Gậy ông đập lưng ông
Nguồn: The Gunman and The Would-Be Dictator
David Frum, The Atlantic
July 14, 2024
Huỳnh Sa biên dịch
Khi một kẻ khùng điên dùng búa đánh gần chết chồng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lúc đó, Donald Trump đã cười cợt và chế giễu bà. Chưa hết, con trai Trump và những người thân Trump khác đã tích cực lan truyền tuyên bố sai sự thật rằng ông Paul Pelosi đã tự chuốc hoạ vào thân vì một vụ lăng nhăng tình ái nào đó.
Sau khi chính quyền chặn đứng âm mưu của phe cực đoan cánh hữu nhằm bắt cóc Thống đốc Michigan, bà Gretchen Whitmer, thì Trump – cũng trong một lần vận động tranh cử, đã xem chuyện này là chuyện nhỏ, không đáng bận tâm. Ông ta còn chỉ trích Whitmer là kẻ thù chính trị. Khi quần chúng hùa theo, hô vang: “Bỏ tù bà ta!” Trump cười hùa theo quần chúng, đáp: “Bỏ tù hết bọn chúng!”
Chủ nghĩa phát xít ăn bạo lực để sống. Trong nhiều năm, từ khi phe thân Trump tấn công Điện Capitol để đảo ngược kết quả bầu cử 2020 – nhiều người trong số họ còn dọa hãm hại Chủ tịch Hạ viện Pelosi và Phó Tổng thống Mike Pence – Trump đã ca ngợi những kẻ đột nhập Điện Capitol, những kẻ bắt cóc tiềm ẩn và những sát thủ tiềm ẩn, như những người tử vì đạo và những người bị bắt làm con tin. Ông còn cam kết ân xá cho họ nếu làm Tổng thống trở lại. Chính nhân viên thân cận của ông từng đứng ra làm chứng về việc Trump tỏ vẻ khoái trá khi xem cảnh bạo loạn trên truyền hình.
Giờ đây, vụ đổ máu, mà Trump đã rất tích cực kích động nhắm vào người khác, đã vận vào chính ông. Vụ mưu sát Trump – và giết chết một người trong đám đông – là một sự việc kinh hoàng, đáng lên án. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ biết thêm về tay sát thủ, cũng là người đã bị Mật vụ bắn hạ. Nhưng, cho dù động cơ hay ám ảnh của hắn là gì, điều quan trọng đáng bàn nhất là lực lượng an ninh đã cho phép hắn mang vũ khí chết người đến gần sự kiện và có thể nhìn thấy ứng viên tổng thống trong tầm ngắm. Ngoài điểm đó ra thì tên của hắn không đáng được ghi nhớ.
Thật đáng buồn và không chính xác khi nói, như nhiều người đã nói, rằng bạo lực chính trị “không có chỗ” trong xã hội Mỹ. Những vụ ám sát, hành hình, bạo loạn và tàn sát thực ra đã làm vấy bẩn từng trang lịch sử chính trị Mỹ. Điều này vẫn đúng cho đến ngày nay. Năm 2016 và thậm chí nhiều hơn vào năm 2020, khi những người ủng hộ Trump mang vũ khí đến các trung tâm kiểm phiếu để đe dọa đối thủ và những người kiểm phiếu. Có thể nói, Trump và phe ông ta đang mường tượng ra một vị trí mới cho bạo lực như thông điệp chính trị chính của họ trong cuộc bầu cử năm 2024.
Ở một góc nhìn, có thể gọi các phong trào phát xít là những “tôn giáo thế tục”. Và giống như tất cả các tôn giáo, họ tạo ra các thánh tử đạo như bằng chứng là mình đúng. Phong trào Mussolini ở Ý đã xây dựng tượng đài hoành tráng cho các đồng chí ngã xuống. Phong trào Trump hiện đang phát huy điều đó và nâng nó lên một mức nữa: Nhà lãnh đạo cao nhất sẽ là kẻ “tử đạo” hàng đầu, máu của ông ta sẽ là cơ sở cho cuộc tranh giành quyền lực và mưu đồ báo thù.
Cuộc bầu cử năm 2024 đã hình thành gần như cuộc ganh đua có tính biểu tượng cho một một bên là chủ nghĩa tự do già nua, quá yếu ớt và thiếu tự tin để bảo vệ mình, và một bên là phong trào phản động độc tài, sẵn sàng phá vỡ mọi rào cản và phá hoại mọi định chế dân chủ.
Đến nay, Trump chỉ dẫn đầu một thiểu số cử tri Hoa Kỳ, nhưng sự si mê và táo bạo của thiểu số đó đã bù đắp cho số lượng không nhiều của mình. Sau vụ nổ súng, Trump và phe ủng hộ hy vọng sẽ dùng vành tai và khuôn mặt đầy máu như một biểu tượng, cùng với nắm đấm giơ lên và lời hô “Chiến! Chiến!” để lôi kéo những ai đang do dự về phe của họ, nhằm đưa Trump lên làm kẻ cai trị chống Hiến pháp, được miễn trừ khỏi luật lệ thông thường bởi các đồng minh của ông ta tại Tối cao Pháp viện.
*
Các xã hội khác thường chỉ suy đồi và rơi vào chế độ độc tài khi vì một số khủng hoảng bất thường như suy thoái kinh tế, lạm phát phi mã, thất bại quân sự, xung đột dân sự. Trong khi đó ở Mỹ, năm 2024, quân đội Hoa Kỳ không tham chiến ở bất cứ đâu. Nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, mang lại sự thịnh vượng ngoạn mục được chia đều rộng rãi. Một đợt lạm phát nhẹ sau đại dịch đã được khắc phục. Các chỉ số về sức khỏe xã hội đột ngột trở nên tích cực kể từ khi Trump rời chức, sau nhiều năm suy thoái dưới nhiệm kỳ của ông ta. Tội phạm và số ca tử vong do sử dụng ma túy quá liều đang giảm vào năm 2024; số người kết hôn nhân và sinh con đang tăng. Ngay cả các vấn đề của nước Mỹ cũng gián tiếp xác nhận sự thành công của Mỹ: Hàng trăm ngàn người đang vượt biên giới vào Mỹ, vì họ biết, dù người Mỹ không biết, rằng thị trường việc làm của Mỹ là một trong những nơi đang sôi động nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những thành công vừa kể, người Mỹ đang nghĩ đến một cách tự hại, mà ở các quốc gia khác thường chỉ xảy ra sau những thất bại quốc gia tồi tệ nhất, đó là: Để cho tác giả của cuộc đảo chính bất thành ngày 6/1/21 được trở lại văn phòng để… thử đảo chính lần nữa.
Một lý do khiến sự tự hại này đang tiến đến hồi hoàn tất là xã hội Mỹ chưa được chuẩn bị tốt để hiểu rõ và đối phó với những thách thức cấp tiến, khi những thách thức đó đạt được một khối lượng và quy mô nhất định.
Trong gần một thế kỷ qua, “cấp tiến” trong chính trị Mỹ thường có nghĩa “ngoài lề”, chẳng hạn những nhóm cấp tiến như Cộng sản, Nhóm KKK kỳ thị chủng tộc, nhóm Báo Đen (Black Panthers, tổ chức người da đen theo chủ nghĩa Mác-Lê), Tín đồ Trại David (Branch Davidians, giáo phái cực đoan), các phần tử Thánh chiến Hồi giáo.
Những người cấp tiến có thể bị gạt ra ngoài bởi sức nặng của sự đồng thuận lớn lao giữa người Mỹ với nhau, từ các nhà dân chủ xã hội đến các doanh nhân bảo thủ. Đôi khi, một Joe McCarthy hay một George Wallace sẽ gây ra nỗi sợ hãi cho sự đồng thuận mạnh mẽ đó, nhưng trong quá khứ, những người thách thức như vậy hiếm khi hình thành các liên minh ổn định với các “thành phần cổ đông khác” đã được chấp nhận trong xã hội. Họ chưa bao giờ giành được sự kiểm soát lâu dài các định chế nhà nước, họ chỉ bùng lên rồi tắt.
Nhưng nay thì khác, vì Trump khác. Những hành vi lạm dụng của ông ta đã được phê chuẩn bởi các đơn vị bầu cử giàu quyền lực. Ông ta đã chinh phục và chiếm lĩnh một trong hai đảng lớn. Ông ta đã đánh bại – hoặc đang trên đường đánh bại – mọi cuộc luận tội và truy tố để buộc ông chịu trách nhiệm cho các vụ gian lận và tội phạm của mình. Ông ta đã tập hợp được một lượng người ủng hộ, lớn hơn, bền bỉ hơn và có phạm vi quốc gia hơn bất kỳ nhà dân túy nào trước đây của Mỹ. Ông ta đã thống trị sinh hoạt chính trị trong chín năm qua, và ông ta cùng những người ủng hộ hy vọng rằng họ có thể sử dụng sự kiện nổ súng đáng sợ vừa qua để kéo dài kỷ nguyên Trump đến cuối đời ông và hơn thế nữa.
Hệ thống chính trị và xã hội Mỹ vốn không thể đối xử với một người như vậy như kẻ ngoài cuộc. Nó tất yếu phải thích nghi và bình thường hóa ông ta. Các cố vấn của ông, thậm chí cả những kẻ côn đồ và tội phạm, đang tham gia vào các cuộc luận bàn ở đỉnh cao của tầng lớp tinh hoa Mỹ. Tổng thống Joe Biden suýt làm hỏng chiến dịch tranh cử của mình vì thấy buộc phải gặp Trump trong cuộc tranh luận. Biden có thể làm gì khác? Trump là người đã được Đảng Cộng hòa đề cử ba lần; thật bất thường và kỳ quặc khi đối xử với ông ta như một kẻ nổi loạn chống lại nhà nước Mỹ – mặc dù chính Trump đã và đang như vậy thật.
*
Vụ nổ súng đáng lên án nhắm vào Trump, gây tử vong và thương tích cho những người khác, hiện củng cố vị thế không xứng đáng của ông ta như một đối tượng chính đáng của các nghi thức bảo vệ dân chủ, một nền dân chủ mà ông ta khinh miệt.
Khi những người được trọng vọng ở Mỹ lên tiếng bày tỏ sự kinh hoàng và lên án vụ xả súng, họ đã làm một việc hoàn toàn chính đáng, nhưng có thể nói họ cũng đã vô tình công nhận tính “chính danh” về hành trạng của Trump, và khiến người dân thấy sự cực đoan bất thường của Trump là bình thường.
Trước một sự kiện bất thường như vụ nổ súng gây xôn xao, việc quen thuộc và đúng đắn là nhấn mạnh vào tinh thần đoàn kết quốc gia, là tuyên bố rằng người Mỹ có nhiều điểm chung hơn là điều chia rẽ họ. Tuy nhiên, những lời lẽ có tính chữa lành đó chỉ đúng trong quá khứ, còn trong hiện nay thì không hẳn.
Dường như chưa có ai dám mở miệng để nói thẳng rằng: Chúng tôi ghê tởm, từ chối, bác bỏ và sẽ trừng trị tất cả các hành động bạo lực chính trị, đồng thời khẳng định rằng Trump vẫn là một kẻ thúc đẩy bạo lực như vậy, kẻ phá hoại các định chế của Mỹ và là biểu tượng hoàn toàn trái ngược với mọi thứ tử tế và yêu nước trong đời sống Mỹ.
*
Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa, khai mạc trong tuần này, sẽ chào đón những kẻ biện hộ cho nước Nga của Vladimir Putin và cuộc xâm lược của họ nhắm vào các đồng minh của Mỹ. Sự mê mẩn của Trump dành cho Nga và các chế độ độc tài khác chưa hề giảm đi chút nào, dù ông tuổi đã cao và kinh nghiệm có nhiều.
Tuy nhiên, tất cả những sự thật cấp bách và cần thiết này hiện bị gạt qua một bên, nhường chỗ cho những phát ngôn đậm màu lễ nghĩa, để dành “tâm tư và lời cầu nguyện” cho một người chưa bao giờ dành tâm tư hay lời cầu cầu nguyện cho bất kỳ nạn nhân nào của những kích động đổ máu mà chính ông cổ xuý.
Ông cựu Tổng thống đó, người đã sử dụng văn phòng của mình để đấu tranh cho quyền sở hữu vũ khí quân sự của những người nguy hiểm, nói rằng ông ta đã bị trầy xước bởi một viên đạn từ một khẩu súng trường tấn công như vậy.
Những cụm từ quen thuộc và sự lịch sự giả tạo đáp ứng chức năng xã giao trong đời sống xã hội. Chúng ta nói “Cảm ơn vì bạn đã phục vụ” cả với anh hùng được tôn vinh lẫn cựu binh phải xuất ngũ trong ô nhục. Vì nói vậy dễ hơn là phân biệt tốt với xấu, ai với ai. Cũng như ta luôn nói “Chúc mừng năm mới” cả khi ta rất sợ những tháng ngày sắp tới.
Nhưng, những lời lẽ xã giao quen thuộc ấy không phải sẽ không được nghe thấy. Chúng đều có ý nghĩa, và những ý nghĩa đó không kém phần mạnh mẽ vì được lặp đi lặp lại theo phản xạ.
Khi lên án bạo lực, chúng ta làm một việc đúng đắn, nhưng trong trường hợp này, chúng ta cũng đang ngầm tha thứ cho kẻ bạo lực nhất trong chính trị Hoa Kỳ đương đại.
Khi kêu gọi đoàn kết, chúng ta vô tình xóa bỏ tội lỗi cho một người đang mưu đồ quyền lực bằng cách hạ nhục và khuất phục những người mà ông ta nhìn bằng cặp mắt khinh bỉ.
Những cụm từ lên án bạo lực và kêu gọi đoàn kết quen thuộc đó đang khắc tên Trump vào một vị trí trong đời sống Mỹ mà đáng lẽ ra ông ta phải bị tước bỏ không thể cứu vãn, kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2021.
*
Tất cả những người tử tế đều thấy ổn vì mạng sống của Trump được bảo toàn sau vụ nổ súng. Vì việc tính sổ Trump nên là một quá trình pháp lý có trật tự, thay vì thông qua một vụ đổ máu mà ông ta thường khoái trá khi nó xảy đến với người khác.
Ông ta và phe cánh chắc hẳn sẽ lợi dụng tội của kẻ xả súng để xóa bỏ các tội phạm trước đây ông mắc phải, và nạp thêm năng lượng cho các mưu toan phạm tội mới.
Những người chống Trump phải tìm ra lời lẽ và sự quyết tâm để giải thích tại sao những tội phạm này, cả trong quá khứ lẫn đang toan tính, đều sai trái và không thể chấp nhận được – và làm thế nào mà kẻ xả súng lẫn Trump, tuy ở hai đầu đối nghịch của đường đạn bay, họ vẫn có cùng một mẫu số, họ vẫn là kẻ thù chung của luật pháp và dân chủ.
D.F.