Tầng lớp tinh hoa đất Việt đang ở đâu?

Ở Phương Tây, khi trật tự thế giới bất ổn, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu; khi trong nước bất công xã hội nghiêm trọng vô phương cứu chữa, người ta thường nghĩ rằng đó là do SỰ VẮNG BÓNG CỦA CHÚA. Ở nước ta hiện nay, khi nạn gian lận đểm thi tràn lan, khi nạn chạy chức chạy quyền xẩy ra nhiều mơi, nhiều cấp, khi các tệ nạn cờ bạc, xâm hại tình dục được phát hiện ngay trong giới quan chức cao cấp… ta đành phải nghĩ đến SỰ VẮNG BÓNG CỦA GIỚI TINH HOA. Mọi người thấy ngay việc gian lận điểm thi cũng như việc chạy chức chạy quyền sẽ đưa một thế hệ yếu kém năng lực, yếu kém phẩm chất vào những vị trí then chốt trong thượng tầng kiến trúc xã hội, sẽ làm mục ruỗng thượng tầng và làm cho ngôi nhà trí tuệ của đất nước sụp đổ. Sự nghiệp thiêng liêng của đất nước sẽ không còn đượcgiới tinh hoa đảm trách nữa mà sẽ rơi vào tay một số kẻ vừa bất tài vừa dối trá. Trong lịch sử cũng có xảy ra việc nâng điểm thi. Trường hợp nâng điểm thi có thể công khai như có lần trò QPH thí ssinh tự do thi thành chung ở trường Bưởi những năm đầu thế kỷ 20. Cậu đạt điểm cao hầu hết các môn, trừ môn Hán văn bị 0 điểm. Cậu chỉ biết viết tên họ mình mà thôi, không làm thêm được gì. Ban giám khảo thấy cần chiếu cố trường hợp đặc biệt này nên đề nghị giám khảo môn Hán văn cho cậu ¼ điểm. Thế là cậu không những đỗ mà được xếp vào loại đỗ cao. Cậu QPH sau này cố sức học chữ Hán và trở thành một học giả uyên thâm vừa Nho học vừa Tây học. Có trường hợp phụ huynh chạy xin cho con được nâng ½ điểm để thoát khỏi bị loại, thế thôi. Còn trường hợp như các tỉnh phía Bắc hiện nay nâng 0 điểm thành 9 điểm, nâng 1,5 điểm thành 9,2 điểm là hành vi lưu manh hạ đẳng; những em học sinh được nâng điểm không mặc cản gì mà còn “thơn thớt nói cười” như em thủ khoa dỏm ngành ngữ văn thuộc một Đại học ở Hà Nội vừa qua thì đúng là hiểm họa cho đạo đức, dân trí và đời sống văn hóa nói chung của dân tộc.

Nhưng giới tinh hoa (élite – cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp) là gì? Những người ưu tú, tức là những người thuộc lớp tinh hoa, có những phẩm chất gì? Những điều này cần được phân tích không những về mặt khoa học mà cả về mặt trải nghiệm xã hội qua các giai đoạn lịch sử nữa. Các tự điển bách khoa định nghĩa ngắn gọn: “Giới tinh hoa bao gồm những phần tử ưu tú nhất của một cộng đồng”. Xã hội loài người từ xưa đến nay, từ các chế độ vua chúa anh minh hay tàn bạo đến các chế độ cộng hòa hay quân chủ lập hiến đều do những phần tử thuộc giới tinh hoa nắm quyền. Nếu họ không trực tiếp nắm quyền hành pháp, lập pháp hay tư pháp thì ảnh hưởng của họ, lối sống của họ, cách ứng xử của họ sẽ dẫn đường cho dân chúng. Tiêu chuẩn đạo đức của giới tinh hoa làm hành lang an toàn cho mọi hoạt động xã hội. Tầng lớp tinh hoa được hình thành tư nhiên từ nhiều bộ phận dân chúng. Trước hết đó là những gia tộc dòng dõi tồn tại đời này sang đời khác với truyền thống gia tộc khá bền vững. Tiếng tăm các gia tộc ấy được lưu truyền rộng rãi khắp nơi và qua nhiều thế hệ. Một gia tộc danh tiếng là một kho lưu trữ văn hóa từ đời các cụ kỵ ngày trước đến những đứa trẻ hiện thời. Người Việt ai cũng biết các dòng họ nổi tiếng trong lịch sử như dòng Ngô gia xứ Bắc với các khuôn mặt Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sỹ và các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí”; gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền với Nguyễn Du, Nguyễn Nghiễm; dòng Phan Huy với Phan Huy Chú, Phan Huy Ích ở Hà Tĩnh, các dòng Nguyễn Khoa, Tôn Thất ở cố đô Huế, v.v. Những cá thể không thuộc dòng họ nào quan trọng cũng có thể tham gia tầng lớp tinh hoa nếu có trình độ học vấn nào đó. Trước cách mạng, học ban tú tài là thuộc “tầng lớp trên” rồi. Sinh viên thì đương nhiên được coi là thuộc tầng lớp tinh hoa. Các danh hiệu “con nhà nòi”, học sinh, sinh viên, nhà giáo, văn sỹ, thầy thuốc… được coi như căn cước hay giấy thông hành để đi lại, giao tiếp. Người dân bình thường lấy giới tinh hoa làm chuẩn mực, làm mục tiêu phấn đấu. Đối với giới tinh hoa, người dân có lòng tin cậy gần như tuyệt đối. Và do đó một sự ngưỡng mộ tự nhiên. Giới tinh hoa thường được đặt ra ngoài những vụ việc như trộm cắp, lừa đảo, ăn nói thô tục, võ biền, bạo lực. Cách ứng xử như vậy vẫn còn thấy hồi đầu Hà Nội được tiếp quản từ quân viễn chinh Pháp. Một hôm tôi cùng một anh bạn đi thuê xe đạp để đi chơi ra ngoại thành Hà Nội. Ông chủ tiệm hỏi chúng tôi giấy tờ về nhân thân. Chúng tôi định quay về nhà lấy giấy tờ thì ông chủ nói: “Các cậu là sinh viên phải không?”. “Dạ phải”, chúng tôi trả lời. Ông chủ vui vẻ nói tiếp: “Thôi không cần giấy tờ gì, các cậu chọn xe đi!”. Thế đó, đã là sinh viên thì chiếm được lòng tin của mọi người. Đi loanh quanh xem ngoại thành Hà Nội hết buổi chiều, khi về đến nhà trọ thì trời đã tối. Chủ nhà, một bác thợ may vui tính, hiền lành mở cửa và trước một nhóm đông người đang chơi tổ tôm ngước nhìn chúng tôi với vẽ sợ hãi, cảnh giác, bác giới thiệu: “Bà con yên tâm, các cậu đây là sinh viên, không có gì phải ngại cả”. Vậy đó, giới tnh hoa không có thói quen tố giác người khác. Sau này hành vi đó bị quy là tiểu tư sản. Thời trẻ tôi đã đã trải qua những tình huống bị qui là tiểu tư sản. Không biết nói tục: tiểu tư sản. Cám ơn, xin lỗi: tiểu tư sản. Nhường đường khi đi xe: tiểu tư sản. Lịch sự với phụ nữ: tiểu tư sản… Danh sách còn dài dặc. Thế thì “tiểu tư sản” là cái gì mà tệ hại như vậy? Phải ngược dòng lịch sử mới thấu hiểu được. Nguyên lý thuyết giai cấp của Mao chia dân chúng thành ba thành phần: cơ bản, đối kháng và trung gian. Công nhân, bần cố nông và trung nông lớp dưới thuộc thành phần cơ bản; phú nông, địa chủ, tư sản thuộc thành phần đối kháng; những bọ phận dân chúng còn lại: trung nông lớp trên, tiểu thương, tiểu chủ, trí thức, người làm nghề tự do như thầy lang, thầy giáo, nhà tu hành… làm thành tầng lớp trung gian, hay còn có tên là tầng lớp tiểu tư sản. Thành phần này không phải là đối tượng cách mang, đối tượng đấu tranh giai cấp nhưng họ dao động, khi thì thuộc về ta, khi thì theo đối kháng. Những thành phần tư hữu này, theo lí luận kinh điển, hàng ngày hàng giờ biến thành tư sản. Tóm lại họ chỉ là bạn đường có điều kiện, lâu dài hay tùy giai đoạn của cách mạng.

Ngày trước, giới tinh hoa trong nước cũng như ngoài nước có điểm chung là sự trung thực, coi trọng danh giá một cách nghiêm ngặt. Phần lớn quan thời phong kiến hay quan chức cỡ to thời Pháp thuộc sắp đặt tương lai cho con cái chỉ dựa trên thực chất, tức là năng lực thật sự mà ít khi nghĩ đến việc chạy chọt hay gian lận. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài tôi có dịp được một vị quan chức nhà nước cỡ khá to mời ăn tối tại gia đình. Vị quan chức là một nhà trí thức lớn, danh tiếng ra khỏi biên giới quốc gia. Cô con gái của ông, tên là Mariana, chừng 25 tuổi rất dễ mến, hiếu khách, tiếp chuyện tôi chân tình và đạt nhiều câu hỏi về tình hình Việt Nam. Tôi nghĩ bụng cô này chắc phải làm gì quan trọng với vị thế “con nhà nòi”. Hôm sau trên đường đi dạo buổi chiều tôi tạt vào một quán nhỏ bên đường bán các loại kem và nước giải khát. Tôi ngạc nhiên thấy Mariana đang liền tay phục vụ khách hàng. Nhân mấy phút vắng khách tôi hỏi Mariana để biết cô thâm nhập thực tế cho vui hay làm nghề này thực sự. Cô cho biết tuy con nhà trí thức lớn nhưng cô học hành khó khăn, ít năng khiếu nên khi ra đời cô chọn nghề bán hàng cho tiện. Bố mẹ cô cũng không có ý kiến gì. Cô Mariana chỉ là nhân viên bán hàng nhưng trong mắt khách hàng hay dân chúng gần đó, cô vẫn là “người lớp trên”, trong khi ông chủ, một thương gia Li-băng tự coi mình thuộc đẳng cấp thấp hơn. Rõ ràng nếu bố của Mariana không thuộc tầng lớp tinh hoa thì ông sẽ chạy dễ như chơi cho con gái chân gì đó ở một Bộ hay một Viện nghiên cứu khoa học.

Ở Miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước có một vị Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp bị đánh giá là tiểu tư sản, có lập trường giai cấp yếu kém. Đó là vì ông chủ trương mọi nghiên cứu sinh trước khi được gửi đi nước ngoài phải qua một kỳ sát hạch “minimum”, tức là kiểm tra kiến thức chuyên ngành đại học cơ bản. Phải qua được kỳ sát hạch mới được gửi đi học tiếp nước ngoài để làm luận văn trên đại học. Trong một thời gian dài chủ trương đó của ông Bộ Trưởng tiểu tư sản làm mất lòng giới quan chức kiên định lập trường giai cấp. Họ tung dư luận rằng ông Bộ Trưởng tiểu tư sản chỉ biết nâng đỡ các thành phần không cơ bản mà lơ là hay dìm đi cơ hội cho con em cơ bản. Họ tự hỏi đất nước sẽ ra sao khi rơi vào tay con em các thành phần không cơ bản đó. Từ ngày đất nước thống nhất, ông Bộ Trưởng tiểu tư sản về hưu, kế đó việc du học được tự do không còn qui hoạch nữa nên giới kiên định giai cấp thở phào nhẹ nhõm.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mấy năm qua chủ trương thi cử nghiêm chỉnh nhằm đưa mọi hoạt động vào khuôn khổ nhà nước pháp quyền cũng là một chủ trương tiểu tư sản. Nếu thi cử nghiêm túc ở mọi cấp thì con em thành phần cơ bản, hiện nay được hiểu là con em cán bộ tầm cỡ, sẽ ra sao? Vì vậy hậu duệ của giới kiên định giai cấp ngày trước, trong phạm vi một số tỉnh phía Bắc, ắt phải nghĩ đến việc nâng điểm thi cho con em cơ bản, tức là con em của họ. Về mặt khoa học mà nói, đây là qui trình tự nhiên trong một xã hội còn kỳ thị hoặc cố sức loại trừ giới tinh hoa.

Buồn thay, tầng lớp tinh hoa đất Việt, hiện giờ các người đang ở đâu?

Trương Quang Đệ

Related posts