Tiểu luận thoát Tàu (3) Cuộc cách mạng “dậy non”

Nhận định về Hồ Quý Ly, Trần Trọng Kim trong tác phẩm “Việt Nam sử Lược” đã viết: “Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay, một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung, thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước Annam. Mà cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất người.
Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly?”(1)

Trần Trọng Kim chỉ đứng trên lập trường Nho giáo “Trung thần” để phê bình Hồ Quý Ly, mà không chú ý về khía cạnh chính trị và xã hội, để có cái nhìn “phải chăng” đối với công việc của cha con Hồ Quý Ly.
Ở đời nhà Tống, những cải cách về chính trị và xã hội của Vương An Thạch đã bị các quan lại chỉ trích và nhân dân chống đối thụ động. Lý Thường Kiệt đời Lý đã lợi dụng mâu thuẫn văn hoá này để núp dưới chiêu bài giúp dân Tàu chống lại “biến pháp” của Vương Tể tướng: “Trung Quốc dùng các phép Thanh Miêu, trợ dịch, làm dân khốn khổ. Nay ta đây đem quân tới cứu”. Người đời sau kể lại rằng: “Dân Tống thấy lời tuyên cáo, đều vui mừng đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó mỗi lúc dân Tống thấy hiệu cờ Thường Kiệt đằng xa, thì nói đó là quân của “Cha” họ Lý người nước Nam; Rồi cùng nhau bày hương án bái phục bên đường, nhờ đó mà uy thanh quân ta lan khắp. Bởi vậy tiấn quân vào nội địa càng thêm dễ dàng.” (2)

Thành Tây Đô ở Thanh Hóa

Vương An Thạch dù rất “chung thủy” với vua Tống, nhưng cũng không thể vực dậy sự thạnh vượng của nước Tống. Tội làm mất nước Việt Nam quy hết cho Hồ Quý Ly, dựa vào việc ông cướp ngôi vua Trần, khiến làm cớ cho nhà Minh đem quân xâm lược nước ta, là chỉ thấy mặt nổi của sự kiện lịch sử, mà không thấy nguyên ủy của cuộc xâm lăng phi có của quân Minh. Hãy trả lời câu hỏi vì sao khi đã chiếm được nước Việt, bắt được toàn bộ vua quan nhà Hồ giải về Tàu, bọn Trương Phụ lại để Hoàng Phúc: “Ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến cho người Annam đồng hoá với người Tàu. Lập ra đền miếu, bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt theo người Tàu cả. Còn cái gì là di tích của nước mình như là sách vở, thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch. Lại đặt ra thuế lệ, bổ thêm sưu dịch để lấy tiền của, làm cho dân ta bấy giờ phải nhiều điều khổ nhục”(*)(3)

Như vậy, việc chiếm nước “Đại Ngu” của Hồ Quý Ly đã được nhà Minh dòm dõ từ lâu, và cái cớ “đánh kẻ phản loạn cướp ngôi “chỉ là chiêu bài để dễ dàng xâm lăng”. Hãy xem ngay khi chiếm được nước Việt rồi, và cả đến sau này khi thua phải chạy về Tàu, nhà Minh vẫn dùng chiêu bài “họ Trần” cho cái chính trị bá quyền của mình: “Đến năm Giáp Thân (1404) có Trần Khang ở mạn Lão Qua đi đường Vân Nam sang Yên Kinh, đổi tên là Trần Thiêm Bình, xưng là con vua Nghệ Tôn rồi kể rõ sự tình Hồ Quý Ly tiếm nghịch. Vua Thành Tổ nhà Minh sai quan ngự sử Lý Ỷ sang tra xét việc ấy. Lý Ỷ về tâu quả thật là họ Hồ làm điều thoán đoạt.
Từ đấy, nhà Minh muốn mượn tiếng đánh Hồ để lấy đất Annam”.
“Xem như lúc còn nhà Trần, nhà Minh đã có ý lấy đất Annam. Sau nhà Trần mất rồi, lại dùng lời nói khéo, và lấy tiếng điếu phạt đem binh sang đánh họ Hồ. Đến khi bắt được cha con Hồ Quý Ly rồi, lại bày kế để chiếm giữ đất Annam; giả treo bảng gọi con cháu họ Trần, rồi bắt quan lại và kỳ lão làm tờ khai rằng: Họ Trần không còn ai nữa, và đất Annam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay xin đặt quận huyện như cũ.”(4)

Thế mà khi Lê Lợi đã thắng quân Minh và cầu phong, thì triều Minh lại đòi tìm con cháu họ Trần: “Trần Cao chết rồi, Bình Định Vương lên ngôi tức là vua Thái Tổ nhà Lê, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Năm ấy là năm Mậu Thân, lịch Tây là năm 1428.
Vua Thái Tổ sang cầu phong bên Tàu, nhưng mà nhà Minh không chịu, bắt phải tìm con cháu nhà Trần để lập lên làm vua” (5)

Cuộc đối đầu chính trị giữa triều đình Việt Nam và triều đình Trung Hoa luôn luôn gay go, mang rất nhiều tính chất lừa đảo lẫn nhau, để một bên muốn xâm lược, một bên muốn thoát khỏi kìm kẹp của nước lớn, ở đây là “thoát Trung”.
Qua biến động lịch sử đưa đến việc mất nước về tay nhà Minh, phải nhìn việc chuẩn bị thay ngôi và cải cách sau khi được ngôi của nhà Trần của Hồ Quý Ly như một phong trào cách mạng để hoàn toàn thoátTrung cả chính trị lẫn văn hoá. Hãy nghĩ về phản diện: ắt hẳn những sản phẩm văn hoá ở thời Lý, Trần, Hồ phải có điều gì khiến làm lung lay ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, nên mới bị đốt sạch, tịch thu sạch. Chẳng khác gì Cộng Sản VN năm 1975 đã ra lệnh đốt sạch sách vở của Miền Nam, vì đều bị đánh giá là “phản động, đồi trụy”. Những sách vở quan trọng đã bị đốt, không làm sao còn truy cập dấu tích. Thay vào những sách vở của người Việt, do các nhà Nho V.N. sáng tác và giảng dạy là Tàu đưa sách giáo khoa của Tàu, kể cả kinh Phật do Tàu viết sang bắt dân Việt học: “Vua nhà Minh lại xuống chỉ truyền lấy Ngũ kinh, Tứ Thư và bộ “Tính lý đại toàn, sai quân đưa sang ban cấp (hay bắt học) cho người Annam học ở các châu huyện; rồi lại sai Thầy tăng và đạo sĩ ở Tăng đạo (tăng cương ty và Đạo ký ty để coi những việc thuộc về đạo Phật và đạo Lão – nghĩa là một hình thức “đạo Phật và đạo Lão “quốc doanh” của nhà Minh), đi truyền đạo giảng đạo Phật và đạo Lão.” (6)

Dù sau này trong bài “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi có chỉ trích Hồ Quý Ly về những cải cách chính trị và xã hội: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán bạn”. Dân oán vì nhiều cải cách làm thay đổi sinh hoạt hàng ngày của dân. Chắc cũng giống như những oán hận của dân Tống với những cải cách của Vương An Thạch nếu có được thời gian để người dân quen, và những cải cách phát huy hiệu dụng, thì lịch sử đã có một trang tốt đẹp khác. Vậy thế lực của nhà Minh đã cản trở cuộc “Tân pháp” của Hồ Quý Ly, khiến cho cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly thành “dậy non”, với sự thất bại của V.N. và sự thành công của Trung Hoa.

Chương trình thoát Trung không thành ấy có những biến chuyển qua từng giai đoạn:
I/ Sự lệch hướng của tư tưởng Trung Hoa:
Tư tưởng chủ đạo của văn hoá VN lúc đầu ở đời Lý là đạo Phật có nhiều gốc gác phương Nam. Đạo Nho bắt đầu thịnh nhưng chưa đủ độc tôn, nên ở triều Lý có khoa thi “Tam giáo”, mà đến thời Trần thì không còn. Trái lại đạo Phật còn bị đẩy dần ra khỏi chính quyền với sự biệt lập của dòng Thiền Yên Tử đối với các tôn giáo trong nước và với Phật giáo Trung Hoa. Nho giáo vững mạnh và độc chiếm chính quyền với sự phát triển mạnh mẽ hàng ngũ kẻ sĩ nhờ khoa cử được tổ chức thường xuyên. Dù cũng là đạo Nho, nhưng chắc cách hành xử cũng như học tập của các nhà Nho V.N. có thể cũng khác với thứ Nho giáo gọi là “Tống Nho” của Tàu thời ấy. Nhà Nho V.N. thờ Khổng Tử như một vị “Vạn thế sư biểu” chứ không phải một thứ giáo chủ với tinh thần nô lệ phụ thuộc tổ chức Nho giáo Trung Hoa. Tính chất nhân bản của Nho giáo đã tạo nên tinh thần gia tộc và dân tộc để củng cố nền độc lập quốc gia. Nho Tàu không thể lấn át Nho Việt được, kể cả tư cách và học vấn. Việc đặt ông Chu Văn An được phối hưởng cùng 72 vị tiên hiền của Nho giáo ở Văn miếu xác định tính chất bình đẳng về văn hoá này.Trong những dịp tiếp xúc với các quan lại hay nho giả Trung Hoa, các nhà Nho V.N. gọi là “không nhục quân mệnh” đã chứng tỏ khí phách độc lập, tự trọng của người trí thức của một nước có văn hoá.
Một hiện tượng đã gần như một quy luật là bất kỳ triều đại nào cũng xảy ra điều thịnh suy đưa đến việc một giòng họ khác thay thế lãnh đạo đất nước, mà thời gian lâu hay mau tùy theo điều gọi là “vận mệnh” của giòng họ ấy. Nếu so sánh về mặt lịch sử, những sự thay đổi triều đại cuả V.N. không khốc liệt như bên Trung Hoa, và nhất là không bị ngoại tộc chiếm đoạt. Trong việc lật đổ các triều đại ở V.N. các vua quan (quan lại bị ít hơn) bị tàn hại bởi họ khác thay thế; còn dân chúng thì luôn được “chiêu an” để vẫn sống cuộc sống là thần dân của vua mới. Như thế, nhân dân không phải là yếu tố chủ đạo cho những cuộc thay ngôi, đổi chủ trong chế độ quân chủ phong kiến của V.N. Đúng như sư Viên Thông nói về tinh thần và sức mạnh của người dân: “Thiên hạ cũng như một đồ vật để nó vào nơi yên thì yên, vào nơi nguy thì nguy, cốt trọng ở chỗ sở hành của nhà Vua, nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ, ngóng như trời trăng. Ấy là đặt thiên hạ vào nơi yên đó” (7). Như thế, vai trò của Vua quan mới là yếu tố chính gây ra những chuyển động xã hội. Các sử gia hay dẫn nguyên nhân Vua tôi lơ là việc nước: “Còn hư cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là tại vua Dụ Tôn và vua Nghệ Tôn. Dụ Tôn thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả kỳ cương, để đến nỗi dân nghèo nước yếu. Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền gian, để kẻ quyền thế được thế làm loạn, thành ra tự mình nối gíáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy.” (8)

Cải tiến vũ khí thời nhà Hồ (ảnh minh họa).

Thực sự những hỗn loạn của xã hội chính là do các vấn đề kinh tế và chính trị trong xã hội đưa đến. Người dân V.N. vốn quen chịu đựng đói khổ vất vả; nhưng trật tự xã hội phong kiến khi bị hành xử bất xứng, sẽ gây nên bất mãn và loạn lạc khắp nơi để mang lại trật tự tốt đẹp ban đầu. Ta thấy trong lịch sử, các ông vua đầu triều đại bao giờ cũg chăm lo chính sự và đất nước cùng dân chúng an cư lạc nghiệp. Những hỗn loạn xã hội cuối triều Trần đã là nhu cầu thôi thúc một cuộc thay đổi xã hội, tức là triều chính để có những biện pháp đem lại tốt lành cho dân chúng. Cuộc cải cách ấy phi là toàn diện. Hồ Quý Ly là người đã nhìn ra vấn đề phức tạp của văn hoá xã hội ấy.
Nói về cuộc “đảo chính cung đình” của Hồ Quý Ly, sử gia Lê Thành Khôi tỏ ra có cái nhìn sâu sắc về chính trị trong lịch sử: “Ngay từ năm 1387, Hồ Quý Ly đã chiếm được vị trí số 5 tại triều đình. Ông đặt lên ngai vàng một đứa trẻ do ông chọn, đặt người của ông vào những vị trí quan trọng nhất, loại bỏ dần vương hầu và các quan chức trung thành với triều đại. Cuối cùng vào năm 1400 ông hạ bệ vua và xưng Đế.” (9)

Khác với Trần Cảnh chỉ thay ngôi nhà Lý, những mâu thuẫn xã hội chưa là những sức mạnh đánh động chính quyền trung ương để đòi hỏi một sự cải cách từ cơ bản. Hồ Quý Ly không hẳn chỉ thích cái vị trí “hão” ngồi trên ngai vàng, mà là quyền lực để thi hành những chương trình cải cách, chính trị và xã hội của mình. Trong trật tự triều đình xưa, nếu không có vị trí cao thì không thi hành được những cải cách lớn với nhân dân toàn quốc vốn đang mang nặng tinh thần điạ phương cát cứ do việc phân chia đất đai cho các vương hầu đời Trần. Người dân ở những điền trang của các vương hầu nhà Trần chỉ tuân thủ luật lệ của những vương hầu ấy. Việc cải cách xã hội theo nhận định rất thực tế của Hồ Quý Ly là phải bỏ đặc quyền chiếm hữu đất đai của các vương hầu, để phân chia ruộng đất làm phương tiện sản xuất cho dân: “Quý Ly vào năm 1397 ban hành phép “hạn điền”, giới hạn quyền tư hữu đất đai. Từ nay không ai được quyền có trên 10 mẫu ruộng, trừ nhũng người thuộc hoàng tộc. Số diện tích dôi ra sẽ được chuyển về cho Nhà Nước để cho các nông dân không có đất thuê với giá vừa phải. Người bị án giáng chức hay cách chức có thể dùng đất để chuộc tội. Số đất này sẽ được xung vào công quỹ. Năm sau đó, một sắc lệnh khác, buộc các chủ đất phải kê khai số diện tích đất mình có và dùng cọc tiêu đặt ranh giới đất. Cọc tiêu mang tên chủ đất. Chủ đất không làm theo sắc lệnh này, đất có thể bị tịch thu làm đất công. Như vậy, nhà Nước có thể thu hồi số đất bị chiếm dụng một cách bất hợp pháp và thiết lập một địa bộ” (10)

Song song với việc cải cách ruộng đất là việc hạn chế nô tì của các quý tộc, vô hình trung là gia tăng hàng ngũ lao động của nhà nước. Như vậy sự tương quan giữa nhà nước và triều đình không bị ngáng trở bởi tầng lớp quý tộc. Ta không lạ khi Hồ Quý Ly bị tầng lớp quý tộc triều Trần chống đối kịch liệt. Việc cải cách điền địa tuy không thành công rõ rệt ở triều Hồ, nhưng lại có kết quả nhiều ở triều Lê với những biện pháp tích cực của vua Lê Thánh Tông. Đấy cũng là lý do người dân rất kính yêu vua Lê.
Nói về việc phát hành tiền giấy, sử gia Trần Trọng Kim cho đấy là một biện pháp tiêu cực thâu tóm của cải của dân: “Quý Ly đặt ra một cách làm tiền giấy để thu tiền của dân” (11). Có người quá ca tụng Hồ Quý Ly đã cho rằng họ Hồ phát minh ra tiền giấy. Sự thực việc dùng tiền giấy đã có từ rất lâu bên Trung Hoa. Hồ Quý Ly chỉ đem dùng lại. Cần phải đặt vấn đề vì sao phải dùng tiền giấy? Nguyên nhân chính vì sự hao tổn tài chính do việc chiến tranh liên miên với Chiêm Thành. Cũng không loại bỏ việc quốc khố bị mất mát do Chế Bồng Nga ba lần chiếm Thăng Long đã cướp bóc được rất nhiều tài sản. Hơn nữa vì xã hội loạn lạc, dân chúng tích trữ tiền tệ (tức tiền đồng) gây nên việc thiếu tiền lưu hành trong dân gian. Việc phát hành tiền giấy tiết kiệm được việc đúc tiền đòng,để dành kim loại cho sản xuất binh khí.
Về giáo dục cũng có những cải cách đáng kể. Hồ Quý Ly muốn mở rộng giáo dục xuống các vùng xa xôi để phát triển lớp người biết chữ. Ngày trước chỉ có ở kinh đô mới có trường nhà nước. Nay (1397): Quý Ly cho mở các lớp học miễn phí tại các lỵ sở của tất cả các lộ và tại các phủ của các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông. Tại lộ có các đốc học phụ trách giáo dục và hàng năm tuyển chọn người ưu tú gởi đi thi ở Kinh đô. Ở các thị trấn của phủ có các giáo thụ lo việc dạy học. Tất cả học quan đầu được cấp ruộng công, lớn nhỏ tùy theo tầm quan trọng của đơn vị hành chánh (10-12 và 15 mẫu cho các giáo thụ). (Hiển nhiên là hàng ngũ nho sĩ tăng lên, do đấy việc tuyển chọn được người tài có nhiều khả năng hơn so với các chế độ hạn chế giáo dục cũ).
Chương trình học và sách vở cũng có thay đổi ở phía tích cực, cơ bản là tư duy nhận thức khác với Nho hoc đương thời của Trung Quốc, mà mục đích rõ rệt là muốn thoát Trung ở tư tưởng: “Quý Ly làm sách “Minh đạo 14 thiên dâng lên, đại khái cho Chu Công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư (không phải địa vị Thánh như Tống Nho của Tàu xưng tụng – Thánh Khổng.) Ở Văn miếu thờ Chu Công ở chính giữa ngoảnh về phương Nam, Khổng Tử ở bên ngoảnh về phương Tây; Cho sách “Luận Ngữ” có bốn chỗ ngờ như Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử, ở nước Trần hết lương; Công Sơn Phật Hất gọi mà Khổng Tử muốn đến v.v…Cho Hàn Dũ là “đạo nho” (Chú thích của Đại Việt sử ký: Đạo nho: Sách Đường Thư nói rằng, phàm người nói lời nói của tiên vương mà việc làm như người hàng chợ thì gọi là “đạo nho”, tức nhà nho ăn trộm). Cho bọn Chu Mậu Thúc (Chu Đôn Di), Trình Hiệu, Trình Di, Dương Thì, La Trọng Tố, Lý Diên Niên, Chu Tử (Chu Liêm Khê) đều là học thì rộng, nhưng tài thì kém (Ý nói chỉ tri mà không hành).(Đích thị là phê bình Tống Nho và chủ trương “Tri hành hợp nhất), không quan thiết đến sự tình, chỉ chuyên làm nghề lấy cắp văn chương của người xưa”(12).

Rất tiếc ngày nay chúng ta không còn sách “Minh đạo” của Hồ Quý Ly. Tuy nhiên ta có thể thấy mục đích của việc viết sách Minh đạo (tức là làm sáng ý nghĩa của tư tưởng chủ đạo hành động mà xuyên qua vài chi tiết do Đ.V.S.K. nêu lên ta cũng tưởng tượng nội dung của nó. Chọn Luận Ngữ để phê bình tức là đánh đúng cốt tủy của Tống Nho.(*). Học thuyết này là ý thức hệ của lớp nhà nho VN đang cai trị xã hội và như thế là lệ thuộc vào tư tưởng của Tàu. Hãy xem phản biện của các nhà nho phê bình Hồ Quý Ly thì thấy mức nô lệ vào Tống Nho mạnh thế nào; “Nghiên cứu ý nghĩa của bậc hiền triết điều ngờ trong Luận Ngữ cùng với nghĩa Kinh Thi dùng lẫn lộn với ý mình. Như thế gọi là “ếch ngồi đáy giếng, không thể nói về chuyện biển cả, và con vượn, con khỉ nghiến răng xé áo của Chu Công đó” (13).

Tuy rằng là hậu duệ, mà nhà nho thời Lê còn bảo thủ và nô lệ Tống Nho hơn cả đời Trần. Các nhà nho vẫn cố gắng nằm trong “cái nôi” Tống Nho mà chê bai nỗ lực vượt thoát văn hoá Tàu của Hồ Quý Ly: “Quý Ly vụn vặt giống Vương Mãng (*), mà sính học thuật thì hơn, toan bắt chước đời cổ giống Vũ Văn Thái, mà tài kinh tế (kinh bang tế thế: điều hành đất nước) lại không bằng. Từ khi đảm đương việc nước, sửa đổi hết chế độ cũ mà đặt chế độ mới, đặt thượng lâm tự mà bỏ đăng văn, phát hành tiền giấy thông bảo mà cấm tiền thực; định lệ khoa cử, ban rõ lệnh lập trường học; phân biệt cấp bực mũ áo, đổi tên châu trấn’ ban định ruộng công, bày đặt lung tung, toan để làm công cụ tô vẽ thái bình. Nhưng kỷ cương lớn đã sai, cũng như câu nói: “Không có ý nghĩa của thơ “quan thư”, thơ “Lân chỉ”, mà muốn làm theo phương pháp, chế độ như thiên “Chu quan” thì sao mà làm được?” (14)

Tư tưởng nho học của V.N. trải qua mấy triều đại vẫn chỉ là nọt “phiên bản” của Trung Hoa. Các nhà nho V.N. sau cuộc cải cách không thành công của Hồ Quý Ly, lại củng cố thêm tính chất trì trệ phục cổ truyền thống.
Việc Hồ Quý Ly dịch Kinh Thư và Thi nghĩa sang quốc âm để giảng dạy trong các trường, cùng sử dụng chữ Nôm trong sắc lệnh và văn bản hành chánh là một nỗ lực thoát Trung trên cơ sở văn hoá. Đáng tiếc là hàng ngũ nhà nho được xây dựng từ đời nhà Lý nhằm thay thế các tu sĩ đạo Phật giúp việc triều chính đã thâm nhiễm văn hoá Trung Hoa quá sâu và nghĩ rằng sự cải cách của Hồ Quý Ly ảnh hưởng đến địa vị và quyền lợi của mình, nên số nhà nho theo Hồ Quý Ly không đủ cân bằng với số người phản đối, đã kết hợp với vương hầu cùng hoàng gia họ Trần làm suy yếu lực lượng chốnh Tàu của Hồ Quý Ly, khiến những công trình cùng tổ chức phòng thủ và chiến lược phản công đều không thể thi thố được. Hơn nữa lại gặp phải thứ giặc trong: “Có khá nhiều quan lại một lòng trung thành với nhà Trần và không ít nho sĩ bảo thủ, lo sợ trước các cuộc cải tổ của họ Hồ, không ngần ngại mong có được cuộc xâm lăng của ngoại bang (Tàu) để tái lập triều đại cũ và qua đó hưởng các đặc quyền đặc lợi của họ. Sau này họ còn đi tới chỗ góp phần làm cho quần chúng nhân dân từ bỏ cuộc kháng chiến, trước khi nhận ra một cách muộn màng, sự mù quáng của mình và chết một cách anh dũng.”(15)

Hồ Quý Ly cùng một số tướng lãnh của ông không phải yếu kém, mà phần đông đã trải qua chiến trận, có thắng có bại. Riêng Hồ Quý Ly đã có kinh nghiệm về những trận quân nhà Trần thua Chiêm Thành khiến ba lần Vua phải bỏ Thăng Long mà chạy sang Đông Ngạn. Những trận thua ấy cho Hồ Quý Ly rút kinh nghiệm để củng cố lực lượng chống cự xâm lăng của Trung Hoa. Chiến lược quen thuộc của Tàu là giáp công, tức là dùng thủy quân đổ bộ ở miền Nam (tức là Chiêm Thành, vốn cũng là một kẻ thù truyền kiếp của VN) đánh lên; còn các đạo quân, ít nhất là hai đạo từ biên giới phía Bắc đánh xuống. Muốn thoát Trung phải giữ vững biên giới phía Bắc và chính quyền Trung ương. Thời Trần chưa có mâu thuẫn giữa triều đình và từng lớp nhà nho, nên trong nước có sự đoàn kết. Thời Hồ Quý Ly đầy mâu thuẫn với các nhà nho thờ văn hoá Tàu một cách nô lệ. Đạo Phật không có tiếng nói hay đóng góp gì cho nền độc lập quốc gia, mà còn làm loạn chống Vua: “Tháng 12, nhà sư Phạm Sư Ôn làm phản, xâm phạm kinh sư. Hai vua chạy đến Bắc Giang. Sư Ôn tụ tập quân ở trên đường Quốc Oai tiếm xưng đại hiệu. Sư Ôn ở Kinh ba ngày ra đóng đồn ở Nộn Châu”.(16)

Việc Sư Ôn tụ tập quân để đánh phá kinh đô phải chăng là một phản ứng của tín đồ Phật giáo vốn bất mãn với những cải cách của nhà Hồ: “Năm 1381 Quý Ly bắt các tăng nhân phải chịu binh dịch, lại bắt thiền sư chùa Đại Than (huyện Gia Bình tỉnh Bắc Giang) thống suất đạo binh nhà chùa đi đánh Chiêm Thành. Năm 1386 Quý Ly ra lệnh sa thải tăng đồ để cho nhà chùa khỏi biến thành nơi dung nạp dân du thủ du thực và những kẻ trốn việc quan. Phàm tăng nhân chưa đầy 50 tuổi đều phải hoàn tục.”(17)

Sau này, việc thất thủ mau lẹ ở Đa Bang, nguyên nhân chính là sự thờ ơ của dân chúng “bán cái” việc chống Tàu cho triều đình nhà Hồ. Những cải cách về văn hoá và xã hội của Hồ Quý Ly chưa đủ thời gian để thay đổi nhận thức và hành động của người dân, nên họ đã bị tầng lớp nhà nho bảo thủ phản tuyên truyền, thành ra nếu không chống đối thì cũng thờ ơ với triều Hồ. Chưa từng thấy trong lịch sử lại có một bô lão cũng là nhà nho, đối xử với Vua của mình thua trận chạy trốn: “Trước kia hai cha con họ Hồ đến Kỳ La, muốn chạy vào Tân Bình, có người phụ lão bái yết và nói: nơi ấy là Kỳ Lê, không lành xin chớ ở đó. Quý Ly chém đi. Đến bấy giờ quả nhiên bị bắt ở đấy (xét hai âm Kỳ La và Kỳ Lê gần nhau. Cụ già không muốn hai cha con họ Hồ ở đó, cho nên đã phiên âm như vậy). Rồi bị giết hại.(18).

Cuộc cách mạng nhằm chống sự xâm lăng của Tàu đã thất bại vì căn bản nội lực chưa chưa đủ do việc dân trí chưa kịp nâng cao. Để ý thức được địa vị thần dân trong một vương quốc độc lập, mà không phải là những nông nô cho các vương hầu ở thời nhà Trần. Ý thức “chủ tớ” còn quá đậm, kèm thêm quan niệm “trung hiếu” của Tống Nho khiến người ta chỉ nhìn thấy sự soán ngôi của Hồ Quý Ly là một trọng tội, che mờ tất cả những cải cách văn hoá xã hội vốn nhằm mục đích tạo cho quốc gia an bình và thịnh vượng. Những cải cách của Vương An Thạch đời Tống bên Trung Hoa cũng bị nhóm nhà nho bảo thủ cản trở, khiến triều đình nhà Tống trở nên xa cách với đại đa số quần chúng nhân dân, làm mất đoàn kết quốc gia, đưa đến mất nước. Nhưng các nhà nho vẫn được các vua nhà Nguyên dùng trong việc giáo dục và cai trị dân. Người dân Trung Hoa không mất gì, dù có sự thay đổi ngôi vua. Riêng nước Việt thì bị giặc ngoại xâm tàn phá đất nước, giết dân và phá hủy văn hoá độc lập của V.N. đương thời: “Quân Minh vào Đông Đô (Thăng Long) cướp bắt con gái và của cải, tính toán lương chứa, đặt quan coi việc, chiêu tập dân xiêu tán, làm kế ở lâu dài; thiến hoạn nhiều con trai trẻ tuổi và thu lấy tiền đồng ở các xứ cho trạm đem về Kim Lăng.”(19)

Sử gia Trần Trọng Kim kết tội làm mất nước cho Hồ Quý Ly nặng hơn là tội cướp ngôi dù vẫn công nhận là họ Hồ có tài có chí: “Còn cái tội làm mất nước Nam thì ai gánh vác cho Quý Ly?” là hoàn toàn dựa vào sự kiện lịch sử mà không nhìn thấy ý hướng lịch sử của việc cải cách của Quý Ly để phân tích những nguyên nhân nội tại và ngoại lai, cùng hậu quả của cuộc cải cách. Nếu so sánh hai cuộc “Tân pháp” của Vương An Thạch đời Tống bên Tàu với Hồ Quý Ly bên Việt, ta thấy có những điểm khác nhau về mục đích và hệ quả. Vương An Thạch được nhà vua trọng dụng để dùng tân pháp cải cách chính trị khiến dân giàu nước mạnh. Với sự trân trọng của vua cũng mưu cầu cách mạng, nên Vương An Thạch không cần cướp ngôi mà chỉ còn nỗ lực đưa ra những chính sách mới về cải cách xã hội. Hồ Quý Ly không có cái may mắn gặp được minh quân như thế. Vua Trần Duệ Tôn: “Nhà Trần từ sau khi Dụ Tôn hoang dâm phóng túng, thêm vào Chiêm Thành quấy phá, giặc cướp rất nhiều, giữa ban ngày cướp đoạt của người, pháp luật không thể cấm nổi. Quý Ly giữ chính quyền, mới đặt cách lùng bắt, cũng đỡ được một ít.”(20).
Lại thêm cánh nhà nho rất bảo thủ, sợ Tàu, luôn luôn dùng danh nghĩa Vua để cản trở chương trình cải cách của Quý Ly với những lý lẽ sùng bái nho giáo Tàu quá đáng: “Chu Tử sinh ở cuối đời Tống, nối sau các tiên nho Hán Đường đã chú giải Sáu Kinh, mới ngược giồng tìm nguồn, hiểu được ý của Thánh nhân sách Kinh, rõ được đạo Thánh nhân ở lời giải, hết sức nghiền nghĩ, thấu lẽ vào lòng, nói ra rõ ràng, chỉ dẫn xa rộng, gọi là tập đại thành của chư nho mà làm khuôn mẫu cho hậu học. Huống chi lại có Trình tử xướng ở trước, mà Chu Tử bổ sung những chỗ chưa đủ ở sau, thì nghĩa là tinh lắm. Người sau chỉ mở cho rộng thêm, chuốt cho bóng thêm, có thế mà thôi, sao lại được chê cãi.” (21).

Các nhà nho VN ở thời cuối Trần ấy, không hề đặt câu hỏi về những sở đắc của Trình, Chu đối với Nho giáo nguyên thủy, từ sau khi Khổng Tử tập đại thành nhận thức và triết lý hành động của Nho giáo.
Chúng ta không có chương trình giáo dục của Hồ Quý Ly trong công cuộc phổ thông và mở mang trường sở đến tận làng xã: “Tháng 5 xuống chiếu rằng: Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tự, toại có nhà tường (Đảng là 500 nhà,toại là làng, tự và tường là tên trường) là để tỏ rõ giáo hoá, giữ gìn phong tục, ý trẫm rất mộ. Nay quy chế ở Kinh đô đã đủ mà ở châu huyện thì còn thiếu nhiều, làm thế nào mở rộng giáo hoá cho dân được? Nên hạ lệnh cho các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông đều đặt một học quan cho ruộng công theo thứ bực khác nhau: phủ châu lớn thì 15 mẫu, phủ châu vừa thì 11 mẫu, phủ châu nhỏ thì 10 mẫu để cung chi phí cho nhà học (một phần để cúng ngày mồng Một, một phần về nhà học, một phần về đèn sách). Quan lộ và quan đốc học dạy bảo học trò cho nên tài nghệ, cứ đến cuối năm chọn người nào ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi để lấy dùng.”(22).

Như vậy, song song với việc “giải phóng nông nô” của các vương hầu đời Trần, họ được hưởng giáo dục để nâng cao dân trí, hiển nhiên nếu cuộc cách mạng này thành công, nước Đại Ngu của họ Hồ trở thành cường thịnh ở phương Nam sẽ là một điều không tốt cho nhà Minh tân lập. Vì thế nhà Minh phải tìm cớ để xâm chiếm Đại Ngu và diệt những người có khuynh hướng cách mạng chống sự bành trướng của Tàu. Sở dĩ họ Hồ bị thua trận, chính là vì “giặc trong” Trước khi quân Tàu xâm lấn, triều Toàn Thư – Q I – trg 746 đình đã có buổi họp quan trọng: “Hán Thương truyền cho An Phủ sứ các lộ về Kinh sư cùng với các quan ở Kinh họp bàn nên đánh hay nên hoà. Có người bàn nên đánh, chớ để làm mối lo sau này; Trấn thủ Bắc Giang Nguyễn Quân cho là hãy tạm hoà theo như ý giặc muốn, để tạm hoãn quân thì hơn. Cả tướng quốc Trừng nói: Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không thôi.” (23)

Dân sở dĩ không theo để đưa đến sự thất bại của họ Hồ là vì những cải cách thiết thực đến đời sống kinh tế và văn hoá của dân chưa đủ thời gian phát huy thành tựu vì bị sự chống phá nội bộ cũng như của ngoại quốc. Vương An Thạch chỉ bị đám nhà nho thủ cựu chống phá, mà cuộc cải cách không thành. Riêng Hồ Quý Ly, ngoài đám nhà nho kết hợp với vương hầu nhà Trần chống phá, còn có người Tàu lúc ấy là nhà Minh rình rập, sơ hở là đem quân sang chiếm nước ta. Cho nên: biện pháp giải phóng nông nô đã bị liên hệ với việc thành lập quân đội để chống xâm lăng Tàu, làm cho người dân thờ ơ với cuộc chiến.
Kế hoạch thoát Trung của Hồ Quý Ly bị “dậy non” đưa đến việc nước ta bị nội thuộc nhà Minh hơn 20 năm, mới lại thu hồi được độc lập ra triều đại nhà Lê kéo dài được đến hơn 300 năm, dù có việc phân chia Nam Bắc (Trịnh, Nguyễn) nhưng vẫn là toàn vẹn lãnh thổ và không bị nô lệ người Tàu. Sử có nói đến nền văn minh Hồng Đức, có lẽ cũng phải kể đến ảnh hưởng những cải cách xã hội và văn hoá của Hồ Quý Ly đã tạo ra ý thức thần dân của một vương quốc, thay vì đời Trần chỉ là những nông nô của vương hầu. Ý thức chuyển biến từ chủ tớ sang vua tôi thay thế cho ý niệm “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, bằng đề cao quốc gia do những hy sinh của người xưa mà có: “Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy.” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).

Lê Văn Ngọc
Sydney 3/9/2019

Chú thích:
(1) Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lược – trg 190
(2) Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt – trg 186
() Cụ thể hoá bằng hai câu trong “Bình Ngô đại cáo”: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. (3) T.T.K. – V.N. S.L. trg 199 (4) T.T.K. – V.N. S.L. trg 185 (5) T. T. K. – V.N.S.L. – trg 234 (6)T.T.K. – V.N.S.L. – trg 200 (7) Nguyễn Đổng Chi ₫ V.N. cổ văn học sử – trg 119 (8) T.T.K. V.N. S.L. – trg 181 (9) Lê Thành Khôi – Lịch sử V.N. – trg 228 (10) nt – trg 229 (11) T.T.K. – V.N. S.L. – trg 179 (12) Đại Việt sử ký Toàn thư – trg 707 ()Học thuyết Nho giáo sau này trở thành học thuyết chính thống của giai cấp phong kiến. Sách “Luận Ngữ trở thành kinh điển chủ yếu của Nho giáo. Như vậy, các học trò thời ấyđều coi Luận Ngữ là một loại “Thánh Kinh” phải thuộc lòng.
(13) Lời bàn của Ngô Sĩ Liên – Tiền Biên trg 502
(14) Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn – Tiền Biên trg 504
(15) Lê Thành Khôi – LSVN trg 231
(16) Tiền Biên – trg 489
(17) Đào Duy Anh – Lịch sử V.N. – trg 274
(18) Tiền Biên – trg 526
(19) Toàn Thư – Q I – trg 753
(20) Toàn Thư – Q I – trg 706
(21) Toàn Thư – Q I – trg 715
(22) Toàn Thư – Q I – trg 717
(23) Toàn Thư – Q I – trg 723 .

Related posts