Thực Trạng Hội Đoàn Hải Ngoại BS Trần Văn Tích

Lời tòa soạn: Tình trạng “loạn hội đoàn” mà bác sĩ Trần Văn Tích nêu ra trong bài viết dưới đây là điều có thật trong sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại và ông là người cam đảm phê phán căn bệnh chung này  mà phần lớn người Việt ở hải ngoại biết nhưng ít khi nói ra.

Mặc dầu tác giả nói về chuyện “loạn hội đoàn” xảy ra ở Đức, nhưng đây là vấn nạn chung của người Việt ở hải ngoại đặc biệt là ở những nơi tập trung đông đảo người Việt như Mỹ, Úc, Đức… Thực trạng một hội đoàn chỉ có một người hay vài người hay chỉ gồm những người thân trong gia đình… hay một người làm chủ tịch hai ba, bốn hội đoàn… làm cho sinh hoạt của các Cộng đồng người Việt trở nên phức tạp và làm cho việc đoàn kết trong Cộng đồng trở nên khó khăn.

Có tổ chức loan báo rằng được cả chục hội đoàn tham gia. Có cá nhân tuyên bố là mình kêu gọi biểu tình mà có cả mấy chục hội đoàn ghi tên ủng hộ. Những câu văn hay những lời nói như vậy thực chất lắm khi chỉ là những câu những lời hầu như hoàn toàn vô nghĩa.

Vì trú ngụ tại Đức từ trên ba mươi lăm năm nay và nhất là vì từng tích cực tham gia hoạt động cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản nên tôi xin mô tả tình trạng đúng với sự thật của các cơ cấu mệnh danh là Hội đoàn, tình trạng đó có khác với tình hình nhìn thấy hay nghe thấy từ bên ngoài.

Hội đoàn độc đáo

Trường hợp Hội đoàn Một người. Có một số Hội đoàn luôn luôn chỉ do một người đại diện tham gia sinh hoạt tập thể, năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác, thế kỷ này qua thế kỷ khác, thậm chí cả thiên kỷ này qua thiên kỷ khác nữa! Chỉ có một khuôn mặt đó, quay đi quay lại cũng cứ dzậy hoài. Không biết sao nó lại có thể và có gan tự nhận và tự xưng là Hội đoàn, bởi vì Hội đoàn, theo danh nghĩa, là một tổ chức quần chúng ít nhiều rộng rãi qui tụ những người cùng chung một nghề nghiệp, xuất thân từ một sinh quán hay có chung một hoạt động chính trị-xã hội v.v… Luật Đức có những qui định chi phối việc thành lập Hội đoàn nhưng chắc đây là những Hội đoàn đứng trên và đứng ngoài pháp luật Đức, trong một sublime isolation!

Trường Hợp Hội đoàn Hai người. Hình thức sinh hoạt này tiến bộ hơn Hội đoàn Một người vì nó có … thêm một người, thường là người hôn phối. Hai nhân vật thuận vợ thuận chồng nên kết hợp thành một tập thể nhỏ bé gọn gàng. Không cần Ban Chấp Hành cho thêm lôi thôi. Hai người là quá đủ rồi. Đương nhiên nó cũng không thể ghi tên theo luật định vì nhà làm luật, dẫu nghiên cứu, bàn soạn, diễn đạt, ban hành, áp dụng và giải thích thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể đồng hoá hôn nhân khế ước thành chứng từ đoàn thể.

Trường Hợp Hội đoàn Nửa người. Ở Đức có người thấy mình thành lập một Hội đoàn là chưa đủ nên đứng tên thay mặt cho hai Hội đoàn luôn. Cũng vẫn cùng là một nhân vật nhưng khi hoạt động chính trị thì là đại diện cho Tổ chức X và khi bước qua lĩnh vực xã hội chẳng hạn thì lại là thay mặt cho Cơ cấu Y. Trên nguyên tắc, như vậy đương sự có quyền bỏ hai phiếu khi bầu cử ban chấp hành giữa hai kỳ đại hội.

Trường Hợp Hội đoàn Đông miên. Khí hậu quanh năm của nước Đức vốn lạnh nhiều hơn nóng, vì thế có nhiều Hội đoàn ngủ giấc mùa đông quanh năm. Những Hội đoàn đó không hề tổ chức hội họp định kỳ hay sinh hoạt bất thường. Họ cũng chẳng bao giờ lên tiếng những khi đáng lên tiếng, cần lên tiếng. Im hơi kín tiếng, ngậm miệng lặng câm là tôn chỉ hoạt động của hạng Hội đoàn này.

Trường Hợp Hội đoàn Mau miệng. Những loại Hội đoàn Một người, Hội đoàn Hai người hay Hội đoàn Nửa người là những Hội đoàn mau miệng, hay nói. Nghe rục rịch ở đâu có tổ chức gì đó là các Hội đoàn này lên tiếng ủng hộ liền, để chậm họ sợ mất phần ủng hộ. Nhanh nhẹn trong phản ứng hoan hô, lẹ làng khi ghi tên bày tỏ thái độ đồng ý, họ là những món quà quý của các chính khách đam mê thứ hậu thuẫn mang tính hoang tưởng thì nhiều mà có thực lực thì ít.

Trường Hợp Hội đoàn có Thực lực. Đây là một số rất ít những Hội đoàn có Ban Chấp Hành đầy đủ, có họp Đại Hội đồng định kỳ để bầu Ban Chấp Hành luân phiên, có ghi tên hợp lệ tại Toà án Địa phương theo qui chế e.V. (Eingetragener Verein), thậm chí có cả tư cách gemeinnützig (công ích), sinh hoạt thường kỳ đều đặn, sinh hoạt bất ngờ đặc biệt. Tại Đức hiện có hai, ba Hội đoàn qui tụ đủ các tiêu chuẩn vừa kể. Không nhiều, nhưng thôi, sự bất quá tam.

Hội muôn năm cũ

Ai còn nhớ ngày thành lập Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà Hải ngoại rồi nhìn lại Tập thể liên hệ vào ngày hôm nay mà không thấy ngậm ngùi. Tuy nhiên ngay các Hội đoàn qui tụ những thành phần tương đối thuần nhất cũng không thoát khỏi qui luật sinh và lão. Hội Y Nha Dược Sĩ Thế giới Tự do và Hội Y Nha Dược sĩ Tự do tại Cộng Hoà Liên Bang Đức là những ví dụ.

Hội Y Nha Dược Sĩ Thế giới Tự do qui tụ các nam nữ bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ tỵ nạn cộng sản Việt Nam ở hải ngoại và trên khắp thế giới. Đã có một thời gian nó hoạt động rất mạnh không những chỉ qua vai trò ái hữu nghề nghiệp y khoa, mà còn ở những lĩnh vực khác như lĩnh vực văn hoá. Thành quả đáng khích lệ nhất là Giải thưởng Văn học do Hội Y Nha Dược sĩ Thế giới Tự do tổ chức. Là một tập hợp những con người chuyên môn về khoa học ứng dụng, Hội bước qua địa bàn khoa học nhân văn mà vẫn đạt được thành công. Những nam nữ tác giả nhận giải đều hãnh diện về công trình trước tác đoạt giải của mình. Rất tiếc những năm sau này không còn có Giải thưởng Văn học của Hội Y Nha Dược sĩ Thế giới nữa.

Hội Y Nha Dược sĩ Tự do tại Cộng hoà Liên bang Đức ban đầu được phía Đức ủng hộ hết mình, cụ thể là qua hai cơ quan Hồng Thập Tự Đức và Cơ quan Độc Lập. DRK (Hồng Thập Tự Đức) sẵn sàng thu xếp địa điểm sinh hoạt để bà con gặp mặt và ngủ qua đêm, cung cấp thức ăn nước uống đầy đủ, lúc đầu còn bồi hoàn cả một phần chi phí di chuyển. Những buổi hội họp qui tụ đông đảo đồng nghiệp ngành y khoa, các thuyết trình viên Việt và Đức đều là những khuôn mặt có uy tín và danh vọng. Nhưng rồi qua thời gian, công việc được bàn giao cho những người mới, tình hình cứ càng ngày càng suy thoái và hiện giờ thì Hội Y Nha Dược của những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam đang li bì ngủ giấc ngủ mùa đông, mặc dầu đã có nhiều biện pháp cố gắng phục hồi được áp dụng! Thực chất nó hiện là một thi hài chưa chịu chết.

Kết luận

Sự thăng trầm của một tổ chức cũng giống như sự sinh trưởng của một cơ thể. Có thời gian sung mãn thì cũng có giai đoạn suy thoái.

Dầu sao thì sự hiện hữu của các loại Hội đoàn hữu danh vô thực cũng có cái ý nghĩa của nó. Những Hội đoàn này cần có đó để cho bếp lửa chống cộng tiếp tục âm ỉ cháy mà không đến nỗi nguội tanh. Hơn nữa, phải có Hội đoàn hữu danh vô thực thì mới làm vui lòng những nhân vật tự nhận hay được xem là đấu tranh; để cho chư vị này có lý do tự hào tự đắc. Tổ chức hội thảo mà đếm được cỡ chừng hai trăm người tham gia là coi như đã khá nhưng triệu tập biểu tình mà được vài chục Hội đoàn ghi danh ủng hộ thì coi như hơi xìu.

Mô tả sự thực đòi hỏi chút xíu can đảm. Chỉ mong không đến nỗi bị cho là bi quan yếm thế hay ngoạn mục hơn nữa, bị cho là thực thi Nghị quyết…

BS. Trần Văn Tích
23.04.2019

Related posts