Chính phủ Hồng Kông muốn ngăn bài hát ‘Glory to Hong Kong’ lan truyền trên Internet
Các quan chức Chính phủ Hồng Kông đang tìm kiếm lệnh của tòa án, nhằm ngăn bài hát “Glory to Hong Kong” (Nguyện vinh quang quy Hương Cảng) lan truyền trực tuyến. Đây là thách thức pháp lý lớn đầu tiên đối với các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Google về nội dung chính trị nhạy cảm trên nền tảng của họ.
Theo báo cáo của “Wall Street Journal”, hôm 6/6 Chính phủ Hồng Kông tuyên bố, Bộ Tư pháp đã nộp đơn lên Tòa án cấp cao Hồng Kông, về lệnh cấm phát sóng và chia sẻ bài hát trong phong trào chống dẫn độ “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” trên Internet và bất kỳ kênh truyền thông nào có thể truy cập trực tuyến. Ngày diễn ra phiên tòa vẫn chưa được ấn định.
Vụ kiện pháp lý này không nêu tên cụ thể bất kỳ công ty nào, nhưng Google đã bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi, khi các nhà chức trách chuyển sang sử dụng Luật An ninh Quốc gia mà Trung Quốc áp đặt ở Hồng Kông gần 3 năm trước nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Đơn xin lệnh tòa của chính phủ bao gồm các liên kết đến 32 video trên YouTube liên quan đến bài hát này.
“Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” đã trở thành bài hát không chính thức của những người biểu tình chống dẫn độ vào năm 2019, và bị chính quyền cấm sau khi Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông được ban hành. Người dùng vẫn có thể truy cập và chia sẻ bài hát trên Google, YouTube, Facebook và Twitter.
Các quan chức Chính phủ Hồng Kông cho biết, bài hát này có các khẩu hiệu ủng hộ ly khai. Gần đây, những người tổ chức một số sự kiện thể thao toàn cầu đã phát nhầm bài hát này thành quốc ca của Hồng Kông, thay vì bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (quốc ca của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ).
Tháng 11/2022, tại giải đấu bóng bầu dục “Asia Rugby Sevens Series” được tổ chức ở thành phố Incheon, Hàn Quốc, ban tổ chức đã phát bài hát chống dẫn độ “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” làm quốc ca của Trung Quốc. Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông Hồng Kông, với cáo buộc phát sai quốc ca trực tuyến với ý định kích động ly khai.
Quan chức Hồng Kông và các nhân vật ủng hộ Bắc Kinh chỉ trích gay gắt Google vì đã làm nổi bật quốc ca Hồng Kông trong kết quả tìm kiếm.
Google, Meta – công ty mẹ của Facebook và Twitter từ chối bình luận. Năm 2020, cả 3 công ty này cho biết, họ sẽ ngừng xử lý các yêu cầu dữ liệu của người dùng sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia, nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận lâu đời của Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh, và thiết lập các quy tắc để thắt chặt kiểm soát trên Internet.
Ông George Chen, cựu Giám đốc chính sách công của Meta Greater China, cho biết, vụ kiện này “rõ ràng là một thách thức mới đối với tất cả các nền tảng trực tuyến, đặc biệt nếu họ muốn tồn tại và tiếp tục hoạt động ở Hồng Kông.”
Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ thường tuân thủ luật pháp địa phương của các quốc gia nơi họ hoạt động, và đôi khi hạn chế quyền truy cập vào các tài liệu ở các quốc gia cụ thể.
Không giống như Trung Quốc Đại Lục có tường lửa Internet, từ lâu về cơ bản, người dân Hồng Kông vẫn có thể lướt Internet tự do. Luồng thông tin tự do là một trong những lý do quan trọng khiến các công ty nước ngoài thành lập chi nhánh tại trung tâm tài chính thế giới này.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một số công dân vì đăng tải nội dung trên mạng xã hội, như kêu gọi mọi người không tiêm vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), và kêu gọi mọi người bỏ phiếu trắng trong các cuộc bầu cử.
Sự nổi bật của bài hát này trong các tìm kiếm trên Google đã gây ra sự hỗn loạn tại một số sự kiện thể thao quốc tế, khiến Chi nhánh Tội phạm có Tổ chức của cảnh sát Hồng Kông phải tiến hành điều tra.
Năm ngoái, một quan chức cấp cao của Hồng Kông cho biết, chính phủ đang thảo luận về kết quả tìm kiếm trên Google và nền tảng video YouTube của họ.
Google giải thích kết quả tìm kiếm của họ được xác định bởi các thuật toán, không phải do con người quản lý. Khi một truy vấn tìm kiếm khớp với văn bản trên một trang web, nó có thể đưa ra các kết quả khiến một số người thấy khó chịu.
Các quan chức Hồng Kông nói rằng họ đã làm việc để tối ưu hóa các trang của chính phủ để có kết quả chính xác hơn. Bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” trên trang web của chính phủ đã hiện thị nổi bật trong các tìm kiếm của Google về quốc ca của Hồng Kông.
Năm ngoái, một người chơi kèn harmonica đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi kích động, sau khi anh này chơi bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” bên ngoài cơ quan ngoại giao Anh ở Hồng Kông trước hàng trăm người đang đưa tang Nữ hoàng Elizabeth II.
Ngày 12/7/2022, Ủy ban Trung Quốc của Quốc hội và Cơ cấu hành chính Mỹ (CECC) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Công tố viên Hồng Kông đóng vai trò quan trọng trong các vụ truy tố chính trị”.
Báo cáo cáo buộc một bộ phận truy tố hình sự của Sở Tư pháp Hồng Kông đã chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, khi giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, nên đưa ra các quyết định chống lại quyền con người.
Báo cáo cũng cho biết, ít nhất 10.500 người ở Hồng Kông đã bị bắt vì các hoạt động chính trị và biểu tình. Kể từ tháng 6/2019 Sở Tư pháp Hồng Kông đã truy tố ít nhất 2.944 người (bao gồm người biểu tình, phóng viên, nhóm xã hội dân sự, nhà dân chủ) cáo buộc họ về các tội danh liên quan đến “Luật An ninh Quốc gia”.
Bình Minh (t/h)
Canada đang đối đầu mùa cháy rừng tồi tệ nhất
Mùa cháy (widefire — cháy do nguyên nhân tự nhiên) bắt đầu sớm hơn lệ thường và dữ dội khi cả 10 tỉnh của Canada đều xảy ra nạn cháy rừng (widefire), trong đó Quebec bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiều đám cháy bởi sét đánh, theo Reuters đưa tin hôm 6/6. Giới chức ở New York (Mỹ), Toronto và Ottawa đã cảnh báo người dân về những rủi ro sức khỏe do không khí bị ô nhiễm bởi khói của hàng trăm đám cháy đang hoành hành.
Thủ đô Ottawa của Canada, giáp với Quebec, bị bao phủ bởi sương mù vào sáng Thứ Ba, với chất lượng không khí ở mức 10+, mức tồi tệ nhất trong Chỉ số Sức khỏe Chất lượng Không khí của Môi trường Canada, cho thấy “rủi ro rất cao”.
“Khói bốc ra từ các đám cháy rừng địa phương cũng như cháy rừng ở Quebec đã khiến chất lượng không khí bị suy giảm,” Bộ Môi trường Canada đã có cảnh báo về chất lượng không khí.
Cơ quan thời tiết do chính phủ điều hành cho biết không khí ở Toronto cũng bị ô nhiễm và các điều kiện có thể kéo dài trong hầu hết tuần này.
Theo Bộ Môi trường Canada, khói cháy rừng có thể gây hại cho sức khỏe ngay cả ở nồng độ thấp và những người mắc bệnh phổi hoặc tim cũng như người già, trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ sức khỏe cao hơn do khói cháy rừng.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly hôm thứ Ba cảm ơn Hoa Kỳ, Mexico, Nam Phi và Pháp đã gửi lính cứu hỏa đến giúp đỡ.
Cháy rừng thường xảy ra ở các tỉnh phía tây của Canada , nhưng năm nay ngọn lửa đã bùng phát nhanh chóng ở miền đông Canada, buộc người dân phải sơ tán và chính phủ liên bang phải điều động quân đội.
Khoảng 3,3 triệu ha đã bị đốt cháy —khoảng 13 lần so với mức trung bình 10 năm– và hơn 120.000 người ít nhất đã bị buộc phải tạm thời sơ tán khỏi nơi cư trú.
Nguyên nhân của mùa cháy tệ hại nhất năm nay là do điều kiện khô và nóng kéo dài, Reuters dẫn lời của giới chức Canada nói hôm Thứ Hai.
“Sự phân bổ các đám cháy từ suốt bờ biển [tây] sang bờ biển [đông] trong năm nay là bất thường. Vào thời điểm này trong các năm trước, các đám cháy thường chỉ xảy ra ở một phía của đất nước tại một thời điểm, thường là ở phía tây,” theo Michael Norton, một quan chức Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Canada.
Theo Yan Boulanger, một nhà nghiên cứu của Natural Resources Canada, “Trong 20 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ thấy một khu vực rộng lớn như vậy bị đốt cháy vào đầu mùa. Một phần là do biến đổi khí hậu, chúng ta đang thấy xu hướng gia tăng diện tích bị cháy trên khắp Canada.”
Hiện có 413 đám cháy rừng đang hoành hành, trong đó có 249 đám cháy được coi là ngoài tầm kiểm soát và khoảng 26.000 người đang được lệnh sơ tán trên khắp Canada.
Nhật Tân
Trung Quốc bày tỏ lo ngại thảm họa hạt nhân sau vụ vỡ đập Kakhovka
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) hôm thứ Ba (6/6) phát biểu tại Hội đồng Bảo an rằng vụ vỡ đạp Kakhovka trên sông Dnieper, miền nam của Ukraine có thể gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Trung Quốc kêu gọi Ukraine và Nga hãy đảm bảo thảm họa hạt nhân không xảy ra.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại rất lớn về vụ vỡ đập tại nhà máy điện hạt nhân Kakhovka”, ông Trương Quân nói trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 6/6.
Ông Trương nhấn mạnh rằng hồ chứa Kakhovka là nguồn chính cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và nước trong hồ chứa tiếp tục rút xuống, nên “có khả năng sẽ không thể tiếp tục bơm nước cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”.
Ông Trương nói: “Trung Quốc nhắc lại rằng trong một vụ thảm họa hạt nhân, không có ai được miễn trừ. Chúng tôi kêu gọi hãy kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động mà có thể leo thang xung đột và dẫn tới tính toán sai, và hãy duy trì an toàn và an ninh cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”.
“Không bên nào, đặc biệt là các quốc gia có ảnh hưởng quan trọng, nên thêm dầu vào lửa và làm leo thang căng thẳng, lại càng không được cố gắng thu lợi cho nghị trình chiến lược của họ từ việc khủng hoảng lan rộng”, ông Trương nói thêm.
Ukraine đã đang đổ lỗi cho Nga đã làm nổ đập Kakhovka, làm ngập lụt các thị trấn và thành phố dưới hạ nguồn sông Dnieper, trong đó có thành phố Kherson do Kyiv kiểm soát.
Trong khi đó, phía Nga cho rằng chính quyền Kyiv phải chịu trách nhiệm cho vụ vỡ đập. Moscow lưu ý rằng Kyiv trước đây đã từng tấn công đập Kakhovka bằng rocket HIMARS do Mỹ cung cấp. Nga cũng nói Ukraine đã cho xả nước từ hồ chứa thượng nguồn trên sông Dnieper ngay trước khi đập Kakhovka bị vỡ.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye tại Energodar có 6 lò phản ứng và là cơ sở sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy này từ tháng Ba năm ngoái. Khu vực đặt nhà máy cũng là một trong 4 nơi Nga đã sáp nhập sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022 bất chấp sự phản đối của Ukraine và các quốc gia phương Tây.
Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi hôm 6/6 khẳng định rằng: “Không có rủi ro tức thì đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”.
Thống đốc tạm quyền khu vực Zaporozhye do Nga kiểm soát, ông Evgeny Balitsky cũng nói rằng mực nước gần nhà máy điện hạt nhân hiện tại là “không như thường lệ”, nhưng vẫn “chấp nhận được”.
Hải Đăng (Theo RT)
Yevgeny Prigozhin: Nga có thể đánh bom hạt nhân vào chính lãnh thổ của mình
Lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner, ông Yevgeny Prigozhin tuần này nói rằng Nga có thể “tấn công hạt nhân chiến thuật” vào chính lãnh thổ của họ giáp với Ukraine.
Ông Prigozhin gần đây đã cáo buộc lực lượng vũ trang Nga đặt mìn ở các tuyến đường rút lui được nhóm của ông sử dụng.
Phát biểu trong một video phỏng vấn với tờ Donbass Today, ông Prigozhin nói rằng nhóm lính Wagner đã “bắt” được một trung tá quân đội Nga và viên sĩ quan này bị cáo buộc đã ra lệnh cho binh lính đặt mìn trên tuyến đường mà nhóm Wagner sử dụng để rút lui khỏi chiến trường Bakhmut.
“Tôi sợ rằng họ có một vài suy nghĩ ngớ ngẩn về việc thả bom hạt nhân nhỏ xuống chính lãnh thổ của họ. Có thể đó là lý do vì sao chúng ta đang nhường lại lãnh thổ tại khu vực Belgorod – bởi vì chúng ta quá sợ đánh vào lãnh thổ của họ, chứ không sợ đánh vào lãnh thổ của chính chúng ta”, ông Prigozhin nói trong cuộc phỏng vấn với Donbass Today, theo Newsweek đưa tin.
Lãnh đạo nhóm lính Wagner nói thêm: “Ném bom vào lãnh thổ nước ngoài là đáng sợ, nhưng chúng ta có thể đánh bom vào chính lãnh thổ của chúng ta, để cho thấy chúng ta bệnh hoạn thế nào. Lực lượng vũ trang Ukraine có thể đang chiếm được một số ngôi làng nhỏ của Nga, và đó là nơi Nga sẽ nhắm đến tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Ông Prigozhin cũng nói rằng ông sẽ cho Bộ Quốc phòng Nga “hai tuần để giải phóng những lãnh thổ của chúng ta” tại khu vực Belgorod và nói thêm rằng, “nếu họ thất bại hoặc nếu chúng tôi không tin tưởng vào những nỗ lực của họ, thì tôi sẽ yêu cầu rằng chúng tôi được phép đến đó bởi vì nếu không họ sẽ tiếp tục lừa dối người dân Nga”.
Hải Đăng
Tàu tuần tra Mỹ, Nhật Bản, Philippines tập trận gần Biển Đông
Các tàu bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức diễn tập nhiều cuộc tập trận bảo vệ công ước biển tại vùng biển gần Biển Đông – khu vực đang có tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Động thái này đánh dấu một nỗ lực của chính quyền Washington trong việc củng cố các liên minh ở châu Á, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa các nước có vùng biên giới biển giáp với Trung Quốc.
Đại diện lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines John Ybanez cho biết: “Tất cả những bài tập mà chúng tôi thực hiện sẽ giúp chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau trong các tình huống có thể xảy ra trong tương lai”.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đã triển khai một trong những tàu tuần dương Stratton dài 127 mét trong cuộc tập trận kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 do Philippines đứng ra tổ chức.
Philippines là đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cho biết tàu tuần dương Stratton đã tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực để chia sẻ kiến thức chuyên môn về tìm kiếm cứu nạn và phổ biến cách thực thi công ước biển.
Sĩ quan chỉ huy của Stratton, Đại úy Brian Krautler cho biết: “Chúng ta cần thực thi quy tắc biển với các đối tác kiên định của mình để đảm bảo một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang củng cố một vòng cung liên minh quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc một cách hữu hiệu, bao gồm cả ở Biển Đông và trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai đối với Đài Loan – một hòn đảo độc lập có chủ quyền mà Bắc Kinh nhận là thuộc về Trung Quốc.
Biển Đông là nơi mà Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei đã và đang tranh chấp với nhau trong nhiều thập kỷ về vấn đề lãnh hải. Nhưng Hoa Kỳ cho rằng, tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, là cực kỳ khó khăn vì có liên quan lớn đến lợi ích mỗi từng quốc gia.
Mặc dù Philippines cho biết các cuộc tập trận chung như vậy với lực lượng Hoa Kỳ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo rằng việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á nhắm vào lợi ích của Bắc Kinh đang làm suy yếu sự ổn định khu vực.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không hề giải thích gì thêm về việc các tàu tuần tra Trung Quốc liên tục xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản từ tháng 4 đến nay, cũng như không hề nhận trách nhiệm khi một tàu tuần tra khác của Trung Quốc nhắm tia laser cấp độ quân sự vào tàu tuần tra Philippines làm mù mắt một số thành viên thủy thủ đoàn ở ngoài khơi tại một rạn san hô đang tranh chấp.
Tạ Linh