Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về nắng nóng với 44.1 độ C
Kỷ lục nhiệt độ cao nhất của Việt Nam được ghi nhận trong chiều nay (6/5) là 44,1 độ C tại xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay (6/5), nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi.
Theo đó, nhiệt độ lúc 13h ở phía Tây Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 41 độ C.
Cụ thể, tại Lạc Sơn (Hòa Bình) 41,7 độ C; Hòa Bình 41,3 độ C; Hồi Xuân (Thanh Hóa) 42,4 độ C; Quỳ Châu (Nghệ An) 42 độ C; Tương Dương (Nghệ An) 42,5 độ C; Tây Hiếu (Nghệ An) 42,5 độ C; Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,3 độ C… Độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 33-55%.
Đáng chú ý, tại trạm Hồi Xuân (Thanh Hóa), nhiệt độ đo lúc 16h là 44,1 độ C.
Đây là kỷ lục được xác lập về nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay. Kỷ lục này đã xô đổ kỷ lục trước đây là 43,4 độ C được đo tại Hương Khê, Hà Tĩnh ngày 25/4/2019.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Nắng nóng gay gắt sẽ giảm dần và chấm dứt.
Dự báo khoảng đêm ngày 7 và 8/5, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.
Ngày và đêm 8/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc bộ phổ biến 22-25 độ C, vùng núi có nơi dưới 22 độ C.
Do tác động của các hình thái thiên tai kể trên, từ chiều tối, đêm 7 và 8/5, Bắc bộ, Bắc Trung bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế từ ngày 8/5 có mưa rào và dông rải rác; cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Ngoài ra, từ ngày 8/5 ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào, dông rải rác (thời gian xảy ra mưa dông tập trung vào chiều và tối), cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Minh Long
Bắt tạm giam kiểm sát viên VKSND tỉnh Bạc Liêu
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam một kiểm sát viên để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Báo chí nhà nước ngày 6/5 cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trịnh Út Mười (SN 1982), kiểm sát viên trung cấp thuộc Văn phòng Viện KSND tỉnh Bạc Liêu.
Ông Mười bị điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan chức năng cũng khám xét nơi làm việc và nhà riêng của ông Trịnh Út Mười tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Ông Mười bị khởi tố, bắt tạm giam có liên quan vụ đến vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của một tiểu thương ở phường 1, TP. Bạc Liêu, xảy ra vào năm 2022.
Phạm Toàn
Giá điện tăng giữa cao điểm nắng nóng, hóa đơn lại ‘nhảy vọt’
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa thông báo từ hôm nay (4/5) chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành. Lãnh đạo EVN trấn an rằng việc tăng giá điện ở mức 3% chỉ giảm thiểu khó khăn cho EVN, chứ chưa thể giúp EVN bù đắp số lỗ lớn năm 2022.
Báo Dân Việt đưa tin, chiều 4/5, tại cuộc họp báo về việc tăng giá điện bán lẻ 3% (1.864,44 đồng lên mức 1.920,7 đồng) bắt đầu áp dụng từ ngày 4/5, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết mức tác động của 3% đối với nền kinh tế là không đáng kể.
Lãnh đạo EVN trấn an rằng việc tăng giá điện ở mức 3% chỉ giảm thiểu khó khăn cho EVN, chứ chưa thể giúp EVN bù đắp số lỗ lớn năm 2022, khoảng 1,1 tỷ đô la.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, việc tăng giá điện 3%, ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm của EVN là khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn cho EVN.
Giá than, giá dầu và tỷ giá là những vấn đề gây sức ép nhất với giá thành sản xuất điện năm 2022. Cụ thể, năm 2022, EVN bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Xuân Nam cho biết, năm 2022 là năm rất khó khăn của tập đoàn do bị lỗ rất lớn. Bản thân tập đoàn đã nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn. Do khủng hoảng nhiên liệu đầu vào của thế giới năm 2022, gồm cả khí, than và dầu, chi phí đầu vào của EVN tăng rất cao. Trong đó, giá than có những giai đoạn tăng gấp 4 lần so với năm 2021, giá dầu tăng gấp đôi khiến chi phí sản xuất điện tăng rất mạnh.
EVN gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo.
Về tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI, lãnh đạo EVN cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, CPI sẽ tăng 0,17%; thực tế giá điện chỉ tăng 3% thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu tác động đến CPI, do đó tác động đối với nền kinh tế là không nhiều.
Hội An