Tin tức nước Úc sáng thứ Bảy 23/5: Jobkeeper: Nhầm “số người” thành “số tiền”

Jobkeeper: Nhầm “số người” thành “số tiền”

Ngày 22.5.2020 Bộ Kinh tế cho biết ngân sách của chương trình trợ cấp lương Jobkeeper sẽ giảm từ mức dự kiến $130 tỷ xuống còn $70 do lỗi lầm của giới chủ nhân. Giới chủ nhân đã hiểu sau và khai cả những người không đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp này và con số xin trợ cấp 6.5 triệu người đã bị cắt giảm xuống còn 3.5 triệu người.

Theo thông báo trên, khoảng 1,000 công ty đã ghi sai số lượng nhân viên ước tính nhận được trợ cấp khi làm hồ sơ xin trợ cấp trên mạng, với lỗi phổ biến nhất là ghi số tiền trợ cấp mà mỗi nhân viên dự kiến sẽ nhận được hai tuần một lần là $1,500 thay vì số lượng nhân viên dự kiến đủ điều kiện.

Có trên 500 công ty chỉ đủ điều kiện xin trợ cấp cho một nhân viên đã ghi đến “1,500” như vậy.

Tổng trưởng Kinh tế Josh Frydenberg khẳng định lỗi báo cáo trên không ảnh hưởng đến số tiền đã được trả cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Số liệu của Bộ Kinh tế cho thấy có hơn 900,000 công ty đã được xác nhận đủ điều kiện hưởng gói trợ cấp lương. Kể từ đầu tháng 5 đến nay, $8.1 tỷ đã được chi trả cho người lao động thông qua các công ty hay chủ nhân.

Chính phủ tiếp tục khẳng định không mở rộng gói trợ cấp trên đối với người lao động thời vụ và lao động nhập cư.

Khẩu chiến giữa các tiểu bang: áp lực kinh tế và sự sợ hãi với bệnh dịch

A composite image of three close up head shots of two women and a man.

Ba thủ hiến: Glady Berejiklian, Annastacia Palaszczuk và Mark McGowan

Thủ hiến NSW, Queensland và Tây Úc

Giới lãnh đạo ba tiểu bang NSW, Queensland và Tây Úc đã lời qua tiếng lại, thách đố nhau chỉ vì áp lực kinh tế và sự sợ hãi với bệnh dịch.

Các biện pháp kiểm soát xã hội chặt chẽ như giai đoạn cao điểm của dịch đã khiến nền kinh tế thiệt hại $4 tỷ mỗi tuần. Tỷ lệ thất nghiệp vào tháng tư đã lên đến 6,2%, mức cao nhất trong nhiều năm qua và dự đoán có thể lên tới 10% trong thời gian tới.

Hiện tại, ngành du lịch với doanh thu gần $140 tỷ đang đứng trước nguy cơ mất trắng khi thị trường cả trong và ngoài nước hoàn toàn bị đóng cửa. Theo số liệu thống kê thì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 của năm ngoái, các tiểu bang Queensland, Tây Úc, Nam Úc, Tasmania và Bắc Úc đã đón 7.9 triệu du khách nội địa và thu về $9,7 tỷ.

NSW là tiểu bang đi đầu về kinh tế của Úc nên thiệt hại nặng nề nhất. Trong những ngày qua chính quyền NSW cùng giới kinh doanh, đặc biệt là ngành du lịch, liên tục kêu gọi chính quyền các tiểu bang mở cửa biên giới để ngành du lịch tái khởi động.

Trong khi đó thì việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Úc đang ở mức “trong tầm tay” và “ổn định”. Trong thông báo chính thức ngày 22.5.2020 Bộ Y tế cho biết đã có 6,478 người nhiễm bệnh Covid-19 hồi phục và hiện chỉ 506 ca dương tính. Tính đến ngày 21.5.2020 Bộ Y tế thống kê được 7,095 người nhiễm bệnh và trong đó có 101 người thiệt mạng. Tính trong vòng 24 tiếng đồng hồ đến chiều 21.5.2020 thì trên toàn quốc có thêm 14 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong.

Hiện tại chính quyền các tiểu bang đã tỏ ra tự tin hơn và tiếp tục nới lỏng hơn nữa để các hoạt động kinh tế dần quay trở lại.

Ngày 22.5.2020 chính quyền NSW – tiểu bang bị nặng nhất tại Úc – đã ra thông báo cho biết, từ ngày 1.6.2020 các nhà hàng, quán cà phê hay quán rượu có thể phục vụ 50 khách cùng một lúc nếu cơ sở có thể bảo đảm diện tích trung bình 4m vuông cho mỗi khách. Vào đầu tuần tới, tất cả học sinh ở các trường công lập thuộc bang New South Wales cũng bắt buộc phải đến trường.

Biên giới NSW – Queensland

Nam Úc thì cho phép các nhà hàng mở cửa đón 10 khách ở trong nhà và bán đồ uống có cồn kể từ ngày 22.5.2020. . Trước đó, bang Queensland cũng đã cho phép các quán cà phê và quán rượu đón tới 10 khách và từ ngày 12.6.2020 với số lượng khách 20 người. Trong khi đó, bang Tây Úc và Bắc Úc đã mạnh dạn nới lỏng từ những ngày trước đó.

Tuy nhiên các tiểu bang chỉ nới lỏng trên đất nhà và hiện vãn còn 5 tiểu bang và lãnh thổ vẫn tiếp tục “bế quan tỏa cảng”, chưa cho phép mở cửa biên giới với các tiểu bang khác vì e sợ làn sóng Covid-19 thứ 2. Sự nghi kỵ, phòng xa này đã dẫn đến tình trạng lời qua tiếng lại..

Trước sức ép lớn về kinh tế, NSW vốn phụ thuộc nhiều vào ngành dịch vụ, đang nóng lòng hối thúc các tiểu bang bang nhanh chóng mở cửa biên giới để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa từ đó tạo tiền đề để các ngành kinh tế khác hoạt động trở lại. Tuy vậy Queensland, Tây Úc, Nam Úc, Tasmania và Bắc Úc vẫn nhất quyết tiếp tục đóng cửa biên giới của mình. Sự khác biệt này đã dẫn đến cuộc khẩu chiếu giữa giới lãnh đạo Queensland và Tây Úc với NSW.

Mới đây, Queensland và Tây Úc tuyên bố là chỉ mở cửa biên giới cho đến khi cả hai tiểu bang có nhiều ca nhiễm Covid-19 là NSW và Victoria không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong 4 tuần liên tiếp.

Cơ quan y tế liên bang cho rằng nước Úc đóng cửa biên giới quốc gia là để bảo vệ người dân nhưng cơ quan này chưa bao giờ đưa ra lời khuyên về việc đóng cửa biên giới giữa các tiểu bang. Mới đây nhất, Tổng trưởng Nội vụ Peter Dutton kêu gọi người dân và các chính trị gia tiếp tục gây sức ép để Queensland mở cửa biên giới. Theo ông Dutton, tháng Bảy là thời điểm thích hợp để các bang mở cửa biên giới để các doanh nghiệp du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay hoạt động trở lại. TNS Pauline Hanson cho rằng quyết định của chính quyền Queensland có thể là vi hiến và đe dọa sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án tối cao. Theo bà Hanson, cuộc sống sẽ phải tiếp tục và mọi người sẽ phải chung sống với Covid-19.

Nhưng tuyên bố hôm 21.5.2020 Thủ hiến Queensland, bà Annastacia Palaszczuk, khẳng định quyết định mở cửa biên giới sẽ được xem xét sau mỗi tháng. Còn Bộ trưởng Giao thông Queensland Mark Bailey thì tuyên bố “sẽ không để cho tiểu bang chống dịch tệ hại nhất nước dạy đời mình”. Ông Mark Bailey cho rằng số lượng người nhiễm bệnh tại NSW cao gấp 33 lần tại Queensland, do đó tiểu bang này phải lo dọn nhà mình sạch sẽ trước đã rồi mới nói đến lên mặt dạy bảo Queensland về chuyện thông thương.

Trước đó thì Thủ hiến Tây Úc Mark McGowan tuyên bố ông sẽ không lùi bước trước “chiến thuật hù dọa” của Thủ hiến NSW Glady Berejiklian cũng như không nhượng bộ trước áp lực của hệ thống chính trị liên bang.

Theo ông thì NSW đã làm cho các tiểu bang khác sợ khi cho phép du khách trên một ổ dịch khét tiếng là tàu du hành Ruby Princess lên bờ, khiến cả trăm người bị lây bệnh. Ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: “Quý vị có nghĩa rằng tôi sẽ vâng lời bọn họ? Không, không đời nào”.

Và ông nói tiếp: “Thật kỳ lạ, NSW đang khuyên công chúng không nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế số người vào nhà hàng còn hơn cả Tây Úc, thế mà lại lý sự rằng ‘tại sao người NSW không thể bay đến Tây Úc’, Chúng tôi sẽ không đầu hàng trước kiểu hù dọa này của Thủ hiến NSW hay bất cứ ai khác”.

Target sẽ thành Kmart

Image of a Target logo being cracked apart by a Kmart logo.

Tình trạng thất nghiệp tại Úc sẽ nặng thêm khi hệ thống siêu thị Target bị đóng cửa hơn một nữa, khiến khoảng 1300 nhân viên mất việc.

Trong thông báo ngày 22.5.2020 công ty mẹ của Target là Wesfarmers cho biết sẽ “tái cấu trúc” 167 siêu thị Target trên toàn quốc sau nhiều năm thua lỗ .

Wesfarmers cũng là chủ nhân của các hệ thống siêu thị tên tuổi tại Úc như Coles, Kmart, Bunnings, Officeworks… cho biết sẽ thực hiện kế hoạch trên trong 12 tháng tới, chủ yếu trong năm 2021.

Trên toàn nước Úc, công ty này có trên 280 siêu thị Target, tại các vùng quê thì gọi là Target Country. Tin cho hay tại các vùng thành phố thì có khoảng từ 10 đến 25 siêu thị Target sẽ đóng cửa và khoảng từ 10 đến 40 siêu thị chuyển đổi thành Kmart. Tại vùng quê thì khoảng 52 siêu thị Target Country sẽ chuyển đổi thành Kmarts trong khi 50 siêu thị khác sẽ phải đóng cửa.

Giám đốc điều hành của Wesfarmers, Rob Scott, cho biết trong thời gian gần đây ngành bán lẻ đã chứng kiến sự thay đổi lớn về cơ cấu và xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Ông cho hay trừ chuỗi siêu thị Target, các chuỗi bán lẻ của Wesfarmers để có năng lực tốt trong việc cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người mua.

Ông nhấn mạnh cải tổ này sẽ nâng cao vị thế chung của chuỗi siêu thị Kmart, đồng thời cải thiện hiệu quả kinh doanh của các siêu thị Target.

Tám đại học ưu tú Úc kêu gọi mở cửa cho sinh viên quốc tế

Nhóm “Group of Eight” (G8) – tám đại học danh giá nhất nước Úc – đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hãy mở cửa cho phép sinh viên quốc tế đến Úc học tập. Tổ chức này gồm Đại học Quốc gia Úc (Australian National University: ANU), Đại học Sydney, Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học New South Wales (NSWU), Đại học Adelaide và Đại học Tây Úc.

Ngày 22.5.2020 nhóm này đã kiến nghị một “hành lang an toàn” cho phép các sinh viên quốc tế có thể trở lại Úc ày để tiếp tục việc học tập.

Trước đó, ngày 20.5.2020 Tổng trưởng Y tế Greg Hunt lên tiếng yêu cầu các đại học nên đưa ra các đề nghị với chính phủ để các bên có thể thảo luận tìm ra cách thức sớm đưa sinh viên quốc tế quay trở lại nước này. Đồng thời, Thủ tướng Scott Morrison cũng cho hay chính phủ đang cân nhắc việc cho phép các sinh viên quốc tế quay trở lại học tập từ đầu tháng Bảy, khi các tiểu bang của nước này bước vào giai đoạn 3 của nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Trước diễn tiến này, ngày 21.5.2020 Thủ hiến Gladys Berejiklians cho biết chính quyền NSW đang làm việc với chính quyền liên bang để đưa Sydney trở thành cửa ngõ đón sinh viên quốc tế và cách ly trước khi quay về trường tại NSW hay các tiểu bang khác. Bà cho hay kinh nghiệm đón 15.000 công dân Úc về nước và cách ly tập trung an toàn trong hai tháng qua cho thấy tiểu bang có thể làm được điều tương tự với các sinh viên quốc tế.

Kiến nghị của G8 được trình lên chính quyền liên bang và các tiểu bang, đề nghị cho phép sinh viên từ một số quốc gia “đáp ứng tiêu chí” sẽ trở lại Úc với điều kiện phải tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm tra y tế và các quy định cách ly.

Các quốc gia “đáp ứng tiêu chí” là những nước đã kiềm chế được tỷ lệ lây nhiễm bệnh Covid-19 xuống mức thấp, đồng thời có tỷ lệ xét nghiệm cao và có khả năng ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cũng theo kế hoạch nói trên, ngay khi trở lại Úc, các sinh viên quốc tế sẽ phải trải qua quy trình kiểm tra y tế nghiêm ngặt và được đưa tới khu cách ly. Những sinh viên này có thể sẽ phải tự chi trả các chi phí trong thời gian cách ly.

Nhóm “G8″ cho biết nếu các sinh viên quốc tế có nguyện vọng trở lại Úc để tiếp tục hoặc bắt đầu học kỳ 3, các trường đại học có thể tiếp nhận và cam kết sẽ khai triển quy trình trở lại an toàn, thuận tiện nhất cho các sinh viên này với sự hỗ trợ của chính phủ.

Hiện có khoảng hơn 100,000 sinh viên quốc tế bị kệt, không thể trở lại Úc vì biện pháp hạn chế đi lại của nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Tháng 4 vừa qua, các trường đại tiết lộ có thể thất thu đến $4.6 tỷ vì các sinh viên không thể lại trường.

Tổ chức “G8” còn được gọi là Sandstone hay Brick University. Nhóm này được viện trưởng các trường bầu ra lần đầu trong họp mặt năm 1994 và chính thức ra mắt năm 1999. Các đại học thuộc nhóm này có điểm xét tuyển cao hơn đối với các tân khoa tú tài muốn nhập học, có đòi hỏi về tiêu chí học tập và nghiên cứu cao hơi, học phí đắt hơn và chỉ số xếp hạng quốc tế cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên nếu chỉ xét theo tiêu chí lương bổng và việc làm sau khi ra trường thì sinh viên của 8 đại học ưu tú nói trên cũng chẳng hơn so với sinh viên các đại học nhỏ ở tại các vùng xa xôi hẻo lánh của Úc và thậm chí thấp hơn các đại học kém uy tín tại thành phố.

Đ ólà kết quả khảo sát HILDA (Household, Income and Labour Dynamics in Australia), tạm dịch là “Gia đình, Thu nhập và Nguồn Nhân công tại Úc” do Phân khoa Kinh doanh và Kinh tế thuộc Đại học Melbourne vào năm 2015).

Cụ thể, khảo sát HILDA cho thấy thu nhập của cựu sinh viên của các đại học thiên về kỹ thuật thuộc nhóm “Australian Technology Network” cao hơn các sinh viên “Group of Eight” đến 10 phần trăm.

Nhóm này bao gồm Đại học Kỹ thuật Sydney (UTS), Đại học RMIT, Đại học Kỹ thuật Queensland (QUT), Đại học Nam Úc và Đại học Curtin University, được xem là các đại học hạng hai tại Úc.

Thậm chí, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy sinh viên các đại học thuộc nhóm kém danh tiếng hơn nữa là “Innovative Research Universities” lại có thu nhập cao hơn sinh viên các tám trường ưu tú đến 15%. Nhóm này gồm các Đại học La Trobe, Flinders, Murdoch, Griffith, James Cook và Charles Darwin, vốn bị xem là đại học hạng ba.

Kết quả khảo sát này là một cú sốc đầy choáng váng với nhóm tám trường ưu tú và nay thì họ càng sốc hơn khi bị các “đại học nhà quê” qua mặt!

Trong Cuộc khảo sát ghi nhân ý kiến của trên 4300 quản đốc của các công ty về mức độ hài lòng đối với các sinh viên mới ra trường vào năm 2018 cho thấy giới chủ nhân nhiệt liệt ca tụng các sinh viên của đại học James Cook, sau đó là Đại học Notre Dame Australia (có học khu tại Tây Úc và NSW), và sau đó là Đại học Sunshine Coast.

Đại học Wollongong tại NSW chiếm vị trí thứ 5 với 88.1% chủ nhân hài lòng.

Một đại học kém uy tín hơn là Western Sydney University thì chiếm vị trí thứ 10 với 85.8% chủ nhân hài lòng, sau đó là Đại Charles Sturt University chiếm vị trí 12 (85.5%).

Trong khi đó thì mội đại học uy tín hơn hẳn là Đại học NSW chỉ chiếm vị trí 14 với 84.9% chủ nhân hài lòng.

Đại học Sydney còn tệ hơn, chỉ có 82.4%. Các đại học khác như UTS thì 81.8% trong khi Đại học Macquarie được 80.7%.

Related posts