Tổng thống (TT) Joe Biden xác nhận vào tối thứ Bảy (22/04) rằng các lực lượng Hoa Kỳ đã di tản nhân viên chính phủ khỏi Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sudan.
Trong một tuyên bố, TT Biden cho biết quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch đưa nhân viên rút lui khỏi đại sứ quán ở thủ đô Khartoum của Sudan, nơi đã bị rung chuyển bởi xung đột vũ trang giữa quân đội nước này và một nhóm bán quân sự.
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết, “Hôm nay, theo lệnh của tôi, quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch hộ tống nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ rời khỏi Khartoum. Tôi tự hào về cam kết đặc biệt của các nhân viên Đại sứ quán của chúng tôi, những người đã thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách dũng cảm và chuyên nghiệp, đồng thời thể hiện tình bằng hữu và mối liên hệ của nước Mỹ với người dân Sudan.”
“Tôi rất biết ơn về kỹ năng không đâu sánh được của các quân nhân của chúng tôi, những người đã thành công đưa họ đến nơi an toàn. Và tôi cảm ơn Djibouti, Ethiopia, và Saudi Arabia, những quốc gia rất quan trọng đối với sự thành công của chiến dịch của chúng tôi.”
Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Công việc Quản lý John Bass cho biết một lượng lớn nhân viên địa phương vẫn ở Khartoum để trợ giúp đại sứ quán, nơi mà Hoa Thịnh Đốn đã quyết định đình chỉ hoạt động hôm thứ Bảy do rủi ro an ninh.
Các quan chức Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng chiến dịch đã di tản được chưa tới 100 người.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết, lực lượng này chỉ dành một giờ trên mặt đất trước khi lên phi cơ cất cánh bay đi, vào, và ra khỏi Sudan mà không bị các phe tham chiến trên mặt đất tấn công.
Trung tướng Douglas Sims, trưởng chiến dịch của Bộ tham mưu quân đội cho biết, “Chúng tôi không phải chịu bất kỳ hỏa lực từ vũ khí nhỏ nào trên đường đến và có thể ra vào mà không gặp vấn đề gì.”
TT Biden nói thêm rằng ông đang nhận được báo cáo thường xuyên từ đội ngũ của mình về công việc đang diễn ra của họ để giúp đỡ người Mỹ ở Sudan trong phạm vi có thể, đồng thời đang làm việc với các đồng minh và đối tác trong nỗ lực này.
Hôm thứ Bảy (22/04), quân đội Sudan cho biết các quốc gia khác như Vương quốc Anh, Pháp, và Trung Quốc cũng sẽ di tản các nhà ngoại giao và công dân của họ, trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa các phe tham chiến đã sát hại hàng trăm người cho đến nay.
“Tình trạng bạo lực bi thảm này ở Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm thường dân vô tội,” TT Biden nói. “Tình trạng này thật vô lương tâm và phải dừng lại.”
“Các bên tham chiến phải thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, cho phép tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, và tôn trọng ý chí của người dân Sudan.”
Hôm thứ Năm (20/04), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận trường hợp thiệt mạng của một công dân Mỹ. Ngay sau đó, Ngũ Giác Đài cho biết họ đang sắp xếp lại quân đội để có thể di tản đại sứ quán tại Sudan.
Giao tranh hiện đã bước sang tuần thứ hai, sau khi chiến sự nổ ra hôm 15/04.
Việc Sudan đột ngột rơi vào chiến tranh đã phá vỡ kế hoạch khôi phục lại chính phủ dân sự bốn năm sau khi nhà độc tài cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của người dân.
Hôm thứ Sáu (21/04), Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng 413 người đã thiệt mạng và 3,551 người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra. Trong số những người tử vong có ít nhất năm nhân viên cứu trợ ở một quốc gia phụ thuộc vào viện trợ lương thực.
Minh Ngọc biên dịch
Khủng hoảng Sudan: Công dân nước ngoài đang được sơ tán
Các nhà ngoại giao và công dân từ Anh, Mỹ, Pháp, và Trung Quốc sẽ sớm được sơ tán khỏi Sudan bằng đường hàng không khi giao tranh đang diễn ra ở đó, theo tuyên bố từ quân đội Sudan, BBC đưa tin 22/4.
Người đứng đầu quân đội Fattah al-Burhan trong tuyên bố đã đồng ý tạo điều kiện và đảm bảo việc sơ tán “trong những giờ tới”. Hiện ông đang bị kẹt trong đấu tranh quyền lực gay gắt với thủ lĩnh của phe bán quân sự đối thủ Rapid Support Forces (RSF).
Ả Rập Xê Út xác nhận họ đã sơ tán hơn 150 người khỏi Sudan vào Thứ Bảy.
Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cho biết trong số những người sơ tán đến Jeddah có các nhà ngoại giao và quan chức quốc tế.
Họ đã đưa an toàn 91 công dân Ả Rập Xê Út, và 66 người từ nhiều quốc gia khác, trong đó có Qatar, Pakistan, UAE, và Canada. Kênh truyền hình nhà nước Al-Ekhbariyah đưa tin họ đã được sơ tán bằng đường biển, nhưng không nói rõ đã được sơ tán từ địa điểm nào từ Sudan.
Còn Chính phủ Anh nói họ đang chuẩn bị cho “những tình huống bất ngờ”.
Giao tranh ác liệt ở trung tâm thành phố hôm Thứ Bảy khiến người ta không rõ việc sơ tán khỏi sân bay Khartoum có thể diễn ra như thế nào.
Người dân ở Khartoum nói chuyện với BBC đã mô tả giao tranh dữ dội ở trung tâm thành phố hôm thứ Bảy.
Quân đội Sudan đồng ý các nhà ngoại giao và công dân Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc sẽ được sơ tán bằng đường hàng không trên các máy bay vận tải quân sự từ thủ đô Khartoum.
Chính phủ Anh nói họ đang “làm mọi thứ có thể để hỗ trợ các công dân Anh và nhân viên ngoại giao ở Khartoum”.
Bộ Quốc phòng Anh đang làm việc với văn phòng nước ngoài để chuẩn bị cho một số điều khoản, mà không nói rõ liệu sơ tán ngay lập tức có nằm trong số các kế hoạch đó hay không.
Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã chủ trì cuộc họp Cobra —một ủy ban ứng phó khẩn cấp— vào sáng Thứ Bảy về tình hình ở Sudan.
Một công dân Anh ở Khartoum nói với BBC rằng bà cảm thấy “hoàn toàn bị bỏ rơi” và bà không có được “nhiều thông tin” về kế hoạch sơ tán có thể xảy ra.
“Tình hình vẫn bi đát, nhiều lo lắng, và hoang mang với một người Anh đang ở đây,” bà nói. “Chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều không biết.”
“Chúng tôi không có kế hoạch, chúng tôi thậm không có dù chỉ là một dạng thức kế hoạch cho kế hoạch. Chúng tôi hiểu rằng đây là loại tình huống biến đổi nhanh chóng, nhưng nói thẳng ra, chúng tôi hoàn toàn bị bỏ rơi ở đây theo nhiều nghĩa.”
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha nói 6 máy bay đã được gửi đến Djibouti như một phần trong nỗ lực của nước này nhằm sơ tán công dân Tây Ban Nha và những người khác.
Theo các báo cáo, sân bay quốc tế ở Khartoum đã bị đóng cửa do bạo lực, và các đại sứ quán nước ngoài không thể đưa công dân của họ về nước.
Cuộc xung đột đã bước sang tuần thứ hai mặc dù cả hai bên (quân đội và RSF) đồng ý ngừng bắn 3 ngày để đánh dấu ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, bắt đầu từ Thứ Sáu. Nhưng giao tranh đã lại tiếp tục vào Thứ Bảy.
Một cựu ngoại trưởng, Mariam al-Mahdi, người đang trú ẩn ở Khartoum nói với BBC rằng lệnh ngừng bắn “không có tác dụng gì cả”.
“Đã mất điện 24 giờ qua, đã mất nước 6 ngày qua,” bà nói. “Có những thi thể thanh niên đang thối rữa trên đường phố.”
Mọi người tập trung tại nhà ga để chạy trốn khỏi Khartoum trong cuộc đụng độ giữa RSF và quân đội ở Khartoum, Sudan ngày 19/4/2023.
Các trận chiến đường phố khốc liệt nổ ra ở Khartoum vào ngày 15/4 sau khi những bất đồng nảy sinh giữa các nhà lãnh đạo của cả hai bên —Tướng Burhan và Mohamed Hamdan “Hemedti” Dagalo của RSF— về cách điều hành Sudan.
Cả hai đều giữ các vị trí hàng đầu trong chính phủ quân sự hiện tại của Sudan, được thành lập sau cuộc đảo chính năm 2019 lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir, người trước đó bị tòa án quốc tế La Haye phán tội.
Đã có kỳ vọng hai bên sẽ hợp nhất, nhưng RSF đã chống lại sự thay đổi này, huy động quân đội của mình, và leo thang trở thành giao tranh toàn diện vào tuần trước.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 400 người đã thiệt mạng. Số người chết được cho là còn cao hơn nhiều khi mọi người chật vật đến bệnh viện.
Hàng ngàn người, chủ yếu là dân thường, cũng bị thương, khiến các trung tâm y tế chịu áp lực phải đối phó với lượng bệnh nhân tăng vọt.
Cùng với Khartoum, khu vực phía tây Darfur, nơi RSF xuất hiện lần đầu tiên, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giao tranh.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng có tới 20.000 người —chủ yếu là phụ nữ và trẻ em— đã trốn khỏi Sudan để tìm kiếm sự an toàn ở Chad, bên kia biên giới với Darfur.
Nhật Tân