Tin thế giới trưa thứ Ba 26/5: Trung Quốc đe dọa trả đũa nếu Mỹ chế tài về luật an ninh Hồng Kông

Ông Trump: ‘Không ai yếu đuối về Trung Quốc hơn Joe Biden’

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh chụp màn hình bản tin Sky News / Youtube).

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (25/5) đã bình luận công khai trên mạng xã hội Twitter về đối thủ của ông trong mùa bầu cử 2020, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Viết về cấp phó của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Trump bình luận: “Trong 50 năm qua, không ai YẾU ĐUỐI về Trung Quốc hơn Joe Biden ngái ngủ. Ông ta không tỉnh táo chút nào. Ông ta đã cho họ MỌI THỨ họ muốn, trong đó gồm cả những thỏa thuận thương mại mang tính cướp bóc. Tôi đang đưa tất cả quay trở lại!”

Vài phút trước đó, ông Trump viết: “Joe Biden ngái ngủ (chủ yếu là các đại diện của ông ta) phát khùng vào cuối tháng 1 khi tôi cấm nhập cảnh những người đến từ Trung Quốc. Ông ta nói tôi là ‘bài ngoại’ và rồi tiếp tục ‘phát khùng’ không kém khi chúng tôi cho phép 44.000 người nhập cảnh – cho đến khi ông ta được báo rằng họ là những công dân Mỹ trở về nước. Sau đó ông ta đã phải xin lỗi”.

Cuộc khẩu chiến qua Twitter giữa Tổng thống Trump và ứng cử viên Biden đã trở nên gay gắt hơn, trong khi chỉ vài tháng tới là hai ông sẽ bắt đầu các vòng tranh luận trực tiếp trong khuôn khổ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Theo The Hill, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã phát hành một video quảng cáo quay cảnh ông Trump chơi golf trong khi số người chết vì virus corona tại Mỹ đang gia tăng. Ông Biden viết trên Twitter hôm thứ Bảy (23/5): “Gần 100.000 sinh mạng đã bị mất và hàng chục triệu người mất việc. Trong khi đó, tổng thống đã dành cả ngày để chơi golf”.

Tổng thống Trump đã bác bỏ lời chỉ trích của ông Biden thông qua một tuyên bố trên Twitter hôm Chủ nhật (24/5): “Các đại diện của Joe ngái ngủ vừa đăng một quảng cáo nói rằng tôi đã đi chơi golf (tập thể dục) ngày hôm nay. Họ nghĩ rằng tôi lúc nào cũng nên ở Nhà Trắng”.

Ông Trump tiếp tục: “Họ đã không nói rằng đây là lần đầu tiên tôi chơi golf trong gần 3 tháng qua, họ cũng không nói rằng Biden liên tục đi nghỉ mát, thư giãn và thực hiện các giao dịch mờ ám với các quốc gia khác, họ cũng không nói rằng Barack suốt ngày chơi golf, thực hiện nhiều chuyến đi trên chiếc máy bay 747 để chơi golf ở Hawaii – có một lần còn đi phát bóng ngay sau khi thông báo về cái chết khủng khiếp của một thanh niên tuyệt vời bị tổ chức khủng bố IS giết hại!”.

Khả năng Tổng thống Trump đề cập đến Trung Quốc khi đề cập đến việc ông Biden có “các giao dịch mờ ám với các quốc gia khác”. Trước đó, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích mối quan hệ lợi ích giữa gia đình ông Biden và Trung Quốc, sau khi các nguồn tin chỉ rõ Hunter Biden – con trai ông Joe Biden – đã nhận được một khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc, chỉ 10 ngày sau khi Hunter hộ tống cha thăm chính thức Bắc Kinh vào năm 2013.

Trung Quốc đe dọa trả đũa nếu Mỹ chế tài về luật an ninh Hồng Kông

Chế độ Trung Quốc hôm thứ Hai (25/5) cảnh báo rằng họ sẽ có biện pháp đối phó nếu Mỹ thực hiện hành động làm tổn hại tới lợi ích của Bắc Kinh tại Hồng Kông. Tuyên bố này của Trung Quốc là nhằm đáp trả những bình luận trước đó của Mỹ về khả năng áp đặt chế tài liên quan tới việc Bắc Kinh dự định áp đặt luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.

Ngày 24/5, cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình phản đối Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông
Ngày 24/5, cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình phản đối Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông (Ảnh: Vision Times)

Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, ông Robert O’Brien hôm Chủ Nhật (24/5) nói trên NBC rằng dự thảo luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông có thể dẫn tới các chế tài theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019. Theo luật liên bang này, bộ trưởng ngoại giao Mỹ hàng năm phải xác nhận xem liệu Hồng Kông có được hưởng quyền tự trị đầy đủ từ Trung Quốc đại lục để nhận các đặc quyền thương mại từ Mỹ hay không.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 cũng mở đường cho chính quyền Mỹ áp đặt các chế tài lên các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông liên quan tới vi phạm nhân quyền tại hòn đảo bán tự trị này.

Có vẻ như, với luật an ninh quốc gia này, họ [Trung Quốc] về cơ bản sẽ chiếm lấy Hồng Kông và nếu họ làm thế… thì Ngoại trưởng Pompeo có lẽ không thể chứng thực rằng Hồng Kông vẫn có quyền tự trị cao độ và nếu điều đó xảy ra, sẽ có các chế tài được áp đặt lên Hồng Kông và Trung Quốc”, Ông O’Brien nói.

Trung Quốc tuần trước đã xác nhận rằng quốc hội nước này sẽ thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông mà không cần sự tham gia thảo luận hay bỏ phiếu thông qua của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Luật an ninh Hồng Kông này sẽ cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài, và có thể dẫn đến chế độ Trung Quốc cho thành lập các cơ quan tình báo đại lục tại Hồng Kông. Động thái này của Bắc Kinh đã gây ra một sự phản đối kịch liệt ở Hồng Kông và cũng kéo theo sự lên án mạnh mẽ của quốc tế.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) trong cuộc họp báo hôm 25/5 nói rằng Bắc Kinh đã chính thức khiển trách ngoại giao Washington về những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia O’Brien.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/5 cũng nói rằng chế độ Bắc Kinh sẽ “không cho phép can thiệp bên ngoài” vào Hồng Kông. Ông Vương viện dẫn các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông năm 2019 là lý do cho việc giới thiệu luật an ninh quốc gia mới cho hòn đảo này. Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho “các thế lực nước ngoài” đã xúi giục các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại một dự luật dẫn độ hiện bị hủy bỏ, cho phép người dân ở Hồng Kông được đưa về đại lục để xét xử tại các tòa án do chế độ cộng sản kiểm soát.

Các nhà phê bình nói rằng luật an ninh sẽ cho phép chế độ Trung Quốc mượn danh nghĩa an ninh quốc gia để dập tắt các tiếng nói bất đồng chính kiến.

Ông O’Brien cho biết động thái này của Bắc Kinh cũng sẽ làm tổn hại tới vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.

Tôi thực sự không nhìn thấy làm thế nào [khối doanh nghiệp tài chính] có thể ở lại. Một lý do mà họ đến Hồng Kông là vì ở đó có luật pháp riêng, có hệ thống tự do kinh doanh, có hệ thống tư bản, có nền dân chủ và các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương. Nếu tất cả những điều này biến mất, thì tôi không dám chắc làm thế nào cộng đồng tài chính có thể ở lại đó”, ông O’Brien nói.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)

Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẵn sàng chấp nhận người tị nạn đến từ Hồng Kông

Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson (ảnh: LeStudio1.com/Flickr).

Hôm 24/5 (giờ London), truyền thông Anh đưa tin rằng, Thủ tướng Boris Johnson sẵn sàng chấp nhận người tị nạn đến từ Hồng Kông ngay cả trước khi chính quyền Trung Quốc áp luật an ninh hà khắc nhằm dập tắt các phong trào phản kháng.

Theo tờ Express của Anh, trong một cuộc họp vào đầu năm nay tại Chequers Court, nơi ở của Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson nói với các bộ trưởng rằng ông đã sẵn sàng nhận người tị nạn đến từ Hồng Kông.

Tuy nhiên, không rõ liệu kế hoạch của ông chỉ bao gồm 315,000 người Hồng Kông đã có hộ chiếu Anh hay toàn bộ 7,5 triệu người Hồng Kông. Đề xuất của ông Johnson đã được thông qua mà không bị phản đối, tương tự như chiến dịch cấp quyền công dân Anh cho người châu Á ở Uganda vào những năm 1970 khi họ bị khủng bố bởi nhà độc tài Idi Amin, cựu Tổng thống Uganda.

Trước đó, vào hôm 22/5, Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson cho biết, Anh hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ tôn trọng các quyền và tự do của Hồng Kông.

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và mong muốn chính phủ Trung Quốc tôn trọng các quyền, sự tự do cùng mức tự trị cao của Hồng Kông. Là một bên tham gia tuyên bố chung Trung – Anh, Vương quốc Anh cam kết sẽ bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông và tôn trọng mô hình một quốc gia, hai chế độ”, phát ngôn viên của ông Johnson cho biết.

Mới đây, tờ The Times của Anh dẫn lời ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hồng Kông khi thành phố còn thuộc Anh cho biết: “Người dân Hồng Kông đã bị Trung Quốc phản bội” và nhấn mạnh Anh nên có nghĩa vụ “đạo đức, kinh tế và pháp lí” trong việc đứng lên bênh vực Hồng Kông.

Họa sĩ Úc: Hồng Kông ‘đang phải trả giá’ như Thảm sát Thiên An Môn 1989

Khi ngày kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989) đang đến gần, một nghệ sỹ gốc Hoa cảnh báo những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đang đối mặt với nguy hiểm không kém sự kiện Lục Tứ cách đây 31 năm.

Họa sỹ người Úc gốc Hoa, Ba Đâu Thảo (Badiucao) nói với Hong Kong Free Press (HKFP): “Tôi nghĩ có một điều rất quan trọng là phải kết nối các tham chiếu lịch sử với nhau, và tái hiện chúng trong bối cảnh hiện tại, [với sắc màu hiện tại]”.

Ông bình luận: “Đã 31 năm kể từ vụ Thảm sát Thiên An Môn, nhưng Trung Quốc hiện giờ vẫn là Trung Quốc năm xưa, còn Hồng Kông đang phải trả giá giống các sinh viên năm 1989”.

Ngày 4/6/1989, quân đội Trung Quốc đã dùng súng ống và xe tăng đàn áp phong trào dân chủ của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Một bức điện tín mật từ Anh Quốc tiết lộ con số tử vong trong sự kiện Lục Tứ (đặt theo ngày 4/6) là ít nhất 10.000 người.

Tank Man – cảnh tượng một người đàn ông đứng chắn đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc vào ngày 5/6/1989, một ngày sau sự kiện Lục Tứ đẫm máu – đã trở thành hình ảnh biểu tượng của sự kiện 

Hiện sống ở Australia, họa sỹ Ba Đâu Thảo đang dùng các bức tranh của ông để châm biếm chính sách bạo lực của chính quyền Trung Quốc.

Ông nói với HKFP: “Tôi nghĩ rằng các chế độ độc đoán, chuyên quyền hay độc tài không bao giờ … hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật châm biếm”.

Họa sỹ Ba Đâu Thảo Trong bức tranh mới nhất, ông Thảo đã dựa trên hình ảnh Tank Man năm 1989 để phác họa một người đàn ông đứng trước đoàn xe tăng. Đoàn xe tăng có vẻ ngoài tựa con virus corona, có lẽ là một cách để châm biếm việc chèn ép những tiếng nói cảnh báo sớm về Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh, khiến dịch bệnh cục bộ tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu.

Người đàn ông cầm chiếc ô màu vàng, một biểu tượng đặc trưng của phong trào dân chủ ở Hồng Kông trong những năm qua, cũng là lời cảnh báo từ nghệ sỹ Ba Đâu Thảo, rằng những người biểu tình ở thành phố cảng này có thể đang đối mặt với nguy hiểm to lớn giống những người kêu gọi dân chủ năm 1989.

Người nghệ sỹ lưu vong nói rằng ông muốn mọi người ghi nhớ sự kiện Thiên An Môn và ngăn chặn “lịch sử tái diễn”. Ông nói với HKFP: “Đôi khi việc đàn áp có thể không đi kèm súng ống đạn dược mà có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác”.

Ông Thảo bình luận về chính quyền Trung Quốc: “Cuộc đàn áp của họ ngày càng tinh vi hơn, đi kèm hoạt động tuyên truyền được thiết kế cẩn thận. Nó có vẻ không khốc liệt như xe tăng cán người ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhưng nó chẳng kém nguy hiểm và tàn khốc so với hồi đó”.

Ngày nay rất ít thanh niên Trung Quốc biết đến vụ Thảm sát Thiên An Môn, dù các cuộc tưởng niệm những nạn nhân trong sự kiện này vẫn diễn ra hàng năm tại nhiều nơi trên thế giới.

Trung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau ở Phú Lâm là ‘thắng to’

Đảo Phú LâmTrung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau ở Phú Lâm là ‘thắng to’

Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nhà nước Trung Quốc đưa tin Trung Quốc vừa thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm. Đây là đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế Trung Quốc kiểm soát. Cuộc thu hoạch vừa rồi được xem là “một chiến thắng to lớn” của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, VOA Việt ngữ trích bản tin của tờ Hoàn cầu.

VOA cho hay, đó là vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), những nơi duy trì được khả năng cư trú của con người, có nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài thì đủ điều kiện để trở thành đảo chính thức.

Triều Tiên có thể phóng SLBM nhằm tăng cường “chiến lược răn đe hạt nhân”

Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhằm “tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân”, tờ Yonhap dẫn lời các chuyên gia cho biết hôm 25/5.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có tầm bắn lớn hơn và SLBM hoặc tàu ngầm có khả năng là những vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên. Tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn, có khả năng mang 3 SLBM và đang được chế tạo tại căn cứ hải quân của Triều Tiên ở Sinpo.

Cổ phiếu Alibaba sụt giảm sau dự báo tăng trưởng chậm

Alibaba Group Holding Ltd. lao dốc sau khi dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ chậm lại trong năm nay, phản ánh sự bất ổn kinh tế sau đại dịch Covid-19 ngay tại sân nhà cũng như khả năng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phá vỡ hoạt động kinh doanh của hãng, theo bản tin của báo Bloomberg ngày 25/5.

Cổ phiếu của Alibaba đã giảm tới 4% tại Hồng Kông vào ngày 25/5, sau khi giảm gần 6% tại New York cuối tuần trước đó. Gã khổng lồ thương mại điện tử dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm nay ít nhất là 27,5% xuống còn 650 tỷ nhân dân tệ (91 tỷ USD), giảm so với 35% trước đó và thấp hơn một chút so với ước tính của các nhà phân tích. Trong khi đó hãng công bố mức tăng 22% tốt hơn dự kiến trong doanh thu quý 3 là 114,3 tỷ nhân dân tệ, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử.

Trung Quốc tuyên bố thực hiện luật an ninh Hồng Kông đến cùng

Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người biểu tình hôm 24/5 

Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính hôm 24/5 tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện đến cùng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Hàn Chính, người phụ trách các vấn đề về Hồng Kông và Ma Cao, đã gặp phái đoàn đến từ đặc khu hành chính Hồng Kông tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 24/5, trong khuôn khổ kỳ họp “Lưỡng Hội” đang diễn ra.

“Đừng đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh. Một khi quyết định được đưa ra, chúng tôi sẽ thực hiện đến cùng”, ông Wong Yuk-shan, phó đoàn đại biểu Hồng Kông dẫn lời ông Hàn Chính nói về dự luận an ninh cho đặc khu.

Tuyên bố của ông Hàn được đưa ra trong bối cảnh người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về tình hình của đặc khu nếu dự luật an ninh được thông qua. Dù các quan chức Trung Quốc hứa hẹn quyết định của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng tới cư dân của hòn đảo, cũng như sự tự do tại nơi đây, song các nhà ủng hộ dân chủ Hồng Kông cho rằng, việc dự luật được thông qua sẽ đặt dấu chấm hết cho chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ”.

Chiều ngày 24/5, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường để phản đối dự luật mà Bắc Kinh đề xuất. Cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông. Trong cuộc phỏng vấn với NBC, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cảnh báo Washington có thể áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.

Trước đó, nhiều nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ dự luật của Bắc Kinh. Hôm 23/5, gần 200 chính trị gia trên thế giới, trong đó có 17 nghị sĩ Mỹ, đã ký tuyên bố chung chỉ trích ý định thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu Trung Quốc ban hành luật này.

Tàu dầu Iran đã vào lãnh hải Venezuela

Fortune, tàu đầu tiên trong số 5 tàu chở dầu của Iran đến Venezuela nhằm cứu vãn tình trạng thiếu nhiên liệu ở Venezuela, đã tới lãnh hải Venezuela mà không gặp phải sự can thiệp tức thời nào của Mỹ, như những gì chính quyền tổng thống Maduro mô tả là mối đe dọa, theo Aljazeera ngày 24/5.

Fortune đã chính thức vào Vùng đặc quyền kinh tế của Venezuela lúc khoảng 7h30 chiều (giờ địa phương) hôm 24/5, theo dữ liệu hoạt động trung chuyển dầu TankerTracker.

“Tàu dầu đầu tiên của Iran đã tới bờ biển Venezuela”, đại sứ quán Iran tại Venezuela đăng trên Twitter và “biết ơn Lực lượng Vũ trang Bolivaria hộ tống tàu”.

Các tàu dầu khác của Iran bao gồm Forest, Petunia, Faxon và Clavel dự kiến sẽ đến Venezuela trong vài ngày tới.

Related posts