Tạ Linh
Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou – 马英九), cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, tiếp tục hành trình thăm Trung Quốc đại lục và đến thăm Đại học Hồ Nam ở thành phố Trường Sa, Trung Quốc vào ngày 2 tháng 4.
Tờ NetEase của Trung Quốc đưa tin, sau khi người dẫn chương trình thông báo rằng “cuộc giao lưu sắp kết thúc”, ông Mã Anh Cửu đã giơ tay và yêu cầu được phát biểu. Ông nói:
“Có thể các bạn không biết rằng, theo định nghĩa của chúng tôi, đất nước chúng tôi được chia thành hai phần, một phần gọi là khu vực Đài Loan, và một phần kia là được gọi là khu vực đại lục, tất cả đều là Trung Hoa Dân Quốc của chúng tôi.”
Ông Mã Anh Cửu cũng cho biết, “tại Điều 2 của “Quy định về quan hệ giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan” có định nghĩa: Trung Hoa Dân Quốc bao gồm khu vực Đài Loan và khu vực đại lục. Khu vực Đài Loan bao gồm các nhóm đảo Đài Loan, Bành Hồ (Penghu), Kim Môn (Kinmen), Mã Tổ (Mazu), khu vực đại lục nằm ngoài Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ, là lãnh thổ của chúng tôi. Do đó, bất kể là ở Đài Loan hay đại lục, tất cả đều thuộc về một Trung Quốc trong hiến pháp, đó là Trung Hoa Dân Quốc. Chúng tôi là khu vực Đài Loan, còn bạn là khu vực đại lục.”
Điều này đã gây chấn động thế giới bên ngoài, và chắc hẳn ông Tập Cận Bình cũng không ngờ tới sự việc này sẽ xảy ra. Đây là đường kiếm bất ngờ của Mã Anh Cửu đối với chính quyền TQ và ông Tập Cận Bình, điều mà ông Tập Cận Bình không thể dung thứ.
Theo báo cáo của tờ Daily Watch, cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Mã Anh Cửu đã dẫn các sinh viên từ Học viện Đại Cửu đến thăm Đại học Hồ Nam vào ngày 2/4 để giao lưu. Vào thời điểm đó, Mã Anh Cửu và nhóm của ông đang giao lưu với các sinh viên của Đại học Hồ Nam tại Trường Sa, Hồ Nam. Có 28 sinh viên Đài Loan và 32 sinh viên của Đại học Hồ Nam.
Ông Mã Anh Cửu cũng đề cập rằng điều rất quan trọng là cả hai bên eo biển đều có chung ngôn ngữ và cùng chủng tộc. Cả hai bờ eo biển đều tuân thủ chính sách một Trung Quốc. Mặc dù hiện tại hai bên đã có chế độ và chính sách riêng, nhưng ông hy vọng rằng mọi người sẽ nỗ lực để giảm bớt gián cách không cần thiết để hai bên có thể giao lưu một cách chân thành.
Ngoài ra, Mã Anh Cửu cũng dùng tiếng địa phương của tỉnh Hồ Nam giao lưu một lúc với các sinh viên đại lục và giới thiệu câu chuyện Đài Loan mở cửa cho người dân bên đại lục thăm người thân vào năm 1987.
Đoàn Hiến Trung (Duan Xianzhong), hiệu trưởng Đại học Hồ Nam, trong bài phát biểu của mình cho biết, “Ông Mã” đã dẫn các sinh viên trẻ từ Đài Loan đến giao lưu, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa việc gặp gỡ và giao lưu giữa các sinh viên trẻ hai bên eo biển và nâng cao tinh thần hòa hợp của sinh viên thanh niên hai bên bờ eo biển.
Trước khi Mã Anh Cửu dẫn sinh viên Đài Loan giao lưu với sinh viên đại lục, ông cũng đã đến thăm Bảo tàng Khoa học của Đại học Hồ Nam, đây là nơi diễn ra lễ đầu hàng sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II năm 1945. Sau đó, họ đến thăm thư viện Nhạc Lộc (Yuelu) trong khuôn viên trường.