Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch gia nhập NATO
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bác bỏ việc Nhật Bản gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng để ngỏ khả năng NATO thành lập văn phòng liên lạc tại quốc gia này.
Hôm 24/5, ông Kishida thừa nhận rằng NATO đang có kế hoạch mở một văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản) – văn phòng liên lạc thường trực đầu tiên của liên minh quân sự này tại châu Á – nhưng nói rằng ông “không biết về bất kỳ quyết định nào” mà liên minh đã đưa ra về vấn đề này, theo hãng tin Reuters.
Động thái này diễn ra ra sau khi đặc phái viên Nhật Bản Koji Tomita tuyên bố rằng Nhật Bản đang cân nhắc thành lập văn phòng liên lạc của NATO ở châu Á để tạo điều kiện cho liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo tham vấn ý kiến các đối tác trong khu vực.
Theo tờ Japan Times, ông Tomita nói với các phóng viên ở Washington hồi đầu tháng này rằng: “Tôi thực sự chưa nghe được bất kỳ xác nhận chắc chắn nào, nhưng chúng tôi đang đi theo hướng đó”.
Văn phòng sẽ giúp NATO tham vấn với các đối tác chủ chốt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (AP4) gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời đóng vai trò là đầu mối liên lạc với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo hãng tin Nikkei Asia, mục tiêu đề xuất của NATO là khai trương văn phòng một người tại Tokyo vào năm tới. Đề xuất này ban đầu được thảo luận trong chuyến thăm Tokyo ngày 31/1 của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ giám sát chặt chẽ “việc NATO không ngừng mở rộng về phía đông ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Ngoài ra, bà Mao Ninh cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản nên thận trọng trong các vấn đề an ninh quân sự và khu vực châu Á – Thái Bình Dương không hoan nghênh đối đầu về mặt quân sự với các quốc gia phương Tây.
NATO cáo buộc Trung Quốc ‘bắt nạt’
Trong chuyến thăm Tokyo, ông Stoltenberg và ông Kishida đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa NATO và Nhật Bản. Ông Stoltenberg nói “không có đối tác NATO nào gần gũi hơn hoặc có năng lực hơn Nhật Bản” trong khu vực.
“Chúng tôi nhất trí rằng an ninh xuyên Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những gì xảy ra trong khu vực này rất quan trọng đối với NATO. Và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng đối với quý vị”, ông nói trong một cuộc họp báo chung.
Năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua 3 văn kiện quân sự quan trọng, trong đó có Chiến lược An ninh Quốc gia. Chiến lược này đề cập đến Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản. Nước này đã tìm cách trả đũa những thách thức trên, một động thái được coi là đi ngược lại hiến pháp thời hậu chiến của “đất nước mặt trời mọc”.
Ông Stoltenberg cũng ca ngợi kế hoạch an ninh quốc gia của Nhật Bản và hứa sẽ hỗ trợ nước này hiện thực hóa mục tiêu về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
“Chiến lược của quý vị thừa nhận rằng hành vi của Trung Quốc là ‘một vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng’ và NATO đồng tình với điều này”, ông nói, đồng thời chỉ trích ĐCSTQ vì đã “bắt nạt các nước láng giềng và đe dọa Đài Loan”.
Thủ tướng Nhật Bản thông báo rằng Nhật Bản có kế hoạch thường xuyên tham dự các cuộc họp cấp cao của hội đồng và các cuộc họp của người đứng đầu bộ quốc phòng để thúc đẩy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và liên minh.
Theo một tuyên bố chung (pdf), cả hai bên đã cam kết thúc đẩy mối quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, không gian, chiến dịch thông tin sai lệch cũng như các công nghệ quan trọng và mới nổi.
“Trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và mở rộng các hoạt động quân sự, chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ Trung Quốc cải thiện tính minh bạch và hợp tác mang tính xây dựng với các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân”, tuyên bố cho biết.
Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Takse-Jensen tuyên bố rằng tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể kể từ Khái niệm Chiến lược năm 2010 của NATO. Bối cảnh này khiến NATO phải tăng cường quan hệ với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Vào thời điểm đó, Nga được coi là một đối tác tiềm năng và không đề cập đến Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, các nhà lãnh đạo liên minh đã xác định rằng Nga không còn là đối tác mà là đối thủ, và rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ và có thể ảnh hưởng đến an ninh xuyên châu Âu”, ông nói với tờ Nikkei Asia.
“Đây là lý do tại sao điều quan trọng đối với NATO là duy trì quan hệ với các đối tác của chúng tôi trong khu vực này”.
Lam Giang biên dịch
Hướng dẫn viên người Nepal lập kỷ lục leo đỉnh Everest 28 lần
Hướng dẫn viên kỳ cựu người Nepal Kami Rita đã leo lên đỉnh Everest lần thứ 28 vào thứ Ba, đánh bại kỷ lục của chính mình chưa đầy một tuần sau khi thiết lập nó.
Ông Bigyan Koirala, quan chức ngành du lịch Nepal, cho biết sau khi hoàn thành kỷ lục leo đỉnh Everest thứ 27 vào tuần trước, hướng dẫn viên leo núi Kami Rita, 53 tuổi, đã thực hiện kỷ lục lần tiếp theo.
Hướng dẫn viên Kami Rita đã leo lên đỉnh Everest ở độ cao 8.849 mét dọc theo tuyến đường sườn núi phía đông nam truyền thống. Đây là tuyến đường phổ biến nhất để đến đỉnh Everest kể từ lần đầu tiên hai người New Zealand là Sir Edmund Hillary và Tenzing Norgay leo lên vào năm 1953.
Ông Thaneswar Guragai, tổng giám đốc của công ty leo núi Seven Summit Treks, nơi anh Kami Rita làm việc, cho biết: “Anh Kami Rita đang trên đường từ đỉnh núi xuống. Anh ấy đã leo núi cùng các khách hàng, hiện chúng tôi đang chờ thông tin chi tiết.”
Công ty cho biết leo núi là niềm đam mê của người Sherpa (một dân tộc ở Nepal) và “anh Kami Rita có niềm đam mê leo núi mãnh liệt từ khi còn nhỏ. Anh đã leo núi trong hơn 20 năm.”
Kể từ lần đầu tiên leo lên đỉnh Everest vào năm 1994, hầu như năm nào anh Kami Rita cũng leo lên ngọn núi cao nhất thế giới này, ngoại trừ việc chính phủ Nepal cấm leo núi trong 3 năm (2014, 2015 và 2020) vì nhiều lý do.
Anh Garrett Madison của công ty leo núi Madison có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã leo lên đỉnh Everest 12 lần, trong đó có 5 lần cùng với anh Kami Rita. Anh nói với tờ Theguardian mô tả anh Kami Rita là một “nhà leo núi rất mạnh mẽ”.
“Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng khi chứng kiến một nhà leo núi địa phương tiếp tục vượt qua các giới hạn trên đỉnh Everest,” anh Madison nói từ trại căn cứ của Everest, nơi anh đang chuẩn bị cho lần leo núi thứ 13.
Tháng 5 là thời điểm lý tưởng để chinh phục đỉnh Everest, với thời tiết quang đãng trước khi gió mùa từ phía nam kéo đến mang theo mây và tuyết lên các đỉnh núi và mưa xuống vùng đất thấp.
Quốc gia thuộc dãy Himalaya, vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động leo núi, đi bộ xuyên rừng và du lịch để thu ngoại tệ. Năm nay, Nepal đã cấp kỷ lục 478 giấy phép cho mọi người leo lên đỉnh Everest, so với kỷ lục trước đó là 408 vào năm 2021.
Rất nhiều người Sherpa kiếm sống bằng cách hướng dẫn khách hàng nước ngoài lên Everest và những ngọn núi khác. Cha và anh trai của anh Kami Rita đều là các hướng dẫn viên leo núi chuyên nghiệp.
Một người Sherpa khác đã lên đỉnh Everest lần thứ 27 trong tuần này, kỷ lục chỉ đứng sau anh Kami Rita. Nhà leo núi người Anh Kenton Cool đã leo lên đỉnh Everest lần thứ 17 vào tuần trước. Anh hiện đang giữ kỷ lục về nhiều lần lên đỉnh Everest nhất bởi một người không phải là người Nepal.
Thanh Mộc
Nga và Trung Quốc ký nhiều hiệp định kinh tế tại Bắc Kinh
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm thứ Tư (24/5) đã ký một loạt các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc. Ông Mishustin đang có chuyến công du Bắc Kinh và mô tả mối quan hệ song phương Nga-Trung hiện tại ở tầm mức cao chưa từng có tiền lệ.
Thủ tướng Mikhail Mishustin là quan chức cấp cao nhất của chính phủ Nga tới thăm Trung Quốc kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào tháng Hai năm ngoái. Ông Mishustin đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và sẽ tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm của ông Mishustin đến sau khi Nga và Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với tuyên bố chung G7 phát hành cuối tuần qua, trong đó lên án cả Nga và Trung Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến tranh tại Ukraine.
“Hôm nay, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ở tầm mức cao chưa từng có tiền lệ”, ông Mishustin nói với ông Lý Cường trong cuộc họp tại Bắc Kinh.
“Mối quan hệ này được đặc trưng bởi sự tôn trọng lẫn nhau về lợi ích của nhau và mong muốn cùng đáp trả các thách thức, phù hợp với sự hỗn loạn ngày càng tăng trong khu vực quốc tế và mô hình áp lực ghê gớm từ cộng đồng phương Tây”, ông Mishustin nói.
“Như những người bạn Trung Quốc của chúng tôi nói, đoàn kết có thể giúp chúng ta chuyển núi”, ông Mishustin nói thêm.
Các hiệp định Nga và Trung Quốc ký với nhau hôm 24/5 bao gồm một thỏa thuận về làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác đầu tư trong các dịch vụ thương mại, một hiệp định về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, và một hiệp định khác về hợp tác trong lĩnh vực thể thao.
‘Bạn Chí Thân’
Ông Tập Cận Bình đã thăm Nga hồi tháng Ba và hội đàm với ‘bạn chí thân’ Tổng thống Vladimir Putin, sau khi hai nhà lãnh đạo đã cam kết về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước khi Nga phát động tấn công Ukraine đầu năm 2022, cuộc chiến mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”.
Trung Quốc đã đang bác bỏ các nỗ lực của phương Tây nhằm liên kết mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow với cuộc chiến Ukraine. Họ khẳng định rằng mối quan hệ Trung-Nga không vi phạm các chuẩn mực quốc tế và Trung Quốc có quyền hợp tác với bất cứ ai mà họ chọn, cũng như mối quan hệ hợp tác của họ không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào.
Ông Lý Cường nói với ông Mishustin: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để thực thi hợp tác chung giữa hai quốc gia, và thúc đấy mối quan hệ hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực có thế đưa nó lên một tầm mức mới”.
Trong tháng Tư, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tiếp tục tăng lên mức 153,1% so với cùng kỳ năm ngoài. Trước đó, hồi tháng Ba xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng gấp đôi, theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc.
Các chuyến hàng năng lượng của Nga sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 40% trong năm nay, và hai nước đang thảo luận về cung cấp thiết bị công nghệ tới Nga, theo hãng tin Interfax.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev hôm thứ Hai (22/5) đã hội đàm với ông Chen Wenqing, ủy viên Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách các vấn đề cảnh sát, pháp lý và tình báo. Ông Nikolai Patrushev nói rằng làm sâu sắc mối quan hệ với Trung Quốc là lộ trình chiến lược của Nga.
Trung Quốc đã đang kiềm chế không công khai lên án Nga xâm lược Ukraine. Từ tháng Hai, ông Tập Cận Bình đã đang thúc đẩy kế hoạch hòa bình 12 điểm, biện pháp vấp phải sự hoài nghi từ phương Tây và sự chào đón có phần thận trọng từ Kyiv.
Tuần trước, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề châu Âu Li Hui đã thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky, mở đầu cho một chuyến công du châu Âu mà Bắc Kinh coi đó là nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ông Li Hui dự kiến sẽ tới thăm Nga vào thứ Sáu (26/5), theo hãng tin nhà nước Nga TASS.
Hải Đăng (Theo Reuters)
Bộ trưởng Nội vụ Nga ‘ngay lập tức’ thăm Ả Rập Saudi vài ngày sau khi TT Zelensky rời đi
Hãng AP trích dẫn các phương tiện truyền thông nhà nước Saudi cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Nga – Vladimir Kolokoltsev đã đến thăm Ả Rập Saudi vào ngày 23 tháng 5.
Chuyến đi của ông Kolokoltsev tới Riyadh diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Ukraina Zelensky tới thành phố Jeddah của Ả rập Saudi, nơi ông gặp Thái tử Mohammed bin Salman và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập.
Bộ trưởng Nội vụ Nga được cho là đã gặp người đồng cấp Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Saud để thảo luận về “các cách tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước”.
Bộ trưởng Nội Nga Vladimir Kolokoltsev đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì các hoạt động của Nga ở Syria và Ukraina. Kể từ đó, ông ấy đã xuất hiện trong danh sách trừng phạt của Úc, Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh.
Chính quyền Riyadh đã tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên trong Chiến tranh Nga-Ukraina.
Tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với Mát-xcơ-va, chính phủ Ả Rập Xê Út đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thả 10 chiến binh Ukraina sinh ra ở nước ngoài khỏi sự giam cầm của Nga vào tháng 9 năm 2022.
TT Zelensky đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập- Saudi Faisal bin Farhan Al Saud vào ngày 26 tháng 2, sau đó Ả rập- Saudi xác nhận cam kết cung cấp cho Ukraina 100 triệu đô la viện trợ nhân đạo và 300 đô la sản phẩm dầu mỏ.
Tuy nhiên, các bước đi của chính quyền Riyadh đã khiến nước này bất hòa với các đối tác phương Tây của Ukraina.
Vào ngày 3 tháng 4, Riyadh và các quốc gia khác thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố cắt giảm mạnh sản lượng dầu, làm tăng giá thành sản phẩm và được cho là gián tiếp hỗ trợ Nga.
Liên Thành
Bão tố’ cũng phải đầu hàng: Màn thuyết trình ấn tượng của biệt đội Nga
Ngày 24/5, trên kênh Telegram của mình, phóng viên chiến trường Yury Butusov có đăng một đoạn video cho thấy phần thuyết trình đầu hàng của một nhóm binh sĩ Nga.
Một nhóm gồm 28 binh sĩ đã bị bắt. Tất cả đều thuộc đội tấn công đặc biệt thuộc lữ đoàn 110 của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
Đại diện của nhóm binh sĩ này đã có bài thuyết trình đầu hàng, trong đó có lời kêu gọi dành cho ông Putin và phàn nàn về chỉ huy quân đội Nga.
Đại diện trình bày cũng là chỉ huy của biệt đội này, ngoài ra còn có 3 sĩ quan, sĩ quan cấp cao nhất là Đại Úy. Biệt đội này có tên gọi là “Storm” hay còn lại là “Bão tố”.
Biệt đội “Bão tố” đã bị lữ đoàn bộ binh cơ giới 59 của Lực lượng vũ trang Ukraina đánh bại hôm 21/5 tại khu vực Avdiivka, tất cả những người sống sót sau trận chiến đã đầu hàng một cách có tổ chức.
Ông Butusov đã bình luận đính kèm cùng video trên, “Màn thuyết trình thật ấn tượng”.
Tạ Linh
Bắc Kinh và Mát-xcơ-va hợp tác ở ‘cấp độ mới’
Theo The Guardian, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết hôm thứ Tư rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để thúc đẩy sự hợp tác thực chất của họ trong nhiều lĩnh vực và đưa nó lên một “cấp độ mới”.
Ông Lý nói với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trong cuộc gặp tại Bắc Kinh rằng sự hợp tác thực dụng giữa Trung Quốc và Nga đang cho thấy xu hướng phát triển “tốt đẹp” và quy mô đầu tư giữa hai bên cũng liên tục được nâng cấp.
Ông Mishustin là quan chức cấp cao nhất của Nga đến thăm thủ đô của Trung Quốc kể từ khi Mát-xcơ-va đưa hàng nghìn binh sĩ vào Ukraina vào tháng 2/2022.
Liên Thành
Đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ sẽ tiếp tục ‘ngoại giao sói chiến’?
Sau hơn 4 tháng ông Tần Cương nhậm chức Ngoại trưởng, chiếc ghế trống Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giao cho ông Tạ Phong hôm 23/5. Liệu vị đại sứ mới có tiếp tục phong cách ‘ngoại giao sói chiến’ vốn có của chính quyền này?
Nhiều nguồn tin phân tích việc phía Trung Quốc chậm trễ bổ sung đại sứ tại Mỹ một phần vì quan hệ căng thẳng giữa hai bên, chỉ ra khả năng ông Tạ Phong có thể được bổ nhiệm cho vị trí này.
Việc ông Tạ Phong đến Mỹ cho thấy có thể Trung Quốc muốn xoa dịu quan hệ căng thẳng. Đầu tháng này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc hội đàm tại Vienna với nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị của ĐCSTQ, cuộc hội đàm được hai bên mô tả là “thẳng thắn, sâu sắc, thực chất và mang tính xây dựng”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Nhóm Bảy nước (G7) ở Hiroshima – Nhật Bản rằng quan hệ với Bắc Kinh nên “sớm tan băng”.
Về vấn đề này, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Ivan Kanapathy có quan điểm cho rằng thời điểm bổ nhiệm ông Tạ Phong “cho thấy hai bên đang tan băng… nhưng sẽ không đảo ngược hay ngăn chặn con đường ‘xua tan rủi ro’ mà hai bên đang tiến bước”.
Được biết, ông Tạ Phong cũng là nhân vật có thành tích ngoại giao “sói chiến”, trong thời gian quan chức này làm nhiệm vụ đặc phái viên ở Hồng Kông từng quy kết và lên án “bàn tay thế lực nước ngoài” gây ra phong trào người Hồng Kông chống dự luật dẫn độ. Vào tháng 7/2021 khi ông Tạ Phong hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Sherman (Wendy Sherman) cũng đã có những phát ngôn đầy ngạo mạn khiêu khích.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, ông Tạ Phong sẽ có biểu hiện như thế nào sau khi đến Washington thì vẫn còn phải chờ xem.
Chuyên gia nổi tiếng của Mỹ về Trung Quốc, từng là phó trợ lý ngoại trưởng dưới thời chính quyền Clinton, ông Susan Shirk chia sẻ: “Ngoại giao chiến lang [của ĐCSTQ] khiến Washington khó tiếp nhận, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông ấy (Tạ Phong) giống chiến lang hơn là người giải quyết vấn đề”.
Ông Tạ Phong đã đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp hội nghị thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái, ngoài ra còn là nhà đàm phán chính của ĐCSTQ trong đàm phán thỏa thuận trao đổi tù nhân liên quan đến giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu. Vào tháng 9/2021, Mỹ đã miễn trừ việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, đổi lại ĐCSTQ trả tự do cho hai công dân Canada đã bị giam giữ 3,5 năm.
Ông Tạ Phong (59 tuổi) tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Trung Quốc, gia nhập Bộ Ngoại giao từ những năm 1980 và đã một thời gian dài tham gia vào các công việc liên quan đến Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, trong vai trò Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, những tháng gần đây ông Tạ Phong đã gặp đại diện nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Ford Motor (Ford Motor, F), Cohen Group, Blackstone, Juilliard School, Honeywell (HON)…
Tiêu Nhiên, Vision Times
Phiên tòa xét xử hình sự ông Trump bắt đầu tháng Ba năm sau
Một thẩm phán hôm thứ Ba (23/5) cho biết ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với phiên tòa hình sự ở New York vào ngày 25 tháng 3 năm 2024. Điều đó có nghĩa rằng cựu Tổng thống Mỹ sẽ bị xét xử vào thời điểm chiến dịch tranh cử giành đề cử tổng thống Mỹ năm 2024 của Đảng Cộng hòa đang diễn ra sôi nổi.
Ông Trump đang bị buộc tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản tiền bịt miệng một ngôi sao phim khiêu dâm. Ông dự kiến sẽ đi khắp đất nước vào mùa xuân tới cùng các đối thủ của ông khi các tiểu bang tổ chức các cuộc tranh cử làm ứng viên đề cử tổng thống của đảng.
Thẩm phán Juan Merchan tại tòa án bang Manhattan đã công bố ngày diễn ra phiên xét xử ông Donald Trump là vào ngày 25 tháng 3 năm 2024. Ông là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị buộc tội hình sự và hiện là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa vào năm 2024.
Thẩm phán Merchan cũng khuyên ông Trump nên hạn chế thảo luận công khai về một số bằng chứng nhất định do các công tố viên giao nộp.
Ông Trump đã không nhận 34 tội hình sự trong. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 23/5, ông Trump cho biết quyền tự do ngôn luận của ông đã bị vi phạm.
“Họ buộc chúng tôi phải ấn định ngày xét xử là 25 tháng 3, ngay giữa thời điểm bầu cử sơ bộ. Nó được gọi là CAN THIỆP BẦU CỬ”, ông Trump viết.
Về phía các công tố viên New York, họ nói rằng ông Trump đã tìm cách che giấu các khoản bồi hoàn cho luật sư lúc bấy giờ là ông Michael Cohen khoản thanh toán 130.000 đô la.
Ông Cohen cho biết khoản tiền trên trả cho bà Daniels (tên thật là Stephanie Clifford) để đổi lấy sự im lặng trước cuộc bầu cử năm 2016, về vụ quan hệ ngoài hôn nhân mà bà nói rằng bà đã có với ông Trump, điều mà Trump phủ nhận.
Theo các công tố viên, các khoản bồi hoàn đã che giấu hành vi vi phạm luật bầu cử New York và vi phạm giới hạn đóng góp cho chiến dịch tranh cử theo luật bầu cử liên bang.
Thẩm phán khẳng định các hạn chế không cản trở chiến dịch tranh cử của ông Trump
Trong phiên điều trần hôm 23/5, ông Trump nói với tòa rằng ông có một bản sao lệnh ngày 8 tháng 5, hạn chế ông tiết lộ một số bằng chứng cho bên thứ ba, bao gồm các hãng tin tức và trên mạng xã hội.
Luật sư của ông Trump, ông Todd Blanche cho biết ông Trump lo ngại lệnh này vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông theo Tu chính án thứ nhất.
Nhưng ông Blanche cũng giải thích với thân chủ của mình rằng thẩm phán Merchan không có ý định cản trở bài phát biểu của ông Trump và lệnh hạn chế đó không phải là lệnh bịt miệng, điều này chỉ ngăn cản ông công khai về vụ việc.
Thẩm phán Merchan cho biết ông không có ý hạn chế khả năng vận động tranh cử của ông Trump và cho biết cựu tổng thống “chắc chắn có quyền từ chối các cáo buộc, ông ấy có quyền tự bảo vệ mình trước các cáo buộc.”
Thẩm phán hôm 23/5 cũng cho biết rằng nếu ông Trump vi phạm các hạn chế, ông có thể bị kết tội không tuân lệnh và xem thường toà án.
Các hạn chế đặt ra cho ông Trump liên quan đến biên bản đại bồi thẩm đoàn, lời khai của nhân chứng và các tài liệu khác mà các công tố viên được yêu cầu chuyển cho bên bào chữa để chuẩn bị xét xử.
Các công tố viên cho biết lệnh này là cần thiết vì lịch sử tấn công mạng xã hội của ông Trump và nguy cơ các nhân chứng có thể bị quấy rối.
Anh Nguyên (Theo Reuters)