Tin thế giới tối thứ Sáu 26/6

Dự luật Hồng Kông mới có gì khác biệt?

Dự luật vừa được Thượng viện thông qua xuất hiện 7 tháng sau khi Tổng thống Trump ký ban hành Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông. Khác với đạo luật trước đó, theo dự luật mới các lệnh trừng phạt sẽ “mang tính bắt buộc”.

Phát biểu tại Thượng viện hôm thứ Năm (25/5) trước khi thông qua dự luật mới, Thượng nghị sĩ Van Hollen cho rằng tuy chính quyền Trump đã có thẩm quyền trừng phạt các thực thể Trung Quốc theo đạo luật trước đó, nhưng Nghị viện vẫn cần tạo áp lực để thúc đẩy chính quyền hành động quyết liệt hơn.

Tờ SCMP bình luận, tuy rằng hồi cuối tháng 5 Ngoại trưởng Pompeo đã bắt đầu dỡ bỏ các đặc quyền thương mại của Hồng Kông khi tuyên bố đặc khu này không còn đủ tự chủ trước Trung Quốc, nhưng chính quyền Trump vẫn chưa công bố bất kỳ hành động trừng phạt nào đối với thực thể Trung Quốc (cá nhân hoặc tổ chức).

“Dù đã có một số tuyên bố từ Ngoại trưởng [Pompeo], nhưng chính quyền này vẫn chưa có hành động gì [đáng kể]”, ông Van Hollen nói, đồng thời kêu gọi Hạ viện thông qua dự luật mới để tổng thống Trump ký ban hành, nhằm nhanh chóng thực hiện “các lệnh trừng phạt mở rộng”.

Mỹ – EU tiếp tục thảo luận về ‘chướng ngại’ Trung Quốc

Chính quyền Trump đã nhận lời mời tham gia một cuộc đối thoại mới giữa Hoa Kỳ – EU về Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thông tin hôm thứ Năm, theo SCMP.

“Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để tiếp tục nhận thức đối với thách thức từ Trung Quốc, liên quan đến lợi ích của việc duy trì các xã hội tự do, sự thịnh vượng và tương lai của chúng ta”, ông Pompeo nói với các chuyên gia trong một hội nghị trực tuyến.

“Tôi không muốn một tương bị Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình và tôi không mong ai trong hội nghị này muốn điều đó cả”, ông Pomp Pompeo nói.

Bắc Kinh cáo buộc chiến cơ Mỹ bay qua Biển Đông, áp sát Trung Quốc đại lục

Một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã cử máy bay quân sự thực hiện các nhiệm vụ giám sát trên Biển Đông và tiến sát vào bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục.

Thông tin này xuất hiện hôm 25/6 từ SCSPI, một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh gọi là “Sáng kiến Đánh giá tình hình chiến lược Biển Nam Hải”, tức Biển Đông của Việt Nam.

SCSPI đăng lên Twitter (mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc) một hình ảnh được cho là ghi lại hành trình của những chiếc máy bay Mỹ, kèm lời tuyên bố: “Vào buổi sáng ngày 25/6, chiếc máy bay P-8A và RC-135 của Hoa Kỳ đang tiến hành trinh sát tại Biển Nam Hải, tập trung vào vùng biển phía đông của Kênh đào Bashi, trong khi đó, một chiếc máy bay C-17A Globemaster III đang bay qua Biển Nam Hải”. Biển Nam Hải là cách gọi của Trung Quốc đối với Biển Đông của Việt Nam.

Theo SCMP, máy bay chống tàu ngầm P8-A Poseidon, máy bay trinh sát RC-135 và máy bay vận tải C-17A là 3 trong số ít nhất một tá máy bay chiến đấu của Mỹ từng được nhìn thấy trong khu vực kể từ giữa tháng 6.

Theo hình ảnh mà SCSPI đăng trên Twitter, máy bay P8-A đã bay qua Kênh Bashi và hướng về phía Quần đảo Đông Sa (một nhóm ba đảo san hô ở phía bắc của Biển Đông) do Đài Loan kiểm soát, sau đó bay sát bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục.

Hiện chưa rõ tuyên bố của SCSPI có xác thực hay không. Đài Loan đã từ chối xác nhận bất kỳ hoạt động nào của Không lực Hoa Kỳ trong khu vực, theo SCMP.

Bắc Kinh đang cố gắng mô tả sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông là hành vi gây hấn, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột. Hôm 23/6, một cơ quan nghiên cứu khác của Bắc Kinh đã công bố báo cáo lên án các tàu chiến Mỹ nhiều lần xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.

SCMP cho rằng các hành động của Không lực Hoa Kỳ đã khiến quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động của mình trong khu vực.

Trước đó, báo Kyodo của Nhật Bản đưa tin quân đội Trung Quốc có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông vào tháng 8. Theo SCMP, Hoa Kỳ đã biết kế hoạch tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, vì vậy đã triển khai các máy bay tác chiến để thực hiện một số nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo trong khu vực.

Tờ báo Hồng Kông cho biết, các nhà phân tích quân sự nhận định sự hiện diện của máy bay P8-A trong khu vực cho thấy các nhiệm vụ của Không lực Hoa Kỳ có thể có liên quan đến các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân quân đội Trung Quốc ở gần vùng Biển Philippines.

Ông Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tam Khang ở Đài Bắc, Đài Loan nói với SCMP: “Nếu Trung Quốc triển khai các tàu ngầm của mình ở các kênh Bashi và Balintang nằm giữa Đài Loan và Philippines, nó sẽ đóng vai trò ngăn chặn các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Philippines và Biển Đông”.

Hải quân Hoa Kỳ đang triển khai cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Philippines, nhằm gửi một “thông điệp mạnh mẽ” tới chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cao, theo Japan Times.

Ấn Độ nhiều khả năng từ bỏ hiệp định có mặt Trung Quốc

Xung đột biên giới Trung-Ấn hôm 15/6 vừa qua có thể sẽ châm ngòi cho việc New Delhi từ bỏ đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Bắc Kinh hậu thuẫn, các nhà phân tích nhận định, theo bản tin hôm thứ Năm của SCMP.

Vào thứ Ba, các nhà đàm phán thương mại từ các quốc gia RCEP còn lại đã cam kết hoàn thành hiệp định vào cuối năm nay, và một lần nữa kêu gọi Ấn Độ nối lại đàm phán nhưng rất có thể New Delhi sẽ không đáp lại lời kêu gọi này.

“Tình hình biên giới sẽ tác động đến toàn bộ quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, ông Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị tại Học viện Giáo dục Cao cấp Ấn Độ nói. “Khi nói đến việc ký RCEP, sau ngày 15/6, thì có vẻ như là một câu hỏi quá lớn”.

Ông Trump sẽ tiếp tục vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Trong sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên hôm thứ Năm, Tổng thống Trump cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, ông Amb. Lee Soo-hyuck, Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ cho biết, theo Yonhap.

“Tổng thống Trump bày tỏ sự quan tâm và lo lắng với những diễn biến hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên và hỏi tôi về tình hình”, ông Lee nói với các phóng viên.

Ông Lee cho biết thêm rằng Tổng thống Trump đã thông qua ông gửi một thông điệp cho Seoul, tuy nhiên Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ không tiết lộ nội dung thông điệp.

“Tôi tin rằng [buổi lễ] là một cơ hội tuyệt vời để một lần nữa cảm nhận quyết tâm [của ông Trump] cho liên minh Hàn-Mỹ”, ông Lee nói. “Tôi tin rằng liên minh Hàn-Mỹ không thay đổi và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Thủ tướng Canada từ chối trao đổi bà Mạnh Vãn Châu

Thủ tướng Justin Trudeau, hôm thứ Năm, đã từ chối lời kêu gọi trao đổi bà Mạnh Vãn Châu, CFO của Huawei, lấy tự do cho hai công dân Canada bị Bắc Kinh cầm tù, nói rằng hành động như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu và gây tổn hại cho Canada, theo Reuters.

Một nhóm gồm 19 chính khách Canada, bao gồm các cựu bộ trưởng và các nhà ngoại giao, trong tuần này đã viết một lá thư gửi tới ông Trudeau kêu gọi Ottawa tạm dừng các thủ tục dẫn độ Mạnh theo đề nghị từ phía Mỹ nhằm đổi lấy sự tự do cho 2 công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ.

Tuy nhiên ông Trudeau nói rằng những chính khách này đã sai vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho hàng triệu người Canada sống và đi du lịch nước ngoài mỗi năm. “Chúng ta không thể cho phép áp lực chính trị hoặc bắt giữ tùy tiện các công dân Canada ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tư pháp của chúng ta”, ông Trudeau nói.

Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc ‘đe dọa Việt Nam’ và thế giới

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Năm (25/6) cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ đặt ra nguy hại đối với Hoa Kỳ, mà còn đối với cả Việt Nam và các quốc gia châu Á khác.

Trong một bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Brussels Forum 2020 được công bố trên websitecủa Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/6, ông Pompeo cho biết ông có thể làm rõ một số hành động mà Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện nhằm chống lại “các thách thức từ ĐCSTQ”.

“Tôi cũng nghĩ Trung Quốc đã hiểu ra rằng không chỉ Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc, mà cả thế giới đang đối đầu với Trung Quốc”, Ngoại trưởng Pompeo nói.

Ông Pompeo cho biết một số người có thể tưởng rằng Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc chỉ vì luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt cho đặc khu Hồng Kông. Ông nói: “Không phải thế. Mà còn có những thách thức ở Biển Đông – vấn đề này không phải chỉ liên quan đến Hoa Kỳ. Nó còn liên quan đến hơn chục quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia châu Á mà am hiểu về mối đe dọa này”.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã lên tiếng nhiều về “các hành động quân sự khiêu khích” của quân đội Trung Quốc. “Chúng bao gồm sự bành trướng liên tục của họ ở Biển Đông, các cuộc đối đầu biên giới chết người ở Ấn Độ, chương trình hạt nhân mờ ám và các mối đe dọa chống lại các nước láng giềng ôn hòa của họ”.

Ông Pompeo phát biểu: “Tôi đã nói về việc ĐCSTQ đã phá vỡ nhiều cam kết quốc tế, bao gồm cả những cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên Hợp Quốc và đối với người dân Hồng Kông. Tôi cũng đã nói về các hoạt động kinh tế săn mồi của ĐCSTQ, như cố gắng ép buộc các quốc gia phải làm ăn với Huawei, một cánh tay thuộc hệ thống giám sát của ĐCSTQ”.

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng ĐCSTQ không chỉ đặt ra các mối đe dọa với Mỹ, mà hiện còn có “các mối đe dọa đối với Ấn Độ, các mối đe dọa đối với Việt Nam, các mối đe dọa đối với Malaysia, Indonesia, những thách thức ở Biển Đông, và với Philippines”.

Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ cho rằng các nước châu Âu cũng đã nhận ra sự nguy hại mà ĐCSTQ đặt ra đối với các nền dân chủ phương Tây.

Ông Pompeo kêu gọi: “Một khi chúng ta tự tin rằng chúng ta có sự hiểu biết chung về mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra, thì chúng ta có thể bắt đầu hành động”.

Bài phát biểu hôm 25/6 của Ngoại trưởng Pompeo là một trong nhiều tuyên bố của chính quyền Trump nhằm phơi bày các vấn đề mà ĐCSTQ đặt ra đối với thế giới. Dự kiến sẽ có nhiều bài phát biểu tương tự nhắm vào Bắc Kinh trong những tuần tới, theo tiết lộ của cố vấn an ninh quốc giaMỹ Robert O’Brien.

Bộ trưởng tài chính Mexico nhiễm virus Vũ Hán

Reuters đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mexico Arturo Herrera, hôm thứ Năm, nói rằng kết quả thử nghiệm cho thấy ông bị dương tính với virus Vũ Hán, nhưng ông mới chỉ bị các triệu trứng “nhẹ” và sẽ tự cách ly ở nhà.

Tính tới thời điểm hiện tại, ông Herrera là quan chức cao cấp nhất trong chính phủ Mexico nhiễm virus Vũ Hán. Một video cho thấy, ông đã đứng cạnh Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador vào hôm thứ Hai.

Mexico cùng với Brazil và Chile là ba trong số những điểm nóng dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latinh. Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Sáu, Mexico có 196.847 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 24.324 người đã tử vong.

Ấn Độ phát hiện hơn 40.000 cuộc tấn công mạng đến từ Trung Quốc sau vụ ẩu đả tại biên giới

Cảnh sát Ấn Độ hôm 23/6 cho biết, chỉ trong bốn đến năm ngày đã có ít nhất 40.300 cuộc tấn công mạng đến từ Trung Quốc nhắm đến cơ sở hạ tầng và ngân hàng của nước này, theo tờ Breitbart.

Yashasvi Yadav, một trong những quan chức hàng đầu trong ngành cảnh sát ở bang Maharashtra của Ấn Độ cho biết, sau cuộc ẩu đả giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ hôm 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, các cuộc tấn công mạng nhắm vào Ấn Độ đến từ Trung Quốc đã tăng mạnh.

Yadav cho biết hầu hết các cuộc tấn công có nguồn gốc từ khu vực Thành Đô của Trung Quốc, nơi từ lâu được biết đến như một điểm nóng của hoạt động tin tặc.

Các cuộc tấn công sẽ khiến người dùng không thể truy cập vào các trang web, lộ mật khẩu hoặc đánh cắp địa chỉ Internet….

Các quan chức mạng ở bang Maharashtra cảnh báo rằng các tin tặc có thể đang sở hữu một cơ sở dữ liệu chứa khoảng hai triệu địa chỉ email của Ấn Độ để tấn công lừa đảo, và các email lừa đảo có thể trông giống như các địa chỉ email của chính phủ hoặc công đoàn.

Tờ The Times of India cho biết, trước khi các cuộc tấn công mạng đến từ Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ là đối tượng thứ sáu của tin tặc Trung Quốc, sau Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đức và Nhật Bản. Các chiến dịch không gian mạng trước đây được dàn dựng khá rõ ràng bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng trong những năm gần đây, tin tặc cẩn thận hơn trong việc che dấu vết và sử dụng rộng rãi phần mềm độc hại có sẵn thay vì vũ khí mạng khiến dễ lộ tung tích như trước đây.

Related posts