Suy nghĩ thế sự…

Trịnh Cung (FB Bất Bại Nguyễn)

1.

Sau 1975, Nền Văn Hoá Ứng Xử VNCH Đã Suy Vong?

Ít ra là hơn 15 năm trở lại đây, văn chương Sài Gòn đã xuất hiện dòng văn chương thô tục và ngôn ngữ Việt đường phố rất lạ tai, nếu không quen nghe thì không hiểu được giới trẻ họ nói gì. Hai hiện tượng tiếng Việt này đã đặt dấu ấn của nó trên mạng xã hội toàn cầu. Nhưng đó chưa phải là điều vô lý và đáng buồn mà cái ngôn ngữ thô lỗ, mạ lỵ và chửi bới xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội bởi những người Việt có học, trí thức và làm văn nghệ nay đã thuộc lớp trung niên sống ở hải ngoại mới là điều đáng thất vọng.

Câu hỏi là tại sao có ba hiện tượng được nêu trên?
Hôm nay, tôi thử tìm câu giải đáp, trước hết là dòng văn chương thô tục.
Dòng văn chương này chỉ có ở tp HCM kể từ sau năm 2000. Nó thuộc nền văn nghệ ngoài luồng mà phía Bắc VN không có. Cần nói rõ, đấy không phải thứ văn chương khiêu dâm hay nhục cảm hay còn được gọi là ngôn tình mà chúng ta thấy chúng được phổ biến công khai ngoài thị trường sách trong nước và trên mạng internet, Vi Thuỳ Linh, Hai Thij là những tác giả đáng kể.
Thực ra, văn chương thô tục không phải là mới xuất hiện trong những năm gần đây mà nó đã có mặt từ thế kỷ thứ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam bởi nhà thơ Cao Bá Quát. Ông đã nổi tiếng với hai câu “Ba hồi trống giục đù cha kiếp / Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời” để nguyền rủa chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã tử hình một quan văn tài giỏi như ông. Đó là thứ vũ khí của kẻ sĩ khi phải ở thế mạt lộ, cùng đường. Đó là văn chương phản kháng.
Bà Hồ Xuân Hương lừng danh với loạt thơ tục đầy tính ẩn dụ mang nội hàm đấu tranh nữ quyền rất độc đáo và tiên phong. Bài thơ Cái Quạt là một ví dụ tiêu biểu:
“Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa / Duyên em dính dáng tự bao giờ / Phành ra ba góc da còn thiếu / Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa / Mát mặt anh hùng khi tắt gió / Che đầu quân tử lúc sa mưa…”

Và đến giữa thế kỷ 20, Sài Gòn mới có lại dòng thơ này nhưng mang tinh thần khác, cực đoan và tự kỷ bởi nhà thơ Sao Trên Rừng tức Nguyễn Đức Sơn. Vì thiếu tư liệu riêng và không tìm thấy thơ ông trên Google, tôi chỉ còn nhớ vài câu rất tiêu biểu của ông:
“…Em chưa đái mà hồn anh đã ướt…”
Hoặc:
“…Tiếc thay một mớ bầy nhầy / Nếu không nứng cặc bố may lại rồi..”
Những câu thơ loại này đã xuất hiện trên tờ báo có tên Mặt Đất do Nguyễn Đức Sơn lập ra vào thập niên 70 tại Sài Gòn do chính ông vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút kiêm trình bày và sửa bản in. Tờ Mặt Đất chết sớm vì không bán được và lối thơ này không được đón nhận rộng rãi dù nó hàm chứa một thông điệp khinh bỉ sự giả dối, màu mè, cải lương của dòng văn chương phổ thông. Nhưng chống đối, phản kháng kiểu vô chính phủ của Nguyễn Đức Sơn với bất cứ thời nào, chế độ nào thì không phải phản kháng để đòi hỏi cấp thiết phải thay đổi một đường lối chính trị, văn hoá, … tốt hơn mà chỉ vì sở thích cá nhân rất bệnh hoạn, tự đưa mình tới đường cùng để đạt tới đỉnh của thống khoái.

Và ba thập niên sau, dòng thơ thô tục mang đặc tính chính trị phản kháng lại sống lại và hiện hữu lâu dài hơn với những nhà văn nhà thơ ngoài luồng trên nền của một đất nước Việt Nam Cộng Sản, tiêu biểu trong số này là nhà văn Nguyễn Viện, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh và nhà thơ nữ Lynh Bacardi.

2.

Nguyễn Quốc Chánh

image

Anh chào đời tại Bạc Liêu năm 1958 có bố từ Bắc vào Nam 1948. 54 theo Việt Minh rồi bỏ về thành. Chánh học tại Sài Gòn trước 75 và sau 75 học và tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn. Đi bộ đội, tham gia chiến trường Tây Nam, giải ngũ vì bệnh kiết lị.
Anh đã cho xuất bản bốn tập thơ: Đêm Mặt Trời Mộc 1990, Khí Hậu Đồ Vật 1997, Của Căn Cước Ẩn Dụ 2001 và Ê, Tao Đây 2005.
Thơ anh đã được Đinh Linh (Mỹ), Nguyên Hương (Mỹ), Đoàn Cầm Thi (Pháp), Phạm Thị Hoài (Đức) dịch sang tiếng Anh, Pháp và Đức ngữ. Và từng được mời đọc thơ tại Berlin vào tháng 10 năm 2005.
Ngoài ra Nguyễn Quốc Chánh còn vẽ và làm tượng đất nung.
Nguyễn Quốc Chánh có một lý lịch phức tạp cả địa chính trị về xuất thân lẫn đời sống tình cảm riêng nên có thể nghĩ anh, cả thơ và con người, không thể thuộc vào một trật tự chính thống nào. Chơi với Chánh từ ngày tôi yêu eL, hơn 15 năm, ban đầu, tôi bắt gặp ở Chánh một ‘Ý thức Hố Thẳm’ và một ‘Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy’. Một Phạm Công Thiện nổi loạn và một Thanh Tâm Tuyền tiền phong sáng tạo. Nhưng về sau, từ Của Căn Cước Ẩn Dụ đến Ê, Tao Đây, Chánh là một nhà thơ phản kháng ngoại khổ, đáng sợ nhưng hấp dẫn.
Trong một stt ngắn này tôi chỉ có thể trích ra đây vài đoạn ngắn nhưng tiêu biểu của thơ phản kháng Nguyễn Quốc Chánh trong hai tập Của Căn Cước Ẩn Dụ và Ê. Tao Đây như sau:
“…Marx, ông ta triết lý, tự do là nhận thức tất yếu, các môn đệ mông muội ứng dụng nó như một thứ an thần, gây mê cho cái gọi là tự do của họ”

“ Cái phản động của Marx ở chỗ, coi xã hội là một cuộc đấu giai cấp..”

“ … một quốc gia gọi là tự do, nhưng không có tự do cá nhân, tự do của quốc gia đó chẳng khác gì một thứ vải liệm. Một quốc gia gọi là tự do, mà không có dân chủ, quốc gia đó chỉ là một quần thể ly khai…”
(Trong Căn Cước Ẩn dụ)

“Khi tôi phát âm “Lồn”, tôi nghe rõ tiếng vọng của nó rên vang từ mộ chí lịch sử, từ trong cái từ bi bát ngát của Bụt & từ trong cái bất an kỳ cùng của ký ức. 10 năm qua, tôi bị 3 lần bò đá, bị một lần vợ sang ngang, tôi buộc phải trở thành kẻ chỉ Đụ cát.”

(Ê, không đụ theo nhịp của chó, ngựa à nghen, mà Đụ có thi pháp theo nhịp của nhạc đàng hoàng).
9 nhịp đầu Đụ theo nhạc Cung Đình (tài tử). 9 nhịp sau, Đụ theo nhạc Tiền Chiến (lãng tử). 9 nhịp kế tiếp, Đụ theo nhạc Kháng Chiến (quyết tử); 9 nhịp tiếp nữa, Đụ theo nhạc Hậu Chiến (tự tử) (nhưng mà nhạc Trịnh thì không thể Đụ nổi)
Chủ nghĩa bị xoá. Đó là tự do. Nhờ bầm dập mà tôi có hằng ngàn lần Đụ cát. Sau nhiều năm te tua, Cặc tôi bây giờ trở nên thượng thừa. Nó có thể Đụ gãy cây chuối 8 tháng tuổi, nó có thể Đụ bể chai bia Sài Gòn, có thể Đụ nứt trái dừa Bến Tre, nó có thể Đụ sập chùa Một Cột, đặc biệt, nó có thể Đụ vỡ tất cả những cái sọ hủ lậu. Đụ là một chữ mầu nhiệm.”
(Đụ Vỡ Sọ trong tập Ê, Tao Đây)

Tôi thích Nguyễn Quốc Chánh tấn phong vương miện Mầu Nhiệm cho từ Đụ và chắc cho cả các từ Lồn và Cặc.
Từ hằng chục thế kỷ qua, tổ tiên chúng ta đã bị đạo Khổng tẩy não nên bọn con cháu bị hội chứng Nho giáo làm người Việt sợ hãi thứ ngôn ngữ thuần Việt như Cặc, Lồn, Đụ, … và hồn nhiên thoa son đánh phấn lên chữ Việt bằng thứ mỹ phẩm mang nhãn hiệu ba tàu. Chính mình lai căng mà luôn hô hào chống lai căng, chính mình bội tình mà luôn luôn lên án kẻ khác bội tình.
Nguyễn Quốc Chánh đã trần truồng tư tưởng phản kháng sự lưu manh, lừa đảo, áp bức của bọn nhân danh giải phóng con người, mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, của mình dưới ánh sáng của trí tuệ minh mẫn bát ngát, rực rỡ.

3.

Nguyễn Viện

image

Nhà văn, nhà thơ sinh năm 1949, Hải Dương, Bắc Việt.
Trước 1975, học và sống tại Sài Gòn, tham gia tạp chí Khai Phá, tạp chí Sáng Hoá.
1980 đi tù vì tội “phản động”, 1 năm tại trại Đại Lợi – Tân Bình, 1 năm cưỡng bức lao động ở Củ Chi.
1992 viết trở lại.
1994 làm báo Thanh Niên.
2001 bị đuổi việc vì có tiểu thuyết đăng trên Hợp Lưu – Mỹ.
Nguyễn Viện đã cho xuất bản 19 đầu sách bao gồm tập truyện, tạp bút, tiểu thuyết và thơ. Một số in không giấy phép ở trong nước, đa phần in ở hải ngoại. Tất cả số sách này không được chính thức lưu hành trong nước vì nội dung ‘phản động và đồi truỵ’ của chúng dưới mắt của nhà cầm quyền VNXHCN.
Tôi chơi với Nguyễn Viện cùng thời với Nguyễn Quốc Chánh, khoảng 2004 tại Sài Gòn. Hồi đó là thời vàng son của phong trào văn chương ngoài luồng ở Sài Gòn. Từng nhóm thơ văn hậu hiện đại ra đời, chủ trương tự do tư tưởng, chống định hướng, chống kiểm duyệt, chống kiểu văn chương nô dịch,… như nhóm Mở Miệng, Ngựa Trời và những cá nhân độc lập như Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bùi Hoằng Vị, …
Nguyễn Viện, qua hằng chục tác phẩm chỉ trong hơn 15 năm đã cho thấy độ sung và nguồn năng lượng của anh thuộc loại bất chấp. Bất chấp ngay cả khi trong người đang mang bệnh, thường phải gọi xe cấp cứu chở vào bệnh viện. Bất chấp vì viết với nội dung phản kháng lại cách nhà cầm quyền VN bóp chết tự do, bóc lột dân, đàn áp chính trị thì phải thường xuyên bị đe doạ, bao vây, ‘mời lên phường cà phê thuốc lá’. Bất chấp luôn cả khi người đời đã quen với đạo mạo cảnh vẻ không thấy được cái “mầu nhiệm” của những từ thuần hậu, dân dã như Cặc, Lồn, Đụ trong văn chương. Tuy nhiên, cũng may là nhờ vậy mà khi Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Viện, … dùng nó thì chúng đã trở thành thứ vũ khí độc đáo làm nên văn chương phản kháng.
Nguyễn Viện chọn ngôn ngữ thô tục (nhưng không thô thiển) như cách của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh để làm vũ khí tranh đấu bất bạo động với cường quyền, dù đơn độc và tuyệt vọng. Cái đơn độc của nhà văn nhà thơ tài ba tạo ra âm binh và cái tuyệt vọng lại tạo ra ngọn đuốc dẫn đường.
Tôi xin trích ra vài đoạn văn Nguyễn Viện tiêu biểu trong trang 10 của Đĩ Thúi Và Phần Còn Lại Ở Cõi Chết, xuất bản tại Hoa Kỳ 2015:

… “Đôi khi nhớ tới Nguyễn, nàng cũng muốn tặng chàng “Chữ trinh còn một chút này” để cảm tạ tấm lòng tri kỷ. Nhưng dường như Nguyễn không quan tâm đến điều ấy. Chàng vẫn nói “Lần nào đụ em, anh cũng tìm thấy cảm giác của sự trinh bạch”. Lần nào cũng là lần đầu tiên.
Kiều nhi cũng không hiểu được lòng mình, tại sao với Nguyễn nàng luôn luôn trinh bạch.”

Trang 19-20:
“Mã Kiều Nhi có phải tín đồ của Linga không? Nàng chẳng bao giờ thắc mắc về điều ấy. Nàng có cái vốn tự có để cho Linga có thể là Linga như nó phải thế, cái Yoni nàng tung toé từ ngõ hẻm đến đại lộ như nó vốn là thế. Nhân phẩm của nàng. Dâng hiến và bị hãm hiếp.

Từ sâu thẳm, tất cả đều tôn thờ nàng. Nhưng tất cả đều miệt thị nàng. Vì thế, để xác lập quyền tồn tại và mưu cầu hạnh phúc, thậm chí mang hạnh phúc đến cho người khác, nàng luôn bành hai chân dạng háng uy nghi trước mọi nền văn minh nhân loại.”

Kiều của Nguyễn Du vốn được người Việt sùng bái như một pho kinh thánh, một ngôi đền thiêng của văn học VN vốn nghèo nàn, Nguyễn Viện của thời đại vong quốc, vong thân, vong mồ mả đã bôi đen, hạ thấp nó xuống mặt đất, phanh trần cái ‘Mai cốt cách, tuyết tinh thần’ để mô tả lại một cách trần tục nhưng rực rỡ hơn của Kiều Nhi như cảnh nàng luôn bành hai chân dạng háng uy nghi trước mọi nền văn minh nhân loại.
Đó không phải là dung tục hoá Kiều mà vinh danh cái nữ quyền của Kiều. Đó không chỉ lật đổ một giá trị văn học vay mượn mà còn ẩn dụ một phản kháng chế độ cai trị độc ác cũng vay mượn từ ngoại bang. Nguyễn Viện với sức nóng cực độ của văn chương mình để làm tan chảy những tảng băng độc tài đang đông cứng số phận của dân tộc mình cho dù có phải trả giá. Giá nào, Nguyễn Viện cũng bất chấp không những vì lòng trắc ẩn đối với sự tiêu vong của một nền chính trị nhân bản mà còn vì sự đổi mới hay cách tân sáng tạo luôn là mục tiêu xuyên suốt của nhà văn trong anh. Công bằng mà nói, trong suốt một trăm năm vừa qua, tiểu thuyết Việt Nam không có sự đổi mới bao nhiêu dù có vài người cố làm và kêu gọi cách tân, đạp đổ thứ văn chương cũ kỹ, cải lương như nhóm Sáng Tạo đã khởi xướng, tuyên ngôn vào thập niên 60 ở Sài Gòn, nhưng mãi cho đến 50 năm sau tiếp theo Trần Vũ, Nguyễn Viện, một nhà văn sinh năm 1949, lại cho ra một thứ văn chương hoàn toàn khác biệt, mới từ cấu trúc, tiêt tấu, hình ảnh đến nội dung và khí hậu.
Tiểu thuyết của Nguyễn Viện thật sự đã đặt thêm một cột mốc cho sự thành công trong cách tân văn học VN ngày nay.

Bolsa, May 20th-2020
Trịnh Cung

Related posts