Toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao vào thứ Sáu (14/4) để chuẩn bị cho các cuộc tập trận đột xuất trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây dâng cao vì cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết mục tiêu của cuộc tập trận là để kiểm tra khả năng của các lực lượng vũ trang Nga trong việc đáp trả cuộc tấn công xâm lược.
Theo ông Shoigu, đây là đợt kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đột xuất theo “quyết định của Tổng tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang Nga”, đề cập tới Tổng thống Vladimir Putin.
Trong đợt kiểm tra, toàn bộ lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương được chuyển sang trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu cao nhất, nhằm tăng cường khả năng đẩy lùi các đợt tấn công của đối phương giả định từ hướng biển.
Ông Shoigu cho biết, cùng với các vụ phóng tên lửa, cuộc tập trận cũng sẽ có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược có năng lực hạt nhân và các máy bay chiến đấu khác ngoài những máy bay thuộc lực lượng không quân của Hạm đội Thái Bình Dương.
Không quân vũ trụ và nhiều lực lượng khác của quân đội Nga cũng tham gia diễn tập chiến đấu cùng Hạm đội Thái Bình Dương.
“Các lực lượng sẽ thực hành tình huống đối phó đòn tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay, đẩy lùi nỗ lực đổ bộ lên khu vực Nam Kuril và bán đảo Sakhalin, cũng như săn tìm tàu ngầm và tập kích nhóm tiến công hải quân, cơ sở hạ tầng trên đất liền của đối phương giả định”, ông Shoigu nói thêm.
Theo hãng tin RIA Novosti, ông Shoigu chỉ đạo quân đội tìm biện pháp thiết thực ngăn chặn kế hoạch triển khai lực lượng của kẻ thù tại Thái Bình Dương và phần phía nam của biển Okhotsk.
Quân đội Nga đã tập trung phần lớn lực lượng của mình vào tiền tuyến ở Ukraine, nhưng vẫn duy trì các cuộc tập trận thường xuyên trên khắp nước Nga để huấn luyện lực lượng và thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu.
Biển Okhotsk là vùng nước nối với biển Nhật Bản và Bắc Thái Bình Dương. Trong vùng biển này có hai khu vực nổi bật là quần đảo Kuril và đảo Sakhalin. Trong đó quần đảo Nam Kuril là đối tượng tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Phía Nhật gọi quần đảo Nam Kuril là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Năm ngoái, Nga tuyên bố đình chỉ đàm phán hòa bình với Nhật Bản để phản đối lệnh trừng phạt của Tokyo đối với Moscow về cuộc chiến của nước này ở Ukraine.
Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo trong những năm gần đây, triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến, tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không ở đó.
Cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu vài ngày trước chuyến đi dự kiến tới Moscow của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Lý Thượng Phúc.
Hồi tháng 3, chuyến thăm 3 ngày tới Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai quốc gia trước những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga trong vấn đề Ukraine.
Cả Moscow và Bắc Kinh đều cáo buộc Washington cố gắng cô lập họ và kìm hãm sự phát triển của họ khi những nước này thách thức vai trò lãnh đạo khu vực và toàn cầu của Mỹ.
Cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ “quan ngại” trước sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Putin và ông Tập cho biết đôi bên sẽ tăng cường liên lạc giữa quân đội và tổ chức nhiều cuộc tuần tra và tập trận chung trên biển và trên không. Dù vậy không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ giúp Nga về vũ khí, như Mỹ và các đồng minh phương Tây khác lo ngại.
Hạm đội Thái Bình Dương là một trong 5 hạm đội chủ lực của hải quân Nga, phụ trách Thái Bình Dương, trong đó có những khu vực tranh chấp với Nhật Bản, và một phần Bắc Cực. Hạm đội sở hữu 46 tàu chiến mặt nước và 24-26 tàu ngầm, trong đó có các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo lớp Borey, tàu ngầm hạt nhân tấn công tối tân lớp Yasen và tàu ngầm Belgorod mang siêu ngư lôi Poseidon.
Lực lượng này cũng biên chế nhiều trung đoàn không quân hải quân trang bị máy bay săn ngầm Tu-142 và Il-38, tiêm kích hạng nặng MiG-31, cùng hai lữ đoàn hải quân đánh bộ và một số đơn vị phòng thủ bờ vận hành tổ hợp tên lửa siêu thanh K-300P Bastion.
Viên Minh (Tổng hợp)