Tin thế giới sáng thứ Hai: Bắc Kinh thông qua chính sách hàng hải mới, làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Biển Đông

Bắc Kinh thông qua chính sách hàng hải mới, làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Biển Đông

Nhân Ngày Độc lập, người dân Philippines diễu hành phản đối việc Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển Philippines, bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Makati, Metro Manila, Philippines, ngày 12/06/2021. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây đã thông qua một số chính sách mới, trong đó hướng dẫn Cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ người nước ngoài. Động thái này làm leo thang căng thẳng xung quanh những tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Từ ngày 15/06/2023, Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ áp dụng các quy định mới liên quan đến việc xử lý “các vụ án hình sự”. Các quy định này nêu rõ rằng người nước ngoài có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các tội ác gây ra cho công dân Trung Quốc hoặc cho nhà nước Trung Quốc, ngay cả chúng xảy ra bên ngoài lãnh hải của Trung Quốc.

Ông Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan), là thành viên của Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ và là chuyên gia về các vấn đề xã hội của Trung Quốc, nói rằng theo phán quyết năm 2016 của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, thì các yêu sách và hoạt động hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Do đó, ĐCSTQ muốn hợp pháp hóa việc Cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ những người mà họ coi là “tội phạm” nước ngoài. Trên thực tế, một hành động như vậy tự nó đã là vi phạm luật pháp quốc tế.

Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và Philippines

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã có nhiều tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và thậm chí cả Đài Loan về các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc hung hăng leo thang mở rộng lãnh hải. Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, bao gồm cả tàu cá do nhà nước hậu thuẫn, thường xuyên đối đầu hoặc đụng độ với tàu của các nước kể trên.

Vào ngày 06/02, một tàu Cảnh sát biển Philippines đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Hải quân Philippines ở Biển Đông trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thì bị một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã buộc phải thay đổi hướng đi do tàu Trung Quốc chiếu tia laser quân sự và làm mù tạm thời một số thủy thủ đoàn Philippines. Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tàu Philippines đã đi vào trong vùng biển của Trung Quốc, mặc dù Philippines đang kiểm soát các đảo san hô tranh chấp đó.

Ngày 07/05, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã chụp ảnh một giàn khoan của Việt Nam trong vùng biển Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để thu thập “bằng chứng”, nhưng đã bị tàu của Cục Kiểm ngư Việt Nam chặn lại. Đây được coi là vụ xung đột mới giữa hai nước.

Việt Nam coi trữ lượng dầu khí ở Biển Đông là rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, vì chúng đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào tổng thu ngân sách nhà nước. Trữ lượng dầu mỏ tại Bãi Tư Chính lên tới hơn 5 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt tự nhiên là hàng nghìn tỷ mét khối, khiến nơi đây trở thành một trong ba khu vực giàu dầu khí nhất ở Quần đảo Trường Sa. Bãi Tư Chính chỉ cách bờ biển Việt Nam 250 dặm (khoảng 400 km) nhưng cách điểm cực nam của Trung Quốc hơn 750 dặm (khoảng 1.200 km).

Kể từ tháng 07/2017, Việt Nam đã thiệt hại hơn 1 tỷ USD do phải đình chỉ các hợp đồng dầu khí ở quần đảo Trường Sa với các công ty năng lượng Tây Ban Nha, Nga và Nhật Bản bởi áp lực từ phía chính quyền Trung Quốc.

Trước tình hình đó, vào năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đã công khai cáo buộc ĐCSTQ sử dụng các chiến thuật bắt nạt ở Biển Đông. Lần đầu tiên một vị Ngoại trưởng Mỹ nói rõ ràng rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Ông Pompeo cũng nói rằng Hoa Kỳ có thể sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước khác trong việc bảo vệ trữ lượng dầu khí ngoài khơi của họ trước hành động gây hấn của Trung Quốc.

Mỹ và Philippines hợp lực

Ông Tập Cận Bình đang tăng cường chi tiêu quân sự để phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc. ĐCSTQ, hiện có 2 tàu sân bay, muốn kiểm soát nhiều hơn quần đảo Trường Sa và các rạn san hô ở Biển Đông.

Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trở nên xấu đi kể từ năm 2014. Nguyên nhân một phần đến từ việc Trung Quốc xây dựng 10 căn cứ trên đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có 1 căn cứ quân sự nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Ông Herman Kraft, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines, cho rằng quan hệ song phương giữa Manila và Bắc Kinh trước đây không có vấn đề gì lớn do hai bên có lợi ích chung ở Biển Đông. “Tuy nhiên, vào năm 2012, [Trung Quốc] đã cố gắng giành quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây, và sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo”, ông Kraft nói. Các vụ việc đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Năm 2016, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng. Nó là kết quả của phán quyết của Tòa án The Hague. Tòa nhất trí phán quyết rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Ngày 02/02/2023, các bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Philippines đã đưa ra một tuyên bố chung đẩy nhanh việc thực hiện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014 giữa Hoa Kỳ và Philippines; theo đó Philippines sẽ cho Hoa Kỳ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự. Tuyên bố này được coi là động thái chống lại ĐCSTQ. Cuộc đối đầu giữa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và Philippines xảy ra chỉ 3 ngày sau khi tuyên bố được đưa ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 01/05. Hai vị tổng thống tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh an ninh Hoa Kỳ – Philippines vốn đã tồn tại hàng thập kỷ.

Ông Hạ Nhất Phàm tin rằng chính sách mới mà chính quyền Trung Quốc ban hành cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc là để đáp trả việc Philippines cho Hoa Kỳ sử dụng 4 căn cứ quân sự.

Ông Hạ đề xuất rằng Hoa Kỳ nên đẩy nhanh việc xây dựng một liên minh chống ĐCSTQ ở Biển Đông. Nếu liên minh này được thành lập, chắc chắn Đài Loan cũng sẽ an toàn hơn trước sự gây hấn ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Ben Liang • Kane Zhang

Xuân Hoa biên dịch

Papua New Guinea cho Ngân hàng Trung Quốc mở văn phòng dù đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ

Người dân đi ngang qua trụ sở Bắc Kinh của Ngân hàng Trung Quốc, vào ngày 26/08/2004. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Lễ ra mắt văn phòng đại diện của Ngân hàng Trung Quốc tại Papua New Guinea diễn ra vào thời điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực đang trở nên gay gắt.

Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã mở văn phòng đại diện tại Papua New Guinea (PNG), chi nhánh đầu tiên tại quốc đảo Nam Thái Bình Dương, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gay gắt.

Lễ ra mắt có sự tham dự của Chủ tịch BOC Ge Haijiao và Thủ tướng PNG James Marape vào ngày 01/06. Văn phòng mới được đặt tại thủ đô Port Moresby của PNG, theo ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.

Chủ tịch BOC cho biết, văn phòng mới biểu thị “một hành động cụ thể” trong việc thực hiện kế hoạch của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cấp cao hơn và cùng có lợi hơn” với PNG.

Ông khẳng định cam kết của ngân hàng trong việc tăng cường xây dựng mạng lưới dịch vụ hợp tác ở khu vực Nam Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác kinh tế Trung Quốc – PNG và đồng xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong bài phát biểu của mình, ông Marape nhấn mạnh rằng, đất nước của ông hoan nghênh tình bạn với tất cả mọi nước và không có thù hận với bất kỳ nước nào. Ông nói rõ rằng PNG sẽ không thỏa hiệp các giá trị đó trong bất kỳ trường hợp nào.

“Các công ty Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc là những đối tác quan trọng cho sự tiến bộ của chúng tôi trong 48 năm qua”, ông Marape nói, nhấn mạnh mối quan hệ thương mại ngày càng tăng của PNG với Bắc Kinh.

“Chúng tôi hy vọng ngân hàng này không chỉ có thể củng cố mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa hai dân tộc, hai quốc gia”, ông Marape nói thêm.

PNG có bốn ngân hàng được cấp phép, hai trong số đó thuộc sở hữu của Úc. Những ngân hàng này đang tìm cách giảm hoạt động vận hành tại quốc gia này.

Ông Marape nói rằng, hơn một nửa trong số 10 triệu dân của PNG không sử dụng dịch vụ ngân hàng và hầu hết các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa chuyển sang nền kinh tế chính thức.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ – PNG

Thông báo của BOC được đưa ra sau khi PNG ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ vào tuần trước nhằm củng cố mối quan hệ song phương của hai nước, giữa lúc Mỹ đang cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với PNG trong bối cảnh thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon có thể cho phép quân đội và vũ khí của Trung Quốc được triển khai trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã ký thỏa thuận thay mặt Tổng thống Joe Biden, cho biết thỏa thuận này sẽ cho phép Mỹ hỗ trợ PNG xây dựng năng lực phòng thủ và giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.

Ông Marape cho biết vẫn còn cần làm rõ những chi tiết của thỏa thuận, “chẳng hạn như lực lượng phòng vệ sẽ hoạt động như thế nào, họ sẽ làm gì, v.v.”

“Điều này sẽ xảy ra sau khi chúng tôi xem xét lại thỏa thuận đã ký và quốc hội quyết định các chi tiết cần thiết”, ông nói vào ngày 30/05 khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại hiệp định.

Ông Biden cũng đã mời ông Marape đến Washington để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào cuối năm nay, trong đó họ dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm quan hệ thương mại và kinh tế cũng như an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, quốc gia Thái Bình Dương này đã trì hoãn việc ký kết một hiệp ước an ninh được đề xuất với Úc do “một số từ ngữ và điều khoản” cần tham khảo ý kiến từ các quy trình trong nước.

Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Úc Richard Marles tại Seoul vào ngày 30/05, ông Marape khẳng định rằng, PNG “không bao giờ làm tổn hại đến mối quan hệ song phương tốt đẹp hiện có với Úc” và rằng chính phủ của ông “có khả năng quản lý các vấn đề chủ quyền theo các điều khoản, hệ thống và quy trình của mình”.

Úc và PNG vốn đã có mối quan hệ an ninh chặt chẽ và đã sát cánh cùng nhau tham gia vào các cuộc xung đột. Tuy nhiên, hai nước chưa bao giờ ký hiệp ước an ninh chính thức.

Hiệp ước được đề xuất sẽ tăng cường quan hệ đối tác của họ “bằng cách cung cấp một khuôn khổ ràng buộc về mặt pháp lý cho hợp tác an ninh trên nhiều lĩnh vực mà chúng ta cùng quan tâm và đóng góp cho an ninh, lòng tin và sự ổn định của khu vực và song phương”.

Bảo Nguyên biên dịch

Nga cấm nhà báo từ các quốc gia ‘không thân thiện’ tham gia diễn đàn kinh tế St. Petersburg

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc gặp với Tổng thống của Eritrea tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 31/05/2023. (Ảnh: Mikhail Metzel/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Một loạt các nhà báo từ Mỹ, Canada, châu Âu, Úc không đủ điều kiện tham gia Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, một sự kiện vốn thu hút được nhiều sự quan tâm diễn ra tại Nga.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ 7 (03/06) cho biết, các nhà báo từ các quốc gia bị Nga coi là không thân thiện đã bị cấm tác nghiệp tại diễn đàn kinh tế năm nay ở St. Petersburg, một trong những sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm.

Động thái này nhấn mạnh sự thù địch ngày càng gia tăng giữa Nga và các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine hoặc đã chỉ trích Moscow.

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 6 trong nhiều thập kỷ đã là công cụ để Nga quảng cáo cho sự phát triển và tìm kiếm các nhà đầu tư. Sự xuất hiện của ông Putin tại diễn đàn rất nổi bật và ông thường tận dụng cơ hội này để tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn với các hãng tin quốc tế.

“Vâng, thực sự là như vậy. Chúng tôi đã quyết định không cho phép các phương tiện truyền thông từ các quốc gia không thân thiện tham gia SPIEF lần này”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov được trích dẫn khi nói với hãng thông tấn nhà nước Tass.

Nga chính thức chỉ định nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, các thành viên Liên minh châu Âu và Úc là “không thân thiện” liên quan đến các lệnh trừng phạt được áp đặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Bảo Nguyên biên dịch

Thủ tướng Estonia: NATO không đe dọa an ninh của Nga mà đe dọa chủ nghĩa đế quốc Nga

Liên Thành

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tại một hội nghị ở Singapore. (Tác giả: Valitsuse pressibüroo/Flickr).

Nga từng tuyên bố rằng việc mở rộng của NATO đe dọa an ninh của nước này. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng, tuyên bố này là một sự hoang đường.

Bà Kallas cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang ERR sau khi phát biểu tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng:

“Gia nhập NATO là sự lựa chọn tự do của người dân chúng tôi, chứ không phải do bên ngoài áp đặt. Họ nói về việc mở rộng NATO như một quá trình không liên quan đến ý chí của các quốc gia, nhưng tôi phủ nhận điều này”.

Bà cũng lưu ý rằng những người đổ lỗi cho NATO về việc mở rộng lãnh thổ và leo thang căng thẳng đang áp dụng ngôn ngữ và hệ tư tưởng đế quốc do Nga thúc đẩy. Thủ tướng Estonia nói: “NATO không phải là mối đe dọa đối với an ninh của Nga, mà là đối với chủ nghĩa đế quốc Nga”.

Thủ tướng Estonia cũng kêu gọi phản ứng thích hợp đối với chiến tranh để không khuyến khích các nước khác gây hấn. Bà nói:

“Nếu việc sử dụng hành vi gây hấn như một công cụ để đạt được mục đích, đó là có nhiều lãnh thổ hơn hoặc nhiều tài sản hơn, thì các quốc gia khác có quyền lực lớn hơn cũng sẽ sử dụng công cụ này”.

Tình báo Anh: Chính quyền Nga hoang tưởng về màu vàng và xanh

Cờ Nga và Ukraine. (Ảnh: iStock).

Theo Bộ Quốc phòng Anh, những hạn chế nghiêm trọng do cuộc xâm lược Ukriana đã dẫn đến thực tế là bất kỳ biểu tượng nào có màu xanh lam và vàng đều gây ra phản ứng gay gắt và bị cấm. 

Bộ Quốc phòng Anh viết trong bản cập nhật chiến sự Ukraina vào ngày 4/6 rằng: “Ngày 9/5/2023, một nhân viên viện dưỡng lão đã bị bắt sau khi mặc áo khoác màu xanh và vàng đi làm.

Trong những ngày gần đây, lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga đã bắt giữ một người đàn ông 22 tuổi ở Volkhov gần St Petersburg vì trưng bày thứ mà cuối cùng được xác định là lá cờ màu xanh và vàng của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.

Cuộc đàn áp làm nổi bật sự không chắc chắn trong giới quan chức Nga vốn đang hoang tưởng về những gì được phép trong một hệ thống ngày càng chuyên chế.

Sự chỉ trích về các vụ bắt giữ đến từ một bộ phận không ngờ tới: Đảng Dân chủ Tự do theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ủng hộ chiến tranh. Biểu tượng riêng của đảng này có màu vàng trên nền xanh lam.

Liên Thành

Indonesia đề xuất kế hoạch hòa bình cho chiến tranh Nga-Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia – ông Prabowo Subianto. Ảnh: Caroline Chia/REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm thứ Bảy (4/6) đã trình bày một sáng kiến hòa bình mới giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine. Ông Subianto thúc giục các quan chức quân đội khắp thế giới hãy phát đi tuyên bố kêu gọi đình chiến.

Theo hãng tin RT, kế hoạch hòa bình nhiều điểm của ông Subianto bao gồm ngừng bắn và thiết lập một vùng phi quân sự với việc cả Nga và Ukraine phải rút lui 15 km từ các vị trí tiền tuyến tương ứng.

Bộ trưởng Subianto nhấn mạnh rằng vùng phi quân sự sẽ do lực lượng hòa bình của Liên Hiệp Quốc giám sát.

Ngoài ra, ông Subianto còn đề nghị thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tại lãnh thổ tranh chấp để xác định một cách khách quan nguyện vọng của đa số cư dân bản địa. Ông không nói rõ ông đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý tại khu vực nào.

“Tôi đề nghị rằng Đối thoại Shangri-La tìm một mô hình của… tuyên bố tình nguyện kêu gọi Ukraine và Nga hãy lập tức khởi động các cuộc đàm phán hòa bình”, ông Subianto nói.

Cũng trong phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La mà bộ trưởng quốc phòng Indonesia đề xuất kế hoạch hòa bình, ông Josep Borrell – đại diện cấp cao và phó chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thừa nhận rằng việc kết thúc ủng hộ quân sự cho Ukraine sẽ dẫn tới kết thúc nhanh chóng chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, ông Josep Borrell đã cảnh báo về một động thái như vậy, bởi vì nó có thể dẫn tới chủ quyền của Ukraine sẽ bị xâm phạm bởi thế lực bên ngoài.

Chúng ta cần mang hòa bình tới Ukraine”, nhưng đó phải là “hòa bình chính đáng, không phải là hòa bình có được do đầu hàng”, ông Borrell nói khi bình luận về đề xuất hòa bình của Indonesia.

Sáng kiến hòa bình nêu trên của Indonesia được công bố sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm cả Moscow và Kyiv vào năm ngoái. Trong chuyến công du đó, ông Joko Widodo đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các lãnh đạo hai nước Nga và Ukraine. Ông Joko Widodo khi đó là chủ tịch luân phiên của nhóm G-20 đã bày tỏ sẵn sàng trở thành một nhà trung gian hòa bình.

Mặc dù bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nhưng Indonesia đã đang kiềm chế áp đặt chế tài kinh tế lên Moscow.

Vào tháng Hai năm ngoái, Trung Quốc cũng đã nêu ra kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine. Tài liệu này phần nhiều tuyên bố lại những lập trường đã công khai của Bắc Kinh về cuộc chiến tranh tại Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước, và chấm dứt các chế tài kinh tế.

Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đã thúc giục tất cả các bên liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine hãy tránh mọi leo thang dính líu đến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đáng chú ý kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đã không đề xuất hoặc đề nghị quân đội Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

Hải Đăng

Nga sẵn sàng đối thoại về cuộc chiến diễn ra tại Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)

Hôm 3/6 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đối thoại, tìm giải pháp hòa bình cho các mục tiêu của Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, theo hãng tin TASS.

Trong chương trình “Moscow. Kremlin. Putin” của kênh truyền hình Rossiya-1, ông Peskov nêu rõ nhà lãnh đạo Nga đã, đang và sẽ cởi mở với bất kỳ kênh tiếp xúc nào liên quan các mục tiêu tại Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, theo ông Peskov, phương Tây không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào khác để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine ngoài chiến trường.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi liệu Moscow có sẵn sàng đàm phán với bất kỳ đại diện nào của chính quyền Kiev hiện nay hay không, ông Peskov đã bày tỏ nghi ngờ điều này. Ông giải thích rằng luật pháp Ukraine cấm mọi cuộc đàm phán với chính quyền Nga.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Ukraine đã bác bỏ đề xuất hòa bình do Indonesia đưa ra cũng như bác bỏ đề xuất ngừng bắn và thành lập khu phi quân sự (tương tự mô hình ở Triều Tiên và Hàn Quốc) giữa Nga và Ukraine, do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giám sát.

Đề xuất này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đưa ra trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore, với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng nhiều nước, trong đó có Mỹ và Ukraine.

Phan Anh

Lở núi ở lâm trường tỉnh Tứ Xuyên (TQ), ít nhất 19 người thương vong

Hình ảnh vào lúc 5:45 phút sáng ngày 24/6/2017, một vụ lở núi xảy ra ở huyện Mậu (Mao), tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Ngày 4/6, một ngọn núi cao thuộc một lâm trường quốc doanh ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, bị sạt lở, khiến ít nhất 14 người tử vong và 5 người mất tích.

Theo thông tin chính thức vào ngày 4/6 từ cơ quan chức năng quận Kim Khẩu Hà (Jinkouhe) thuộc thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, vào khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, một vụ lở núi cao đã xảy ra tại Lâm trường quốc doanh Lộc Nhi Bình ở thị trấn Vĩnh Thắng.

Tính đến 16:30 phút cùng ngày, đã tìm thấy thi thể 14 nạn nhân, còn 5 người mất tích.

Thông báo không tiết lộ tổng số người trong lâm trường vào thời điểm xảy ra vụ việc, cũng như không tiết lộ thông tin như danh tính của các nạn nhân.

Theo thông tin công khai, tổng diện tích của quân Kim Khẩu Hà là 598 km2, trong đó 99% là đồi núi, độ cao tối thiểu so với mực nước biển là là 530 mét, độ cao tối đa so với mực nước biển là 3321 mét. Tổng dân số là 56.000 người, trong đó hơn 5.000 người là dân tộc thiểu số, và dân tộc người Di chiếm ưu thế.

Trí Đạt (theo Epoch Times)

Nga cáo buộc Mỹ cài virus độc vào hàng nghìn chiếc điện thoại iPhone

(ảnh: Shutterstock)

Cơ quan an ninh Nga cho rằng những chiếc điện thoại iPhone của các nhà ngoại giao nước ngoài làm việc tại Nga, trong đó có Trung Quốc, Israel, Syria và các thành viên NATO, đều đã bị tấn công, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 1/6 tuyên bố đã phát hiện một âm mưu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nhằm sử dụng phần mềm độc hại để truy cập vào “lỗ hổng cửa sau” của điện thoại do hãng Apple sản xuất.

FSB cho hay rằng hàng nghìn điện thoại iPhone đã bị nhiễm virus đánh cắp dữ liệu người dùng, trong đó có cả điện thoại của các thuê bao nội địa Nga. Không chỉ có vậy, theo FSB, điện thoại của các nhà ngoại giao nước ngoài có trụ sở tại Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ cũng bị cài phần mềm độc.

FSB nhận định rằng âm mưu này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Apple và NSA – cơ quan chịu trách nhiệm về tình báo, an ninh và truyền thông của Mỹ.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng các tập đoàn công nghệ thông tin suốt nhiều thập kỷ qua để thu thập dữ liệu quy mô lớn về người dùng internet mà họ không hề hay biết. Việc thu thập dữ liệu ẩn được thực hiện thông qua các lỗ hổng phần mềm trong điện thoại di động do Mỹ sản xuất.

Theo Chỉ số sức mạnh mạng năm 2022 của Trung tâm Belfer thuộc Đại học Harvard, Mỹ là cường quốc không gian mạng hàng đầu thế giới xét về mục đích và khả năng, tiếp theo là Trung Quốc, Nga, Anh và Australia.

Các quan chức ở Nga từ lâu đã đặt câu hỏi về tính bảo mật của công nghệ Mỹ. Tổng thống Putin luôn nói rằng ông không có điện thoại thông minh, mặc dù Điện Kremlin cho biết ông thỉnh thoảng vẫn sử dụng Internet.

Đầu năm nay, tờ Kommersant đưa tin Điện Kremlin đã yêu cầu các quan chức tham gia chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024 ngừng sử dụng điện thoại iPhone trước lo ngại rằng các thiết bị này dễ bị các cơ quan tình báo phương Tây nhắm vào.

Phan Anh

Related posts