Việt-Nam tôi đây

         Úc-châu hay châu Úc là cách gọi khá quen với người Việt-Nam để nói về nước Úc-đại-lợi, một lục-địa ở tận nam bán cầu. Vì ở vào vị-trí như vậy mà người Úc tự nhận quê-hương mình là Miệt Dưới (Down Under) không chút mặc-cảm như người mình khi bị gọi là miệt vườn chẳng hạn. Ngày xưa, người ta hay nói năm châu bốn biển là vì sách Địa-lý đã xếp nước Úc vào hàng một “châu” cùng các châu Á, châu Úc, châu Mỹ, châu Âu và châu Phi. Thực-tế, châu Úc khác hẳn các lục-địa kia về phương-diện chính-trị và hành-chính với một khối dân đồng-nhất theo chế-độ Đại-nghị gồm sáu tiểu-bang (state) là New South Wales, Victoria, Queensland, South Australia, Tasmania, và Western Australia, cộng thêm hai phần lãnh-thổ nữa là Australian Capital Territory quen gọi tắt là ACT nơi có thủ-đô Canberra và Northern Territory (Bắc lãnh) có ải địa-đầu Darwin nổi tiếng trong giới thuyền-nhân một thời lênh-đênh sóng nước.

Đứng đầu nhà nước Úc là một ông Thủ-tướng (Prime Minister) với Chính-phủ Liên-bang và Quốc-hội Liên-bang. Đứng đầu mỗi tiểu-bang là một ông Thủ-hiến (Premier) với Chính-phủ và Quốc-hội Tiểu-bang. Người Việt-Nam tỵ-nạn có mặt tại khắp nước Úc, song thường tập-trung nhiều tại các thủ-phủ của tiểu-bang như Sydney của New South Wales, Melbourne của Victoria, Brisbane của Queensland, Adelaide của South Australia (Nam Úc), Perth của Western Australia (Tây Úc) và Hobbart của Tasmania.

Nếu nước Úc vừa có một chính-phủ liên-bang và các chính-phủ tiểu-bang

thì cộng-đồng người Việt-Nam cũng có Ban Chấp-hành Cộng-đồng Liên-bang và các Ban Chấp-hành Cộng-đồng Tiểu-bang liên-đới với nhau trong nhiều sinh-hoạt chính-trị và xã-hội của cộng-đồng người Việt-Nam tỵ-nạn tại Úc.  

Vào ngày 29-10-2018, Hội-đồng Thành-phốMaribyrnong và Ban-chấp-

hành Cộng-đồng Người Việt Tự-do Tiểu-bang Victoria, Úc-châu đã cùng ký một bản tạm-ước để xúc-tiến việc thành-lập tại Footscray một Viện Bảo-tàng Việt-Nam đầu tiên tại Úc, mà cũng là Viện Bảo-tàng Việt-Nam đầu tiên của tập-thể Người Việt Tự-do trên toàn-thế-giới. Sau khi được Hội-đồng Thành-phố Maribyrnong thông-qua thì khu đất rộng khoảng 950 mét vuông nằm giữa nơi thị-tứ sẽ để xây Viện Bảo-tàng với một hợp-đồng thuê đất theo giá tượng-trưng mỗi năm hai Úc-kim. Đồng-thời, dự-án này còn có được nguồn tài-trợ 4,450,000.00 (bốn triệu bốn trăm năm chục ngàn) Úc-kim từ chính-phủ Tiểu-bang cùng với ngân-khoản 5,000,000.00 (năm triệu) Úc-kim của Chính-phủ Liên-bang. Còn lại, tập-thể người Việt-Nam tỵ-nạn đang sống trên nước Úc sẽ gây quỹ tiếp theo cho các chi-phí đến khi mọi sự hoàn-tất.

          Viện Bảo-tàng Người Việt Tự-do Úc-châu được phỏng theo cơ-chế pháp-lý của một viện bảo tàng tại Úc, với danh-xưng chính-thức là Viện Bảo-tàng Người Việt Tự-do Úc châu (Vietnamese Museum Australia) trên căn-bản là một thực-thể không chấp-nhận chủ-nghĩa cộng-sản và chế-độ độc-tài; cũng đồng thời tôn-trọng các nguyên-tắc về nhân-quyền, dân-chủ, tự-do trên nước Úc, tại Việt-Nam và mọi nơi khác trên thế-giới. Lá quốc-kỳ của Miền Nam trước 1975 là biểu-tượng của Viện Bảo-tàng.

Tưởng cũng cần nhắc lại chút lịch-sử về lá Quốc-kỳ này.

Ngày 08-3-1949, Cựu-hoàng Bảo-đại đã cùng với Tổng-thống Pháp Vincent Auriol ký tại điện Elysée một bản thoả-hiệp, gọi là Hiệp-định Elysée. Nội-dung chính của hiệp-định này là nước Pháp công-nhận nền độc-lập và thống-nhất lãnh-thổ của Việt-Nam với sự tôn-trọng các quyền-hạn về ngoại-giao, quân-sự, tư-pháp và tiền-tệ. Như vậy, khi ký Hiệp-định Élysée, Cựu-hoàng Bảo-đại xem như đã chính-thức xé bỏ được Hoà-ước Giáp-thân năm 1884. Hoà-ước cuối cùng của chính-sách thực-dân này đã ký-kết giữa đại-diện của Pháp là Jules Patenôtre và đại-diện Triều-đình Huế gồm các ông Phạm Thận Duật, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Phan nên cũng gọi là Hòa-ước Patenôtre. Ngày 14-6-1949, một buổi lễ long-trọng diễn ra tại Toà đô-sảnh Sài-gòn, Cao-uỷ Léon Pignon đại-diện của Pháp trao văn-kiện hiệp-định Élysée đã ký và Cựu-hoàng Bảo-đại chính-thức tuyên-bố với quốc-dân về một nước Việt-Nam hoàn-toàn độc-lập; về một Chính-phủ Quốc-gia được thành-lập để đối đầu với Việt-minh cộng-sản. Lá quốc-kỳ nền vàng ba sọc đỏ biểu-trưng tinh-thần quốc-gia của Việt-Nam lần đầu tiên chính-thức tung bay. Từ đấy về sau cho đến 1975, trong các văn-thư của chính-phủ Việt-Nam Cộng-hoà đều dùng danh-xưng “Cờ Quốc-gia”.

Với mục-đích nâng cao, thúc đẩy và bảo-tồn lịch-sử, văn-hóa dân-tộc cũng như giúp các người Úc gốc Việt – đặc-biệt là giới trẻ Việt-Nam – có kiến-​​thức thêm về văn hóa Việt Nam của mình nên Viện Bảo-tàng này sẽ là một Trung-tâm Văn-hóa lưu giữ phần di-sản đậm nét đặc-trưng của cộng-đồng Việt-Nam, đặc-biệt là những chứng-tích có liên quan đến thời kỳ chiến tranh Việt-Nam, đến cuộc di-tản lịch-sử sau biến-cố 30-4-1975 và sự có mặt của tập-thể người Việt tỵ-nạn cộng-sản ở Úc và các nơi trên thế-giới. Riêng tại Úc-châu, sau 45 năm định-cư, cộng-đồng Người Việt-Nam tỵ-nạn đã là một cộng-đồng vững mạnh với cơ-cấu tổ-chức hợp-nhất trong tinh-thần đoàn-kết không chỉ trong cộng-đồng với nhau mà còn có được mối tương-quan chặt-chẽ với Chính-phủ và chính-giới Úc-đại-lợi trong thế đứng giữa xã-hội Úc-châu.

         Cộng-đồng Người Việt Tự-do ở Tiểu bang Victoria – nơi đang tiến-hành xây-dựng Viện Bảo-tàng – được thành-lập từ cuối thập niên 1970 và là một thành-phần trong Cộng-đồng Người Việt Tự-do Liên-bang Úc-châu. Ban-chấp-hành cộng-đồng là đại-diện chính-thức và duy-nhất cho toàn-thể người Việt-Nam Tự-do sinh sống tại tiểu bang Victoria đối với hệ-thống xã-hội và chính-trị chính mạch của Tiểu-bang. Từ nguyên-tắc này, việc thành-lập Viện Bảo-tàng của Người Việt Tự-do Úc-châu, đúng như tên gọi, sẽ là trách-nhiệm chung trong nhận-thức đem đến thành-quả cho cả tập-thể người Việt-Nam gốc tỵ-nạn cộng-sản đang sống tại Úc-châu. Thành vậy, Ban-chấp-hành Cộng-đồng Liên-bang cũng như Ban-chấp-hành các Tiểu-bang cùng liên-đới trong trách-nhiệm hoàn-tất công-trình Viện Bảo-tàng đã nhiều năm theo đuổi.

Bước đầu, một Ban-tu-chính đã được bầu ra để soạn-thảo bổ-sung vào Nội-quy Cộng-đồng một chương riêng về Viện Bảo-tàng với các quy-định về luật tổ-chức và đăng-bộ theo pháp-lý của Chính-phủ Úc-châu.

Ngày 09-8-2019, Cộng-đồng Người Việt Tự-do Liên-bang mở đầu chương-trình vận-động cho Viện Bảo-tàng bằng việc tổ-chức tại Sydney một buổi dạ tiệc gây quỹ. Buổi dạ tiệc có sự tham-dự của Bộ-trưởng Di-trú David Coleman, đại-diện Chính-phủ Liên-bang Úc-châu; các cựu chủ-tịch và các chủ-tịch đương-nhiệm từ các tiểu bang và lãnh thổ; các Hội Cựu quân-nhân và Hội Cựu chiến-binh Úc; đại-diện các cơ-quan truyền-thông Việt-ngữ, các hội-đoàn, đoàn-thể cùng đồng-bào tham-dự. Với kết-quả chưa khấu trừ chi-phí là 73,890.00 (bảy mươi ba ngàn tám trăm chín mươi) Úc-kim đã nói lên ý-thức đoàn-kết của đồng-bào trước việc chung.

Tiếp theo, cũng trong tinh-thần trên, vào ngày 07-12-2019, tại Trung-tâm sinh-hoạt cộng-đồng thường được gọi là Đền Thờ Quốc-tổ của Cộng-đồng Người Việt Tự-do Victoria, tổ-chức một buổi lễ khai-mạc chiến-dịch vận-động… mỗi gia-đình một viên gạch xây-dựng Viện Bảo-tàng Việt-Nam Úc-châu…Trong thành-phần tham-dự, ngoài đại-diện các tổ-chức chính-trị, các hội-đoàn và đồng-bào tại Victoria, còn có sự hiện-diện của các chủ-tịch tiền-nhiệm của Cộng-đồng Liên-bang, Tiểu-bang gồm luật-sư Lưu Tường Quang, luật-sư Võ Minh Cương, luật-sư Võ Trí Dũng đến từ Sydney. Các chủ-tịch đương-nhiệm như bác-sĩ Bùi Trọng Cường chủ-tịch Cộng-đồng Tiểu-bang Queensland đến từ Brisbane, ông Lê Công chủ-tịch Cộng-đồng A.C.T đến từ Canberra…hai ông bà nhạc-sĩ Phan Văn Hưng – Nam Dao và bà Trần Mỹ Vân đến từ Adelaide; ông Đỗ Quang Phục trưởng đoàn Thanh-niên Dân-chủ Queensland và ông Võ Đại Tôn.

Động-lực nào đã đưa từng người từ nhiều nơi xa-xôi tụ về quanh một nghi-thức mà Ban-tổ-chức gọi là “Lễ cáo-tổ” để công-bố việc xây-dựng Viện Bảo-tàng? Vì danh, vì lợi, vì mưu-sự cá-nhân và tổ-chức? Hay tất cả chỉ vì nơi tâm-hồn mỗi người sẵn còn mang nặng tâm-tình “thượng-tôn nòi-giống” nên không thể đành-đoạn quên đi nguồn cội, lại càng không thể sống ươn-hèn mà vô-cảm về niềm tự-hào dân-tộc. Những gì mà cộng-đồng người Việt Tự-do ở Úc-châu đã, đang và sẽ tiếp-tục đi vào tương-lai để thực-hiện tâm-nguyện hoàn-tất được Viện Bảo-tàng Người Việt Tự-do Úc-châu này nói lên một ý-chí tự-quyết về tình yêu Quê-hương đất nước. Nói lên được nhân-cách từng con người đã đồng-cảm với hai chữ Việt-Nam trong sáng và nhất là hoà chung một lý-tưởng quốc-gia, không đội trời chung với cộng-sản và kẻ thù phương bắc chứ không chống nhau, bươi móc để triệt-hạ nhau vì lòng riêng dạ tây, vì phe nhóm cực-đoan hay hỉ-nộ đố-kỵ rồi chống nhau còn hơn chống ngoại-xâm. Có thể nói đây là điểm son hiếm có.

Nhiều năm nay, trong Cộng-đồng người Việt-Nam tỵ-nạn ở Úc-châu đã có những thành-viên trẻ dấn-thân phục-vụ cộng-đồng không mệt-mỏi. Đây chính là công khó của những người tiền-nhiệm, thắp đèn đi trước cho khơi thành đuốc sáng hiện nay. Tôi biết họ và cũng từng có nhiều cơ-hội cùng tham-gia một số sinh-hoạt với họ nên cũng rất trân-trọng hướng đời họ sống bằng chính tâm-nguyện như đã kỳ-vọng nơi các em các cháu mình. Họ là các anh Nguyễn Thế Phong, Võ Trí Dũng từng là chủ-tịch Cộng-đồng Liên-bang và Tiểu-bang; anh Nguyễn Văn Bon, chủ-tịch đương-nhiệm Cộng-đồng Liên-bang và Tiểu-bang Victoria; anh Hà Cao Thắng cựu chủ-tịch và anh Paul Huy Nguyễn chủ-tịch đương-nhiệm Cộng-đồng New South Wales; cô Nguyễn Phượng Vỹ, nguyên chủ-tịch Cộng-đồng Người Việt Tự-do Victoria, vừa được Chính-phủ Tiểu-bang mời giữ chức Chủ-tịch Hội-đồng Sắc-tộc Sự-vụ Tiểu-bang Victoria (Commissioner of the Victorian Multicultural Commission); cô Trần Hương Thuỷ chủ-tịch Cộng-đồng Người Việt Tự-do Wollongong…Tất cả đều trưởng-thành ở xứ người nhưng lại có một tâm-hồn nhậy bén tình-tự Việt-Nam, nặng lòng với Đất Mẹ Quê Cha để cảm-nghiệm được nỗi đau của những người anh em đang đấu-tranh tại Việt-Nam, của đồng-bào… bằng năng-động tuổi trẻ và bằng tâm-cảm dân-tộc. Ngôn-ngữ Việt-Nam trong sáng của họ chỉ dùng để tha-thiết kêu gọi, để mạnh-mẽ hô-hào, thuyết-phục đồng-bào hãy nghĩ đến Quê-hương đang bị đám người cộng-sản Việt-Nam dâng cho ngoại-bang phương bắc chứ tuyệt nhiên không là thứ tiếng nói thiếu văn-hoá kiểu chợ búa chuyên dùng chửi bới cá-nhân này, tổ-chức nọ như ông bà đã gọi là “chửi mất gà”.

Trong buổi sinh-hoạt với nghi-thức cáo-tổ về chiến-dịch… mỗi gia-đình một viên gạch… xây Viện Bảo-tàng ngày 07-11-2019 này, ông Võ Đại Tôn có đem đến một lá Quốc-kỳ – lá cờ Quốc-gia – mà như ông cho biết thì đây là lá cờ từng treo trước Toà Đại-sứ Việt-Nam Cộng-hoà ở Thủ-đô của nước Úc-đại-lợi và trong ngày 30-4-1975, ông đại-sứ Đoàn Bá Cang đã quên lấy xuống khi rời nhiệm-sở. Các thành-viên Đảng Tự-do (Liberal Party) Úc-đại-lợi đã giữ lại và đã có dịp trao tận tay ông. Khi ông Võ Đại Tôn trân-trọng mời anh Nguyễn Văn Bon, đương-kim chủ-tịch Cộng-đồng Người Việt Liên-bang và Tiểu-bang Victoria, lên nhận lá cờ, tôi nhớ đến những ý tình của nhạc-sĩ Phạm Duy trong bài Tâm-ca số 5 mà từ thời sinh-viên tôi đã thuộc nằm lòng. Những lời hát ai-oán, bi-thiết giờ này lại vang-vọng…. Để lại cho em này nước non mình… Một miền oai-linh hiển-hách, chỉ còn dư-vang thần-thánh…Để lại cho em hồn nước tả tơi. Để lại cho em một nước phân lìa, một giống nòi chia…hận-thù nhân-danh chủ-nghĩa, bạo-tàn vênh-vang bề-thế… Để lại cho em giọt máu dân lành, từng nấm mộ xanh… một bãi sa-trường… Để lại cho em giả dối đê hèn… để lại cho em hèn kém của anh…

Tôi băn-khoăn nhìn anh chủ-tịch Nguyễn Văn Bon, một người trẻ Việt-Nam, sinh ra sau ngày 30-4-1975, đến Úc định-cư năm 1990 lúc 15 tuổi, đang nghiêm-chỉnh nhận từ tay vị trưởng-bối lá cờ Quốc-gia từng bị bỏ quên như nhận một trách-vụ bi-hùng… Nhưng em thương anh thương anh, em đón nhận gia tài…nhưng em thương anh thương anh ta cùng gom sức mới…cho tình lên sức sống…cho tủi hờn đi xuống…em thương anh thương anh, xin nhận lời tranh-đấu…cho niềm kiêu-hãnh vươn lên… và xót-xa ray-rứt với suy nghĩ về một sứ-mạng chung của các anh chị em thế-hệ tiếp nối thật nặng-nề và cấp-thiết là một ngày không xa, lá cờ này phải được trả lại nơi đã từng tung bay.

Thành vậy, nếu trước đây, tôi thật hốt-hoảng và ngậm-ngùi khi nghe nhạc-sĩ trẻ Việt Khang hỏi… Việt-Nam tôi đâu… thì bây giờ, tôi có thể trả lời với Việt Khang rằng…Việt-Nam tôi đây…vì tôi vẫn còn gặp được những người Việt-Nam biết dành nhân-cách cho Đất Nước, biết chia sẻ đời sống cho Dân-tộc.

Phạm Minh-Tâm

Melbourne 1/2020

Related posts