Sau các bàn tiệc đầy máu lệ (Ăn nhậu bia rượu là một thảm họa chết người tại VN ngày nay)

Một chuyên gia Nhật Bản sang làm việc tại VN đã thốt lên:

-Tôi sợ nhất những buổi nhậu liên miên bất cứ khi nào…

Ở Việt Nam ngày nay bia rượu, đủ thứ bia chai, bia lon, bia tươi…; rượu công ty nhà máy, rượu lậu, rượu ngoại… đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm, đưa đến chết chóc vì ngộ độc rượu, đánh giết nhau vì khích bác trên bàn rượu, gây khổ vô tận cho gia đình cha mẹ anh em có con em ăn nhậu thục mạng. Nhất là giới thanh niên, trung niên vô học, sống vô đạo đức, dễ dàng ẩu đả nhau chỉ vì những việc hết sức tầm thường nhỏ mọn đưa đến án mạng và lao tù.

Hai cha con ở Tam Phú (Thủ Đức) bình thường đi làm thuê làm mướn, có tiền thì kéo rượu về uống, lợi dụng đám ma, đám cưới đám hỏi để len vào uống chực. Khi đó cha con quên hết mình là ai, mày tao mi tớ loạn đả kịch liệt với nhau hàng ngày.

Ở Ninh Thạnh (Tây Ninh), một thanh niên và bạn bè rủ nhau gầy mồi tại nhà. Ăn uống xong rượu vào lời ra, cãi vã xô xát, anh thanh niên rút dao đâm chết bạn nhậu rồi vào đi thẳng vào tù.

Bước ra từ bàn nhậu, dân ghiền không từ hành động nào, luôn luôn mượn hơi rượu để trộm cắp cướp giật, giết người, đánh cha mẹ, hại anh em, chửi hàng xóm gây cãi vã ầm ĩ. Xóm bình dân không chỉ uống mà bây giờ có phong trào mượn cớ đám giỗ, đám cưới, sinh nhật, mướn bộ micro và loa mở hết cỡ, ca hát vang rần khu phố khiến bà con chung quanh mỗi lần thấy dàn máy chở tới, ai nấy chỉ nín nhịn chịu trận hoặc lo lánh đi nơi khác để tránh dàn âm thanh chát chúa, vừa hát ca vừa chửi thề om xòm. Khổ nhất là người già cả bệnh hoạn và trẻ em không sức nào chịu nổi vì lối xay xỉn ba hoa ca hát vang rền rát tai ồn ào như vỡ chợ, đã dần dần thành thứ văn hóa hạ cấp phát sinh từ một xã hội không còn giữ được trật tự.

Trước kia người ăn uống có nhiều hạng, nhưng ăn uống hùng hục, cãi lẫy đánh đập nhau từ bàn rượu thật thô tục. Loại thô lỗ đó là ngưu ẩm, là trâu chó uống rượu. Còn uống rượu chỉ ngâm thơ, ca hát nhẹ nhàng tâm hồn thanh cao gọi là thi tửu hay tiên tửu!

Giờ này người ta tìm loại ăn uống nhẹ nhàng thanh đạm hơi khó. Nhan nhản trên bàn tiệc đình đám gọi là văn hóa ẩm thực, rượu bia chảy như suối uống từng thùng, chỉ thấy sự thô lỗ và gây ra nhiều thảm họa.

Bà mẹ già yếu chịu không nổi, năn nỉ đứa con trai chạy xe ôm bớt nhậu nhẹt ca hát ồn ào làm kinh động bà con, con trai trả lời gọn lỏn:

-Vô rừng mà sống!

Nguy hiểm nhất là khi xong bữa nhậu. Hứng chí, bọn chúng tuôn ra đường phóng ẩu đụng vào con nít, hay tông người bất kể dưới lòng đường hay trên lề đường. Tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra như cơm bữa.

Rượu làm con người mất cả lý trí, uống quá nhiều chất cồn, lại được nấu ẩu tả có khi pha lẫn thuốc rầy trong đó cho rượu được trong và còn những thứ quái quỷ nào pha lẫn vào: cồn công nghiệp, men bột… Có nhiều bữa tiệc gây ói mửa tử vong vì ngộ độc rượu. Hậu quả hễ rượu chè mãi thì càng uống nhiều, uống nặng hơn gây tinh thần suy sụp. Kẻ nhậu càng ngày càng tỏ ra mất nhân tính nhất là đối với người thân gần gũi: đánh đập, khảo tiền….

Vừa rồi vì đứa con cứ uống rượu say rồi về gây gổ đánh đập cha mẹ già yếu. Người cha khổ sở lâu ngày chịu không nổi, đã nổi nóng lỡ xuống tay giết đứa con hư. Gia đình khác trong hẻm, người chồng là giáo viên. Say sưa dữ quá nên bị đổi xuống làm gác dan. Cứ đến chiều sau chầu nhậu bí tỉ, anh ta về đập phá nhà cửa, rượt đánh đuổi khiến vợ con phải dắt díu nhau về nhà ngoại ngủ. Quá tức tối, đứa con trai đang học cấp III bỏ nhà đi bụi nhưng cha nó vẫn không chừa.

Hành động vô lương không được kiểm soát, xã hội điếm đàng gây điên đảo cho người dân lương thiện! Đó là nếp sống văn hóa đen của xã hội suy đồi vậy.

Người Việt Nam nói riêng dường như bất lực trước tệ nạn nhậu quá đà. Ngày nay từ trong làng mạc đến tỉnh lỵ chỗ nào cũng đầy hàng quán ăn uống rầm rộ. Sập tối ra đường chỗ nào cũng sáng đèn quán nhậu. Cứ theo thứ tự hễ bắt đầu nhậu thì có ca hát ồn ào, xong rồi tới màn xích mích ẩu đả chém giết nhau. Có men rượu con người lập tức trở thành như dã thú vậy. Dành nhau làm đàn anh, phe nhóm, dành gái luôn là những hành vi vô luân của kẻ côn đồ. Mới nhậu đâu ai phạt được nên cứ phải đợi dẫn tới hành vi bất chánh tàn bạo xảy ra hiển nhiên mới bị xử thay vì tìm cách ngăn ngừa trước.

Cái xã hội vô đạo đức từ xưa đã có trong văn hóa đạo lý Việt Nam như trong thơ Tú Xương cách đây vài trăm năm:

Trông lên nhà đổ loạn

Trông xuống vách tan rồi

Cha thế ấy

Con thế ấy!

Thôi!

Càng ngày các hàng quán, lề đường và cả ở góc phố trong hẻm cứ hàng rượu mọc lên là bao nhiêu đệ tử của Lưu Linh mặt mày đỏ gay, la hét dô rôm rả. Càng ồn ào càng bất lịch sự bấy nhiêu. Suốt miền Nam chí Bắc chỗ nào cũng có cụng ly vùi đầu vào men say quên cả lý tưởng và đời sống có ý nghĩa của con người. Một thế giới tội ác bùng nổ dữ dội trên các bữa rượu thịt bĩ bàng đó!

Nhậu đã trở thành tật xấu của người Việt. Một số người mời mọc tiệc tùng để qua đó dễ hợp đồng làm ăn. Trên bàn tiệc cao lương mỹ vị rượu ngon gái đẹp, mọi việc trở nên trôi chảy suôn sẻ hơn.

Đây cũng là cách giải trí duy nhất của rất nhiều nam giới sau giờ làm việc. Mà nếu không việc để làm, thất nghiệp vẫn lại càng nhậu dữ.

Ăn nhậu sa đọa khắp nơi, tội ác đầy rẫy trong xã hội nhục dục thấp hèn. Một nền giáo dục chân chính nào xây dựng con người nhất là lớp thanh niên trẻ biết trọng người lớn, biết thương kẻ cùng khổ và hy sinh làm việc nghĩa việc thiện. Cỗ bàn rượu chè đánh gục những con sâu rượu vì đã tạo ra vô số bệnh tật và người chết.

Các vụ giết người cướp tài sản hay hiếp dâm thường xảy ra khi ma men nhập. Lúc đã ngà ngà, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đôi khi chỉ vì một tiếng nói lớn một cái nhìn ngẫu nhiên cũng dẫn tới xô xát, án mạng dễ như bỡn. đủ xảy ra án mạng.

Các tai nạn vì tài xế nhậu say chạy ẩu, nhất là các xe ben, xe chở khách thường xuyên xảy ra trên các quãng đường thành phố, trên quốc lộ…

Ngày nay ẩm thực sanh ra nhiều vì tham ăn tham uống quên cả nhân cách con người. Ngược với ngày xưa, trong số các thi sĩ văn nhân, có bà Hồ Xuân Hương cũng chơi Cầm Kỳ Thi Tửu rất phóng khoáng như tinh thần tao nhân mặc khách trong bài thơ sau:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế nguyệt chưa tròn

Kẻ sĩ đời trước dù là nữ lưu cũng còn có phong cách văn hóa cao nhã trong bàn tiệc.

Cuộc sống nặng nề ô trọc, đẩy đưa con người vào các buổi nhậu bất chánh đưa tới thảm nạn vì không kềm chế được. Anh chàng tài xế xe lam thường về trễ, khoe với vợ:

-Lâu nay tao ăn lẩu thập cẩm và nhậu bia với anh em giang hồ ở chợ. Chúng nó bu lại tôn tao lên làm đàn anh, gọi là sư phụ.

Bà vợ nói:

-Để rồi coi!

Vài ngày sau, sư phụ bị đám bất lương hạ đo ván, gãy tay bầm mặt mày được bạn chở về nhà. Vợ vốn gốc giang hồ, không lấy làm lạ gì, kẻ cả  nói:

-Tao có lạ gì ăn nhậu đánh đập nhau như cơm bữa ngoài phố. Thôi đó cũng là bài học cho kẻ ngu mà muốn làm đàn anh thiên hạ.

Nhiều án mạng xảy ra sau các cuộc tang ma hiếu hỉ. Các buổi liên hoan tiệc tùng bất kể ngày đêm.

Anh nọ ở Phú Yên đi dự tiệc cưới trong thôn mãi không thấy về. Mọi người đổ xô đi kiếm thấy anh nằm trong cống nước người đầy thương tích chuyển đi bệnh việc cấp cứu nhưng không qua khỏi. Té ra trong buổi tiệc tùng, có lời qua tiếng lại với thanh niên ở đây nên bị chém chết.

Các trọng án xảy ra ở quán nhậu nhiều vô số. Khi ăn uống no say, hơi men bốc lên không kềm được. Không uống mà ở gần hơi men cũng bị lây luôn.

Tại Sóc Trăng, vợ chồng chủ quán nhậu vì cãi vã tiền bạc, dùng hung khí tấn công ba người khách từ Bạc Liêu khiến ai nấy tán loạn bỏ chạy. Kết quả một người chết, ba người bị thương.

Ngoài ra tai nạn giao thông là nỗi lo của bà con, nổi bật ở Tây Ninh số người chết tăng cao. Vô số vụ tài xế lái xe ẩu có nồng độ rượu bia rất cao mà ra, Ra ngoài đường lúc nào cũng nơm nớp lo sợ gặp ma men nhập xác. Có lúc tài xế vừa ngủ gật vừa chạy lái xe, cán chết người là chuyện bình thường khắp nơi khiến người tử tế đi đường hết sức lo lắng nhất là các dịp lễ hội ăn uống say sưa quá độ vừa gây họa cho mình vừa hại cho kẻ khác. Rồi coi đây qua Tết, con số người vào bệnh viện và vào tù bao giờ cũng gia tăng mà chẳng ai chừa./.

Ngô Đồng

Related posts