Tin thế giới sáng thứ Năm: Ông Putin ký sắc lệnh tịch thu tài sản 2 doanh nghiệp nước ngoài ở Nga để trả đũa phương Tây

Ông Putin ký sắc lệnh tịch thu tài sản 2 doanh nghiệp nước ngoài ở Nga để trả đũa phương Tây

Ông Putin tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Điện Kremlin. (Ảnh chụp màn hình video của AFP)

Hôm nay, theo nguồn tin từ Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh kiểm soát tài sản tạm thời của doanh nghiệp nước ngoài (của Phần Lan và Đức) ở Nga. Điện Kremlin tuyên bố đây là động thái trả đũa Mỹ và phương tây vì đã tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài, Nga có thể mở rộng hoạt động này.

Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin vào cuối ngày thứ Ba (25/4) đã ký một sắc lệnh thiết lập quyền kiểm soát tạm thời tài sản của hai công ty năng lượng châu Âu đang hoạt động tại Nga là Fortum (Phần Lan) và Uniper (Đức).

Theo Reuters, cả Uniper và Bộ tài chính Đức đều chưa có bình luận ngay lập tức về vấn đề này.

Sắc lệnh – nêu rõ khả năng trả đũa nếu tài sản của Nga ở nước ngoài bị tịch thu. Điện Kremlin tuyên bố rằng động thái này để trả đũa cho hành động phương Tây đã “chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của Nga ở nước ngoài”.

Moscow đã phản ứng giận dữ trước các thông tin rằng Nhóm G7 đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu (ở mức gần như tuyệt đối) sang Nga, trong khi kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều để hạn chế khả năng tham chiến của Nga ở Ukraine. Liên minh châu Âu đang xem xét sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng sắc lệnh không liên quan đến quyền sở hữu mà chỉ liên quan đến quyền quản lý tài sản. Ông cho biết biện pháp này có thể được mở rộng sang các tài sản khác nếu cần thiết, theo Reuters.

Quang Nhật tổng hợp

Anh chính thức chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine, Nga tức giận

Sergio Cardenas thuộc Đại đội Charlie, thuộc Tiểu đoàn 1-22, Sư đoàn bộ binh số 4, đứng trên những viên đạn 25 mm chứa đạn uranium nghèo, ngày 11 tháng 2 năm 2004, tại căn cứ ở Tikrit, cách Baghdad 180 km về phía bắc. Những người lính đang kiểm kê đạn dược khi họ chuẩn bị đóng gói để trở về nhà ở Mỹ. (Ảnh: STAN HONDA/AFP via Getty Images)

Anh cho biết đã chuyển hàng nghìn quả đạn tăng Challenger 2 tới Ukraine, trong đó có đạn xuyên giáp uranium nghèo, động thái bị Nga chỉ trích gay gắt.

Trả lời chất vấn từ nghị sĩ, Quốc vụ khanh Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey hôm 25/4 xác nhận đạn uranium nghèo dành cho xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất đã đến Ukraine. “Số vũ khí này hiện do Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) kiểm soát”, ông Heappey cho biết.

Theo quan chức này, Bộ Quốc phòng Anh không giám sát các địa điểm quân đội Ukraine khai hỏa đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo.

Khi được hỏi liệu chính phủ có trách nhiệm “giúp làm sạch đạn uranium nghèo” được sử dụng ở Ukraine sau xung đột hay không, quan chức Anh cho biết họ “không có nghĩa vụ” phải làm như vậy, thay vào đó nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết của Ukraine”.

Đại sứ quán Nga tại Anh hôm 26/4 ra tuyên bố nói rằng các câu trả lời của ông Heappey là “minh chứng nghiệt ngã cho sự tàn nhẫn trong chính sách của phương Tây về leo thang toàn diện cuộc xung đột ủy nhiệm mà chính họ gây ra ở Ukraine”.

“Rõ ràng phương Tây có ý định biến Ukraine không chỉ trở thành trường bắn chống Nga mà còn là bãi thải phóng xạ, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân địa phương và môi trường trong khu vực”, tuyên bố nêu. “Chúng tôi kêu gọi giới chức Anh đừng nuôi hy vọng hão huyền rằng sẽ thoát tội, khi họ đang cố đẩy mọi trách nhiệm cho lực lượng vũ trang Ukraine”.

Ngày 21/3, Anh nói sẽ chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine sử dụng trên xe tăng Challenger-2.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. Uranium nghèo có tính phóng xạ thấp nhưng độ đặc cao hơn gần 70% so với chì, nên được sử dụng làm đầu đạn để tăng khả năng xuyên phá, chống lại các loại giáp trên xe tăng.

Đạn thanh xuyên chứa uranium nghèo trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, sau khi Anh tháng trước thông báo sẽ chuyển loại đạn này cho Ukraine để tăng hiệu quả tiêu diệt xe thiết giáp.

London nói uranium nghèo là “một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan đến vũ khí hạt nhân”, đồng thời khẳng định quân đội Anh đã dùng nguyên liệu này để chế tạo các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập niên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó tuyên bố Nga sẽ đáp trả tương ứng với thực tế là “phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.

Mỹ từng sử dụng đạn chứa uranium nghèo trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003-2004. Liên Hợp Quốc ước tính tổng khối lượng uranium nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. NATO khi tấn công Nam Tư năm 1999 từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn uranium nghèo.

Ông Heappey cho rằng, những rủi ro về sức khỏe và môi trường do uranium nghèo gây ra là thấp, viện dẫn một nghiên cứu của chính phủ Anh vào năm 2007.

Tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng chống hóa học, sinh học và phóng xạ Nga, tháng trước nói rằng số người mắc ung thư tại Iraq năm 2005 tăng 40 lần so với trước. Tại các quốc gia từng thuộc Nam Tư, tỷ lệ ung thư tăng 25% sau chiến sự. Tướng Nga cũng nói rằng việc dùng đạn chứa uranium nghèo tác động đến chính binh sĩ các nước thành viên NATO từng tham chiến tại Trung Đông và Balkan, với 4.095 người mắc ung thư, trong đó 330 người chết.

Trong khi đó, Bộ Cựu binh Mỹ cho biết uranium nghèo phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.

Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.

Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hôm 21/3 cho biết việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev sẽ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại và trở thành mối đe dọa đối với toàn châu Âu.

Nghị sĩ Nga lưu ý thêm, quyết định này cũng có thể là bước đệm để Kyiv tiến tới sử dụng “bom bẩn” hoặc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Viên Minh (Tổng hợp)

Cổ phiếu First Republic Bank của Mỹ mất 49% ngay sau tin tiền gửi sụt giảm 100 tỷ USD

Một người đàn ông đứng bên ngoài Ngân hàng First Republic ở trung tâm thành phố San Francisco, Mỹ. (Ảnh: Lear Zhou/The Epoch Times)

Phiên giao dịch hôm qua 25/4, cổ phiếu của First Republic (FRC) đã giảm 49% sau khi ngân hàng này khiến các nhà đầu tư và nhà phân tích ngạc nhiên khi tiết lộ khoản tiền gửi hơn 100 tỷ đô la bị rút ra trong tháng Ba.

Như NTDVN đã đưa tin vào ngày 25/4/2023 vừa qua, trong quý đầu tiên của năm 2023, cùng với làn sóng người gửi tiền tháo chạy làm sụp đổ 3 ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ ở Mỹ, ngân hàng First Republic Bank (FRB) cũng mất 102 tỷ USD tiền gửi, bao gồm cả khoản tiền gửi cứu trợ lên tới 30 tỷ USD của các siêu ngân hàng lớn của Mỹ.

Lượng tiền gửi rời khỏi FRB tương đương với 1/2 tổng tài sản của ngân hàng này và bằng 1/7 tổng số tiền gửi sụt giảm của cả hệ thống ngân hàng Mỹ trong 4 tháng qua. FRB đối mặt với các lựa chọn về giải pháp. Dù là gì thì rất có thể FRB sẽ là ngân hàng phá sản kế tiếp trong thời gian tới.

Ngay sau khi tin tức này xuất hiện trên thị trường, cổ phiếu của FRB lao dốc không phanh, đặt ra câu hỏi về số phận của FRB. Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu FRB mất 49%. Tính trong cả năm 2023, cổ phiếu FRB đã giảm 93%. Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu này bị tạm dừng giao dịch một thời gian ngắn do biến động quá lớn. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm giá, bao gồm một số ngân hàng đối thủ trong khu vực của FRB.

“Chắc chắn là một rủi ro,” nhà phân tích David Smith của Autonomous Research nói với Yahoo Finance hôm thứ Ba. “Số tiền gửi vào trong quý tệ hơn nhiều so với dự kiến”. Theo dự kiến của thị trường, số tiền gửi chỉ sụt giảm khoảng 40 tỷ USD và các siêu ngân hàng đã vội vã hỗ trợ FRB 30 tỷ USD. Nhưng số liệu cuối cùng đã cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường, 102 tỷ USD.

Bloomberg đưa tin rằng ngân hàng đang xem xét thoái vốn từ 50 tỷ đến 100 tỷ USD chứng khoán và thế chấp dài hạn (đang nắm giữ) để bù đắp thanh khoản. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ đang ở mức cao với triển vọng tiếp tục tăng thì FRB sẽ phải chấp nhận khoản lỗ khá lớn khi bán tháo các tài sản dài hạn này; vốn rất nhạy cảm với lãi suất.

CNBCReuters cũng đưa tin rằng việc thành lập một “ngân hàng xấu” là một phương án có thể xảy ra. Ở Mỹ, để xử lý một ngân hàng sụp đổ, các cơ quan giám sát thường thành lập một ngân hàng xấu để khoanh vùng, thanh lý tài sản, giám sát quản trị…. Đây là một kỹ thuật được sử dụng thường xuyên trong xử lý các cuộc khủng hoảng vào những năm 1980 và 1990 để xử lý các tài sản ngân hàng gặp khó khăn.

Quang Nhật tổng hợp

Related posts