Ý kiến độc giả

Xin chân thành hoan nghênh ACE Tòa Soạn VL đã tích cực thực hiện Web/VL để giữ liên lạc với nhau trong thời gian đại nạn Corona mà báo giấy phải tạm đình bản.Cầu chúc bình an và thành công. Cùng tưởng niệm Quốc Hận 45 trong tinh thần bất khuất vì Đại Nghĩa Dân Tộc Tự Do Nhân Bản.

Đa Tạ.DT.Vo (Sydney).

Góp ý về nội dung của tờ báo

Tôi là một đọc giả lâu năm của báo Việt Luận. Từ thời chủ bút Gia Du, có nhà thơ cù nèo Nam Man, cho tới sau nầy qua nhiều nẽo thăng trầm của nền báo chí. Hôm nay tôi xin đề nghị với qúy báo. Ngoài những tin tức thời sự trên thế giới ra, qúy báo nên cập nhựt tin đại dịch Coronavirus cho chúng tôi nắm vững. Vì phần đông chúng tôi lớn tuổi, đâu biết xử dụng nhuần nhuyển cái điện thoại smartphone hiện giờ, nên chỉ nghe người ta nói lại rồi tin. Trong khi đó thì hiện nay tin giả (fakes news) nhiều quá.

Nếu có thể được. Qúy báo cắt bớt phần hình ảnh mấy ông mấy bà cinema, mà thay vào đó những trang báo bổ ích hơn. Chẳng hạn như truyện ngắn, hay những bài viết có ích cho cộng đồng. Nếu làm ăn có vốn qúy báo có thể mở ra cuộc thi tuyển chọn truyện ngắn, truyện dài, thơ . Nếu làm được điều đó, thì chúng ta mới đào tạo được nhân tài. Vì từ xưa tới nay, các nhà văn, nhà thơ họ đều được đào tạo ra trong đó.

Ở đây còn một cơ quan đầu não nữa. Đó là Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt của mình. Nếu chịu kết hợp với qúy báo đứng ra tổ chức thì sẽ thành công. Muốn thắng cộng sản thì chúng ta phải xây dựng được một nền văn hóa nơi hải ngoại. Chớ hằng năm tổ chức một cuộc biểu tình thì chẳng ăn thua gì. Bởi 45 năm qua những tiếng la đả đảo cộng sản, chỉ là tiếng la trong cơn gió thoảng.

Tôi viết vài vòng nầy gởi đến qúy báo là để nói lên một đóng góp nhỏ mọn của mình. Rất mong được qúy báo quan tâm. Cầu chúc qúy báo có đủ tinh thần sáng suốt để vượt qua một cơn suy thoái kinh tế trong lúc nầy ./-

                                                                                    Lê Trọng Ân Bankstown

TÌNH HÌNH BÁO CHÍ TIẾNG VIỆT CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI ViỆT ÚC CHÂU TRONG LÚC NẦY RẤT LÀ CĂNG THẲNG !

                                                                                                            Phùng Nhân

Sáng nay tôi có nhận được nguồn tin, đã cho tôi biết rằng. Tờ nhựt báo CHIÊU DƯƠNG hôm nay sẽ tụt xuống còn một ấn bản là tuần báo (weekly). Còn tờ Tuần Báo VĂN NGHỆ sẽ tạm đình bản trong lúc nầy. Vì cơn đại dịch Coronavirus sẽ phá hủy toàn bộ nền kinh tế trên thế giới hiện nay, nên mấy tờ báo tiếng Việt trong cộng đồng của chúng ta ở NSW cũng không sao tránh khỏi.

Đây là một tin tức rất buồn, khi thấy tờ Nhựt Báo Chiêu Dương, là một tờ báo hùng hậu nhứt ở trong cái xứ Úc Châu nầy. Từ ông chủ nhiệm nhà nghề Nhất Giang, trao nhiệm vụ cho người thừa kế là Nhị Giang đến nay cũng khá lâu. Tờ báo vẫn là một ngọn cờ đầu, kể cả mặt tài chánh và độc giả. Còn tờ Văn Nghệ Tuần Báo của ông Nguyễn Vy Túy, khởi đầu thành lập có ký giả Hồ Ông làm chủ bút, có mời tôi để tên trong ban biên tập. Sau đó tôi mắc bận viết cho mấy cuốn tiểu thuyết nên lấy tên tôi ra. Từ đó đến nay theo như tôi nhìn thấy, tờ Văn Nghệ Tuần Báo là một tờ báo rất là đặc biệt. Sống được, điều hành được, trả lương được là nhờ số lượng độc giả ở khắp nơi, chớ quảng cáo không nhiều. Vậy mà hôm nay cũng đành thúc thủ. . .

Còn tờ Việt Luận thì sao? Đây cũng là một vấn đề nan giải. Cơn dịch bịnh Covid 19 nó nó đang hoành hành trên khắp thế giới, phá tan tất cả mọi tài sản quốc gia, trong đó có ngành báo chí. Nhứt là báo chí của cộng đồng di dân đang định cư trên nước Úc. Trong đó có cộng đồng người Việt đang sinh sống hiện giờ. Vậy thì tờ Việt Luận phải làm sao. Có nên tạm thời đóng cửa, để giảm bớt gánh nặng tài chánh hiện nay đang thua lổ.

Đứng trước một vấn đề quan trọng, mà chủ nhiệm Phạm Hoài Nam đã nhiều lần cân nhắc, đã một lần cải tổ. Từ số lượng 120 trang, rồi rút xuống còn 80 trang, để giảm bớt gánh nặng chi phí hiện thời, đã được đọc giả khắp nơi thông cảm và chấp nhận. Nhưng; trong lúc nầy, là lúc cộng đồng người Việt của chúng ta, đang cần sự có mặt của tờ báo hơn lúc nào hết. Vậy thì ông chủ nhiệm báo Việt Luận phải làm gì để khỏi phụ lòng đọc giả từ bấy lâu nay. Đó là một vấn đề còn đang nan giải…

Trong lúc còn đang bối rối, tôi gọi điện hỏi Phạm Hoài Nam. Ông chủ nhiệm phải biết cân nhắc vấn đề. Đây là một quyết định sinh tử của tờ báo, phải có sự hợp tác chặt chẽ của Ban Biên Tập và số người cộng tác hiện nay. Bài vở phải được tăng cường, những mục không cần thiết phải cắt bỏ, để dành đất cho phần quảng cáo.

 Cuối cùng thì cá nhân tôi rất mừng, tờ Việt Luận vẫn tiếp tục phát hành vào mỗi ngày thứ 6. Đó là một tin vui đối với tôi, vì trong mấy chục năm nay, trong nhà tôi không thể nào thiếu tờ Việt Luận.

Đây không phài là lần đầu tiên tờ Việt Luận mới gặp sóng gió phong ba, mà nó đã ba chìm bảy nổi để ngoi lên trong những cơn nguy cấp. Vì nghề làm báo, nó không giống với nghề bán tiệm chạp phô. Tờ báo in xong, chỉ cần qua 3 ngày sau, nếu bán không hết, thì kể như một tờ giấy lộn dùng để gói đồ. Cũng chính vì bao điều đó, mà người chủ báo phải biết nhìn thấu suốt mọi vấn đề, để cung ứng mọi thứ thực đơn, từ dân giả bình dân, cho đến một ông thượng khách…

 Tờ báo có điều hành trôi chảy trong lúc nầy được hay không. Ngoài người chủ nhiệm, Ban Biên Tập ra, nó còn phải cần đến sự ủng hộ của độc giả hiện giờ, nên tôi ngồi viết bài báo nầy bằng tất cả tấm lòng của một độc giả lâu năm với tờ Việt Luận. Cũng có nhiều lúc tôi lại nghĩ, cái nghề làm báo nó không giống bất cứ nghề nào, không phải có tiền bỏ vốn ra thì làm được, mà nó cần đòi hỏi phải có tay nghề, phải biết yêu nghề. Như vậy mà trong một thời gian dài trôi qua, trong nghỉa trang Báo Chí ở Úc Châu đã có bao nhiêu tờ báo đã bị vùi nông chắc cũng không còn ai nhớ tới. Như tờ Chuông Sàigòn của ông Lê Đăng Cẩn, đã một thời lừng lẫy ở thủ phủ Cabramatta. Tờ Thời Nay, tờ Thời Báo, tờ Sàigòn Mới, tờ Đại Việt và còn rất nhiều tờ Nguyệt San, Đặc san khác nữa…

Ngày hôm nay ngồi nhắc lại cái thời làm báo bằng thủ công, đánh máy rồi bỏ dấu tay. Hình ảnh cắt dán theo tựa bài, làm artwork xong một tờ báo phải thức trắng mấy đêm. Vậy mà ngày đó anh em rất là tương đắc, đi gặp mặt thì tay bắt mặt mừng. Khi ai có tác phẩm trình làng, thì bà con tham dự thật đông. Chính nhờ những động lực tinh thần đó, mà chỉ trong vòng một thời gian chừng 10, ở Úc Châu của chúng ta đã có một số lượng nhà văn, nhà thơ đáng kể…

Sáng nay có việc tôi đi ra ngoài chợ Cabramatta là thủ phủ người Việt của mình. Theo tôi nhận thấy, thì sự sinh hoạt không còn ồn ào như trước đó, mà nó phải sinh hoạt trong vòng trật tự mới của công lệnh chánh phủ vừa mới ban lịnh “thiết quân lực” tạm dịch chữ shutdown từ 12 giờ đêm 24/3/2020. Phải nói người dân Úc họ chấp hành luật pháp một cách triệt để. Đài phát thanh SBS chấm dứt lúc 9 giờ, thì ở khu vực miền tây Cabramatta nơi nhà tôi đang nằm trên đường Bold St. Từ giờ đó trở đi cho tới sáng hừng đông không nghe một tiếng xe chạy. Đúng 8 giờ ngày 25/3/2020 tôi đi bộ ra chợ Cabramatta xa đúng 3 cây số. Trên đường đi tôi chỉ thấy lác đác có vài chuyến xe vội vã chạy qua, chớ không có còn cái cảnh ồn ào như lúc trước nữa.

Khi đến chợ Cabramatta tôi và một người bạn nữa đi dọc theo con đường John St để quan sát chợ Cabramatta. Các cửa hang ăn uống phần đông đều đóng cửa, những tiệm Phở lâu năm như Phở Việt, Phở 54 đều đóng cửa, chỉ còn có tiệm Phở Sàigòn mở cửa bán theo kiểu take away. Chúng tôi đi lần tới tiệm Cà Phê Xưa, thì thấy thiên hạ cũng mua take way rồi bưng ra đường kiếm chỗ đứng uống. Đây quả thật là một giai đoạn thật khó khăn cho những tiệm buôn bán nhỏ khó sống trong lúc nầy. Chúng tôi vòng về quán Cà Phê 86 chỗ hẻm tiệm thịt quay Minh Tâm, thì ở nơi đây cũng vậy chớ không thấy khác gì. Thiên hạ mua ly cà phê ra rồi ngồi một hàng dọc theo mé tường, mỗi người cách xa nhau 2 thước như luật định. Bầu không khí không còn nhộn nhịp như xưa, mà bà con dường như đang mang một tâm sự buồn ẩn lên trong đôi mắt.

Tôi đi vòng qua bên siêu thị Woolworth thì cũng thấy lác đác vài người, hàng hóa cũng lưa thưa. Tôi mua một bịt cam 2 kí lô giá $6.00, rồi định đi lại nơi kệ sữa đặng mua, thì ở nơi đây tôi đã thấy một người đàn ông có bịt khẩu trang, đang cự cãi với một bà dường như họ đang giành mua một món đồ gì đó. Tôi đứng nghe họ cãi, thấy không xong, nên vội nói: “cho tôi xin can đi, hai người mà la lớn, tụi tây nó chạy tới quay phim, rồi bỏ lên đài truyền hình thì xấu lắm”. Hai người nhìn nhau gay gắt, rồi tự động bỏ đi. Đó là một câu chuyện không hay của cộng đồng mình. Tôi hy vọng hai người đó có đọc được bài nầy cũng thông cảm cho tôi. Vì tôi muốn báo động cho mọi người biết rằng: Chúng ta phải biết gìn giữ giá trị của một sắc dân. Chúng ta không thể cự lộn với nhau ở chỗ chợ búa đông người, với việc giành giựt mua sắm một vài thứ món đồ như vậy.

Tôi hỵ vọng rồi đây trên trang báo của Việt Luận. Nhứt là trang Ý KIẾN BẠN ĐỌC chúng ta hãy mạnh dạn viết và đóng góp thêm bài những chuyện mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn như giá gạo, giá thịt, giá thực phẩm tăng vọt bất thường. Bằng cách đó cũng đóng góp vào việc thông tin thêm phong phú. Chúng ta đừng ngại, miễn bài viết trung thực, không xâm hại đến giá trị riêng tư. Lúc nầy tờ báo rất cần có những mảng thông tin như vậy…

                                                                                                            Phùng Nhân

Góy ý thêm bài viết của Ls Lê Đức Minh

Trong bài ‘Cơn Ác Mộng Của Thế Giới’ (Việt Luận số 3421, 27 March 2020, trang 46) Luật Sư Lê Đức Minh đã nêu lên một nỗi lo ngại thật chính xác về nan đề thuế vụ của Úc đối với các nông trại hay các cơ sở kinh doanh của Trung Cộng tại Úc (cột 4, đoạn 3). Các công ty lớn này đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Trung Cộng. Các nông sản, khoáng sản do chúng khai thác từ những tài nguyên thiên nhiên của Úc như đất đai, khoáng sản, và ngay cả xử dụng các tiện ích công cộng do chính phủ Úc đã xây dựng từ lâu nay, đã bị dìm giá khi chúng xuất cảng sang Trung Cộng hầu chúng có thể khai lỗ hay khai huề vốn để tránh thuế công ty. Đây là một gánh nặng có thật mà những người dân Úc đang phải gánh chịu trước sự làm ngơ của các chính trị gia Úc thân Trung Cộng.

Làm sao để người dân Úc hưởng được một cách phải chăng các nguồn lợi từ các tài nguyên thiên nhiên của quốc gia hay từ các tiện ích công cộng xây đựng nên từ tiền thuế dân Úc đóng góp từ bấy lâu nay? Đây là một nan đề cho các nhà lập ra các chính sách thuế. Hiện nay, ngoài nan đề Luật Sư Lê Đức Minh nêu lên như trên, chính sách thuế của Úc lại còn phải miễn thuế GST cho các nông sản và khoáng sản được xuất cảng. Đây là một lỗ hỗng tài chánh lớn trong việc thâu thuế của chính quyền Úc. Tài nguyên thiên nhiên, đất đai mà người dân và chính phủ Úc cố công gìn giữ, tìm kiếm, khai khẩn từ lâu nay rơi vào tay Trung Cộng, trong khi người dân Úc chỉ hưởng được chút xíu về tiền thuê đất để khai mỏ (royalty) hay trồng trọt mặc dầu giá khoáng sản hay nông sản luôn có khuynh hướng lên cao trên thị trường quốc tế khi dân số thế giới luôn luôn tăng.

Tôi thiển nghĩ đã đến lúc các nhà lập chính sách của Úc cần suy nghĩ lại về việc miễn thuế GST cho các mặt hàng xuất cảng của Úc. Những mặt hàng xuất cảng nào xử dụng nhân công nhiều để kềm hãm nạn thất nghiệp thì có thể được mức thuế GST thấp, còn các nông sản hay khoáng sản đến từ ngành nông nghiệp hay ngành khai mỏ thường ít xử dụng nhân công nhưng lệ thuộc nhiều vào các tiện ích quốc gia về giao thông, bến cảng, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật (R&D), cung cấp năng lượng, thủy lợi và nhất là các tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của quốc gia nói riêng (và của nhân loại nói chung) cần được đánh thuế GST đúng mức để đền bù cho sự mất mát của người dân Úc đang chịu rất nhiều loại thuế trực thu hay gián thu từ lâu nay.

Mong lắm thay!    

Ngọc Luân     

Vẫn còn đó một tấm lòng…

Trong cơn đại dịch coronavirus, ai ai cũng cảm thấy bất an, lo lắng. Người ta ùn ùn đi mua trữ nhu yếu phẩm cũng như các sản phẩm vệ sinh, y tế. Cộng đồng Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ, khiến cho vật giá tăng gấp đôi, gấp ba, do chi phí sản xuất và phân phối tăng hay do người bán thừa cơ đẩy giá? Giờ mà mua được khẩu trang y tế thì chỉ có là nằm mơ, dầu có sẵn sàng trả mắc hơn gấp đôi, gấp ba cũng không kiếm được.

 Vậy mà tuần qua, tại góc đường Chapel Rd., ở chợ Bankstown (Sài Gòn Place), trước tiệm cafe Ngân, có một nhóm bạn trẻ đứng phát khẩu trang y tế và khẩu trang vải miễn phí cho mọi người. Các bạn nhiệt tình và rất thân thiện làm tôi cũng ấm lòng hơn. Thì ra, không phải ai cũng lo tích cóp cho riêng mình, không phải ai cũng “thừa nước đục thả câu”, vẫn còn đó một tấm lòng, cảm ơn các bạn trẻ…

Nhã Nam

Related posts