Tin nước Úc sáng thứ Hai: Dân biểu Joel Fitzgibbon bị cáo buộc ăn tiền Trung Quốc

Dân biểu Joel Fitzgibbon bị cáo buộc ăn tiền Trung Quốc

The government has accused Labor frontbencher Joel Fitzgibbon of "weaponising foreign policy".
Dân biểu Joel Fitzgibbon

Dân biểu Joel Fitzgibbon – một nhà môi giới quyền lực của Lao Động – đã bị kết án là dùng “chính sách ngoại giao như một thứ vũ khí” khi ra mặt bênh vực vệ Trung Quốc.

Ông Fitzgibbon nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Kevin Rudd và hiện là phát ngôn viên về canh nông và tài nguyên của Lao Động. Trong hai ngày 21 và 22.5.2020 ông Fitzgibbon đã liên tiếp xuất hiện trên truyền thông như đài truyền hình ABC, đài phát thanh 2GB và truyền hình trực tuyến Sky News để chính trích phủ Scott Morrison “xúc phạm Trung Quốc”.

Theo ông Fitzgibbon thì chính quyền Liên đảng đã bôi nhọ Trung Quốc và chế độ cộng sản, gây phương hại đến việc xuất cảng nông sản. Phát biểu hôm 21.5.2020 trên đài ABC ông cho rằng TT Morrison đã “xúc phạm Trung Quốc” khi kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc phát sinh và cách thức lan truyền của đại dịch Covid-19, gây ra những căng thẳng thương mại và tác động xấu đến việc xuất cảng lúa mạch, thịt bò, quặng sắt và than đá.

Theo ông thì hành vi của ông Morrison đã khiến quan hệ giữa hai nước “xuống thấp đến độ các bộ trưởng của Úc không thể điện đàm với người tương nhiệm tại Trung Quốc”.

Ông phát biểu: “Cách đây khoảng một tháng Thủ tướng của chúng ta đã lon ton đi trước cả thế giới mà không chịu tham vấn ai, tuyên bố chúng ta cần tiến hành một cuộc điều tra về Covid-19. Dĩ nhiên là chúng ta cần một cuộc điều tra nhưng cách mà thủ tướng chúng ta lên tiếng đã gây xúc phạm đến Trung Quốc. Họ tin rằng họ đang trở thành mục tiêu”.

Ông tố cáo tiếp: “Ông ta (Morrison) tuyên bố chúng ta cần những thanh sát viên tương tự thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc để ồ ạt kéo đến Trung Quốc, đạp đổ các cánh cử phòng thí nghiệp, đòi phải giao nộp các ống nghiệm và máy điện toán và đĩa Petri. (Nước Úc) không cần phải nhảy ra phía trước như vậy để xúng phạm đến Trung Quốc và nếu chúng ta không làm vậy, quan hệ ngoại giao sẽ không bị rắc rối như hiện tại.”

Theo ông Fitzgibbon thì ông Morrison đã tìm cách khai thác vấn đề Trung Quốc để kiếm điểm chính trị vì dù muốn dù không, dù ông ta không kêu gọi, cuộc điều tra đó vẫn diễn ra như thường”.

Và ông ta lập lại tuyên bố của Tòa Đại sứ Trung Quốc: “Thật là lố bịch khi tuyên bố rằng Úc đã vận động được cuộc điều tra này.”

Ông Fitzgibbon cũng lập luận rằng Úc phải “tuyệt đối cẩn thận” để không xúc phạm Trung Quốc vì thị trường này tiêu thụ đến một phần ba hàng xuất cảng của Trung Quốc.

Sau đó, ông ta lập lại lý luận này trên đài 2GB rồi trên Sky News, tấn công luôn chính phủ Trunbull là đã “nhắm vào Trung Quốc” khi hạ mức đầu tư phải xin phép và buộc các tổ chức liên quan đến quyền lợi nước ngoài phải ghi danh.

Phó lãnh tụ đảng Quốc Gia, ông David Littleproud, thì Lao Động đã “có đủ lý do để sa thải ông Fitzgibbon ra khỏi nội các”. Ông phát biểu: “Đây là một thành viên trong nội các đối lập do ông Anthony Albanese lãnh đạo nhưng ông ta đã công khai phá hoại sự lãnh đạo này bằng cách sử dụng chính sách ngoại giao của chúng ta, chủ quyền của chúng ta và nền an ninh của chúng ta như một thứ vũ khí”.

Tuyên bố với các phóng viên tại Toowoomba, ông Littleproud cho rằng ông Anthony Albanese cần phải sa thải ông Joel Fitzgibbon, bằng không thì thiên hạ sẽ thấy rõ rằng ông Albanese ông không có đủ thẩm quyền lãnh đạo một chính quyền có năng lực.

Tuy nhiên ông Albanese lảng tránh câu hỏi này, cho rằng đó là quan điểm cá nhân của ông Fitzgibbon.

Ông Joel Fitzgibbon sinh năm 1962 tại Bellingen, NSW và xuất thân là một thợ điện xe hơi, chuyên sửa chữa hệ thống điện của xe cộ. Từ nghề thợ điện, ông gia nhập giới nghiệp đoàn, gia nhập đảng Lao Động, ứng cử vào Hội đồng thành phố Cessnock City Council và từ từ đi lên.

Tháng Ba năm 1996 Fitzgibbon trở thành dân biểu vùng Hunter, thay thế cha mình là dân biểu Eric Fitzgibbon nghỉ hưu. Đế năm 1998 ông đuợc đưa vào nội các đối lập. Đầu năm 2007 sau khi ủng hộ ông Kevin Rudd trong cuộc đảo chính ông Kim Beazley, Fitzgibbon đuợc nâng lên phụ trách lĩnh vực quốc phòng. Đến cuối tháng 11.2007, sau khi Lao Động thắng cử, ông Rudd đã bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng quốc phòng. Đây là quyết định gây ngạc nhiên nhất: đa số cho rằng ông ta không có đủ năng lực. Trên thực tế, chính ông Fitzgibbon cũng đã cho công chúng thấy rõ điều này.

Đầu tháng Ba năm 2008 ông bị nguyên Lãnh tụ Đối Lập Malcolm Turnbull chất vấn về tai tiếng “trả lương nhầm” cho các binh sĩ biệt kích SAS rồi đòi tiền lại, dẫn đến những khó khăn tài chính của các chiến sĩ tinh nhuệ nhất của quân đội Úc, ông Fitzgibbon đã ấp a ấp úng, không trả lời được câu nào. Lời đáp duy nhất của ông ta là “Tôi sẽ nghiên cứu và trả lời sau”, khiến nguyên các dân biểu Tự Do lớn tiếng chỉ trích, trong rằng đây là một ông bộ trưởng gà mờ, “không nắm được cái gì”.

Sau đó, để chữa thẹn, ông Fitzgibbon quay sang công kích Bộ quốc phòng như là cơ quan kém năng lực, đã để xảy ra các vụ tai tiếng trên. Chính điều này đã khiến quan hệ giữa ông ta và các tướng lĩnh cùng chuyên viên trong Bộ càng thêm trầm trọng.

Chỉ vài tuần sau đó thì có tin ông ta, Tổng trưởng Quốc phòng Fitzgibbon, lại bị chính Bộ quốc phòng điều tra vì mối “quan hệ đáng ngờ” giữa ông và một “phụ nữ Trung Quốc đáng ngờ, tiềm ẩn những mối nguy với nền an ninh của nước Úc. Tin này Fairfax Media tung ra vào ngày 26.3.2009 và lúc đó có tin cho ràng Bộ Quốc phòng đã cố tình “xì” tin trên ra để trả đũa ông Fitzgibbon.

I've done nothing wrong, says Chinese businesswoman Helen Liu
Bà Helen Liu

Phụ nữ đáng ngờ này là Helen Liu, hay phiên âm tên Trung Quốc là Lưu Hải Yên (Liu Haiyan), một doanh nhân gốc Hoa sống tại Sydney nhưng chào đời tại Trung Quốc. Theo các chuyên viên an ninh tình báo của Bộ Quốc phòng thì quan hệ giữa ông Fitzgibbon và bà Helen Liu rất đáng ngờ vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, căn nhà mà ông Fitzgibbon trú ngụ tại Canberra là nhà do bà Helen Liu đứng tên thuê.

Thứ hai, các chuyên viên an ninh tình báo của Bộ khám phá những chi tiết về trương mục ngân hàng của bà Helen Liu trong hệ thống máy điện toán trong văn phòng của ông Fitzgibbon.

Tin cho biết đích thân nguyên Tư lệnh quân lực Úc Angus Houston và nguyên Tổng thư ký Bộ quốc phòng Nick Warner đã ra lệnh điều tra sau khi nhận được báo cáo.

Khi tin này bị xì ra thì dân biểu Tự Do George Brandis đã lớn tiếng kêu gọi chính phủ Rudd phải cách chức ông Fitzgibbon vì Bộ quốc phòng là một cơ quan quan trọng bậc nhất của chính phủ liên bang trong khi ông Fitzgibbon vừa “không nắm đuợc cái gì” vừa có quan hệ đáng ngờ.

Sau đó thì nổ ra tai tiếng “xung dột quyền lợi” khi ông Fitzgibbon đã cho phép em trai Mark Fitzgibbon sử dụng trụ sở Bộ Quốc phòng để lấy thế bàn chuyện làm ăn. Lúc đó Mark là giám đốc của công ty bảo hiểm y tế NIB Health tại Úc và ông ta đã sử dụng văn phòng trên để gặp gỡ đại diện của công ty bảo hiểm Humana của Mỹ.

Nhưng sau đó thì ông ta bị cáo buộc hưởng lợi từ Trung Quốc còn nặng hơn.

Tháng Tư năm 2009 Fairfax phanh phui rằng ông Fitzgibbon được một phụ nữ Trung Quốc đáng ngờ này bao ba chuyến đi Trung Quốc miễn phí, hạng vé first-class và gặp gỡ nhiều đảng viên cộng sản cao cấp.

 Fairfax cho biết khi đến Trung Quốc bà Helen Liu đã giới thiệu để hai bố con Fitzgibbon được hội kiến các viên chức cao cấp của đảng cộng sản. Đặc biệt, trong 7 ngày lưu trú tại Trung Quốc, hai cha con Fitzgibbon là khách quý của bí thư tỉnh uỷ Sơn Đông là Triệu Chí Hào (Zhao Zhinhao). Sơn Đông là một tỉnh lớn của Trung Quốc, có diện tích bằng một nửa Việt Nam nên bí thư tỉnh này phải là người có thế lực lớn. Theo số liệu năm 2004 thì dân số Sơn Đông là gần 92 triệu người, cao hàng thứ hai trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc.

Thoạt đầu, khi bị chất vấn về lý do của chuyến đi, văn phòng của ông Joel Fitzgibbon giải thích là nguyên dân biểu Eric Fitzgibbon được nguyên thủ tướng Paul Keating yêu cầu.

Tuy nhiên ông bố Eric lại phủ nhận lời giải thích của các phụ tá trong văn phòng dân biểu của con mình. Trả lời tờ The Age ngày 1.4.2009 ông Eric khẳng định ông Keating chưa bao giờ yêu cầu ông đi Trung Quốc dự lễ động thổ xây dựng một khách sạn. Theo ông thì ông chỉ đi Trung Quốc với tư cách là đại diện của những nông gia trồng nho tại vùng Hunter Valley và không nhớ là ai bảo trợ chuyến đi này vì đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên ông “nhớ rất rõ” là mình chưa hề nhận tiền của bà Helen Liu.

Áp lực từ những cáo buộc này quá nặng nên tháng Sáu năm 2009 ông Fitzgibbon phải từ chức.

Tuy nhiên ông vẫn chưa được tha. Tháng Hai năm 2010 hãng truyền thông Fairfax tung ra thông tin nổ như một quả bom, cáo buộc Helen Liu đã biếu ông Fitzgibbon số tiền mặt và quà cáp trị giá $150,000.

Các tờ báo thuộc Fairfax như Sydney Morning Herald, The Age hay The Australian Financial Review đã viện dẫn các “chứng từ tài chính” của Helen Liu; theo đó bà Helen đã viết thư gởi cho ban điều hành ngân hàng Bank of China, khẳng định ông Fitzgibbon “sẽ là thành viên của nội các chính phủ Úc” nên “số tiền chúng ta trả cho ông ta hoàn toàn đáng giá”.

Tài liệu trích dẫn cho biết chứng từ của bà Helen Liu ghi rõ trong mục chi tiêu “tiền chi bao gồm chi phí và quà cáp”: đã chi hết 850,000 nhân dân tệ, tức khoảng $150,000 cho Joel Fitzgibbon, tính theo tỷ giá lúc đó.

Tài liệu này cũng cho thấy kế hoạch của bà Liu trong việc bỏ ra số vốn đầu tiên là $3 triệu để thành lập một công ty liên doanh với gia đình Fitzgibbon, trong đó cựu dân biểu “Eric Fitzgibbon sẽ là một đại diện”.

Theo cáo buộc của Fairfax Media thì phụ nữ gốc Trung Quốc này đã dùng tiền để tạo ảnh hưởng, biến ông Joel Fitzgibbon thành một thứ tác nhân tạo ảnh hưởng chính trị và kinh doanh (cultivate him as an agent of political và business influence). Sau đây là một số thông tin:

  • 1996: Bà Lưu góp vào quỹ tranh cử của Fitzgibbon số tiền $20,000. Lúc này ông Fitzgibbon còn là nghị viên, muốn ra tranh cử dân biểu liên bang, từ một chân nghị viên.
  • 2001 – 2007: một công ty của bà Lưu đóng cho đảng Lao Động $70,000. Tính tới lúc này bà Lưu đã đóng cho đảng Lao Động $90,000.
  • 2002: Bà Lưu bao cho Fitzgibbon đi Thượng Hải và Bắc Kinh.
  • 2003: Bà Lưu mua biệt thự Shangri-La tại Double Bay với giá $5 triệu.
  • 2005: Bà Lưu bao tiền cho Fitzgibbon đi Thượng Hải và Bắc Kinh.
  • 2008: Fitzgibbon thuê một unit đứng tên của bà Lưu tại Canberra
  • 9.2008 Fitzgibbon đưa Queena (em gái bà Lưu) xem trận chung kết giải bóng bầu dục NRL.

Tin lúc đó cho hay ông Fitzgibbon đã nhiều lần “chén anh chén em” với bà Lưu tại nhiều lễ tiếp tân của chính phủ, kể cả lễ ra mắt quốc hội và các dạ tiệc có mặt các nguyên thủ quốc gia. Bà Lưu lại thường xuyên ghé đến văn phòng của ông Fitzgibbon tại quốc hội và khi về Sydney ông ta cũng hay đến biệt thự của bà ta tại Double Bay để “uống cà phê”.

Nhưng phụ nữ gốc Trung Quốc này là ai? Fairfax còn cáo buộc rằng bà này có quan hệ rất chặt với tình báo Trung Quốc:

– Hoạt động kinh doanh của bà Liu có quan hệ với Tổng cục II (Second Deparment), là cơ quan tình báo quân sự của Trung Quốc.

– Bà Liu có quan hệ chặt chẽ với các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Trung Quốc. Theo thẩm định của phản gián Úc thì đây chính là các nhân viên tình báo.

– Bà Liu có quan hệ với các viên chức cao cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc và Quân đội Trung Quốc (PLA).

Tổng cục II của Trung Quốc trực thuộc quân đội, tuy nhiên có trách nhiệm thu lượm các thông tin tình báo trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế và chính trị bên ngoài Trung Quốc.

Thông tin cho biết Helen Liu quê quán tại tỉnh Sơn Đông thuộc vùng tây bắc Trung Quốc, quê hương của nhiều tướng lĩnh Trung Quốc. Theo tờ The Australian thì Helen Liu là thành viên ban biên tập của một tạp chí có quan hệ chặt chẽ với Quân đội Trung Quốc.

Liu tốt nghiệp cao học tại Đại học Thanh Hoa (Quinhai) tại Bắc Kinh, là một trong những đại học hàng đầu tại Trung Quốc và di cư sang Úc vào năm 1984 bằng cách kết hôn giả, về sau vẫn thường xuyên đi đi về về giữa Úc và Trung Quốc.

Tuy đến Úc đã lâu, tiếng Anh của bà rất hạn chế trong khi bà giàu có vượt bậc. Tại Úc, Helen Liu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thương xá và khách sạn thông qua nhiều công ty, trong đó nổi cộm nhất là Australia China Investments và Diamond Hills Holdings. Năm 2004 bà mua một biệt thự rộng lớn tại Double Bay với giá $4.7 triệu.

Tờ The Australian trích báo chí Trung Quốc, cho biết Helen Liu làm chủ các bất động sản trị giá $140 triệu tại đảo Hải Nam và trị giá $20 triệu tại tỉnh Giang Tây.

Tại Trung Quốc, Helen Liu là thành viên Ban biên tập của tạp chí Sơn Đông Minh Gia (Shandong Ming Jia). Tạp chí (hay tổ chức) này có vẻ vô thưởng vô phạt thế nhưng lại có quan hệ sâu rộng với quân đội, đặc biệt là Cục hậu cần.

Helen Liu còn là phó chủ tịch của Hội phụ nữ Trung Quốc hải ngoại (World Federation of Overseas Chinese Associations: WFOCF). Hội này có trụ sở tại Hồng Công và có quan hệ chặt chẽ với “Cục Hải ngoại Sự vụ” (Overseas Affairs) trực thuộc Bộ Thống Nhất (United Front Ministry).

Năm 2002, trong một lần tiếp đón phái đoàn chính phủ Trung Quốc tại Úc, các phóng viên đã chụp được hình Helen Liu đọc diễn văn ca ngợi cựu thủ tướng Lý Bằng, thủ phạm chính của vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989.

Năm 2006, trong một lễ kỷ niệm của WFOCF tại Bắc Kinh, Helen Liu đã lên diễn đàn đọc diễn văn, kết thúc bằng cách hô khẩu hiệu: “Chỉ có duy nhất một nước Trung Quốc trên thế giới.” (There is only one China in the world)

Chính quan hệ thân cận giữa tổng trưởng quốc phòng với phụ nữ đáng ngờ này đã khiến các viên chức tình báo Úc tại Canberra báo động.

Vì bị cáo buộc và phanh phui hết chuyện này đến chuyện khác, cả chuyện kết hôn giả để được định cư tại Ú, năm 2011 bà Liu kiện tổ Fairfax Media và ba ký giả là Richard Baker, Phillip Dorling và Nick McKenzie ra Toà Thượng thẩm NSW về tội vu khống và bôi nhọ, buộc các bị đơn phải tiết lộ nguồn cung cấp tin tức cho mình. Tòa xử Fairfax thua nhưng Fairfax kháng án lên tận Tòa án tối cao và sự việc hiện vẫn chưa kết thúc!

Thủ tướng Morrison, Ngoại trưởng Mỹ và Thủ hiến Victoria

Thủ tướng Scott Morrison đã đứng về phía lập trường của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong những tranh cãi về thỏa thuận giữa Tiểu bang Victoria và Trung Quốc về dư án “Vành đai – con đường” đã ký năm 2018.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh cáo là Mỹ có thể loại Úc khỏi mạng lưới chia sẻ tình báo then chốt giữa các đồng minh, tức liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), nếu tiểu bang Victoria tham gia sáng kiến “Vành đai – con đường” (Belt and Road ) của Trung Quốc.

“Five Eyes” là nhóm hợp tác về tình báo bao gồm 5 nước Anh, Mỹ, Úc, Canada và New Zealand, để cùng chia sẻ những thông tin cực kỳ nhạy cảm.

Trả lời phỏng vấn Sky News hôm 24.5, ông Pompeo cho hay trong khi ông chưa nắm được chi tiết về việc tiểu bang Victoria của Úc ký kết với phía Trung Quốc liên quan đến sáng kiến nói trên, thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh tình báo giữa Mỹ và Úc theo cơ chế Ngũ Nhãn.

Vị ngoại trưởng xuất thân là giám đốc CIA này tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào liên quan đến cơ sở hạ tầng viễn thông, hoặc bất cứ yếu tố có thể gây hại cho an ninh quốc gia khi chia sẻ tình báo với đối tác Ngũ Nhãn. Nếu thỏa thuận của bang Victoria tác động tiêu cực đến Mỹ,“chúng tôi lập tức cắt đứt quan hệ”.

Ông cam kết chính quyền Washington sẽ duy trì sự tín nhiệm, tin cậy lẫn nhau trong liên minh Ngũ Nhãn, và kêu gọi các đối tác, đặc biệt là Úc, hãy làm điều tương tự.

Lên tiếng cùng ngày TT Morrison khẳng định chính phủ Liên đảng không bao giờ ủng hộ thỏa thuận trên, cho rằng tiểu bang nên đi theo hướng dẫn của chính phủ liên bang trong vấn đề đối ngoại.Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không ủng hộ quyết định đó từ đầu. Quyền lợi ích quốc gia trong các vấn đề đối ngoại phải do chính quyền liên bang định đoạt. Tôi tôn trọng thẩm quyền của trong những vấn đề mà họ chịu trành nhiệm và cũng sẽ là điều bình thường nếu các tiểu bang tôn trọng và công nhận vai trò của liên bang trong việc ấn định chính sách ngoại giao?”

Bị chất vấn về điều này, hôm 24.5.2020 ông Daniel Andrews đã quanh co, không trả lời thắng viện lý ông chưa trực tiếp nghe những gì ông Pompeo phát biểu: vì tôn trọng ông Pompeo và Bộ Ngoại giao Mỹ nên ông chỉ bình luận cụ thể sau khi nghe rõ, đọc rõ.

Tuy nhiên ông Daniel Andrews nói thêm: “Trên một vấn đề rộng hơn thì thái độ của tôi với vấn đề này rất rõ, và đã được thông hiểu. Đó là vì công ăn việc làm tại tiểu bang Victoria và tôi sẽ tiếp tục làm việc để có một quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Nó không có nghĩa là chúng tôi đồng ý với nhau trên mọi vấn đề.”

Cho tới nay chính sách chính thức của Úc với dự án “Vành đai – Con đường” nói trên vẫn là sự phản đối mà nguyên Thủ tướng Malcolm Turnbull và nguyên Ngoại trưởng Julie Bishop vạch ra. Thậm chí ông Turnbull từng ấp ủ kế hoạch cạnh tranh bằng Liên minh Úc – Mỹ – Ấn Độ- Nhật, như là một “Hình thoi dân chủ” (diamond of democracies) hay nói theo lối chơi chữ là “Tứ giác kim cương”. Theo đó thì bốn nước liên quan sẽ kết nối hạ tầng chung trong khu vực để đối trọng với tham vọng của Trung Quốc.

Mới tuần qua, thỏa thuận của chính phủ Lao Động Victoria với Trung Quốc đã bị chính một thượng nghị sĩ của Lao Động chỉ trích. Sự việc diễn ra sau khi ông Tim Pallas, giữ chức Bộ trưởng Kinh tế tiểu bang Victoria, này chỉ trích việc chính phủ Morrison kêu gọi điều tra đại dịch để chọc giận Trung Quốc, khiến Trung Quốc tăng thuế. Theo ông thì khi thúc đẩy cuộc điều tra, Úc đã “phỉ báng” (vilified) Trung Quốc. Ngay lập tức TNS Lao Động Kimberley Kitching đã “lên lớp”, nhắc rằng chính quyền tiểu bang không có quyền hạn hiến định nào trong các vấn đề thương mại và đối ngoại.

Bà nhấn mạnh: “Chính quyền tiểu bang Victoria không nên ký kết thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về dự án Vành đai và con đường, đó là một chính sách dở và và một chọn lựa tồi. Và tôi nghĩ nếu người ta muốn chơi trò đổ lỗi, họ nên nhắm vào thủ phạm chứ không phải là nạn nhân.”

Như Việt Luận đã nhắc lại vào tuần qua, tháng 10.2018, ông Daniel Andrews đã ký kết vào thỏa thuận tham gia sáng kiến trên với Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) nội dung được giữ bí mật theo yêu cầu của Trung Quốc. Sự việc mập mờ này đã gây nên nhiều lo ngại, chính phủ liên bang chỉ trích tiểu bang Victoria “qua mặt” mình còn giới an ninh – chiến lược thì vò đầu bứt tai.

Vì cận ngày bầu cử, ngày 11.11.2018 ông Andrew mới chịu công bố tin này, nhấn mạnh rằng tiểu bang chỉ ký “Biên bản ghi nhớ” (MOU) với Trung Quốc và thỏa thuận này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Biên bản ghi nhớ này chủ yếu chỉ nhấn mạnh đến “tình hữu nghị” và “quan hệ hợp tác” giữa tiểu bang Victoria với Trung Quốc trong nhưng “dự án phát triển hai bên cùng có lợi” chứ không đề cập đến những vấn đề cụ thể.

Theo thỏa thuận đã ký, biên bản ghi nhớ này hiệu lực 5 năm, tuy nhiên bất cứ bên nào cũng có thể rút lui bất cứ lúc nào với điều kiện thông báo trước ba tháng. Thông cáo báo chí của chính phủ tiểu bang nhấn mạnh: “Biên bản ghi nhớ này không ràng buộc tiểu bang Victoria phải gắn bó với một dự án hay sáng kiến cụ thể. Như thông lệ, chính phủ tiểu bang Victoria luôn cân nhắc lợi ích của tiểu bang và lợi ích quốc gia trước khi tham gia một hoạt động cụ thể nào.”

Theo giới bình luận thì có vẻ như Trung Quốc đang sử dụng Victoria như một công cụ tuyên truyền sau khi “sáng kiến” của Tập Cận Bình bị chống đối nhiều nơi.

Liên quan đến quan hệ Úc – Mỹ, ngày 14.5.2020 ngay sau khi Ngoại trường Pompeo lên tiến dọa Úc thì Đại sứ Mỹ tại Úc là ông Arthur Culvahouse đã lên tiếng như một cách xoa dịu tình hình: “Mỹ có niềm tin tuyệt đối vào khả năng của Chính phủ Úc trong việc bảo vệ an ninh các mạng viễn thông của nước này cũng như mạng của các nước đối tác trong liên minh tình báo Five Eyes.”

Related posts