Liên Thành
Trung Quốc đang chuẩn bị hạn chế chuyển giao bất kỳ thông tin nào liên quan đến an ninh quốc gia theo luật phản gián cập nhật, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đàn áp ngày càng tăng đối với các cá nhân và công ty nước ngoài tại đây.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc bắt đầu thảo luận về những thay đổi của luật vào hôm 24/4. Đạo luật, sẽ mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 26/4.
Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2014 luật này được sửa đổi.
Dự luật này sẽ mở rộng phạm vi của luật – hiện chỉ giới hạn ở bí mật nhà nước – để bao gồm tất cả các tài liệu, dữ liệu, hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia. Nó không cung cấp thêm chi tiết về những gì cấu thành an ninh và lợi ích quốc gia.
Một trọng tâm lớn hơn cũng sẽ được đưa vào an ninh mạng. Các cuộc thảo luận về các lỗ hổng của hệ thống đối với các cuộc tấn công mạng có thể vi phạm các quy tắc mới.
Các cơ quan an ninh quốc gia sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn, bao gồm khả năng kiểm tra hành lý và thiết bị điện tử của những người bị tình nghi là gián điệp.
Công dân và tổ chức Trung Quốc sẽ phải báo cáo hoạt động gián điệp bị nghi ngờ. Các công ty hậu cần và viễn thông sẽ cần cung cấp hỗ trợ công nghệ để chống gián điệp, trong khi các tổ chức truyền thông sẽ phải giáo dục công chúng về vấn đề này.
Các doanh nghiệp nước ngoài lo lắng rằng những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cách họ và nhân viên của họ hoạt động tại Trung Quốc. Có lo ngại về việc thực thi tùy tiện, chẳng hạn như các cá nhân bị giam giữ mà không có bằng chứng cụ thể.
Vào tháng 3 vừa qua, một nhân viên Nhật Bản của nhà sản xuất dược phẩm Astellas Pharma đã bị giam giữ vì cáo buộc vi phạm luật phản gián hiện hành. Người đàn ông này được cho là đã có tương tác với các quan chức trong ngành và chính phủ Trung Quốc như một phần công việc của anh.
Ngày 7/4, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) cho biết, các cơ quan chức năng có bằng chứng chắc chắn rằng người đàn ông này tham gia hoạt động gián điệp, và sẽ xử lý vấn đề này theo luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ án đã có rất ít tiến triển, làm tăng thêm mối căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật.
Người lao động nước ngoài ở Trung Quốc đang gặp khó khăn, do sự mơ hồ về những gì sẽ được coi là bất hợp pháp theo luật cập nhật. Dưới chế độ ĐCSTQ khắc nghiệt, các hoạt động kinh doanh thông thường có khả năng trở thành một vấn đề, và một số công ty Nhật Bản đã cảnh báo người lao động nước ngoài ở Trung Quốc phải đặc biệt thận trọng khi tham gia vào các giao dịch kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực mà Bắc Kinh coi là ưu tiên an ninh quốc gia.
Gần đây, trong bối cảnh lượng khách đi công tác đến Trung Quốc tăng trở lại sau khi chính phủ nước này đột ngột hủy bỏ chính sách Zero Covid vào năm ngoái, một số doanh nghiệp hiện một lần nữa hoãn các chuyến đi không khẩn cấp.
Chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda của Nhật Bản, giáo sư Ichiro Korogi, cho biết: “Người nước ngoài chắc chắn sẽ bị giam giữ một lần nữa. Điều duy nhất mà các doanh nghiệp có thể làm là yêu cầu nhân viên tránh mang theo máy tính và điện thoại thông minh bất cứ khi nào có thể, và tránh bàn tán về chính trị Trung Quốc”.
Dự luật gián điệp được đề xuất được coi là mang lại cho chính quyền Trung Quốc sự hợp pháp hóa để giám sát các công ty nước ngoài liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và các lĩnh vực quan trọng khác dưới danh nghĩa an ninh quốc gia.
Vào tháng 3 vừa qua, ĐCSTQ đã công bố một cuộc điều tra đối với công ty chip Micron Technology của Hoa Kỳ, với lý do cần phải bảo đảm các chuỗi cung ứng quan trọng. Chi tiết cụ thể về vụ việc vẫn chưa rõ ràng.
Các công ty nước ngoài cũng có thể bị khám xét văn phòng, có thể bị lộ bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Các nhà chức trách đã bắt giữ năm nhân viên Trung Quốc của công ty thẩm định doanh nghiệp Hoa Kỳ Mintz Group và đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh vào tháng Ba.
Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia trong những tháng gần đây, sắp đặt các đồng minh đáng tin cậy vào các vị trí chủ chốt.
Cựu Bộ trưởng An ninh Nhà nước Trung Quốc Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), nhân vật chính trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, được bổ nhiệm làm bí thư đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Trung Quốc, cơ quan giám sát mọi hoạt động thực thi pháp luật.
Một phụ tá của ông Tập trong những ngày ông làm bí thư tỉnh Chiết Giang, là ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), đã kế nhiệm chức bộ trưởng bộ an ninh quốc gia.