Chống tham nhũng trên thượng tầng : Việt Nam không để tác động đến lực hút đầu tư nước ngoài

Thu Hằng
Chỉ trong một năm, Việt Nam vượt 10 bậc trong bảng Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index) của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế : từ vị trí 87/180 quốc gia năm 2021 lên vị trí 77 năm 2022. Một chủ tịch nước “thôi mọi chức vụ” chỉ sau 21 tháng nắm quyền là sự kiện chưa từng có tại Việt Nam cho thấy chính sách của đảng Cộng Sản triệt tận gốc vấn tham nhũng trên thượng tầng.

Đảng đang hình thành “văn hóa từ chức”. Nhưng theo một số chuyên gia được trang The Diplomat trích dẫn ngày 09/02/2023, đảng lại tạo ra một hệ thống có hai cấp độ : Một số lãnh đạo được “hạ cánh an toàn”, tránh mọi hệ lụy cho gia đình, như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Phúc ; số khác, thường là cấp dưới, không có vây cánh mạnh, phải chịu trách nhiệm, hậu quả nặng. Điều này trái với phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 30/06/2022 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 : “Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn”.

Trang The Diplomat cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng còn kéo dài chừng nào ông Nguyễn Phú Trọng còn giữ chức tổng bí thư nhưng khó triệt để”, bởi vì “cội nguồn của nạn tham nhũng ở Việt Nam là do chỉ có một đảng lãnh đạo”. Những đại án tham nhũng gần đây, cùng với những xáo trộn trên thượng tầng lãnh đạo – hệ quả từ chống tham nhũng – có khiến các nhà đầu tư ngoại quốc phân vân ? Sức hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có bị ảnh hưởng không ?

Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM) của Trường Quân sự Pháp, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt ngày 10/02/2023.

RFI : Một chủ tịch nước từ chức là sự kiện chưa từng có ở Việt Nam. Ngày 17/01/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc thông báo thôi mọi chức vụ và nghỉ hưu, trong khi vị trí “Tứ trụ” thường được đàm phán quyết liệt ở Việt Nam. Buộc một chủ tịch nước “tự nguyện” rời vị trí, phải chăng đảng Cộng Sản khẳng định quyền lực tuyệt đối của mình ?

Benoît de Tréglodé : Đúng, không thể nói là tự nguyện từ chức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức thôi mọi chức vụ, đó là điều được công bố ở Việt Nam. Ông phải từ chức vì có nghi ngờ mối quan hệ giữa vợ ông với công ty Việt Á, nơi nhập khẩu kit xét nghiệm Covid của Trung Quốc, sau đó được bán lại với giá rất cao cho các tỉnh trên cả nước. Đây là nguồn gốc của đại án tham nhũng ở Việt Nam. Phát biểu trong buổi bàn giao công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc nói là ông từ chức vì chịu trách nhiệm chính trị khi một số cán bộ cấp dưới của ông vi phạm và dính vào tai tiếng tham nhũng.

Nhưng thực ra, chuyện lại thú vị hơn, liên quan đến chủ trương được tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ủng hộ. Chúng ta nhớ là ông Trọng đang giữ nhiệm kỳ thứ 3 sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 01/2021 và sẽ 79 tuổi vào tháng Tư tới. Ở đây không có chuyện tính toán, không có ý đồ chính trị cá nhân. Điều thực sự là trọng tâm trong những mối bận tâm của ông Trọng, đó là bảo vệ hệ tư tưởng, sự trong sạch của chế độ, cũng như nỗi ám ảnh duy trì đảng cầm quyền trong xã hội Việt Nam. Đó mới thực sự là thách thức ưu tiên đối với đảng. Vì thế, ông Trọng bảo vệ chân lý này bằng những chiến dịch chống tham nhũng, vẫn thường gặp trong chế độ kiểu này và đôi lúc cũng vì lý do chính trị. Nhưng nên nhớ đó chỉ là vì mục đích trong sạch về tư tưởng, bảo vệ tư tưởng. Điều đó rất quan trọng đối với ông tổng bí thư.

RFI : Sau sự kiện chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức, hình ảnh chống tham nhũng mà đảng Cộng Sản Việt Nam gửi đi có thể được hiểu theo hai hướng : khẳng định chính sách chống tham nhũng triệt để nhưng cũng cho thấy nạn tham nhũng trên thượng tầng lãnh đạo ?

Benoît de Tréglodé : Người ta vẫn nói với nhau về tham nhũng trên thượng tầng lãnh đạo trong các quán cà phê ở Việt Nam. Mọi người đều biết là tham nhũng tồn tại nhưng đành phải chấp nhận thực tế. Chúng ta vẫn nhớ câu chuyện của bộ trưởng Công An Tô Lâm ăn thịt bò ở Luân Đôn (Anh) với giá cắt cổ. Tất cả mọi người đều biết. Ở Việt Nam, họ truyền nhau video quay cảnh ông Lâm ăn thịt bò dát vàng. Nhưng chuyện đó đã không làm suy yếu hẳn vị thế của bộ trưởng Công An.

Từ giờ, cuộc chiến chống tham nhũng nhắm đến những con “cá lớn” theo cách gọi ở Việt Nam, một mặt là để chứng minh đảng Cộng Sản Việt Nam nêu gương và có những biện pháp, đôi khi khá là dân túy, mặt khác là nhằm trấn an người dân về vai trò của đảng, cũng như tham vọng trong việc bảo vệ tư tưởng và sự trong sạch trong đảng. Nhưng không phải ai cũng hoàn toàn bị lừa. Nạn tham nhũng tràn lan ở Việt Nam, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Mọi thứ đều có thể mua được nên người dân Việt Nam biết hệ thống vận hành như thế. Vì thế, để trụ vững, đôi khi chế độ cần lấy vài trường hợp làm gương.

RFI : Trả lời nhật báo Pháp Le Monde ngày 19/01, ông nói rằng đánh vào tầng lớp tinh hoa vẫn được coi là thực dụng và cởi mở với phương Tây cũng có thể được hiểu là “một hành động chính trị thể thiện thực tâm của Việt Nam với Bắc Kinh, rằng Việt Nam không đến mức nhạy cảm với tiếng gọi của Hoa Kỳ đến vậy”. Xin ông giải thích thêm về nhận định này ! Chủ trương đó có tác động đến những dự án hợp tác, đặc biệt là về kinh tế, năng lượng, mà Mỹ dự tính ở Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Phải xem xét vấn đề này trong toàn cảnh. Mối quan hệ bất cân xứng về kinh tế vẫn tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng với việc Bắc Kinh ngày càng khai thác quan hệ thương mại song phương với Hà Nội vào các mục đích chiến lược, dần khiến Việt Nam phải gộp thêm vấn đề an ninh quốc gia vào việc quản lý mối quan hệ kinh tế với nước láng giềng. Việt Nam đang ở thế khó. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, là nguồn nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam từ nhiều năm nay và cũng là một nhà đầu tư lớn. Việt Nam dần bị phụ thuộc một phần nguồn cung vào Trung Quốc.

Về thực tiễn mà nói, do thực tế kinh tế, một chính phủ cũng không thể có mối quan hệ quá phức tạp với các đối tác kinh tế lớn này. Với Hoa Kỳ cũng tương tự. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Cho nên, phải nhắc lại một lần nữa là Hà Nội và đội ngũ lãnh đạo không thể đưa ra lựa chọn ý thức hệ liên quan đến những gì đang bị đe dọa, ở đây là tăng trưởng kinh tế của đất nước và ổn định xã hội. Có thể thấy là Việt Nam đang cùng lúc thử các đối tác thương mại quan trọng của họ bằng cách từ giờ thêm khía cạnh an ninh quốc gia nhiều hơn trước đây, nhưng thực sự vẫn không thể chọn bên này hay bên kia. Việc Mỹ-Trung gia tăng tranh chấp thương mại hoặc có mối quan hệ căng thẳng không có lợi nhiều cho Việt Nam.

RFI : Một trong những đồn đoán, cũng được ông nêu với báo Le Monde, là có khả năng bộ trưởng Công An Tô Lâm sẽ trở thành chủ tịch nước Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì sẽ có hai nhà lãnh đạo xuất thân từ ngành công an. Một chính phủ như vậy, song song với vấn nạn tham nhũng trên thượng tầng lãnh đạo, có làm lung lay niềm tin vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài ?

Benoît de Tréglodé : Câu hỏi tiềm ẩn sau vấn đề này là còn phải chờ xem ông Nguyễn Phú Trọng phê duyệt kế hoạch về điểm này của ông Tô Lâm như thế nào. Đúng là đang có sự thay đổi. Hiện giờ, tổng bí thư đảng thấy ở bộ trưởng Công An một đồng minh có chung niềm tin là bảo vệ ý thức hệ của hệ thống.

Tiếp theo, chuyện ảnh hưởng của bộ Công An gia tăng trong bộ máy Nhà nước Việt Nam là điều đáng chú ý mà chúng ta vẫn theo dõi và thấy có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Thủ tướng hiện nay cũng từng là cán bộ trong bộ Công An. Người thay thế thứ trưởng vừa bị mất chức ở bộ Ngoại Giao hồi đầu tháng 01/2023 dường như cũng là một người thân cận của ủy viên bộ Chính Trị, bộ trưởng Công An. Có thể thấy xu hướng này diễn ra bởi vì nó triển khai mong muốn thực sự của Bắc Kinh và Hà Nội : Làm cách nào đó để có một số lĩnh vực chung, có thể chia sẻ được. Những ưu tiên lớn trong trường hợp này là bảo vệ vai trò của đảng trong xã hội và duy trì trật tự xã hội.

RFI : Như ông vừa nói, có thể thấy sức ảnh hưởng của bộ Công An trong chiến dịch bài trừ tham nhũng của đảng Cộng Sản Việt Nam, trong khi lãnh đạo đảng cũng duy trì đường lối hữu hảo với “anh cả” Trung Quốc. Hai yếu tố này tác động như nào đến giới đầu tư nước ngoài, nhất là phương Tây, trong khi Việt Nam không ngừng thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây ?

Benoît de Tréglodé : Khi nghiên cứu về chế độ chính trị Việt Nam, các nhà phân tích thường cố tìm sự tồn tại của các yếu tố, như “thân phương Tây” hoặc “thân Trung Quốc”. Tôi thấy phân tích này không đúng trong trường hợp của Việt Nam. Nhưng đúng là trong những năm gần đây, chúng ta thấy có sự gia tăng ảnh hưởng của bộ Công An cũng như người của bộ này, đặc biệt người đứng đầu là tướng Tô Lâm có sức ảnh hưởng lớn.

Sức ảnh hưởng này được hiểu theo hai cấp độ. Trước tiên là ở mức tham vọng của một cá nhân. Chúng ta nhớ là trong Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần trước, ông Tô Lâm khao khát vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông mơ được làm tổng bí thư. Và tham vọng này vẫn còn đó. Người ta cũng thấy ông Tô Lâm có khả năng làm chủ tịch nước. Thường thì việc đó sẽ được quyết định khi hai thành viên mới của bộ Chính Trị được lựa chọn vào tháng 04 tới, sau đó việc bổ nhiệm phải được thông qua ở Quốc Hội vào tháng 05. Có thể nói, khía cạnh tham vọng cá nhân này rất quan trọng.

Điểm thứ hai, có thể thấy rõ hiện nay, những hoạt động dồn dập của các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ đối với Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hiểu xem Trung Quốc phản ứng như thế nào với chuyện này. Dĩ nhiên là Bắc Kinh phản đối nhưng không thể làm quá. Và Việt Nam lợi dụng sự chống ảnh hưởng của phương Tây đối với Bắc Kinh để có thể có thêm khả năng hành động trước Trung Quốc. Đó là kiểu trò chơi “mèo vờn chuột”. Trong bối cảnh như vậy, dĩ nhiên Việt Nam phải đưa ra các cam kết cho Trung Quốc để chứng tỏ rằng Hà Nội chưa sẵn sàng đổi bên hoặc xích lại quá gần với những yêu cầu của phương Tây và của Mỹ. Đó mới là chính sách thực thụ. Sẽ không có thay đổi trong Hiến Pháp hay trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đó là trò chơi cân bằng giữa hai nước lớn. Và vị trí địa lý không thay đổi được (sát với Trung Quốc) không cho phép Việt Nam làm khác đi.

RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp.

Related posts