Liên Thành
Tờ European Pravda đưa tin, tại Hội đồng các Bộ trưởng Ngoại giao EU vào ngày 24 tháng 4, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraina – Dmytro Kuleba kêu gọi các đồng nghiệp từ EU đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraina, vì an ninh của châu Âu phụ thuộc vào họ.
Ông Kuleba nói: “Việc đánh bại Nga là sự bảo đảm cho một cuộc sống bình thường của châu Âu. Không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn bây giờ. Để đạt được điều đó, Ukraina cần nhiều vũ khí và đạn dược hơn, và tất cả những thứ này phải được chuyển giao càng sớm càng tốt”.
Ông kêu gọi các đồng nghiệp châu Âu tăng tốc cung cấp và bảo đảm lợi thế quyết định của Ukraina trước Nga trên chiến trường. Ngoài ra, ông còn liệt kê các nhu cầu quân sự ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn, ông kêu gọi cung cấp cho Ukraina thêm xe bọc thép, xe tăng và hệ thống pháo, pháo tầm xa và đạn dược càng sớm càng tốt. Ngay lập tức bắt đầu đào tạo phi công Ukraina trên chiến đấu cơ F-16 và cho phép cung cấp cho Ukraina chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất.
Về tầm nhìn trung hạn, Bộ trưởng ngoại giao Ukraina kêu gọi các đồng nghiệp châu Âu nâng cao năng lực của các trung tâm hậu cần và sửa chữa, tiếp tục và mở rộng các chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraina, đáp ứng nhu cầu đạn dược nhờ khối lượng sản xuất tăng.
Trong viễn cảnh dài hạn vài năm tới, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu tập trung vào việc phát triển một chính sách quốc phòng chung, trong đó sẽ bao gồm Ukraina như một thành phần không thể thiếu .
Trước khi bắt đầu cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào ngày 24/4, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu, ông Josep Borrell, thừa nhận rằng những bất đồng về giai đoạn thứ hai trong kế hoạch của EU nhằm cung cấp thêm đạn dược cho Ukraina vẫn đang diễn ra.
Giai đoạn thứ hai cung cấp tài chính với số tiền 1 tỷ EUR cho hoạt động mua sắm chung của EU, nó vẫn chưa hoàn thành. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã đồng ý mua đạn dược từ các công ty từ EU và Na Uy, quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, Pháp khẳng định rằng chỉ các công ty từ châu Âu mới nên tham gia vào kế hoạch này.
Tình thế này làm cho các thành viên EU khác thất vọng, đặc biệt là Đức, Hà Lan và Ba Lan. Họ bày tỏ sự hoài nghi về việc ngành công nghiệp châu Âu có khả năng nhanh chóng sản xuất đủ số lượng đạn pháo để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraina.