Đấu tranh phe phái, ông Tập Cận Bình thanh trừng các ngân hàng và hệ thống tài chính
Tạ Linh
Kể từ đầu năm 2023, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng cao cấp ở Trung Quốc đã từ chức hoặc bị điều tra. Theo một chuyên gia về Trung Quốc, hiện tượng này đánh dấu một cuộc cải tổ lĩnh vực tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với nhiều phe phái khác nhau trong chính quyền này đấu tranh vì lợi ích của chính họ.
Trong tháng này, vị trí giám đốc điều hành cao cấp của các ngân hàng thường xuyên được bổ nhiệm người mới. Theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc, gần 10 ngân hàng đã có những thay đổi lớn về nhân sự, trong đó có Ngân hàng Tiết kiệm Bưu chính Trung Quốc thông báo hai phó chủ tịch từ chức.
Hôm 13/04, ông Trịnh Quốc Vũ (Zheng Guoyu), phó chủ tịch của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đã rút khỏi ban hội đồng quản trị. ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản.
Hôm 17/04, bốn giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng CITIC Trung Quốc, Ngân hàng Nông thôn Tô Châu Giang Tô, và Ngân hàng Trịnh Châu đã tuyên bố từ chức.
Các cơ quan quản lý đã điều tra lĩnh vực ngân hàng trong thời gian diễn ra những vụ từ chức này. Theo các bản tin của Trung Quốc, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng đang bị điều tra, và các tội danh bị cáo buộc liên quan đến hối lộ và cho vay bất hợp pháp.
ĐCSTQ sở hữu các ngân hàng lớn, và các ngân hàng khu vực thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương trực thuộc chính quyền trung ương. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản đều đến từ Trung Quốc, trong đó bốn ngân hàng Trung Quốc vượt qua cả hai ngân hàng JP Morgan Chase và Bank of America.
Lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng. Nhiều phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát tài chính và chính trị.
Theo nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming), lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã bị phe cánh của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và cựu phó chủ tịch Ủy ban ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) chi phối. Ông Lý cho biết họ bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động mờ ám trong thị trường chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Mặc dù Giang Trạch Dân đã qua đời hồi tháng Mười Một năm ngoái, nhưng đồng minh thân cận của ông ta trong băng đảng Thượng Hải là Tăng Khánh Hồng, vẫn đang đe dọa đến quyền lực của ông Tập, và các thành viên của phe này không trung thành với ông Tập.
Ông Lý lưu ý rằng các cuộc điều tra gần đây tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang diễn ra trong khi các giám đốc điều hành của công ty cổ phần hạng A đang cùng nhau giảm lượng nắm giữ của họ thành tiền mặt, và thị trường chứng khoán đang lao dốc.
Ông nói rằng đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang tranh giành quyền thống trị trong lĩnh vực ngân hàng.
Nga ghi nhận 5.990 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong
Liên Thành
TASS ngày 29 tháng 4 dẫn báo cáo từ Trung tâm khủng hoảng chống vi-rút corona liên bang cho biết, các trường hợp được xác nhận là mắc COVID-19 ở Nga đã tăng lên 5.990 người trong ngày qua, với 32 trường hợp tử vong.
Một ngày trước đó, Nga đã báo cáo 6.548 trường hợp nhiễm COVID-19 mới hàng ngày và 31 trường hợp tử vong. Tổng cộng, Nga đã ghi nhận 22.845.868 trường hợp mắc COVID-19 và 398.271 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở nước này.
Trung tâm khủng hoảng cũng báo cáo, số ca phục hồi do coronavirus đã tăng lên 7.186 trong 24 giờ qua so với 7.775 một ngày trước đó. Trong khi đó có tới 920 người phải nhập viện trong 24h qua, tăng tăng 1,7% so với 905 người của một ngày trước đó.
Tại Mát-xcơ-va, có tới sáu bệnh nhân coronavirus đã chết ở thủ đô của Nga trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 48.683 trường hợp.
Quân đội Sudan chặn hơn 100 người Anh khỏi chuyến bay di tản cuối cùng
Liên Thành
Hơn 100 công dân Anh có khả năng mắc kẹt ở Sudan khi quân đội nước này cấm họ lên chuyến bay di tản cuối cùng. Thông tin này được nhật báo Anh The Guardian loan báo hôm 29/04.
Ấn phẩm lưu ý Vương Quốc Anh đã thực hiện 21 chuyến bay di tản 1.888 người, nhưng hơn 100 người vẫn còn ở Sudan. Họ được cho là sẽ rời đi vào ngày 29 tháng 4 lúc 18:00, nhưng quân đội Sudan không cho phép họ rời đi.
Vào tối thứ Bảy, ngay sau 9 giờ tối, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chuyến bay cuối cùng, dự kiến khởi hành lúc 18:00, vẫn ở sân bay gần Khartoum. Không có lý do nào được đưa ra cho sự chậm trễ.
Trước đó, nghị sĩ Anh Alicia Kearns cho biết bà có tin quân đội Sudan đang ngăn cản công dân đi tới Khartoum để lên máy bay di tản.
Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét vấn đề này và xem liệu có sự thật nào trong đó không. Nếu đúng như vậy, bạn có những công dân Anh đang mắc kẹt và không thể đến nơi di tản”.
Hiện những người mắc kẹt ở Sudan đang đối diện với tương lai không chắc chắn. Họ có thể chọn đi phía bắc tới Ai Cập, hoặc là về phía đông tới Cảng Sudan trên Biển Đỏ.
Về phía Ai Cập, Bộ Y tế nước này cho biết họ đã khai triển thêm nhân viên tới hai cửa khẩu biên giới với Sudan để hỗ trợ những người mới đến cần được chăm sóc, gần hai tuần sau khi giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bắt đầu.
Hồng Kông: Bức ảnh thỉnh nguyện thu hút chú ý và được khen ngợi
Lý Hoài Quất / Vision Times
Sau khi Hồng Kông thực thi “Luật An ninh Quốc gia”, hầu như tất cả các tiếng nói đối lập đều bị đàn áp. Mới đây, nhóm Facebook “Kao bei wu mao“ đã đăng một bức ảnh phản đối cá nhân, khiến cư dân mạng thảo luận sôi nổi.
Trong ảnh, một người đàn ông lớn tuổi cầm cây thánh giá có khắc hình Chúa Giêsu trên đầu bằng cả hai tay. Trên cổ ông là một tấm bảng với 5 dòng chữ viết tay:
“Luật An ninh quốc gia tước bỏ quyền con người;
Giả danh an ninh quốc gia để thực thi an ninh của đảng;
Giám sát xã hội người dân im tiếng;
Đàn áp những người bất đồng chính kiến và bịt miệng họ;
Trời bảo hộ, chế độ chuyên chế của Hồng Kông sớm sụp đổ.”
Vì lý do bảo mật, khuôn mặt của ông được làm mờ. Khung cảnh là trung tâm thành phố Mong Kok nhưng không rõ thời điểm chụp. Bài đăng không ghi rõ thời gian mà chỉ ghi chữ “Chiến binh”.
Một số cư dân mạng nghi ngờ rằng bức ảnh được chụp trong chiến dịch chống dẫn độ. Xét cho cùng, hiện tại ở Hồng Kông đang có rất nhiều bất ổn. Không nói đến các cuộc biểu tình công khai, những người đăng bài phát biểu phản đối trên diễn đàn thảo luận cũng đều có nguy cơ bị bắt.
Phóng viên đã tìm kiếm bằng hình ảnh, và thấy rằng trước đó bức ảnh này chưa từng được công bố trên Internet. Nói cách khác, đây không phải là một bức ảnh cũ, có lẽ là mới được chụp gần đây.
Bức ảnh trên đã nhận được hàng ngàn lượt thích và rất nhiều bình luận. Cư dân mạng phản hồi:
“Tất cả đều là sự thật, và đó là tiếng lòng của nhiều người.”
“Cả Hồng Kông giận dữ mà không dám lên tiếng, những kẻ giả tạo trực tiếp quy phục (ĐCSTQ)”.
“Người Hồng Kông dũng cảm.”
“Hãy nói lên sự thật.”
“Hy vọng ông ấy được an toàn!”
“Mong người tốt một đời bình an.”
“Trời bảo hộ người tốt một đời bình an.”
“Câu nào cũng đúng, nhưng vi phạm Luật An ninh quốc gia và làm rò rỉ bí mật quốc gia.”
“Thật hiếm có khi những người ở thế hệ của họ suy nghĩ được sáng suốt như vậy… Những người thực sự khôn ngoan sẽ không bao giờ bị chế độ tẩy não.”
“Thật dũng cảm!” “Không sợ hãi!” “Chúa ở bên cạnh ông”.
“Thật hiếm có khi vẫn còn tiếng nói phản đối.”
“Giữa thời loạn lạc như thế này, ông ấy vẫn có dũng khí đứng ra kêu oan cho dân. Thật can đảm, dũng cảm và chính nghĩa! Chúc phúc cho ông.”
“(Có vẻ như) trong mắt ông ấy chẳng có ai.”
“Tôi bắt đầu lo lắng cho ông ấy. Than ôi! … Ông phải bình an nhé!”
“Chúa phù hộ chiến binh.”
“Anh hùng chân chính”, “kẻ sĩ nghĩa hiệp”, “Hồng Kông cần những người như vậy, cố lên”.
“Một chính quyền độc tài dữ hơn cọp, ngày vong đảng, vong quốc đang đến gần!”
Mặc dù phong trào phản đối dẫn độ năm 2019 chủ yếu là giới trẻ, nhưng cũng có rất nhiều “người tóc bạc” tham gia. Bởi nhiều người lớn tuổi ở Hồng Kông được sinh ra ở Đại Lục, họ cùng gia đình di cư đến Hồng Kông để thoát khỏi sự chuyên chế của ĐCSTQ, hoặc đã liều mạng theo đuổi tiếng gọi của tự do, đào tẩu đến Hồng Kông khi còn trẻ. Do đó, họ hiểu biết sâu sắc về ĐCSTQ.
Bức ảnh một người cao tuổi thỉnh nguyện trong phong trào chống dẫn độ cũng khiến vô số người biểu tình và cư dân mạng xúc động. Bối cảnh của bức ảnh là cuộc tụ tập chiếm trung tâm.
Một người đàn ông “tóc bạc” treo một tấm biển trên cổ, với dòng chữ viết tay: “Tuổi trẻ ngày nay, hãy cống hiến cho Hồng Kông. Vấn đề vẫn chưa kết thúc. Vài năm nữa, những người xuống đường chính là thế hệ tiếp theo của các bạn.”
Một cư dân Hồng Kông nói với Vision Times lý do vì sao anh ấy yêu và tự hào về Hồng Kông, là vì luôn có những con người dám bước ra đối đầu với chế độ độc tài. Họ không đánh mất lương tri, họ là hoa sen giữa đầm lầy, đem lại hy vọng và dũng khí cho những con người đang trong bóng tối.