Việt Luận phỏng vấn Luật sư Lưu Tường Quang về biến cố 30 tháng 4 năm 1975

Việt Luận: Thưa ông, sau khi mất Buôn Mê Thuột vào ngày 10 tháng 3 năm 1975, những biến cố xảy ra dồn dập làm thay đổi tình hình đất nước không phải từng ngày mà là từng giờ từng phút. Về quân sự các binh sĩ VNCH phải đương đầu trước sức tấn công của cộng quân mà nhiều người nhiều sách vở đã nói tới, riêng đối với Bộ Ngoại Giao, trong cương vị là quyền Tổng thư ký ông phải đương đầu với những vấn đề gì?

Luật sư Lưu Tường Quang: Tôi trả lời các câu hỏi của Việt Luận trên căn bản hồi ức cá nhân, nên đây không phải là một bài tham luận phối hợp trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi sẽ ghi nhận những điều tôi biết, những diễn tiến thời cuộc vào thời điểm và không gian mà tôi có mặt, quan sát, trao đổi và thảo luận với tư cách một nhà ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Các câu hỏi của Việt Luận giới hạn vào hai thời điểm, nhưng đôi khi tôi phải nhắc lại vài sự kiện lịch sử xảy ra trước tháng 3 năm 1975.
VNCH mất Ban Mê Thuột (tôi sử dụng địa danh chính thức của VNCH) vào ngày 10.03.1975 nên đây được coi là mốc điểm quan trọng khởi đầu cho chiến dịch Tổng Tấn Công của Bắc Việt. Trước khi mở cuộc tấn công Ban Mê Thuột, Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội đã ra lệnh bao vây, tấn công và chiếm được Phước Long vào ngày 06.01.1975. Trận chiến Phước Long nhằm vào hai mục tiêu: thứ nhất là thử sức các đơn vị Quân Lực VNCH, nhưng yếu tố quân sự nầy có lẽ không quan trọng bằng yếu tố chính trị: Hà Nội muốn thăm dò phản ứng của chính phủ Mỹ tại Washington DC.

Tại Bộ Ngoại Giao ở Sài Gòn, chúng tôi cũng rất quan tâm về phản ứng của Washington khi đọc những công điện báo cáo từ Đại Sứ Quán VNCH tại Mỹ. Những lời phát biểu, phản đối chung chung và nhất là lời nói không đi với hành động cụ thể đã gởi một thông điệp rất rõ cho Hà Nội và cả Sài Gòn. Về điểm này, kết luận của họ và của chúng ta đều đúng và không khác nhau là Hoa Kỳ không còn đủ ý chí chính trị để có phản ứng trừng phạt Bắc Việt về sự vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris ngày 27.01.1973. Giá như mà Tổng thống Gerald Ford đã ra lệnh cho oanh tạc cơ B-52 trở lại chiến trường Nam Việt Nam, thì có lẽ Hà Nội đã không dám bắt đầu ngay cuộc tấn công mở đường tại Ban Mê Thuột trong vòng hai tháng sau, nếu sự tập trung các binh đoàn của họ có thể là mục tiêu của B-52.

Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức vì vụ Watergate nên những cam kết của cá nhân Ông Nixon với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không còn được ràng buộc về mặt tinh thần nếu không phải là pháp lý. Đây là những cam kết mà Ông Thiệu đã đòi hỏi và Ông Nixon đã phần nào đáp ứng tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Nixon-Thiệu ở Midway ngày 09.06.1969 về “Việt Nam hóa” chiến tranh, và trước khi Tổng Thống Thiệu đồng ý ký kết Hiệp Định Paris 1973. Tôi có chút kinh nghiệm cá nhân đối với hai diễn tiến nầy, vì tôi có mặt trong Phái Đoàn Tổng Thống VNCH tại Midway và tham gia vận động trong phái đoàn Đặc sứ Trần Kim Phượng hồi đầu tháng 11 năm 1972, sau khi Ts Henry Kissinger đến Sài Gòn áp lực VNCH ký kết Hiệp Định hồi tháng 10.
Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải đương đầu trong quãng thời gian cực kỳ khó khăn nầy là chính sách và cam kết của Mỹ và viện trợ Mỹ lúc bấy giờ bị cắt giảm trầm trọng. Bộ Ngoại Giao đã tổ chức tiếp đón phái đoàn quốc hội Mỹ tại Sài Gòn, đồng thời yểm trợ cho một phái đoàn quốc hội VNCH đi Washington. Chính Ngoại trưởng Vương Văn Bắc cũng đã đi Washington hồi cuối tháng Ba để vận động, nhưng hầu như các nỗ lực đều không đạt được kết quả.

Ông Lưu Tường Quang lúc mới đến Úc, tháng 5 – 1975

Việt Luận: Trong những tuần lễ cuối cùng tâm trạng của ông nói riêng và các nhân viên ngoại giao ra sao, và những gì xảy ra trong khoảng thời gian đó làm ông ghi nhớ nhất?

Luật sư Lưu Tường Quang: Tất nhiên, mọi người đều lo âu trước những tin tức dồn dập về sự tiến quân của các binh đoàn Bắc Việt tại Vùng 2 và Vùng 1 Chiến Thuật. Tuy nhiên, tôi phải nói là tinh thần nhân viên ngoại giao rất cao. Hầu hết đều tiếp tục có mặt để thi hành nhiệm vụ. Chính cá nhân tôi đã từ chối di tản cùng với Đại Sứ Quán Úc ngày ANZAC Day 25.04.1975 để rồi sau ngày 30/4 tôi đã phải vượt biển bằng một chiếc thuyền thúng trong Vịnh Thái Lan. Có rất nhiều việc mà 44 năm sau, tôi vẫn tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua. Ngoài việc tôi là một chứng nhân tại Thủ đô Sài Gòn trong cơn hấp hối trong ngày 30 tháng 4  – một Sài Gòn thê thảm “bị” giải phóng chớ không phải như Paris tưng bừng được giải phóng hồi năm 1945 – có hai sự việc mà tôi muốn kể lại.

Thứ nhất là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4 với một bài diễn văn truyền hình đầy phẫn nộ đối với Washington. Với tư cách một công dân tôi chia sẻ sự phẫn nộ của ông, nhất là khi tôi, trong tư cách quyền Tổng Thư Ký Bộ Ngoại Giao, đã cấp visa khứ hồi cho ông xuất ngoại sang Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) với hiệu lực một năm.

Thứ nhì là ảnh hưởng ngoại giao và công luận đối với Xuân Lộc, trận chiến oai hùng cuối cùng của Quân Lực VNCH. Sư Đoàn 18 Bộ Binh dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, với sự yểm trợ của một số đơn vị tăng cường, đã chận đứng được đà tiến của binh đoàn Bắc Việt tại cửa ngỏ vào Thủ Đô Saigon cho đến ngày 20/4. Theo lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Bộ Ngoại Giao (tức là Ông Thứ trưởng Lê Quang Giảng và tôi) triệu tập các trưởng nhiệm ngoại giao và lãnh sự nước ngoài tại Saigon vào sáng ngày 21/4 để chính thức thông báo việc Tổng Thống Thiệu từ chức.

Tôi đã tiếp Đại sứ Vương Quốc Anh, Ông John Bushell tại văn phòng. Hầu như bỏ qua nghi thức ngoại giao thông thường, Đại sứ John Bushell khuyên chúng tôi vận động công luận quốc tế, đặc biệt là tại Mỹ, mạnh mẽ hơn nữa để thế giới thấy rằng quân dân VNCH vẫn can đảm chiến đấu một mình đến cùng. Tôi cảm ơn và nói rằng đó là điều mà chúng tôi, kể cả Đại Sứ Quán Việt Nam tại Washington đã và đang làm. Sáng ngày 25/4 tại buổi điểm tâm với Allan Deacon, nhân vật số 2 của Đại Sứ Quán Úc, ký giả danh tiếng Denis Warner từ Melbourne, Giáo sư Sử Học Geoffrey Fairbairn từ Canberra (ANU) và đặc phái viên Michael Richardson (Nhật báo The Melbourne Age, từ Singapore), mọi người đều khuyên tôi nên di tản cùng với Đại Sứ Quán Úc vào buổi chiều hôm ấy. Riêng Denis Warner còn nói với tôi rằng Xuân Lộc đã phục hồi danh dự cho Quân Lực VNCH. Trong quyển sách về chiến tranh Việt Nam “Not with guns alone” (1977) tác giả Denis Warner đã lập lại nhận xét này.
Việt Luận: Là một nhân viên ngoại giao, từng làm việc tại nhiều nơi thế giới, trước đó ông có tiên đoán được biến cố 30 tháng 4, 1975 hay không?

Luật sư Lưu Tường Quang: Khi mãn nhiệm kỳ và được lệnh hồi hương, tôi đã từ Canberra trở về Saigon hồi tháng 10/1974. Phải thành thật mà nói, tôi bi quan về tương lai lâu dài của quê hương Việt Nam tự do của chúng ta, nhưng không nghĩ là Bắc Việt có thể tấn công qui mô sớm vào đầu năm 1975. Dự phóng nầy có thể đã không sai, nếu Mỹ đã không chuyển “thông điệp bất động”, sau khi Phước Long bị chiếm đóng.

Việt Luận: Chúng ta đã mất nước sau biến cố 30 tháng 4, theo ông chúng ta nên rút ra bài học gì từ thất bại này?

Luật sư Lưu Tường Quang: Tôi không phải là sử gia mà chỉ là một chứng nhân nhỏ vào một giai đoạn cực kỳ đen tối của đất nước.

Bài học lớn nhất và là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tại Việt Nam là sự thành lập đảng Cộng Sản năm 1930 và Hồ Chí Minh là một tay sai của Cộng sản Đệ Tam Quốc Tế. Nếu Hồ Chí Minh là một nhà tranh đấu quốc gia chân chính, thì Việt Nam có thể đã tránh được vũng lầy địa lý chính trị của cuộc chiến tranh lạnh giữa các đại cường.

Bài học không kém phần quan trọng là trong bang giao quốc tế, quyền lợi quốc gia chỉ đạo chính sách. Người Mỹ bước chân vào cuộc chiến Việt Nam vì quyền lợi địa lý chính trị của Mỹ. Bắc Kinh sẵn sàng kéo dài cuộc chiến Việt Nam cho đến người Việt cuối cùng, vì quyền lợi của Bắc Kinh.

Bài học có tính cách cục bộ là vận động ngoại giao chỉ hữu hiệu khi chính trị quốc nội ổn định và thế mạnh quân sự được duy trì và cải thiện. Ba cuộc vận động ngoại giao mà tôi có cơ hội tham dự đã chứng minh điều nầy. Đó là một ngày sau Hội Nghị Thượng Đỉnh Midway, khi Ngoại trưởng Trần Chánh Thành đặt chân đến Tokyo thì Hà Nội công bố việc thành lập Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam (PRG of South Vietnam). Đó là khi Ngoại trưởng Trần Văn Lắm tìm cách thuyết phục Ngoại trưởng Indonesia Adam Malik tại New York, nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9/1969. Đó là khi Thứ trưởng Trần Kim Phượng cố gắng thuyết phục chính phủ Úc ủng hộ VNCH chống lại kế hoạch Nixon/Kissinger trong vấn đề Hiệp Định Paris hồi đầu tháng 11 năm 1972. Khi có dịp, tôi hi vọng sẽ kể lại chi tiết của các cuộc vận động ngoại giao nầy, với tư cách là phụ tá của ba vị trưởng phái đoàn đáng kính.

Tôi may mắn thuộc tầng lớp thế hệ ngoại giao trẻ mà cha đẻ là Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ. Khi Thủ đô Sài Gòn thất thủ vào ngày 30/04/1975, cuộc đời ngoại giao của tôi chấm dứt nhưng tôi vẫn hãy còn tương đối trẻ ở tuổi 34!

Việt Luận xin cám ơn Luật sư Lưu Tường Quang đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

(Sydney, 24.04.2019)

Related posts