Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác. Truyện dài Nhật Tiến – Chương 2

Nhật Tiến

NHU YẾU PHẨM

Giờ “đứng lớp” của tôi hôm nay vẫn diễn ra như thường lệ mọi ngày. Hai chữ “đứng lớp” này hồi mới nghe nói thì có vẻ chối tai. Nhưng riết rồi cũng quen đi. Đối với mọi người, nó nghiễm nhiên trở thành một từ ngữ thông dụng, phát ngôn hằng ngày một cách tự nhiên, cùng với nhiều từ ngữ khác xoay quanh đời sống, cứ như chúng đã nghiễm nhiên lặn sâu vào trong đầu óc người ta tự bao giờ. Như thể tôi nói “hôm nay tôi có 4 tiết Lý, 2 tiết Hóa, 2 tiết phụ đạo, tối về còn phải soạn giáo án cho tuần tới nữa”, chắc chỉ những giáo viên của nhà trường xã hội chủ nghĩa thì mới hiểu ngay. Mà thật ra nó cũng chẳng bí hiểm gì, hồi trước nói dạy học một giờ thì bây giờ đổi là đứng lớp một tiết. Các nhà giáo dục của nhà nước XHCN biết phân biệt rạch ròi, tỉ mỉ lắm đấy. Bởi khi ta nói dạy 1 giờ nhưng có bao giờ vào lớp đủ 1 giờ đâu. Nội việc đầu giờ, đổi từ lớp này qua lớp kia cũng mất của học trò 5, 7 phút rồi. Vậy phải gọi là 1 “tiết” thì mới hợp lẽ công bằng, không ăn gian, ăn lận của ai lấy một phút. Tuy nhiên nói đến cái vụ “phụ đạo” tức dạy thêm giờ cho những học trò ‘cá biệt” tức học trò có thành tích nghịch như ma, lười học như quỷ, hoặc soạn “giáo án” tức là soạn đề án cho mỗi bài giảng trước khi vào lớp, thì những thứ này tuy linh tinh nhưng cũng có nhiều điều đáng nói đến. Xin sẽ đề cập tới ở những phần sau.

Ui cha, từ ngữ nào tuy mới mẻ đến đâu thì chỉ trong vòng vài tháng đầu ai cũng ngốn được hết, nhưng với riêng tôi, hai chữ “đồng chí” thì không đâu nhé. Ở ngôi trường này người ta gọi các giáo viên là đồng chí, một số giáo viên cũng gọi nhau là đồng chí. Nhưng với tôi thì nó quả một thứ rất khó nuốt vô. Đồng chí cái nỗi gì, khi mà trước ngày 30-4, tôi còn xán lại đám đông bu quanh tiệm hớt tóc ở đầu ngõ để nghe lỏm những lời bán tán om sòm. Giọng ông hớt tóc cứ oang oang :

– Các cô phen này là hết bôi son, má phấn nhớ. Lại còn cái vụ móng tay đỏ choét như tiết gà. Việt Cộng mà vô thì nó chặt đi hết!

Khi nghe những lời đồn đại ấy lòng tôi bán tín bán nghi, lại còn nghĩ rằng “ Việt Cộng dám làm đủ mọi thứ lắm”, thế thì sau này xưng hô “đồng chí” với nhau làm sao được !

Buổi sáng hôm ấy, tôi ôm sách vở, tài liệu đi vào lớp như thường lệ. Học trò vẫn đứng hết cả lên như nhiều năm trước đó. Cũng không lạ, vì hầu hết chúng nó đều là những học sinh cũ của miền Nam . Chỉ có cái khăn trải bàn thầy giáo trên có một bình hoa là vắng bóng. Trước đây, những thứ ấy là do học sinh tự nguyện. Còn bây giờ, chúng nó được rỉ tai đấy là tàn dư của phong kiến, đế quốc nên lẳng lặng triệt bỏ ngay từ năm đầu tiên khai giảng khóa học dưới mái nhà trường Xã hội Chủ nghĩa.

Chỉ riêng ở hai bàn đầu là tôi thấy những khuôn mặt lạ. Đó là những con em cán bộ từ miền Bắc vào và được xếp lớp theo tiêu chuẩn : lớp 7 ngoài Bắc thì vào ngồi lớp 9, lớp 8 leo lên lớp 10…v..v.. Lý do là bậc trung học của miền Bắc chỉ có 10 năm, còn trong Nam, học trò phải trải qua tới 12 năm lận.

Đối với tôi, học trò “miền” nào thì cũng như nhau. Tuổi trẻ ở đâu thì cũng hồn nhiên, trong sáng, nếu ham học hỏi thì chúng nó cũng đều tiến bộ như ai. Nhưng sở dĩ tôi gọi “những khuôn mặt lạ” là ở chỗ chúng nó có cùng một nước da sạm tái như nhau, y phục thì chỉ sơ mi trắng với quần tây màu cứt ngựa, và nhất là tia nhìn thì xoay xoáy cứ như muốn xuyên qua cái đầu của thầy giáo xem ông ấy đang nghĩ gì.

Nói đúng ra, tôi chẳng có ý nghĩ gì hết ngoài bài giảng tôi sắp trình bầy. Tôi chẳng dại gì việc lợi dụng bục giảng để đưa ra những lời nhạo báng chế độ qua đầy dẫy những chuyện bất toàn xẩy ra chỉ nội trong khuôn viên trường học. Như thể ông Giám hiệu (tức hiệu trưởng) người ở bên bộ đội được chuyển ngành về, nhưng vẫn bận bộ quần áo bộ đội tới trường để điều hành công việc, bên hông lúc nào cũng kè kè một khẩu súng lục, không biết để làm gì ngoài chuyện thị uy với đám giáo viên trong vùng mới “giải phóng”. Ấy vậy mà ông ta vẫn gọi chúng tôi là “các đồng chí”.

– Các đồng chí phải ráng phấn đấu để trở thành người giáo viên gương mẫu của nhà trường xã hội Chủ nghĩa.

– Các đồng chí cũng nên nhớ rằng nhà nước chuyên chính vô sản sẵn sàng đập tan mọi âm mưu bạo loạn của bọn phản động, tàn dư của bè lũ tay sai nước ngoài để bảo vệ vững chắc nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dân chủ với mọi đồng chí, nhưng dứt khoát là phải chuyên chính với mọi tàn dư phản động.

Nói xong câu này, ông Giám hiệu còn đưa tay xốc cái thắt lưng quần làm cho khẩu súng lục bị đẩy lên, chìa ra trước mắt mọi người. Tôi không nhớ là ai, nhưng rõ ràng là một anh bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh tôi đã giơ khuỷu tay ra hích vào mạng sườn tôi một cái. Tôi muốn bật lên cười nhưng may quá, tôi còn đủ tỉnh táo để không làm cái chuyện ngu dại đó.

Bài giảng môn Vật Lý của tôi hôm ấy là một bài thuộc môn Quang Học. Sau khi vẽ hình trên bảng đen, khi tôi vừa tôi bắt đầu nói : “ những tia sáng song song với trục chính sau khi đi qua Thấu kính sẽ hội tụ tại một điểm F gọi là Tiêu điểm chính. Khoảng cách từ tiêu điểm chính đến quang tâm O gọi là Tiêu cự ….” thì chợt tiếng loa từ khu văn phòng chính đã dội vào khắp các lớp. Cái giọng nghe đã oang oang mà lại còn có đôi chút gắt gỏng cứ như vừa hối thúc mà lại vừa giận dỗi :

– Yêu cầu đồng chí Bùi Nhật Tiến xuống ban tiếp liệu nhận nhu yếu phẩm.”

Khổ thân tôi vì thấy tên của mình bị réo gọi, mà nó bị réo gọi tới hai ba lần. Hẳn điều này sẽ là nguyên do để tôi bị nhiều lớp khác nguyền rủa vì có mỗi chuyện như thế mà đến nỗi để loa phải réo. Mà đây đâu phải chuyện phân phối nhu yếu phẩm đột xuất. Ngay từ sáng, lúc vừa bước chân vô cổng trường thì cô giáo cũng thuộc bộ môn như tôi đã rỉ tai:

– Hôm nay nhu yếu phẩm về, Tổ mình phải cử người vào giúp Ban phân phối.

Tôi nhìn cô nài nỉ:

– Thôi, cô xuống giúp họ một tay đi. Khỏi họp Tổ, phân công lôi thôi.

Tưởng mọi sự thế là xong. Ai ngờ tên tôi vẫn bị réo gọi. Mà gọi để xuống nhận nhu yếu phẩm chứ đâu có phải làm lụng gì.

Phải nói rằng sau bao nhiêu ngày tháng triền miên trong thiếu thốn, nhu yếu phẩm là một niềm mơ ước của nhiều người. Chúng tôi, ngoài số lương tính đổ đồng, bất kể thâm niên hay cấp lớp giảng dạy, mọi người đều được lãnh đồng đều mỗi tháng 30 đồng, mà thời giá khi đó là 10 đồng 1 kí gạo, 1 đồng 1 lon ngô đong vừa đầy một ống lon đựng sữa bò. Lương 30 đồng mà chỉ mua được 3 kí gạo thì tất nhiên là phải có thêm nhu yếu phẩm cấp phát đi kèm. Hầu như mỗi tháng 2 kỳ, mỗi giáo viên được lãnh 1 hộp sữa bò, một túi đường trắng có khi là đưởng bổi, đường miếng (tôi chưa bao giờ cân xem nó nặng bao nhiêu gam), một túi nhỏ đậu xanh hay đậu đen, 1 thếp giấy trắng, 2 cuộn giấy đi cầu ( loại giấy đã tái chế biến, dầy xộp, có mầu đỏ hồng chứ không phải mầu trắng). Lâu lâu thì có thêm 1 chai bia hay một gói thuốc lá. Nhưng mấy thứ này thì phải chia nhau. Bia thì cứ hai người một chai, thuốc hai người một gói. Ai không uống bia, hút thuốc thì đổi lấy đường, lấy đậu xanh, hay ngay cả cuộn giấy đi cầu. Vào cái ngày được phát nhu yếu phẩm thì học trò cả trường đều biết, thậm chí dân chúng trong những khu phố gần trường cũng đều biết, vì khi tan trường thầy cô giáo ra về, trên tay ai cũng có một bịch ny lông, bên trong thồn đủ thứ, nhưng nhìn rõ nhất là lon sữa bò hay cuộn giấy vệ sinh.

Đấy là những thứ hàng tiêu dùng. Riêng về thực phẩm thì lại khác. Nó không có tiêu chuẩn nào theo định kỳ hay món ăn nào nhất định cả. Phần đông, thì giáo viên được lãnh thêm thịt , thêm cá, đôi khi lại còn được phân phối thêm cả nước mắm hay xì dầu nữa.

Hôm nào thịt về hay cá về thì ngôi trường như chộn rộn hẳn lên. Các cô giáo thì thào hỏi nhau :

– Bữa nay cá tươi không ?

– Thịt hôm nay nhiều mỡ không ? Nhớ dặn để cho tôi ít thịt nhưng nhiều mỡ.

– Tôi dạy tới tiết 4 xong mới về, nhớ dành giùm tôi một chỗ trong tủ lạnh. Kẻo thịt mang về thiu mẹ nó hết.

Mà thật tội nghiệp cho cái tủ lạnh ở trường tôi. Trước tháng Tư năm 75, nó chỉ là một cái tủ nhỏ đặt ngay trong phòng của các giáo sư, trong để vài chai nước lạnh mà ít ai buồn uống. Nhưng bây giờ thì nó khứ khự chứa đủ loại túi, gói bên trong là thịt, là mỡ, là những khoanh cá nhòe nhoẹt cả vẩy lẫn máu cá. Phía ngoài túi thì có người đánh dấu bằng những sợi dây mầu đỏ, mầu xanh, hay dây lạt có đeo thêm mảnh giấy ghi tên rõ ràng : Cô A, thầy B…lớp này lớp kia. Bởi chưng tủ thì nhỏ, điện thì yếu, mà đồ thì chen chúc nhau khứ khự nên hơi lạnh tỏa ra thì ít mà khi mở ra, chỉ thấy toát lên một mùi vừa chua, vừa hôi nó khiến cho ai cũng phải giật lùi người lại vả đưa tay lên che mũi.

Đúng lý ra, khi thấy tên bị réo gọi thì tôi phải buông phấn mà chạy đi lãnh khẩu phần của mình. Nhưng khổ nỗi, bài giảng của tôi chưa chấm dứt. Tôi không muốn vì bất cứ lý do gì mà cái phần quan trọng nhất này của một buổi học lại phải gián đoạn. Đây là một nguyên tắc mà tôi tự ý đề ra, không phải bây giờ mà đã từ nhiều năm trước trong nghề. Tôi còn nhớ cái năm còn dạy ở trường Bồ Đề gần chợ Cầu Ông Lãnh do Thượng Tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng. Có lần tôi đang giảng bài thì thư ký văn phòng đi vào đưa cho tôi một danh sách gồm cả chục tên học trò cuối tháng chưa đóng học phí. Theo nguyên tắc thì tôi phải đọc tên những trò này lên và mời chúng ra khỏi lớp học. Nhưng tôi đang giảng bài, và tôi không muốn vì hoàn cảnh khốn khó mà mấy đứa học trò bất hạnh của tôi bị mất bài giảng hôm đó. Vì thế tôi thản nhiên nhét cái danh sách vào túi rồi tiếp tục giảng bài trước con mắt bực tức của viên thư ký. Sau đó tôi được gọi lên văn phòng để nghe lời cằn nhằn. Nhưng tôi đã không nhượng bộ. Nguyên tắc đơn giản của tôi là : “Gọi lúc nào thì gọi, nhưng tuyệt đối không xâm phạm vào lúc nghe giảng bài của học sinh”. Có thể nhà trường bực bội vì tính bướng bỉnh của tôi, nhưng cuối cùng thì vẫn nhượng bộ để cho tôi làm theo ý mình.

Như thế thì làm sao tôi có thể ngưng giảng bài để chạy đi “lãnh nhu yếu phẩm” !

Ở dưới lớp, tôi nghe có vài tiếng học trò nhắc nhở :

– Nhu yếu phẩm kìa thầy !!

– Thầy xuống mau lãnh phần ngon. Xuống chậm toàn đồ dỏm, uổng quá thầy !

Rồi lại có tiếng chúng nó hỏi nhau:

– Không biết hôm nay có cá hay có thịt?

– Cá hay thịt cũng chả tới phần tụi bay. Nghèo mà ham !!”

Ôi, mấy tiếng “nghèo mà ham” tôi vừa nghe thấy trong hoàn cảnh này, sao mà trọn ý, trọn lời đến thế ! Nhưng tôi cứ tảng lờ như không nghe thấy bất cứ tiếng xì xào nào. Tôi chỉ tay lên hình vẽ trên bảng định cất lời. Nhưng sao cổ họng của tôi cứ nghẹn lại. Tôi hình dung được rất rõ hình ảnh của những đứa học trò xanh xao, hai gò má đã hóp lại vì thiếu ăn và vành môi đã thiếu vắng những nụ cười hồn nhiên, tươi sáng. Tôi tự nhủ “mọi sự thay đổi rồi”, ở nhà, trong ngõ, ngoài phố và ở ngay cả nơi đây, trên cái bục giảng mà tôi đang cố nuốt nghẹn để cất lên lời. Cuối cùng thì tôi cũng đã lấy lại đươc bình tĩnh để lên tiếng giảng bài mặc dù tôi biết lúc đó sẽ chẳng còn có đứa học trò nào để tâm tới :

– Tiêu cự của Thấu kính thì tỷ lệ nghịch với độ Hội tụ, nếu gọi độ Hội tụ là C, tiêu cự là f thì ta có C=1/f…

Vừa lúc đó thì một cô giáo trong Tổ Vật Lý của tôi xuất hiện ở ngay cửa lớp. Những con mắt của đám học trò đang nhìn hình vẽ trên bảng đen bỗng dồn hết cả ra phía ngoài. Tôi cũng quay ra nhìn. Hẳn ai cũng trông thấy trên tay cô cầm một xâu cá vì cô vừa cầm vừa giơ cao nó lên. Tôi không nhận ra được đó là thứ cá gì, nhưng vẻ mặt hí hởn của cô thì tôi thấy rõ. Cô làm cứ như mình vừa trải qua một cuộc đấu tranh mà phần thắng đã về mình. Bây giờ thì cô vừa giơ xâu cá lên cao rồi lại làm một cử chỉ nhử nhử để cho tôi biết rằng “ Phần cá của thầy đây ! Ngon nhất đấy nhá !”.

Lòng tôi bỗng nhen nhúm một sự bực bội. Tôi có nhờ vả gì cô đâu mà sao cô tự ý sốt sắng đến vậy. Đã thế, cô còn du tôi vào một tình trạng khó xử. Tôi đang giảng bài. Lớp học của tôi đang thơm tho mùi phấn trắng. Tôi sẽ phải làm gì với xâu cá tanh tưởi mà cô đã sốt sắng mang tới, lại bầy ngay ra trước cả trăm con mắt học trò đang hau háu nhìn ra. Nhanh nhẩu đoảng, tôi hậm hực thoáng nghĩ như thế, nhưng tôi không thể giận cô. Rõ ràng cô là một người tốt bụng. Cô đã vì tôi mà mua thêm việc chứ có đòi chia chác phần cá này bao giờ đâu. Hẳn cả giờ trước đây, trong khi chia cá cho mọi người, cô đã thay tôi lãnh phần, mà chắc chắn không phải là thứ cá dư thừa dồn lại cho những kẻ hẩm hiu vắng mặt. Đã thế cô lại còn sốt sắng mang tới cho tôi tận lớp để tên tôi khỏi bị tiếp tục réo gọi trên loa. Loay hoay với những ý nghĩ như thế, rồi cuối cùng tôi cũng đành phải bước ra nhận xâu cá và cất lên một lời cám ơn cô, nghe rất nhạt nhẽo.

Khi cô giáo đã đi khỏi rồi, tôi mệt mỏi tay cầm xâu cá, chân bước lên bục giảng. Đột nhiên cả lũ học trò cùng ùa lên cười, xen vào đó, tôi còn nghe thấy cả những tiếng vỗ tay. Tôi đột nhiên biến thành một thứ diễn viên hề đang ra mắt khán giả trên sân khấu. Bọn học trò thì chắc chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa, hẳn chúng nó chỉ thấy vui khi thấy ông Thầy đang đứng trên bục mà tay lại cầm xâu cá. Có lẽ trong cả cuộc đời lấm lem cùng bụi phấn, cả Thầy lẫn Trò chúng tôi chưa bao giờ lại chủ động trong một pha như thế này, trên bục giảng và trong lớp học.

“Niềm vui” của lũ học trò bỗng đem lại cho tôi một ý nghĩ bất cần. Tôi chẳng còn ngần ngại hay giữ gìn ý tứ gì nữa. Cầm xâu cá trên tay, tôi cũng giơ lên cao cho cả lớp nhìn thấy. Bây giờ thì tôi nhận ra đó là một xâu độ 4, 5 con cá bạc má có vẻ còn tươi vì máu cá còn dính đỏ trên sợi lạt buộc. Qua sợi lạt buộc, tôi cũng thấy cả gần trăm con mắt của lũ học trò đang dổ dồn vào xâu cá. Một đứa lên tiếng:

– Cá còn tươi đó a thầy !

Một đứa khác ngồi ở cái bàn gần xế chỗ tôi đứng cũng lên tiếng:

– Xâu này đem chiên dòn với mỡ thì phải biết ! Hết cỡ !

Tôi bỗng liếc mắt về phía nó. Nó là một đứa học trò trước đây cũng thuộc loại hiền lành, ít nói, rất chăm chỉ học hành. Tuy nhiên dần dà tôi nhận biết được sự đổi thay trên nét mặt của nó. Xanh xao hơn. Vêu vao đi. Cặp mắt đôi lúc thấy thất thần. Đó là dấu hiệu của những cơn đói. Không chỉ một đôi lần mà hẳn phải là triền miên. Cho nên điều ước ao mà nó vừa nói ra, không phải chỉ là một câu nói vui đùa. Trong đầu nó hẳn đã nổi lên những cảm giác thèm thuồng khi nghĩ tới những con cá chiên mỡ cháy xèo xèo trong một cái chảo gang để trên lò nóng. Khuôn mặt của tôi bất chợt cũng thấy nóng lên. Tôi vụt hít một hơi thật dài để dằn một cơn giận dữ bỗng dưng nổ bùng lên trong đầu óc của tôi. Cái xã hội này, cái ngôi trường này từ ngày đổi thay sao đầy vô cảm đối với mọi thứ bất toàn đang hiện diện đầy dẫy ở chung quanh. Rồi cái số phận trớ trêu nào đã bắt tôi phải trực diện với một hoàn cảnh trái khoáy, tay cầm phấn, tay cầm xâu cá ở ngay trên bục giảng vốn là chỗ đứng quen thuộc của tôi từ bao nhiêu năm nay. Qua dây lạt buộc, tôi nhìn lên bảng thấy cái hình vẽ ký hiệu Thấu kính Hội tụ với những tia sáng chạy song song với trục chính, sao trông nó cũng giống như hình thù của mấy con cá này.

Cuối cùng tôi cũng đành phải buông xuôi. Thôi thì dù Cá hay Thấu Kính vào lúc này cũng đều như bị cào bằng, cũng giống như ngoài xã hội mọi thứ cũng đều đang được cào bằng như nhau. Thế là tôi thản nhiên treo ngay xâu cá vào một cái móc ở ngay dưới tấm bảng đen, cái chỗ mà lớp vẫn dùng để treo giẻ lau bảng. Tôi nghe thấy đám học trò lại đang rúc rích cười. Nhưng tôi vẫn cầm cục phấn và cất to giọng :

– Các trò lấy giấy bút ra làm bài tập. Cho một thấu kính có tiêu cự là 25 centimét….Vẽ đường đi của một chùm tia sáng song song với trục chính. Tìm độ Hội tụ…

Và vừa ngay lúc đó, tiếng kẻng chợt vang lên. Báo hiệu đã hết giờ học…
(Còn tiếp…)

Nhật Tiến

Related posts