Tưởng nhớ cụ Nguyễn Hữu Toán

Tác giả: Jamie Nguyễn

Dịch giả: Ian Bùi

Ông Nguyễn Hữu Toán, ông ngoại của Jamie Nguyễn

Lời dịch giả: Jamie Nguyễn thuộc thế hệ người Mỹ gốc Việt thứ nhất, sanh ra và lớn lên ở Nam Cali. Cô hiện đang sống “giấc mơ Mỹ”, làm phóng viên cho một đài TV ở New York City. Jamie viết bài này cho ông Ngoại cô vừa mất vì #COVID19.

Vài tuần nữa là cụ Nguyễn Hữu Toán sẽ được mừng sinh nhật thứ 90. Nhưng cái ngày vui trọng đại ấy đã không đến — chỉ vì con coronavirus quái ác. Đây không là lần đầu cụ phải đối mặt một kẻ thù vô hình, nhưng trong trường thiên tiểu thuyết đời cụ thì nó chỉ là một cước chú nhỏ.

Sinh ngày 12/5 năm 1930 tại Ninh Bình, cụ Toán là con trưởng trong một gia đình 8 anh chị em. Thân sinh của cụ — ông Nguyễn Lãng và bà Mai Giuông, có đất và làm nghề ruộng. Từ nhỏ cụ đã chứng tỏ khả năng vượt qua số phận.

Trường Bưởi bên bờ Hồ Tây

Thời còn bé cụ phần lớn phải tự học, thế mà khi đến tuổi 13 cụ đã thi đậu vào trường Bưởi – một trong ba trường danh giá của chính quyền bảo hộ thời bấy giờ. Tên chính thức là Lycée du Protectorat, trường được người Pháp xây dựng ở Hà Nội năm 1908. Học sinh được tuyển chọn rất khắt khe. Trường chỉ nhận 120 học sinh mỗi năm, với tỉ lệ 1/1000 thí sinh được chọn — thấp nhất nước.

Trường Bưởi còn là nơi sản sinh nhiều trí thức trẻ mang hoài bão dựng nên một nước Việt Nam độc lập. Ra trường, đa số trở thành những thành phần ưu tú của xã hội trong nhiều lãnh vực như văn chương, nghệ thuật, quân đội, chính phủ v.v.

Do Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1943 trường phải dời về Ninh Bình. Cụ Toán kể hồi đó nhà nghèo nên không có tiền sắm bộ đồng phục Tây Âu. Thay vì được ăn trưa trong trường thì cụ phải đạp xe về nhà, ăn cơm với muối mè. Hội nhập với chúng bạn rất khó khăn. Cụ không có ai để giúp làm bài: Pháp văn, Toán, La-tinh… Trong nhà thì chẳng có ai học qua bậc tiểu học. Nhưng rồi cụ cũng vượt qua được hết.

Năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, trường được dời trở về Hà Nội và đặt tên mới là Chu Văn An. Vì nhà nghèo cụ không thể lên Hà Nội để học tiếp. Tuy chỉ được học hai năm, cụ và một người bạn dành dụm một số tiền để mua sách vở về tự học. Nhất quyết lấy cho được bằng Tú Tài Pháp, cuối cùng cụ cũng thành công.

Cụ trở thành giáo viên dạy Toán. Một hôm, trên đường đến lớp cụ gặp cô Phạm thị Đối và đem lòng yêu. Cụ nói ngay từ phút đầu cụ biết chắc đây là người mình muốn lấy. Thế là vào năm 1948, khi mới 18 tuổi, cụ cưới cô Đối. Hai người có với nhau 8 đứa con. Cụ bà là người tình muôn thuở của cụ cho đến ngày cuối đời.

Mặc dù đã lập gia đình, năm 1950 cụ quyết định gia nhập quân đội Quốc Gia Việt Nam. Nhưng đến năm 1954, khi đất nước bị chia đôi, cụ dắt vợ con và Bố Mẹ vào Sài Gòn. Ông bà của cụ ở lại, về sau bị cộng sản đấu tố.

Phục vụ trong quân đội VNCH, cụ thăng dần đến chức Đại Tá. Năm 1960 cụ được gởi sang Mỹ thụ huấn quân sự. Khi người Mỹ đem quân sang Việt Nam, cụ đã chiến đấu cùng họ để bảo vệ miền Nam. Nhưng sau tháng Tư năm 1975 cụ phải đi tù như bao nhiêu sĩ quan VNCH khác.

Mười ba năm trong các trại tù “cải tạo” CS, cụ đã chịu đựng tra tấn, khổ cực và đói khát. Cụ kể trong tù cụ phải lao động sáu ngày một tuần, nằm mơ thường thấy bát cơm trắng. Nhiều đêm cụ còn bị giám thị quấy rầy không cho ngủ. Để có nghị lực sống còn, cụ luôn nghĩ đến vợ con và ngày đoàn tụ.

Trong khi đó thì gia đình cụ đã thoát được sang Mỹ, làm lại cuộc đời. Họ thường gửi thư cho cụ giúp cụ giữ vững tinh thần. Nỗi đau lớn nhất là khi cụ hay tin đứa con trai tên Hùng đã qua đời vì ung thư máu. Cụ vô cùng đau khổ vì không thể có mặt để phụ lo cho gia đình qua cơn khó khăn.

Mối tình đầu sau 17 năm xa cách, 1992

Năm 1992 giấc mơ đoàn tụ của cụ trở thành sự thật qua chương trình H.O. Gia đình ra đón cụ tại phi trường LAX. Không trống không kèn, không bảng hiệu chào đón, không hét la mừng tủi. Họ chỉ âm thầm nối lại cuộc sống đại gia đình năm xưa, như thể cụ chỉ mới trở về từ một chuyến đi xa; có điều chuyến đi này mất đến 17 năm. Dẫu vậy, đối với cụ vẫn không có gì thay đổi trừ một số khuôn mặt mới — mấy đứa con rể và bầy cháu ngoại.

Nhưng cụ bà nói cụ đã thành một con người khác. Cụ vô cùng trân quý sự tự do và độc lập của mình nơi đất Mỹ. Ngay lập tức cụ học lái xe. Cụ thích chở cụ bà đi chợ, đi đây đi đó thăm viếng bạn bè để bù lại khoảng thời gian xa cách. Cụ giúp việc nhà, giặt giũ quần áo, trông nom đám cháu, chở chúng đi các sinh hoạt nhi đồng… Những công việc mà ngày xưa cụ không có cơ hội làm vì phải phục vụ quê hương.

Gia đình cụ Toán đoàn tụ tại Mỹ

Là dân nhà binh, cụ rất kỷ luật và giờ giấc. Nếu có ai nhờ đón là cụ luôn luôn đến đúng hay trước giờ hẹn. Không bao giờ sai. Lạ hơn nữa là cụ không hề tỏ vẻ cay đắng. Lúc nào cụ cũng ân cần và để ý. Những khi cụ gọi điện thoại, câu đầu tiên cụ hay hỏi han thường là “Con ăn gì chưa?” bất kể lúc ấy là mấy giờ.

Cụ còn là người ham học, làm gương cho con cháu. Cụ ghi danh vô trường đại học cộng đồng để lấy mấy lớp về lịch sử và triết học. Kệ sách của cụ đầy nhóc sách truyện về chiến tranh, lịch sử các vị tổng thống và tướng lãnh. Quần áo cụ thường chỉ là cặp quần kaki mua ở Gap và chiếc áo sơ mi cài khuy cẩn thận.

Cụ không thích tới chỗ đông người, có lẽ vì chiến tranh và những năm tháng trong nhà tù CS. Cụ bảo tiếng động ồn ào làm cụ bị mất phương hướng, không biết nó đến từ đâu. Nhưng cụ cũng là người có óc hài hước, thích trêu chọc con cái làm cho chúng cười. Cụ hay đặt tên tếu cho mọi người, tên nào cũng trúng phóc tính tình người đó. Và nếu có ai chọc phá ngược lại, cũ cũng vui vẻ đùa theo.

Dù là người hút thuốc lá cả đời, một hôm cụ quyết định bỏ cái rụp không thèm nhìn lại. Con người cụ là như thế. Mạnh mẽ, quyết đoán. Cụ nói năng ôn tồn, nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết và thẳng thừng. Qua giọng cụ nói người nghe biết ngay phải làm gì. Cách nói chuyện từ tốn ấy khiến ta khó tưởng tượng đây là một cựu sĩ quan cao cấp từng ra lệnh cho binh sĩ nã đạn vào đối phương.

Có những người trở nên cay đắng vì những năm dài tù tội xa gia đình, nhưng cụ thì không. Cụ cho những gì mình phải chịu đựng cũng là một phần của cuộc đời. Nhưng có một điều làm cụ vô cùng bất mãn, đó là chính quyền Mỹ. Cụ có cảm giác bị bỏ rơi bởi đất nước mà giờ đây là quê hương thứ nhì của mình. Theo cụ, một khi Hoa Kỳ quyết định tham chiến thì họ nên đánh tới cùng, nhưng nước Mỹ đã không làm như vậy. Khi thấy không thắng nổi họ đã rút lui, bỏ mặc đồng minh tự lo liệu.

Ông bà cụ và đám cháu, Noel 2007

Coronavirus khiến cụ phải nhập viện, nhưng nó không tước đoạt nổi nhân phẩm của cụ. Bác sĩ cho biết cụ đã bị lây bệnh từ 10 hôm trước đó, tuy nhiên cơ thể cụ không có triệu chứng nhiễm bệnh nào cả. Chỉ đến khi cụ bị sốt quá độ người nhà mới đưa cụ vào bệnh viện. Nhưng dịch khuẩn đã không làm cho phổi cụ bị ngộp nước như nhiều trường hợp khác. Cụ chết như cụ đã sống — lặng lẽ và bình an. Cả đời cụ không hề muốn làm phiền ai.

Sáng thứ Bảy 18 tháng Tư, sau khi được một vị tu sĩ đến viếng, cụ yên tâm nhắm mắt qua đời.

Gia đình còn lại gồm có cụ bà, một người con trai, sáu cô con gái, hai người em trai, 13 người cháu và 3 đứa chắt. Cụ Toán sẽ được tưởng nhớ như một người chồng, người cha, người ông, và kẻ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.

Đám cưới cô cháu Ngoại đầu lòng. San Diego, 2006.

Related posts