Tin VN sáng 4/7: Mỹ, VN và Philippines phản đối cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc trên Biển Đông

Mỹ, Việt Nam và Philippines phản đối cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc trên Biển Đông

Tàu chiến USS Gabrielle Giffords xuất hiện gần tàu Trung Quốc hôm 1/7 tại một khu vực không xác định trên Biển Đông (ảnh: Twitter).

Theo truyền thông quốc tế, hôm 2/7, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phát đi thông cáo nêu rõ quan ngại về cuộc tập trận kéo dài từ 1 đến 5/7 mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp.

Lầu Năm Góc cho rằng, động thái này của phía Trung Quốc tại vùng lãnh thổ tranh chấp là đi ngược đi ngược lại nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định; gây bất ổn thêm nữa tình hình ở Biển Đông.

Hoạt động tập trận cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc về Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) là tránh những hoạt động làm phức tạp, hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định.

Hành động của Trung Quốc trái ngược với cam kết của Bắc Kinh là không quân sự hóa, cũng như trái với tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương mở, tự do.

Cũng vào hôm 2/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – Lê thị Thu Hằng nói, Hà Nội đã giao thiệp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về việc tiến hành tập trận 5 ngày tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vào hôm 2/7 cũng lên tiếng cho rằng, cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có tính chất khiêu khích cao, vô cùng đáng quan ngại và Manila theo dõi trong cảnh báo.

Tàu chiến Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam, tàu Hải Dương 4 chạm mặt nhau ở Biển Đông

Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu chiến Mỹ xuất hiện cùng nhau hôm 1/7 (ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ).

Tuổi Trẻ đưa tin, các hình ảnh được công bố ngày 2/7 cho thấy không chỉ có USS Gabrielle Giffords xuất hiện gần tàu Trung Quốc ngày 1/7 tại một khu vực không xác định trên Biển Đông.

Một bức ảnh toàn cảnh được chụp từ trên cao khác cho thấy có 4 tàu trong vụ việc. Ngoài tàu chiến Mỹ còn có một tàu kiểm ngư của Việt Nam và hai tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu hộ vệ tên lửa.

Các bức không ảnh do Mỹ công bố cho thấy một tàu kiểm ngư Việt Nam (không rõ số hiệu) thuộc lớp tàu tuần tra KN-750 đang ở hướng mũi tàu Trung Quốc.

Ít nhất hai hình ảnh được chụp từ trực thăng hoặc thiết bị bay không người lái của USS Gabrielle Giffords cho thấy có vẻ như tàu tuần tra của Việt Nam đã bám đuổi tàu Trung Quốc trước khi tàu Mỹ xuất hiện.

Một hình ảnh khác cho thấy tàu hộ vệ tên lửa của hải quân Trung Quốc đã di chuyển sau hành động của tàu Mỹ.

Dữ liệu hàng hải trên trang Marine Traffic cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi khu vực và tăng tốc về phía bắc chỉ một ngày sau vụ việc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu khảo sát Trung Quốc tiến xuống Biển Đông. Giới học giả nhận định không chỉ khảo sát dầu khí, các tàu khảo sát Trung Quốc còn tranh thủ vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hoạt động.

Một số thông tin trên báo quốc tế nói Hải Dương 4 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

USS Gabrielle Giffords không hề xa lạ với Trung Quốc. Đây là tàu đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng đội tàu hộ tống của nó khi các tàu này được cho là quấy rối tàu khoan dầu khí của Malaysia trên Biển Đông hồi tháng 5.

Đưa 14,000 người Việt ở nước ngoài về nước

Hôm 3/7, Zing thông tin, Việt Nam sẽ đưa 14.000 người Việt ở nước ngoài là trường hợp đặc biệt về nước. Theo quyết định được chính phủ ký hôm 30/6/2020, các trường hợp đặc biệt gồm trường hợp lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa… Chính phủ yêu cầu các bộ bảo đảm công khai, minh bạch điều kiện được về nước. Bộ Giao Thông Vận Tải được giao chỉ đạo tăng tần suất các chuyến bay có thu phí.

Báo cáo vênh nhau về thời gian công trình hơn 3 tỷ đổ sập sau 1 trận mưa

Sau gần 1 tháng công trình xây dựng tại trường THPT Quang Trung bị sập, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Nông mới báo cáo sự việc bằng văn bản đến cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, 2 báo cáo của đơn vị này lại có thời gian bất nhất khi xảy ra sự cố, theo Tiền Phong.

Báo cáo (số 332 hôm 2/7) của Sở GD&ĐT gửi Đoàn thanh tra Sở Xây dựng ghi: Khối lượng công trình đã làm xong 100%, trong thời gian thực hiện công tác quản lý và tập hợp hồ sơ trình Sở Xây dựng kiểm tra thì ngày 28/5/2020 xảy ra sự cố kè chắn-tường bê tông phía sau bị đổ hoàn toàn, với chiều dài khoảng 78m.

Còn báo cáo số 327 (của Sở GD&ĐT ban hành hôm 1/7) gửi Sở Xây dựng và UBND huyện Đắk Mil lại ghi thời gian xảy ra sự cố là hôm 2/6/2020.

“Đến thời điểm hiện tại, công trình đã được xây dựng đến giai đoạn hoàn thành, nhưng qua những đợt mưa hôm 2/6/2020 đoạn kè chắn đất cột, phía sau với chiều dài khoảng 70m bị gãy sập, nền sân sụt lún. Sáng ngày 3/6, đại diện chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thầu thi công có mặt tại hiện trường kiểm tra sự cố…”, trích báo cáo số 327.

Xuất hiện mưa lớn ở Lào Cai và Lai Châu, 1 người bị lũ cuốn

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục hướng tây bắc – đông nam kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, một số tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái đã có mưa lớn từ đêm 2/7 đến chiều 3/7, theo Zing.

Tại Lào Cai, lượng mưa đo được tại huyện Bát Xát đã vượt mức 240mm. Một số khu vực khác như huyện Bắc Hà, huyện Bảo Yên có lượng mưa dao động 40-70 mm. Mư lớn kéo dài làm 12 ngôi nhà bị ngập, 5 hecta lúa và ngô bị ngập úng, diện tích ngô chuẩn bị thu hoạch thiệt hại trên 70%.

Tại Lai Châu, một người dân đi tìm bò vào lúc 23h hôm 2/7 đã bị trượt chân rơi xuống suối biên giới Pa Nậm Cúm và bị nước lũ cuốn trôi. Hiện, người này đang mất tích. Mưa lớn cũng gây sạt lở 30 m taluy dương đường tỉnh lộ 130 ở huyện Mường So.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục phát đi cảnh báo về mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất ở Bắc Bộ.

Related posts