Sharon Hom và những lời khuyên cho các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông

Hương Thảo

Sharon Hom (Ảnh chụp màn hình video: youtu.be/f0gTGRG7tCc).

Theo HKFP ngày 24/5, chuyên gia luật nhân quyền Sharon Hom cho rằng cần phải có một “sự tích cực khéo léo” để đối đầu với Bắc Kinh trên trường quốc tế, và các nhà hoạt động Hồng Kông không nên từ bỏ các nền tảng không hoàn hảo như Liên Hợp Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát trực tiếp trên Facebook, Giám đốc điều hành về Các vấn đề Nhân quyền tại Trung Quốc cho biết, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã làm thay đổi cục diện khi nói đến vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Bà chỉ ra một số quốc gia trong Tổ chức Y tế Thế giới đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của corona virus, và nói rằng nó ngụ ý đến một sự thay đổi lập trường của các nước liên quan các đến tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng bây giờ có nhiều các chính phủ trong và ngoài hệ thống Liên Hợp Quốc đã bắt đầu đưa ra những quyết định mà, nói thẳng ra, họ đã không đủ có can đảm hoặc ý chí chính trị [để đưa ra] trong quá khứ”, Hom nói.

Hom nói thêm rằng Covid-19 đã làm sáng tỏ những hậu quả của việc Trung Quốc không tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.

“Những hậu quả của việc chà đạp lên các quyền đó là, [thế giới] không có thông tin để đối phó với đại dịch này – chúng ta đang chứng kiến những hậu quả chết người của việc kiểm duyệt, kiểm soát thông tin của một hệ thống [chính quyền] cai trị không minh bạch”.

Lý Văn Lượng là một trong tám bác sĩ Trung Quốc đã bị chính quyền bắt vì “đăng tin đồn nhảm” sau khi cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo về virus vào tháng 12. Anh đã chết sau khi mắc phải căn bệnh này và được coi là người báo động.

‘Tìm ra các khe hở’

Hom được ghi nhận trong cộng động những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông, là người đã ra làm chứng tại phiên điều trần của Nghị viện Hoa Kỳ vào tháng 9 năm ngoái. Tổ chức phi chính phủ của bà cũng đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc về việc Hồng Kông gia nhập Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Bà nói hôm thứ Ba rằng, bất chấp “chủ nghĩa nhà nước trung tâm” gây tranh cãi của Liên Hợp Quốc, dù sao đó cũng là một hệ thống xã hội dân sự và các cơ quan phi chính phủ cần tiếp tục được hỗ trợ: “Hãy nhìn nhận các cơ hội – nếu chúng ta không tiếp cận các khe hở của chúng, chúng ta sẽ không thể tận dụng chúng”.

“Tôi không tin rằng chúng ta nên từ bỏ tất cả các công cụ không hoàn hảo, các diễn đàn không hoàn hảo, các tòa án không hoàn hảo, các thủ tục không hoàn hảo. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi lạc quan”, bà nói. “Nó nghĩa là chúng ta cần sử dụng mọi thứ đang tồn tại, nhận ra giới hạn và sự không hoàn hảo của chúng”.

Bà nói rằng cần có một nơi chốn để truyền thông và xã hội dân sự bám vào với các đệ trình về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, nhất là khi họ đã không tôn trọng các nghĩa vụ và điều khoản hiệp ước của họ đối với Hồng Kông.

‘Từ dưới lên’

Giáo sư luật ở New York cho biết bà tin rằng những thành viên dân sự có thể gây áp lực lên các chính phủ khác nhau – ví dụ như Vương quốc Anh là một bên ký kết Tuyên bố chung Trung-Anh, trong đó phác thảo ra cái gọi là “Một quốc gia, hai chế độ” và Thỏa Thuận bàn giao Hồng Kông.

Bà nói Luân Đôn nên phải lên tiếng cho Hồng Kông: “Chúng tôi cần chính phủ Anh bắt đầu thực hiện vai trò và chức năng của mình như một bên ký kết tuyên bố chung”, ngoài việc các nghị sĩ và cựu thống đốc đã từng lên tiếng bênh vực người Hồng Kông.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng, chính người dân sẽ là người sẽ mang đến sự thay đổi – như trong trường hợp của phong trào dân chủ Hồng Kông – không phải là các chính phủ sẽ bắt đầu những thay đổi này, “những kẻ cầm quyền trông có vẻ mạnh mẽ, như thể họ kiểm soát mọi thứ – nhưng rồi cuối cùng, chính sóng ngầm [từ những người dân] sẽ tạo ra những thay đổi như chúng ta đã thấy ở Hồng Kông, … đó chính là ‘từ dưới lên’ [là ‘nước lật thuyền’]”.
.
Bà cho biết, có những “kẽ hở” trong các thể chế có vẻ ngoài mạnh mẽ đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu. Hom đề nghị rằng các nhà hoạt động dân chủ nên bắt đầu suy nghĩ về chuyển động “từ dưới lên”, và chiến lược sử dụng chúng.

“Chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ về một số kịch bản – trong [thời] hậu Covid-19 – chúng ta nên từ chối mọi ‘kêu gọi’ để trở lại bình thường. Chúng ta sẽ không trở lại bình thường bởi vì, trạng thái bình thường của thế giới chính là điều đã đưa chúng ta đến những cuộc khủng hoảng lớn… mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Theo Rachel Wong, HKFP 24/5,
Hương Thảo dịch và biên tập

Related posts