Sau dịch Corona: Úc sẽ tự lực tự cường

Từ ngày 9.4 vừa qua số người mới dính con Corona tại Úc đã chỉ ở mức dưới 100. Đây là con số đáng mừng. Chúng ta phải cám ơn những người ra biện pháp chống dịch và từng người dân Úc đã đồng lòng tuân lệnh. (Hiển nhiên, báo chí la ầm lên khi có người lách mình ra khỏi hàng rào chận con Corona. Nhưng đây chỉ là số nhỏ).

Nhờ số người mắc dịch không còn tăng mạnh nữa, người ta bắt đầu nói tới những thứ ánh sáng ở cuối đường hầm. Ai nghĩ gần thì mong cho các biện pháp giữ khoảng cách an toàn nới lỏng. Nghe đâu Tây Úc có thể đi đầu. Còn ai nghĩ xa tí thì vẽ trong đầu một thế giới sau Corona.

Thế giới này chắc sẽ khác với một thế giới trước Corona trong năm 2019.

Trong thế giới sau Corona, nhiều nước — trong đó có Úc — thấy cần tự lực tự cường. Thật vậy, đại dịch COVID-19 (hay những tên khác) làm cho thế giới gật mình: thế giới đã u mê mà quá lệ thuộc vào các nhà máy sản xuất ở bên Trung Cộng. Chuyện lệ thuộc này bắt đầu từ thời tổng thống Bill Clinton. Theo đó, mặt ngoài người ta hô hào ‘toàn cầu hoá, globanisation’ như thể trái đất này thu nhỏ thành ngôi làng. Nước này là hàng xóm của nước kia. Nhưng bên dưới ‘toàn cầu hoá’ là chủ trương phân công lại lực lượng lao động trên thế giới. Nước giàu thì ăn chơi, hưởng thụ, tiêu xài (Consumarism). Nước nghèo thì nai lưng ra trong xưởng thợ làm ra hàng hoá cho nước giàu xài. Trong trật tự mới do chủ nghĩa toàn cầu hoá tạo ra, Trung Cộng tự biến thành cơ xưởng khổng lồ chế từ cuộn giấy chùi đ… cho tới linh kiện điện tử hay thuốc tây và dụng cụ y khoa cho thế giới (hiểu là phương Tây) xài.

Phương Tây mang bánh vẽ phồn vinh, giàu có, và (kể cả) dân chủ để biến tỷ người Trung Hoa thành nô lệ trong thời đại mới. Nhưng ở đời không ai chịu phận nô lệ. Các bộ lạc nô lệ thời xua xưa đã vùng lên. Nô lệ da đen đã nổi dậy. Các nước thuộc địa đã làm cách mạng để giành độc lập. Và gần nhất, người nô lệ trong thời đại ‘toàn cầu hoá’ cũng biết ăn cắp bằng sáng chế, tích trữ tiền và hàng hoá để làm ỏng làm eo khi lớp người tiêu thụ (chữ đẹp để chỉ phương Tây) cần đến. Phương Tây đã bấn loạn vì nghĩ rằng ấy chùi… sẽ hết; đã lo lắng vì nhà máy sản xuất mặt mạ ở tuốt bên Tàu đang đóng cửa; đã sốt vó vì thuốc Tây, máy trợ thở, găng tay cho tới hộp condom nhất nhất phải nhờ nhà máy bên Tàu chạy lại thì mới có mà xài.

Mấy tháng nay, thế giới bị con Corona cắn cho một trận và còn bị tên nô lệ thời đại mới Tập Cận Bình đá những cú giò lái vô c…. thế giới đã ‘sáng mắt sáng lòng’. Trong đó, có Úc. Chắc là thế giới phải ngu lắm mới tiếp tục lệ thuộc vào Trung Cộng.

Ở Úc, ông tổng trưởng nông nghiệp liên bang David Littleproud đã bắt tay vào một kế hoạch đẩy mạnh ngành nông nghiệp. Nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 2% GDP của Úc nhưng sẽ là ngành vực kinh tế Úc lên sau khi con Corona bị đẩy lui về Tàu. Úc phải trở về sống trên lưng con cừu như những năm sau thế chiến thứ nhì. Con cừu của nước Úc trong tương lai sẽ là những nhà kiếng trồng nông phẩm như đã thấy ở Tây Úc ; sẽ là những phòng thí nghiệm ươm các loại cây giống mới như xoài không có xơ mà hột nhỏ (hay không có hột, không chừng!). Úc có thế làm được như vậy nếu chính phủ đưa ra những ‘chính sách hoàn toàn khác với hiện nay’. Đó là lời ông Richard Heath, giám đốc điều hành Australian Farm Institute.

Khi con Corona bị tiêu diệt, gần như chắc Úc sẽ xét lại các thoả hiệp tự do mậu dịch với các nước (hiểu là Trung Cộng). Ông tổng trưởng kinh tế Josh Frydenberg đã thấy run khi Úc thiếu dụng cụ y tế mà Trung Cộng lại nắm đằng chuôi. Ông nói tới một điều ‘đừng ai cho là Úc sẽ đi tới chủ trương bế quan toả cảng’, à nghen! Trong khi đó, thủ tướng Scott Morrison nói hai chữ trước đây ít người dám nói: ‘economic sovereignty, chủ quyền kinh tế’. Chính phủ Úc sẽ tài trợ cho các ngành kỹ nghệ trong nước. Thật đáng sợ nếu chúng ta biết rằng 90% thuốc tây ở Mỹ sản xuất từ cơ xưởng Trung Cộng ; và 80% thuốc tây ở Úc cùng từ cái lò đó mà ra. Tập chỉ khoá hải cảng ở bển là thế giới — trong đó có Úc — chết ngắc. Bây giờ Úc đã thấy ‘chủ quyền kinh tế’ của mình lâm nguy rồi đó.

Ông Josh Frydenberg nói tới tự túc tự cường về nông nghiệp và mở rộng sang các ngành khác như nhiên liệu (xăng dầu) và xét lại các nguồn cung cấp hàng hoá cho Úc (trong đó có thuốc tây). Giám đốc Grattan Institute cũng khuyến cáo Úc đã không sản xuất đủ dụng cụ y tế như mặt mạ, máy trợ thở và các bộ đồ nghề để thử (con Corona). Viện Grattan Institute cho rằng: chúng ta đã lệ thuộc vào Trung Cộng quá nhiều.

Trong khi đó, cựu bộ trưởng Niall Blair của NSW cho biết trong lúc Úc xài quá nhiều hàng hoá Made in China thì người Trung Hoa lại không tin hàng do chính mình làm ra. Họ phải trả $11 cho một lít sữa nhập cảng từ Úc vì họ không tin những gì sản xuất ở Trung Cộng!

Vậy mà ta cứ xài đồ Tàu! Thiệt là …. ngu.

Việt Luận

Related posts