉ Nhân Dân Tệ, tức 11.5 tỉ Mỹ kim (số liệu năm 2015).

Tuy nhiên theo tác giả thì tàu ngầm USS Michigan thuộc sự điều động của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có khả năng phá hủy “căn cứ không quân” 11.5 tỷ Mỹ kim này chỉ trong vài phút. Một đợt tấn công với 10 tên lửa tuần thám Tomahawk-D sẽ tạo ra “cơn mưa” 1660 quả bom bi trên đảo nhân tạo, phá hủy máy bay, radar, tháp điều khiển, kho chứa nhiên liệu, xe bảo dưỡng và kho đạn dược.

Mà tàu ngầm USS Michigan có thể mang đến 154 hỏa tiễn này, chưa kể một số ngư lôi Mark 48 có sức hủy diệt khủng khiếp.

Tác giả cho rằng Trung Quốc có thể lắp đặt hệ thống hỏa tiễn đối hỏa tiễn mang tên Hồng Kỳ 9 (HongQing-9) tương tự hỏa tiễn tiển Patriot của Mỹ nhưng các đơn vị đổ bộ của Thủy Quân Lục Chiến có thể dễ dàng khóa họng chúng.

Thực tế chiến tranh cho thấy những căn cứ này không đủ khả năng tồn tại trong một vài ngày, nếu không nói là chỉ vài tiếng đồng hồ.

Những hòn đảo như thế chỉ có thế có hiệu năng trong thời bình và chỉ dùng để ức hiếp những con mồi nhỏ. Vả lại Trung Quốc muốn sử dụng chúng khi dựa dẫm vài thế răn đe: ta đang sở hữu vũ khí hạt nhân, ai dám đánh ta.

Nhưng nếu một cuộc chiến tổng lực diễn ra, những công trình mà Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền này sẽ trở thành “của đổ biển”.

Điều này cho thấy chính Trung Quốc cũng sợ một cuộc chiến tranh lớn, sợ tính toán của người Mỹ!

Bây giờ chúng ta nói đến một điểm yếu cốt tử khác trong lòng lục địa Trung Quốc: Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử

Sông Dương Tử và Tam Hiệp

Tháng Sáu năm 2004 trong phúc trình đưa ra trước Quốc hội, Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng trong trường hợp xung đột, Đài Loan có thể tấn công vào các mục tiêu như đập Tam Hiệp để làm giảm bớt áp lự quân sự của người Trung Quốc.

Ngay sau đó tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan, con trai Lưu Thiếu Kỳ), tuyên bố trên trên China Youth Daily rằng quân đội phải “nghiêm túc trong việc bảo vệ chống lại những đe dọa từ những kẻ khủng bố Đài Loan”.

Sau đó, đến tháng 9 năm 2004 Nhân dân nhật báo Trung Quốc (China Daily) thông báo rằng một lực lượng vũ trang lớn đã được bố trí khu vực đập thủy diện này để ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra.

Điều này cho thấy Trung Quốc rất sợ bị đánh vào đây, như vậy thì đập này có ý nghĩa gì?

Đập này xây trên Trường Giang (Yangtze) là con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau sông Nile ở Châu Phi, sông Amazon ở Nam Mỹ. Trường Giang dài khoảng 6385 km, bắt nguồn từ phía tây Trung Quốc (Thanh Hải) và chảy về phía đông đổ ra Biển Hoa Đông. Sông này được coi như điểm phân chia giữa hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam Trung Quốc và cùng với Hoàng Hà, Trường Giang là sông quan trọng nhất trong lịch sử, văn hóa, và kinh tế của Trung Quốc. Đồng bằng châu thổ Trường Giang màu mỡ tạo ra 20% GDP của Trung Quốc.

Đập Tam Hiệp (Three Gorges) là đập thủy điện lớn nhất thế giới, khỏi công năm 1993, hoàn tất năm 2006. Chi phí chính thức là 39 tỷ Mỹ kim tỷ tuy nhiên giới phân tích ước tính không chính thức ít nhất là 75 tỷ Mỹ kim và con số ước tính này ($75 tỷ) đã loại bỏ các khoản tham nhũng, các tổn thất trong hủy diệt đất trồng trọt, tái định cư dân chúng

Đập được làm từ bê tông và thép, có chiều dài 2355m và đỉnh đập cao 185 mét trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27.2 triệu mét khối bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463,000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102.6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 mét so với nền đá.

Tuy nhiên việc chất lượng rất hoài nghi do nạn tham nhũng và rút ruột công trình. Năm 1999  nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ đã phải ra lệnh hủy bỏ nhiều hàng mục để xây lại sau khi một loại các tai nạn lớn đã xảy ra, bao gồm cả sập cầu, Sau đó năm 2000 thân đập đã xuất hiện nhiều các vết nứt lớn. Ba năm sau, trước khi bắt đầu tích nước, đoàn kiểm tra của chính phủ đã phát hiện ra có hơn 80 vết nứt trên bề mặt đập.

Năm 1991, Giáo sư vật lý Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang) đăng một bài báo cho biết, nguy hại khi đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ làm 6 tỷ người vùng hạ lưu bị tràn ngập nước, hàng trăm triệu người sẽ rơi vào đường cùng. Ông cũng cho rằng đập Tam Hiệp sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu có kẻ thù bên ngoài tấn công. Với kỹ thuật hỏa tiễn hiện nay, việc phòng thủ đối với đập Tam Hiệp là điều không thể. Vì vậy ông đề nghị nhất định không được khởi công dự án Tam Hiệp, vì con đập này sẽ trở thành điểm yếu an ninh nguy hiểm.

Nhưng đập vẫn cứ xây và trước những lo ngại về toan tính của Đài Loan, ngày 16/9/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường ký sắc lệnh về “Quy định về đảm bảo an ninh vùng thủy lợi trong điểm đập Tam Hiệp”, theo đó kể Trung Quốc áp dụng biện pháp phòng thủ nhiều tầng (gồm cả hải quân, không quân và lục quân) tại công trình đập Tam Hiệp. Bộ Tổng Tham mưu, với sự đồng ý của quân ủy trung ương, đã bố trí một lực lượng mạnh gồm 4600 binh sĩ để bảo vệ an ninh đập Tam Hiệp, trong đó có 4 phảo đội hỏa tiễn phòng không, một đại đội lục quân chuyển quân bằng trực thăng lục, 8 tàu ​​tuần tra, 24 trung đội phản ứng nhanh.

Ông La Xương Bình (Luo Changping) một người nổi tiếng trong ngành truyền thông Trung Quốc khi đó đã chia sẻ trên Weixin cá nhân rằng, các quy định về phòng thủ nhiều tầng lớp nghiêm mật đối với đập Tam Hiệp làm nổi bật lên mối nguy hiểm về an ninh từ dự án Tam Hiệp.

Năm ngoái, ngày 24.4.2018 đính thân Tập Cận Bình đã đến thăm đập Tam Hiệp, có Bộ trưởng Giao thông Lý Tiểu Bằng (con của Lý Bằng) và Phó Thủ tướng Lưu Hạc tháp tùng.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts