Tính chất nhân bản trong thơ Nguyễn Du

Ngoại trừ những sáng tác nghệ thuật nhằm phục vụ cho một hành động bất nhân, những công trình văn học tồn tại được trong dân gian, qua thời gian dài đều mang nặng tính chất nhân bản. Cái khác biệt chỉ là ý thức về thể hiện mà thôi. Nghệ sĩ là người thể hiện được những biểu hiện của tính chất nhân bản này, rải rác trong những tác phẩm của họ.

                Các nhà nho trong xã hội cũ của ta, nói gần là ở thời nhà Nguyễn, tức thế kỷ 19 và 20 đã được thụ hưởng một nền giáo dục truyền thống lấy Nhân Ái làm cơ bản. Ta không lạ, những đề tài văn học của các nhà nho đều nói đến sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người. Đâu phải đợi đến thế kỷ 20 người ta mới có thứ văn “văn nghệ phê phán hiện thực”. Ngay từ thời Sơ Đường, Đỗ Phủ đã nói đến nỗi khổ của kiếp người sống ở trần thế. Nhà thơ nói đến hiện thực của nỗi khổ mà không có ý hệ thống hoá nó để tìm một giải pháp hình thành triết lý hay tôn giáo. Người nghệ sĩ nhằm mục đích diễn tả cảm xúc và suy tư về thân phận con người, dễ dàng nhất là thân phận của chính mình. Câu than thở cho thân phận khốn khổ của mình sớm nhất có lẽ ở Kinh Thi của Trung Hoa: “Tri ngã như thử, bất như vô sinh” (biết thân mình như vậy, chẳng thà đừng sinh ra).

                Người làm thơ không thể lớn được khi chỉ chăm lo tìm những hào quang, bổng lộc mà cuộc sống quý tộc mang lại cho họ, để trả công những đóng góp nghệ thuật phục vụ quý tộc. Trong lịch sử văn học người ta vẫn đánh giá thơ của Đỗ Phủ nhân bản hơn thơ Lý Bạch là thế. Nguyễn Du của Việt Nam cần được vinh danh về tính chất nhân bản trong thi ca của người khi nói về thân phận mình cũng như quảng đại quần chúng.

                Cả cuộc đời của Nguyễn Du là sự trải nghiệm sâu sắc về lẽ “thành trụ hoại không”. Kể từ khi mới sinh ra cho đến khi chết, cuộc đời của Nguyễn Du đã diễn tiến cùng với giai đoạn lịch sử phức tạp của thời mạt Lê và đầu Nguyễn. Nguyễn Du không những là nhân chứng của những biến động xã hội, lịch sử, mà còn là người trực tiếp tham dự vào những biến động ấy. Cho nên thơ văn của ông,không chỉ là những ghi chép khách quan của một sử gia những biến cố xã hội, mà là những cảm nhận trực tiếp, mang nhiều tính chất chủ quan của một người hành động. Những thành công và thất bại (thất bại thì nhiều), ứng vào cuộc sống của Nguyễn Du, về khiá cạnh triết lý đã làm phong phú thêm nhận định về thân phận con người trong xã hội và vũ trụ.

                Họ tộc Nguyễn Du phát đạt vào cuối triều cuộc chiến tranh Nam Bắc (Trịnh Nguyễn phân tranh, mà vua Lê khi ấy chỉ còn là biểu tượng cho chính nghĩa. Thực chất thì triều đình nhà Lê chỉ có tiếng mà không có miếng – vừa về quyền lực và lợi tức vật chất.) Thực quyền thuộc về Chúa Trịnh. Các nhà nho về mặt thực tế đã đánh đồng Vua Lê với Chúa Trịnh. Mọi sinh hoạt cung đình hầu hết đều là ở Phủ Chúa. Nghiễm nhiên các ông Vua Lê lại được hai ông Chúa, một ở Bắc, một ở Nam phò tá. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chỉ dùng tiếng phò Lê để tranh chính nghĩa với Chúa Trịnh (bị kết tội là áp chế Vua Lê. Nếu giả sử vua Lê ở Đàng Trong, thì chính họ Nguyễn cũng lại bị mang tiếng là “áp chế” Vua. Hiển nhiên cả Trịnh và Nguyễn đều chỉ vì khát vọng quyền lực mà dựng lên một chính nghĩa Vua Lê làm mục tiêu tranh chấp. Tuy thực chất họ đều muốn làm Vua để xây dựng vương triều của giòng họ mình. Điều này giải thích hậu duệ của Chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh, khi thống nhất được đất nước rồi, đã trực tiếp cầu phong với nhà Thanh bên Tàu để làm vua nước Việt. Nói xa hơn, Nguyễn Huệ buổi đầu đem quân ra diệt họ Trịnh ở Đàng Ngoài với danh nghĩa “phù Lê”. Họ Nguyễn Tây Sơn ấy coi miền Nam là một nước riêng của mình để viện trợ vua Lê thu hồi chính quyền cai trị miền Bắc. Như thế “một tấc đất của Vua Lê cũng không lấy”; nhưng mà sau này cả nước Vua Lê thì lấy. Chính Nguyễn Huệ đã nói với Nguyễn Hữu Chỉnh khi được Vua Lê phong cho làm “Nguyên soái”: “Huệ xin vua đặt lễ Đại Triều ở Điện Kính Thiên. Vua (*) cố gượng ra coi triều. Huệ đem tướng sĩ bản bộtriều yết và dâng sổ sách binh dân, xin sai quan chia trị. Vua sai làm sách phong Huệ làm “Nguyên Soái, Phù chính Dực Vũ Uy quốc Công”. Huệ nhận sách rồi bảo Chỉnh rằng: “Bắc Hà một tấc đất, một người dân đều là của ta, nếu ta xưng Đế Vương, làm gì chả được. Cái sắc Nguyên Soái Quốc Công có ích gì cho ta. Các quan Bắc Hà muốn lấy hư danh lung lạc ta ư? Ta tạm nhận lấy, chớ bảo ta là mọi rợ, được thế đã vui đâu.”(1)Nguyến Hữu Chỉnh đã làm cái kế “hoà thân” để kềm bớt tham vọng chiếm Bắc Hà của Tây Sơn. Công Chúa Ngọc Hân như thế cũng chỉ là cái “mồi son phấn” để cho Vua Lê nương tựa vào thế lực của Tây Sơn. Lịch sử có những sự thật tàn nhẫn hơn trong tiểu thuyết.

                Sự hình thành tâm lý của Nguyễn Du phải kể đến cuộc sống từ khi đại gia đình họ Nguyễn Tiên Điền gặp vận “đi xuống”. Nguyễn Nghiễm mất giữa lúc danh vọng đến tột độ, và xã hội Bắc Hà của Vua Lê, Chúa Trịnh cũng gọi là hùng mạnh vì đã chiếm được Thuận Hoá, diệt Chuá Nguyễn, lại còn thu phục Nguyễn Nhạc (1775). Vào năm này Nguyễn Du đã được 10 tuổi và tỏ ra có trí quan sát và trí nhớ tốt. Ông đã có bài thơ nhớ lại đám tang của Nguyễn Nghiễm được Chúa Trịnh (Trinh Sâm) rất sủng ái, ban rất nhiều đặc ân:

                                                                Nhớ tuổi cha ta cáo lão về,

                                                                Tưng bừng xe ngựa bến sông kia.

                                                                Rồng thần rẽ sóng, thuyền tiên lướt,

                                                                Hạc núi vờn mây, lọng gấm che.

                                                                Một thuở áo xiêm tàn dấu vết,

                                                                Đôi bờ cây cỏ ngút sầu bi.

                                                                Trăm năm bao xiết niềm thương cảm,

                                                                Dâu biển Tràng An mấy não nề,

                                                                                          (Ngô Linh Ngọc dịch)

Chú thích của câu số 2: “phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi: ở bến sông này phơi phới xe bồ, ngựa tứ” – điển tích xe bồ, ngựa tứ là nghi lễ vua đón vời vị Tể Tướng. Năm Tân Mão (1771) triều Lê, Nguyễn Nghiễm xin về hưu, được thăng Đại Tư Đồ, Chúa Trịnh cho 3 chiếc thuyền Hải mã đưa về làng. Nhưng tháng 3 năm sau lại vời ra làm Tể Tướng. Năm Giáp Ngọ (1774) làm Tả Tướng quân đi đánh Đàng Trong, bị cảm bệnh, về nhà mất (1775).

                “Sách “Đại Việt sử ký” (Tục biên) chép về những ân sủng của Chúa dành cho Nguyễn Nghiễm như sau: “Ngày 17 (9-12-1775) Thượng Thư bộ Hộ, Đại Tư Đồ, Tham Tụng Trung Tiệp dinh Tả Tướng, đã về hưu trí, lại khởi phục làm Hiệp Tán Thuận Quảng quân vụ (đi đánh Đàng Trong), tước Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm mất.Trước đây, Nghiễm ở Châu Ô ốm nặng, xin về bản quán ở Nghệ An điều dưỡng, Chúa ưng cho, vì vậy được chết ở nhà, lúc ấy Nghiễm 68 tuổi. Chúa truy phong làm Trung đẳng Phúc thần.

                Chúa cho con cháu Nguyễn Khản xuất thân tước Bá. Con trưởng là Sá, thăng Đô Cấp sự Trung, cho Nguyễn Đĩnh tước Quận Công””.(2)

                Danh vọng và uy quyền của họ Nguyễn Tiên Điền lên đến cực điểm thì xuống với Nguyễn Khản khi ông làm Trấn Thủ Sơn Tây (1778) thì bị khép tội mưu loạn vụ án Canh Tí (Ủng hộ Trịnh Tông là con trưởng bị Trịnh Sâm phế, để lập thứ là Trịnh Cán, con Đặng Thị Huệ.) Nguyễn Du lúc này được 14 tuổi, phải về nương nhờ Đoàn Nguyên Tuấn để học. Sự xụp đổ của danh vọng và sự nghiệp của Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản chắc chắn đã gieo vào tâm lý Nguyễn Du lẽ thịnh suy của cuộc đời với điển hình là gia tộc của mình.

                Năm 1783, Nguyễn Du được 17 tuổi, tiến trường ở Sơn Nam Hạ và đỗ Tam trường. (Có sách nói đỗ Tú Tài), nhưng không có chi tiết nào nói về việc Nguyễn Du đỗ Tú Tài cả. Theo phép thi ngày trước, đỗ Tam trường không có nghĩa đương nhiên là đỗ Tú Tài vì còn do tiêu chuẩn lấy đỗ Cử Nhân, rồi mới tùy theo số điểm cao của những người đỗ Tam trường mới được học vị Tú Tài. Trở lại khoa thi mà Nguyễn Du đỗ Tam trường, tức là năm 1783.

                Năm Nhâm Dần (1782) là năm biến động rất mạnh cho phủ Chúa. Thường thì Thi Hương vào thu, đông, còn thi Hội, thi Đình vào mùa xuân sang năm. Thế mà: “Mùa Thu tháng 9, ngày 13, Chúa Trịnh Sâm mất. Thọ 41 tuổi. Thế Tử Cán lên nối ngôi Chúa.”(3)

                Mùa đông tháng 10, chư quân làm loạn, giết Huy Quận Công Hoàng Tố Lý, bỏ Điện Đô Vương Cán, lấy con út là Tông nối ngôi Chúa. Nguyễn Khản được tự do và lại được Tông thăng chức Thượng Thư bộ Lại, tước là Toản Quận Công, ra làm Trấn thủ Sơn Tây.

                Trong sách “Tục Biên” không có nói đến khoa thi nào dù Hương hay Hội diễn ra vào năm 1782 này. Chỉ có khoa thi Hội và Đình năm 1785: “Ất Tỵ (1785),Cảnh Hưng năm thứ 46; Tháng Ba, thi Hội, lấy trúng cách bọn Nguyễn Bá Lan năm người. Sang tháng sau thi Đình, cho Nguyễn Du (*) đỗ Tiến sĩ Xuất thân, bọn Ngô Nho bốn người đỗ Đồng Tiến sĩ Xuất thân.”(4)

                Nếu năm 1785 thi Hội, thì theo tục lệ năm trước tức là năm 1784 thi Hương. Hoặc cũng có thể vì tình hình chính trị hỗn loạn với việc phế lập của Kiêu binh mà sau năm 1783 đã thi Hương, mà không thể tổ chức thi Hội ở Kinh đô được.

                Trong tình hình loạn lạc, Triều đình cũng lơ là việc học. Năm 1782, khi Nguyễn Du mới được 16 tuổi, đi thi Hương ở trường Sơn Nam, đỗ Tam trường, rồi làm chức Chánh thủ hiệu quân Hùng Hậu ở Thái Nguyên,

                Trong thời gian này, Nguyễn Khản sống trong buổi tranh chấp, phế lập, có lẽ cũng không lo gì được cho ông em cùng cha khác mẹ này. Có lẽ Nguyễn Du ở Thái Nguyên suốt trong thời kỳ loạn lạc gây ra bởi Kiêu Binh, Nguyễn Hữu Chỉnh rổi Vũ Văn Nhậm.

                Ta biết rằng, người đi học ngày xưa, làm thơ làm văn ngay từ những lớp Trung tập. Huống chi đã đỗ Tam Trường thì thơ văn đã phải giỏi lắm. Nhưng rất tiếc Nguyễn Du không có bài thơ bài văn nào nói về cuộc sống thời làm Thủ hiệu. Theo binh chế của đời Lê thì có lẽ chữ “Hiệu quân Hùng hậu” là “cơ Hậu Hùng” có 400 người trấn giữ ở Thái Nguyên. Ngày trước ngăn nhà Mạc. Sau để trấn áp những người nổi dậy ở các núi rừng xung quanh. Còn chức Chánh Thủ hiệu thì theo quan chế triều Hậu Lê thì chức Hiệu Úy thuộc Tòng lục phẩm (Chỉ hơn có Chính và tòng Thất phẩm). Lẽ dĩ nhiên, đứng đầu một Quân như Nguyễn Khản là “Thượng Thư bộ Lại” – quan giai là Tòng Nhị Phẩm, mà làm trấn thủ Sơn Tây. Tuy người ta không nói chức và tước của người cha nuôi họ Hà của Nguyễn Du, nhưng làm trấn thủ Thái Nguyên thì chắc cũng phải là Tam Phẩm hay Tòng Nhị Phẩm.

                Nói tóm lại là binh nghiệp của Nguyễn Du suốt thời gian loạn lạc từ 1783 đến 1788 (tức là khi người được 22 tuổi) chắc cũng chưa có dịp thi thố tài năng và lên cấp gì cả. Nó cho ta một nhận định rằng ân sủng của Vua Lê thật sự chưa rót được gì xuống cho Nguyễn Du. Thân thích của Nguyễn Du cũng không thể, hoặc không muốn lợi dụng quyền thế để kéo vây cánh. Sử có nói đến người anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đễ tiến thân khoa bảng. Ông đỗ Thủ khoa thi hương và được bổ làm Trấn thủ Sơn Tây. Riêng việc Nguyễn Du được làm Chánh Thủ Hiệu ở Thái Nguyên cũng không phải dựa uy thế gì vào người cha nuôi họ Hà mà là do chính sách, có thể gọi được là quan chế thời Hậu Lê, lấy những người đỗ Tam trường sung vào các chức vụ nhỏ cả văn lẫn võ ở địa phương.

                Biến động cuối đời Lê với sự xụp đổ của phủ Chúa đã tác động mạnh vào Nguyễn Du. Sự xụp đổ về văn hoá với gian lận, hỗn loạn trong học giới đã làm cho tinh thần cùng sĩ khí nhà nho ở cuối đời Lê giao động. Phan Huy Chú đã ghi nhận tính chất “báo cáo láo” của học giới trong mùa thi cử: “Năm thứ 26 (1765) tháng Hai định phép thi Hương: Các quan Châu được khảo, huyện lớn lấy 70 người; huyện trung 50 người, huyện nhỏ 40 người; người ngoại bạ cũng cho như người nội bạ. Người nào không dự số trúng thì cho nộp 3 quan mà vào thi (Như thế việc thi dùm rất dễ thực hiện.)

                Tháng Tư sai nghiêm sức về việc khảo hạch học trò. Chỉ truyền cho Phủ Doãn, hai Ty và các huyện châu rằng: “Phép khảo thi quý được thực tài, muốn được thực tài, phải lựa chọn cho kỹ. Gần đây, chỉ theo số định mà lấy bừa cho đủ. Nay cần phải khảo hạch kỹ hơn; người nào thực thông văn lý mới kể là xảo thông, và có biết làm văn đủ lối mới được cử tri. Ít người thì cũng không buộc theo định suất.Nếu cứ theo thói cũ lấy đỗ bừa, một tên thì phạt 3 quan tiền quý; 10 tên trở lên thì phải tội nặng. Trong khi đương thi, không được cho học trò ra vào cầu cạnh,không được để nha dịch gửi gấm. Ai còn giữ thói cũ để có dư luận xôn xao, xét đúng thực thì trị tội”.(5)

                Đến việc Nguyễn Du thi đỗ Tam trường ở Sơn Nam cũng nên phân biệt, đừng nhầm lẫn với phép thi Hương ở đời Nguyễn.Ở thời cuối Lê, riêng xứ Sơn Nam có nạn lạm phát bằng cấp: “Năm 29 (1768) thi Hương, lấy thêm số người đỗ cho xứ Sơn Nam. Lệ cũ, xứ Sơn Nam lấy đỗ Tam trường 1000 người, đỗ Tứ trường 100 người. Trong đời Chính Hoà, vì có việc phá trường, nên lấy bớt xuống: Tam trường 200 người, Tứ trường 20 người. Đến đây có người ở huyện Thần Kê là Phan Huy Đĩnh làm chức Xuất Nạp, được Tĩnh Vương tin dùng. Xứ Sơn Nam có dâng khải trình bày. Huy Đĩnh đệ lên.

Tĩnh Vương ra lệnh cho xứ Sơn Nam được theo suất số như trước”. (6)

                Khi Nguyễn Du đỗ Tam trường (1783) thì Kiêu binh đang hoành hành ở Kinh đô, ảnh hưởng đến Nguyễn Khản lúc ấy đang được Chúa Trịnh Tông tin dùng và phong chức: Nhập thị Tham tụng. Cũng vì phò Chúa để củng cố quyền uy chốn Kinh đô, nên Nguyễn Khản đã bị Kiêu binh đuổi và đốt phá dinh cơ, khiến ông phải chạy đi Thái Nguyên (lúc ấy Nguyễn Du đang làm Chánh Thủ hiệu ở đấy.) Sau vì cơ mưu không thành, Khảm chết vì bệnh. Như vậy, vừa đủ cái vốn học thức để lập thân, Nguyễn Du đã sống trong vận hội suy thoái của triều đại và gia tộc mình.

                Đừng đi tìm điều rắc rối (không có thật) về tinh thần và đấu tranh giai cấp nơi cuộc đời của Nguyễn Du như những nhà phê bình văn học Cộng Sản đã một thời uốn tài liệu và lý luận cho Nguyễn Du thành ra một người tiên phong trong văn chương phê phán hiện thực, đấu tranh chống Phong kiến đang trên đà suy thoái, trước những “khởi nghĩa nông dân mà tiêu biểu là Tây Sơn qua hình ảnh hào hùng là Từ Hải: “Điều làm cho các nhà nghiên cứu Nguyễn Du suy nghĩ là khi đọc Truyện Kiều, ta thấy hình tượng Từ Hải nhất định phải bắt nguồn từ một thực tế xã hội nào đương thời mà nhà thơ có cảm tình tha thiết. Thực tế xã hội đó lại không thể khác là các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thế kỷ 18, trong đó có cuộc khởi nghĩa vĩ đại của Tây Sơn. Phải chăng đây là trường hợp thực tế xã hội bắt nhà thơ “đi ngược lại với những mối thiện cảm giai cấp của mình và với những thiên kiến chính trị của mình., như trường hợp Banzac? Phải chăng Nguyễn Du đã nói đến “Kẻ thù chính trị quyết liệt nhất của mình với một tấm lòng ngưỡng mộ không che dấu” (7).

                Những nhà gọi là “phê bình mới” có lập trường gọi là “khoa học” ấy tỏ ra rất không khoa học và như vậy không có nhân bản, khi cố cho đối tượng của mình vào khuôn lý luận. Nó khiến người ta khó giải thích mâu thuẫn khi đối chiếu với hành trạng của tác giả ghi trong gia phả. Theo lập trường xưa khi viết gia phả, người ta hay lược bỏ những hành động có thể làm tổn thương đến gia phong bằng cách lược qua sự kiện, hay dùng từ ngữ để tránh né sự thực. Không kể gia phả còn có thể sửa đổi theo nhu cầu của con cháu đời sau.

                Đối chiếu gia phả với xã hội và lịch sử của thời Nguyễn Du, ta sẽ thấy những thất bại trong hành động của ông lại làm nổi bật tính chất nhân bản của một nhà nho trước sự đổ vỡ của ý thức hệ. Xã hội Việt Nam ở thời cuối Lê, đầu Nguyễn không hề mang tính chất giai cấp, hay ý thức hệ, mà chỉ là những xung đột tranh giành quyền lợi tối thượng, mà các nhà nho vừa là chủ động vừa là nạn nhân của những tranh chấp này. Thí dụ nhà nho Lý Trần Quán trần tình với Chuá Trịnh Tông vốn là người ức hiếp vua Lê: “Quán đến trước Chúa lạy khóc nói rằng: “Ối Trời ơi, tôi giết Chúa tôi, Trời biết hay không? Chúa Trịnh úy lạo rằng: “Lòng trung thành của khanh, ta đã biết rồi, không phải tự oán mình làm gì… “Ta làm bề tôi mà làm lỡ Chuá, không chết không tỏ lòng ta với Trời Đất được”… Quán có hiếu hạnh, tính người giản dị, chất phác. Đến khi ấy chết theo Chúa. Ai nghe biết chuyện này cũng thương.”(8)

                Như vậy, việc một viên võ quan cấp thấp tại trấn, thể hiện lòng trung của mình, không hẳn chỉ là với Vua, mà là triều đại cùng đất nước nơi mình phục vụ. Bà Huyện Thanh Quan khi viết:

                                                                Một toà sen toả hơi hương ngự,

                                                                Năm thức mây phong lớp áo chầu.

                                                                Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,

                                                                Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.

Cũng như Nguyễn Du viết:

                                                                Sông Lô núi Tản còn đây,

                                                                Bạc đầu lại thấy chốn này Thăng Long.

                                                                Điện chầu nay một đường thông,

                                                                Một ngôi thành mới lấp cung xưa rồi.

Đều là thương tiếc thời vàng son trong hồi ức của mình. Do đấy,quá khứ bao giờ cũng đẹp, dù trong thời gian ấy, cuộc đời của mình rất khốn khổ. Đối chiếu cuộc sống của Nguyễn Du trong thời loạn với sau khi Vua Gia Long thống nhất,ông ra làm quan, dù chỉ là một quan Huyện nhỏ và nghèo của xã hội thời hậu chiến, cuộc sống ở giai đoạn sau hiển nhiên yên ổn và dễ chịu hơn. Nhưng sao Nguyễn Du vẫn thấy luyến tiếc cuộc sống gian nguy ngày trước? Chẳng phải Nguyễn Du hoài Lê và chống Nguyễn, nhưng do tâm lý hoài cổ mà ra. Trong bài “Ký mộng”, nỗi tiếc thương chí lớn chẳng thành. Sau Nguyễn Du, Nguyễn Bá Trác khóc cho chí lớn của mình:

                                                Chí không thành, danh chẳng đạt,

                                                Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc.

                                                Trăm năm thân thế bóng tà dương.

                                                                                           (Hồ trường)

                                                               Ghi lại giấc chiêm bao

                                                                Nước chảy đêm ngày chảy,

                                                                Người đi, người còn đi.

                                                                Bao năm rồi cách mặt,

                                                                Vẫn thương nhớ trăm bề.

                                                                Rõ mặt nhau trong mộng,

                                                                Tìm nhau bến sông kia.

                                                                Đẹp xưa vẫn lộng lẫy,

                                                                Chỉ áo sống tả tơi.

                                                                Than khổ sở đau yếu,

                                                                Nhớ nhau vì cách ly.

                                                                Lời dứt còn thổn thức,

                                                                Thấp thoáng sau màn che.

                                                                Ngày thường nào biết lối?

                                                                Trong mộng thực hay hư?

                                                                Nùi Tam Điệp hổ dữ

                                                                Sông Lam thuồng luồng kề.

                                                                Đường đi đầy gian hiểm,

                                                                Vóc liễu biết tựa ai?

                                                                Trong mộng đèn leo lét,

                                                                Mộng tàn gió lạnh ghê.

                                                                Người đẹp đà khuất nẻo,

                                                                Tình thương nhớ trăm bề.

                                                                Nhà trống trăng tà rọi,

                                                                Lấp loáng mảnh hàn y.

                                                                                (Ngọc Vân chuyển ngữ)

                Với cái nhìn ngày nay, chúng ta coi đây hoàn toàn chỉ là tình yêu đối với người vợ xa cách vì loạn lạc. Lúc này Nguyễn Du ở Hà Tĩnh. Hành trạng của Nguyễn Du trước khi ra làm quan với Vua Gia Long hoàn toàn căn cứ vào gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. Giai đoạn làm quan với Nguyễn Gia Long thì sách “Đại Nam liệt truyện” chép vắn tắt như sau: “Người huyện Nghi Xuân, trấn Hà Tĩnh, là con Xuân Quận Công đời Lê Nguyễn Nghiễm, và là em Tham Tụng Nguyễn Khản. Du là con nhà võ tướng, có văn tài sẵn khí tiết, không chịu theo giặc. Gia Long sơ bổ làm Tri Phủ Thường Tín, rồi vì ốm xin cáo từ.”(9)

                Theo gia phả thì Nguyễn Du vốn ở quê vợ ở Quỳnh Côi (trấn Sơn Nam) từ năm Kỷ Dậu. Có thuyết cho rằng Nguyễn Du đã đi theo tòng vong Lê Chiêu Thống nhưng không kịp. Có một khoảng thời gian mù mờ về hành trạng của Nguyễn Du. Ta biết năm Quý Mão 1783, lúc ấy Nguyễn Du 17 tuổi làm Chánh Thủ Hiệu (một chức sơ bổ của ngành võ) ở Thái Nguyên; cho đến năm 1789 thì về quê vợ ở Sơn Nam. Năm 1793 về thăm quê Tiên Điền (năm 27 tuổi). Năm 1796 vào mùa đông, Nguyễn Du có ý trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh, nhưng bị Quận Công Nguyễn Thận bắt giam 3 tháng ở Nghệ An. Sau khi được tha, Nguyễn Du về sống ở Tiên Điền (Có một chi tiết là nhờ có thân nhân quen với Nguyễn Thận xin, nên ông này tha cho Nguyễn Du, nhưng bắt ở Hà Tĩnh, chắc để dễ quản chế). Đến 1802 Gia Long thống nhất, ông ra làm Tri phủ ở Sơn Nam. Suốt trong thời gian ở Tiên Điền (1793 đến 1802 tức là 9 năm) thời gian ngưng hoạt động bất đắc dĩ này đã được đánh dấu bằng những bài thơ trong Thanh Hiên thi tập (1786 – 1804), tâm trạng “tráng sĩ bất phùng thời” phả vào những câu thơ rất buồn, nên không thể hiểu thơ của Nguyễn Du trong thời kỳ này theo khuynh hướng lãng mạn (nhớ vợ hay nhớ người yêu), mà phải là nỗi uất của những câu thơ như: “Thù trả chưa xong đầu đã bạc, gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”*, của Đặng Dung thời Hậu Trần.

                Nấu cần so sánh với Đường thi, thì chỉ có thơ Đỗ Phủ trong thời chạy loạn An Lộc Sơn. Đỗ Phủ còn có hướng chính nghĩa của Triều đình chống giặc. Riêng Nguyễn Du là sự xụp đổ chính nghĩa: “Đã bấy lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phân thuận nghịch,” Đỗ Phủ thương xót người vợ chiến binh ở nhà lo lắng cho cuộc sống của chồng nơi biên thú:

                                                         Đảo y (nện áo – giặt áo)

                                                Biết chàng đi thú còn lâu,

                                                Thu về đá giặt em lau sẵn sàng.

                                                Nay mai cây héo lá vàng,

                                                Luống tình ly biệt kể hằng mấy đông.

                                                Áo này giặt chẳng quản công,

                                                Gửi ra ngoài ải những mong kịp ngày.

                                                Phòng khuê xin hết sức này,

                                                Để chàng nghe thoảng tiếng chày canh thâu.

                                                                                                (K.D. dịch – Đường Thi)

                Bài “bát muộn” của Nguyễn Du là nỗi buồn của một người bị thời cuộc giam lỏng, nhìn sự việc luôn vượt tầm tay của mình:

                                                       (Bát muộn) – Xua nỗi buồn

                                                Thềm ngọc mười năm bụi phủ dầy,

                                                Trăm năm thành quách đống gò đây.

                                                Chim chóc côn trùng xa lánh cả,

                                                Đất trời sau loạn máu còn rây.

                                                Giọt lệ xót quê trong chiến trận,

                                                Dăm hàng thư vội quyến bằng hay.

                                                Cá rồng lặn cả đêm thu vắng,

                                                Trăm mối buồn thương trút lại đầy.

                                                                               (Ngọc Vân dịch)

                Buồn của Đỗ Phủ trong lúc chạy loạn chỉ là vì quan quân chưa đánh xong giặc để đem lại thái bình. Còn Nguyễn Du không có cái buồn “một chiều” đó. Trong thế tranh chấp của nhiều thế lực, phảng phất như một hồi ở Tam Quốc Chí, trong đó có khi anh em, cha con trong họ hàng lại theo phò những “minh chủ” khác nhau(*). Đỗ Phủ mừng cho ông Vua ăn chơi Đường Minh Hoàng khi nghe tin quân triều đình đã đánh lui giặc ở Hà Nam, Hà Bắc:

                                                Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc

                                                Kiếm ngoại được tin thu Kế Bắc,

                                                Thoạt nghe nước mắt ứa hai hàng.

                                                Vợ con buồn thảm liền vui vẻ,

                                                Sách vở mừng điên gấp vội vàng.

                Nhưng Nguyễn Du thì chẳng có gì để mừng khi quân Vua Quang Trung giẹp yên Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm, đuổi quân Tầu cùng chính ông vua nhà Lê vốn là biểu tượng của sĩ phu Bắc Hà, mà chỉ là nỗi buồn của người trí thức trước sự mất lập trường hành động.Tâm sự không người xứng đáng để phò tá giống như tâm sự của Trương Cửu Linh trong bài “Cảm ngộ” thời Sơ Đường.

                                                Cô hồng hải thượng lai

                                                Trì hoàng bất cảm cố

                (Con chim hồng từ biển khơi bay vào, nó không muốn nhìn những ao hồ nhỏ bé)

                Bài thơ “trệ khách” có nghĩa là người khách trọ lâu ngày cực tả sự bế tắc hành động của Nguyễn Du trước sự biến chuyển của thời thế:

Trệ khách – Người khách trọ lâu ngày

Tiếng kêu bi thương của con chim hồng bay về làm xao động nước sông Ngân,

Cái lạnh của tiếng trống đồn canh xâm nhập vào luồng gió đêm hè

Người đã đến bước đường cùng không mộng đẹp

Trời đưa lại bể khổ để thúc dục bước chân phiêu bồng.

                Qua những câu thơ trên, ta thấy tình cảnh thê lương của một người gần như là “anh hùng mạt lộ”, trong đêm khuya ở chốn đất khách, thời gian cứ trôi đi, mà người không tìm được lối thoát.

                Nguyễn Du là một người sáng suốt, hiểu rất rõ những tranh chấp chính trị đương thời đã chia rẽ khối sĩ phu Bắc Hà ra nhiều phe phái, để ai vì chủ nấy mà mưu việc tranh đấu. Họ không ghét bỏ căm thù nhau và vẫn ý thức rằng sự đoạt được chính quyền chính là để tránh cho nhân dân những khổ ải do loạn lạc gây ra. Cái gọi là chính nghĩa ở thời đại Nguyễn Du không phải là ý niệm quốc gia dân tộc của ngày nay, mà chỉ là được phò tá một đấng minh quân đem lại cuộc sống an bình thịnh vượng cho người dân trong vùng lãnh thổ được gọi là “nước” là “đất của Vua Lê”. Hiểu thời thế như vậy nên khi Đoàn Nguyên Tuấn vào Kinh đô Phú Xuân (thời vua Quang Toản nhà Nguyễn Tây Sơn), ông đã có câu nhắn ông anh ruột Nguyễn Đễ cũng làm quan với Tây Sơn:

                                                Thử khứ gia huynh như kiến vấn

                                                Cùng đồ bạch phát chính tinh tinh

                                (Chuyến đi này anh tôi như có hỏi, thì xin nói rằng tôi đang ở bước đường cùng, tóc đã bạc lốm đốm).

                Nhà nho là người đem lòng yêu mình ra yêu người. Tính chất nhân bản ấy ở Nguyễn Du thể hiện trong những bài thơ nói về cảnh khổ của người dân không phân biệt người Việt hay người Hoa, trước những bất công của xã hội: “người ăn không hết, kẻ lần không ra”:

                                             Một người làm thuê đến kiệt sức,

                                            Không đủ nuôi bốn miệng ăn.

                                          Ngày ngày dọc theo đường phố xin ăn,

                                            Kế ấy làm sao mà lâu dài được.

                                            Nhìn thấy trước mắt cái lúc bỏ xác bên ngòi rãnh,

                                            Máu thịt nuôi sài lang.

                                            Mẹ chết không đáng tiếc,

                                            Vỗ về con mà thêm đứt ruột.

                                                                ………….

                                            Đầy bàn thịt lợn thịt dê,

                                           Quan lớn chẳng đụng đũa.

                                           Tùy tùng chỉ nếm qua loa,

                                          Chó hàng xóm cũng chán cao lương.

                                          Không biết trên đường cái quan,

                                           Có mẹ con nhà này khốn cùng như thế.

                                                           (Sở kiến hành – Bắc hành thi tập)

                Nhiều bài thơ bài văn ngày nay gọi là “phê phán hiện thực” chưa chắc đã có những hình ảnh đối chọi bi thảm như thế. Nguyễn Du không phải là nhà cách mạng (nói đúng nghĩa là thay đổi thể chế để cải tạo những bất công xã hội).Mà chỉ là một nhà nho rất nhân bản để xúc động trước thảm cảnh đói rét của con người. Ông không có khả năng tư duy để tìm nguyên nhân của cảnh khổ ấy, mà chỉ theo tín ngưỡng cũ: “Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”.

                Tính chất nhân bản trong thơ văn Nguyễn Du rải rác nơi những bài thơ chữ Hán, khi ông đối diện những cảnh khổ, mối oan của con người. Đáng kể nhất phải là bài “văn tế thập loại chúng sinh”. Bài văn tế này có những điều gây thắc mắc. Trước hết là tựa đề của bài văn tế. Chắc rằng tựa bài này không phải do Nguyễn Du đặt, vì rõ ràng là do người đời sau sưu tầm bài thơ này đặt ra. Họ đã qua nội dung cầu siêu tịnh độ của bài thơ mà đặt. Theo văn thể thì “văn tế” có quy tắc riêng với câu dài ngắn khác nhau, đối liên theo thể phú. Điển hình như bài “Văn tế trận vong tướng sĩ” của Nguyễn Văn Thành, với những câu đối liên làm nổi bật nội dung diễn tả:

                Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, chợt nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh;

                Trong nhà rỡ vẻ môn mi, chạnh nhớ thuở chiếc cừu vung trước gió.

                Bài gọi là “văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du lại viết theo thể “ngâm” song thất lục bát đã xuất hiện trước Nguyễn Du như: “Cung oán ngâm khúc” của Ôn Gia Thiều; Chinh Phụ ngâm khúc, bản dịch của Đoàn thị Điểm. Như vậy có thể hiểu một cách tóm lược; đây là khúc ngâm về thập loại chúng sinh. Điều làm người ta thắc mắc về văn thể của tựa đề “văn tế” là do ngữ nghĩa của tựa bài và cũng do một truyền thuyết là Nguyễn Du làm bài này theo lời yêu cầu của một vị sư, nhân dịp cúng Rằm tháng Bẩy, tức là lễ “xá tội vong nhân”. Truyền thuyết không có gì làm bằng, vì nó chỉ được căn cứ vào một yếu tố là người ta tìm thấy một bản viết bài văn chiêu hồn của Nguyễn Du này nơi chùa “Diệc”. Cũng vì yếu tố nó xuất hiện ở chùa, nên người ta đã phóng lý luận đi xa hơn để đánh giá văn chiêu hồn là tác phẩm thuộc về tôn giáo, cúng tế: “… điều đó cũng nói lên rằng, sáng tác văn chiêu hồn, trước hết Nguyễn Du nhằm mục đích cúng tế. Như vậy văn chiêu hồn của nguyễn Du là một tác phẩm thuộc loại văn tế. Trong văn học phong kiến ở nước ta, văn tế thường được viết bằng thể phú… Văn chiêu hồn của Nguyễn Du không phải là bài văn tế một người hay một loại người nào, mà là bài văn tế chung cho nhiều người, nhiều loại người. Trước kia Lê Thánh Tông có “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, cũng là một thứ văn tế cô hồn như của Nguyễn Du”. (10)

                Với tài năng của Nguyễn Du, viết một bài văn tế theo thông thường ở thể phú là điều quá dễ. Thơ còn khó lảm hơn phú vì cần xúc tích. Nhưng qua tất cả những sáng tác của Nguyễn Du còn sưu tầm lại được, thì không thấy có bài phú nào. Chuyện rất khó xảy ra là Nguyễn Du không biết làm phú. Để viết những bài thơ dài và tự do diễn tả cảm xúc, không bị giới hạn ở niêm luật, Nguyễn Du dùng thể “hành” như bài Dự Nhượng chủy thủ hành; Long thành cầm giả ca.

                Điều khó cho chúng ta hiện tại là lịch sử văn học đã liệt bài “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du là văn tế, nên ta cứ dùng những phạm trù tôn giáo, siêu hình để nghiên cứu bài thơ này. Có tác giả còn đi xa hơn, ca ngợi trí tưởng tượng siêu đẳng của Nguyễn Du đã vẽ nên hình ảnh rùng rợn thê lương của Âm phủ, đáng so sánh với những tác phẩm lớn của thế giới như “Dance Macabre”, hay “Thần khúc” của Dante nước Ý: “Bức tranh vẽ cảnh tượng chết trong văn chiêu hồn không phải phản ảnh một cái gì khác, mà chính là phản ảnh cuộc đời trong thời đại của nhà thơ. Và cả hình ảnh về cõi Âm ở đây cũng vậy. Thực ra cái cõi Âm mà Nguyễn Du dựng lên có vẻ rùng rợn ma quái trong văn chiêu hồn cũng chỉ là sự khúc xạ của một lăng kính duy tâm, hay nói đúng hơn, chỉ là cái bóng, cái hình lộn ngược của cõi Dương, của cuộc đời này mà thôi. Văn chiêu hồn không phải là một hiện tượng ảo giác kỳ diệu mạnh đến tuyệt độ. Nguyễn Du viết văn chiêu hồn không phải trong một trạng thái “khủng hoảng thần kinh”, thi sĩ “chỉ còn là một khí cụ ngoan ngoãn trong tay khiếu ảo giác” (Nguyễn Bách Khoa – Nguyễn Du và Truyện Kiều). (11)

                Muốn hiểu thật rõ tâm hồn Nguyễn Du, cũng như giá trị của “Văn chiêu hồn” trong xu hướng nhân bản của nhà thơ này, ta hãy quên đi tất cả những xưng tụng “đao to búa lớn”; tất cả những “gông cùm” trí thức mà các tác giả Việt Nam lãnh hội được của Tây phương, tròng vào cổ nhà thơ Nguyễn Du.Trở về một cách khiêm tốn với nhà thơ thiên tài này, lúc ấy ta mới thấy rõ cái vĩ đại nhân bản của toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du.

                Không quá đáng như Đinh Hùng khi coi Nguyễn Du như Phật Thích Ca: “Dù nhìn vào cuộc sống hay hướng về cái chết, tầm mắt nhà thơ vẫn là tầm mắt thấu thị (voyant) soi tỏ nhân tình và thông suốt hư linh. Ở cuộc sống hay ở cõi chết thi sĩ đều bắt nguồn giao cảm từ một tình thương bao la như tấm lòng biển lớn của Phật Tổ, để cũng như Đức Phật Từ bi, mở đường phương tiện, tiếp độ cho chúng sinh thoát khỏi mê lầm. “Người sẽ siêu thoát khỏi trong luân hồi.” Không sợ nghiệt chướng theo đuổi, như cái chết dữ ám ảnh những vong hồn đoạ lạc. Chỉ có Đức Phật trước thời khắc tịch diệt, mới giữ được Đức Tin vô lượng đó cùng niềm hoan lạc cao khiết kia”.(12)

                Những khẳng định về giây phút tịch diệt của Nguyễn Du và Đức Phật Thích Ca của Đinh Hùng chỉ là tưởng tượng phóng bút đưa Nguyễn Du lên mây xanh. Nếu so sánh sự bình tĩnh trước cái chết, thì Nguyễn Du lúc ấy đang hấp hối, làm sao bằng được Lý Trần Quán, nằm trong quan tài còn đọc đôi câu đối, rồi bảo người ta đóng nắp mà lấp đất chôn: “Ta làm bề tôi mà làm lỡ Chúa, không chết không tỏ lòng ta với Trời đất được. Bèn cho mua quan tài, đào vườn sau chỗ ở làm huyệt, đặt quan tài xuống huyệt, mặc mũ áo (Quán đỗ Tiến sĩ) hướng về phía Nam lạy hai lạy, bỏ mũ đi, lấy áo trắng làm khăn đội đầu, lưng thắt đai to, nằm yên trong quan tài, miệng đọc một câu đối rằng: “Tam niên chi hiếu dĩ hoàn; Thập phần chi trung vị bạch” (Để tang ba năm vừa xong đạo hiếu; Thờ Chúa mười phần, chưa tỏ lòng trung), dặn người nhà trọ về bảo con viết câu đối ấy ở vách nhà thờ. Rồi sai người nhà trọ đậy nắp quan tài, lấp đất lên.”(13)

                Thực ra Nguyễn Du không phải là một phật tử theo cái nghĩa những người thường đi lễ chùa ngày nay. Điều minh chứng là Nguyễn Du không có pháp danh. Nguyễn Du nói đến Phật giáo ở hai lãnh vực: Ở tín ngưỡng bình dân liên quan đến Tịnh độ; Phật học ở lãnh vực triết lý đối với những trí thức rất gần, nếu không nói là thuộc Thiền Tông.Trong bài thơ “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh đài” ông nói cực sâu sắc về triết lý “Tính Không”:

Cái gì là kinh Kim Cương, cái gì là kinh Pháp Hoa,

Giữa “Sắc” và “Không” mờ mịt không nhận ra được.

Theo Phật với tấm lòng u mê thì Phật sinh ra ma,

                                                                …………………

Muôn nghìn lời vu vơ để lại cũng chẳng ích lợi gì.

Chỉ để cho bọn sư ngu ngốc đời sau lải nhải đọc điếc tai người ta.

Con người ta biết tu tâm là tự “độ” lấy mình rồi.

Linh Sơn chỉ ở trong lòng người.

Cũng chẳng có đài “minh kính”,

Vốn không có cây bồ đề.

Ta đọc kinh Kim Cương hơn một ngàn lượt,

Những ý sâu kín trong đó phần nhiều ta không hiểu rõ.

Tới tận hôm nay, đến dưới đài “phân kinh” này,

Mới biết: “Kinh không chữ” mới thật là chân kinh.

                Nhưng Phật ở “văn chiêu hồn” lại là đấng quyền năng vô biên với tình thương chúng sinh bao la. Phép Phật nhiệm mầu, giải thoát cho chúng sinh:

                                                                Nhờ phép Phật siêu sinh Tịnh độ,

                                                                Bóng hào quang cứu khổ độ u,

                                                                Rắp hoà tứ hải quần chu,

                                                                Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.

                                                                Nhờ Đức Phật thần thông quảng đại,

                                                                Chuyển pháp luân tam giới thập phương,

                                                                Nhởn nhơ Tiếu diện Đại vương,

                                                                Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh

                Đúng là ông Phật hay ông Bụt trong tín ngưỡng Phật Giáo của đại đa số dân Việt, trừ các nhà nho vốn rất cố chấp vào Nho giáo của họ. Có phép Phật mới siêu hộ độ trì cho họ thoát vòng luân hồi mà vào cõi Tịnh Độ. Truyền thuyết nói rằng, một vị sư trụ trì, nhân sau một mùa dịch chết rất nhiều người, mới nhờ Nguyễn Du làm bài “văn chiêu hồn” để lập đàn chay cúng rằm tháng Bảy, xá tội vong nhân. Điều này có lẽ đúng, vì trong bài văn có câu: “Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo. Của có chi bát cháo nén nhang. Gọi là manh áo thoi vàng, Giúp nhau làm của ăn đường thăng thiên.”

                Động cơ của bài văn như vậy là quá rõ. Trong một đàn chẩn tế, sư trụ trì lập trai đàn và có nhờ Nguyễn Du làm một bài văn nói về trai đàn này có mục đích xá tội cho các vong hồn mang nhiều tội lỗi nên chưa được siêu sinh, nghĩa là đầu thai sang kiếp khác, hoặc cao hơn được về cõi Phật như lời người ta vẫn chúc cho người chết: “Sớm về miền Cực lạc”, hay “Siêu sinh Tịnh Độ”. Người ta có thể đọc bài văn này để triệu thỉnh các vong hồn về trai đàn, rồi sau mới tụng kinh siêu độ.

                Như vậy điều Nguyễn Du mô tả trong văn Chiêuhồn không phải là những vong hồn (vì đã là vong hồn thì vô hình vô ảnh), mà là những người trên trần thế đã gặp những cái chết đủ kiểu, đủ nguyên nhân. Trong bài văn nếu tỉ mỉ thống kê thì hơn 10 loài, cho nên nói “thập loại” có lẽ người sau bị ảnh hưởng của bài “Thập giới cô hồn” của vua Lê Thánh Tông mà đặt tựa cho bài “văn chiêu hồn” của Nguyễn Du.

                Nguyễn Du hiểu “loại” theo nghĩa là những thứ chúng sinh sống trên đời mà bị chết một cách bất thường khiến không ai hương khói. Những người gọi là chết bình thường như tin tưởng dân gian là “tới số”, già rồi bệnh chết, có ma chay thờ cúng ở từ đường, ngày giỗ, ngày Tết được cúng kiếng đầy đủ khiến “cuộc sống” ở cõi Âm cũng không có gì khác khi còn tại thế. Có khi còn hơn. Những người gọi là “chết oan” mới bơ vơ không mồ mả, không khói hương, không ai cúng kiếng cho.

                Cơ bản của bài văn này là kêu gọi các cô hồn lạc lõng về dự trai đàn để được giải oan. Do đấy phải tả cảnh sắc đầu thu (tháng 7) là để tạo không khí ảm đạm, nói lên nỗi cơ cực của các vong hồn không nơi nương tựa, dù là nơi cõi Âm:

                                                                Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

                                                                Toát hơi may lạnh buốt xương khô.

                                                                Não người thay buổi chiều thu,

                                                                Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng.

                                                                Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp đường lê lác đác sương sa.

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi Dương còn thế nữa Là cõi Âm

                Đúng ra cảnh đầu thu lạnh lẽo đã được mô tả qua cảm xúc chủ quan của Nguyễn Du, chứ trong thực tế có thể chưa đến thế. Thử so sánh với cảnh đầu thu của Tản Đà mô tả (mà đã bị chê là không thực tế).

                                                                Từ vào thu đến nay:

 Trăng thu bạch, sương thu lạnh, khói thu xây thành

                                                                Lá sen tàn tạ trong đầm,

                                                                Nặng mang giọt ngọc âm thầm khóc hoa.

                                                                Sắc đâu nhuộm ố quan hà,

                                                                Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương

                                                                                                (Tản Đà – Cảm thu, tiễn thu)

                Mô tả mùa thu ảm đạm lạnh lẽo khác thường (buốt xương khô) để tạo không khí u tối rùng rợn thê lương của cõi Âm, vốn thực tế chỉ là tưởng tượng. Nơi cõi u minh ấy, những vong hồn hẳn là phải khổ hơn người dương thế, nên mới cầu giải thoát, trong khi chính nhiều hoàn cảnh của người dương thế cũng cần Phật giải thoát cứu khổ cứu nạn cho. Tính chất nhân bản thể hiện trong việc tôn trọng và thương xót con người, trên trần thế có thể khác nhau do cuộc sống xã hội đặt để. Nhưng khi chết thì bình đẳng, chỉ còn là nhhững oan hồn chờ giải thoát:

                                                                Hương khói đã không nơi nương tựa,

                                                                Hồn mồ côi lần lữa đêm đen.

                                                                Còn chi ai quý ai hèn,

                                                                Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?

                Nhận định rằng khi dời khỏi dương thế thì không còn mang theo những định chế xã hội, không còn phân biệt danh giá hay giàu sang. Tất cả chỉ còn là những vong hồn mong nhờ phép Phật để về cõi Tịnh Độ.

                                                                Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,

                                                                Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi.

                                                                Muôn nhờ Đức Phật từ bi,

                                                                Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.

                Nếu hiểu được tính chất nhân bản truyền thống trong hành vi giải oan cho tất cả những hành động sai trái của con người do vô minh gây ra ở thời đại ngày nay trong câu thơ của Tô Thùy Yên:

                                                                Chén rượu hồng đây xin rưới xuống,

                                                                Giải oan cho cuộc biển dâu này.

                                                                                (Tô Thùy Yên- Ta về)

                Thời Nguyễn Du viết văn chiêu hồn cũng là đang vào hồi kết của một cuộc biển dâu, trong đó, chính anh em họ hàng, đồng chủng cố gắng giết nhau để lập lại một cái hư danh mà họ đã phá bỏ đi. Trong xã hội nhố nhăng ấy biết bao người (gọi tóm lại là “thập loại chúng sinh”) đã tham dự vào cuộc biển dâu ấy.

                Hình ảnh của:

                                                                Cũng có kẻ tính đường kiểu hãnh,

                                                                Chí những lăm cướp gánh non sông,

                                                                Nói chi những buổi tranh hùng,

                                                                Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.

                                                                Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở,

                                                                Khôn đem mình làm đứa sất phu.

                                                                Lớn sang giàu nặng oán thù,

                                                                Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.

Có vang vọng cho chúng ta đối chiếu với lịch sử thời Hậu Lê bằng những cuộc chính biến, những xung đột, những thành bại của những tên tuổi trong lịch sử thời ấy như: Trịnh Tông, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ.

                Người đẹp của thời đại được nói đến như một loại chúng sinh trong câu thơ:

                                                                Nào những kẻ màn lan trướng huệ,

                                                                Những cậy mình cung quế Hằng Nga,

                                                                Một phen thay đổi sơn hà,

                                                                Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

Há chẳng làm ta nghĩ đến Đặng Phi, đã gây cho Chúa Trịnh Sâm lỗi “phế trưởng lập thứ” khiến gây nên cái hoạ mất nước; hay Lê Ngọc Hân sau khi vua Quang Trung mất cúng không biết chết chóc trôi giạt về đâu?

                Rõ ràng Nguyễn Du chỉ mô tả thực tế những cảnh chết chóc, tù đầy do thời thế tạo nên, mà không tưởng tượng tả cảnh địa ngục, để có tác giả cũ coi ông là con bệnh của ảo giác. Câu thơ làm người ta lầm tưởng ông nói về địa ngục là:

                                                                Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,

                                                                Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra.

                                                                Lôi thôi bồng trẻ giắt già,

                                                                Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.

Là nói đến những vong hồn ẩn náu nơi tối tăm trong dương thế. Người ta vẫn tin rằng ma chỉ xuất hiện vào ban đêm, hoặc quá lắm ở những nơi rừng rú u tối. Cảnh địa ngục với những vạc dầu, leo cầu vồng, cưa người v.v. là do nhà chùa tưởng tượng ra: “Thập điện Diêm Vương” có tính chất răn đe hơn là thực tế. Những cái chết của thập loại chúng sinh do Nguyễn Du ghi chép là thực tế ông đã ghi nhận được suốt trong thời gian sống kinh qua thời kỳ nhiễu nhương, có thể ví như một thời Tam Quốc của Việt Nam ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

                Tấm lòng thương người, hay tính nhân bản thể hiện rõ nét nhất trong “Văn chiêu hồn”.

 Lê Văn Ngọc

Sydney 1/2020

Chú thích:

(*) Vua Lê Hiển Tông

(1)Đại Việt sử ký Tuc biên

(2)Tục biên trg 394

(3)Tục biên trg 446

(*) Nguyễn Du này không phải là Nguyễn Du thuộc họ Tiên iền. Sau vua Gia Long triệu vào Huế.

(4) Tục biên trg 454

(5)Phan Huy Chú – Lịch triều Hiến chương loại chí – khoa mục chí, tập 4 trg 58

(6) nt trg 58

(7)Trương Chính – Tâm sự của Nguyễn Du qua thơ chữ Hán

(8) Tục biên trh 458

(9)Đại Nam liệt truyện trg 413

(*)Anh vợ và anh ruột Nguyễn Du là Đoàn Nguyên Tuấn và Nguyễn Đễ theo phò vua Quang Trung, rồi Quang Toản. Nguyễn Khản lại pho Chúa Trịnh.

(10) Nguyễn Lộc – Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm – trg 133

(11)nt.trg 139

(12)Đinh Hùng – Người thơ thuần túy Nguyễn Du trong văn tế thập loại chúng sinh – Saigon 1960

(13) Tục biên- trg 458

Related posts