Vay tiền qua mạng, cô gái ở Đà Nẵng phải thế chấp ảnh khỏa thân
Với điều kiện phải gửi ảnh khỏa thân để thế chấp vay tiền qua mạng, sau khi đã trả đủ số tiền nợ, một cô gái ở Đà Nẵng tiếp tục bị uy hiếp tinh thần, đe dọa sẽ phát tán hình ảnh, clip khỏa thân này, buộc cô phải chuyển thêm tiền nhiều lần.
Ngày 14/6, thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng cho hay vừa phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự (quận Liên Chiểu) phá vụ án tống tiền bằng ảnh khỏa thân và bắt giữ nghi phạm Nguyễn Đức Anh (SN 2002, trú phường Tràng Minh, quận Kiến An, TP. Hải Phòng).
Trước đó, vào đầu tháng 5, trên Facebook đăng hình ảnh khỏa thân của một cô gái có nội dung cho rằng người này chuyên lừa đảo, mượn tiền không trả.
Từ đó, công an xác định người bị đăng ảnh là chị D.L (SN 2000, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).
Qua điều tra, công an xác định vào khoảng giữa tháng 4, chị D.L. đăng thông tin cần vay tiền lên một hội nhóm. Sau đó, có một người kết bạn Zalo với chị L., đồng ý cho chị này vay 3 triệu đồng, với điều kiện chị L. phải tự chụp hình, quay phim, hình ảnh khỏa thân của chị và gửi qua bên cho vay.
Đồng thời, chị L. phải trả tổng số gốc và lãi là 4,8 triệu đồng và trả dần trong vòng 16 ngày, mỗi ngày góp 300.000 đồng (tương đương 100%/tháng). Nếu chậm trả một ngày, bên vay phải chịu phạt số tiền 300.000 đồng. Do cần tiền gấp nên chị L. đồng ý các điều kiện mà bên cho vay đưa ra.
Sau khi chị L. gửi giấy tờ tùy thân và hình ảnh theo yêu cầu thì bên cho vay chỉ chuyển khoản cho chị 1,95 triệu đồng. Chị nhận được thông báo của bên cho vay là đã thu tiền phí giới thiệu khách hàng và thu trước tiền gốc, lãi 2 ngày, tổng số tiền là 1,05 triệu đồng.
Ngày 30/4, chị L. đã chuyển trả 6 lần qua tài khoản mang tên Nguyễn Đức Anh với tổng số tiền là 4,95 triệu đồng (gồm cả tiền gốc, lãi và tiền phạt do có những ngày trả chậm) để tất toán khoản vay.
Sau đó, Đức Anh tiếp tục yêu cầu chị L. phải chuyển thêm tiền, nghi phạm uy hiếp tinh thần, đe dọa sẽ đăng hình ảnh, video khỏa thân của chị L. lên mạng xã hội nếu chị không thực hiện theo yêu cầu.
Chị L. không chấp nhận yêu cầu trên, nghi phạm đã đăng hình ảnh khỏa thân của chị vào phần bình luận trên Facebook của chị và chồng chị.
Lo sợ, chị L. đã chuyển tiếp cho nghi phạm 3,45 triệu đồng. Tuy nhiên, vài tuần sau, nghi phạm lại tiếp tục yêu cầu chị L. phải chuyển tiếp 3,8 triệu đồng. Không thể chấp nhận được, chị L. đến công an trình báo sự việc.
Ngày 14/6, công an bắt giữ Nguyễn Đức Anh. Nghi phạm thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Hiện, cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để khởi tố Nguyễn Đức Anh về 3 hành vi Cho vay lãi nặng, Làm nhục người khác và Cưỡng đoạt tài sản.
Ngoài chị D.L, nghi phạm Đức Anh cũng khống chế, làm nhục nhằm cưỡng đoạt tài sản và cho vay lãi nặng đối với nhiều nạn nhân là phụ nữ trẻ có nhu cầu vay tiền khác.
Công an quận Liên Chiểu đề nghị các nạn nhân sớm liên hệ để cung cấp thông tin, hỗ trợ điều tra.
Ngọc Mai
Hải Phòng: Sửa nhà không xin phép, nữ cán bộ Sở còn lăng mạ, xúc phạm cán bộ phường
Xin sửa nhà trên đất nông nghiệp bất thành, nữ cán bộ Sở Nội vụ TP. Hải Phòng lăng mạ cán bộ phường Đằng Lâm, quận Hải An.
Chiều ngày 14/6, lãnh đạo Sở Nội vụ Hải Phòng cho biết đã yêu cầu nữ cán bộ Chi cục Văn thư – Lưu trữ của Sở viết báo cáo giải trình về vụ việc xuất hiện trong một clip với những lời nói xúc phạm, miệt thị cán bộ phường.
Trước đó, vào lúc 9h30 ngày 30/5, trong quá trình kiểm tra khu vực, UBND phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP. Hải Phòng phát hiện tại địa chỉ số 2A/90/162 đường Trung Lực thuộc Tổ dân phố An Khê 1, phường Đằng Lâm có tốp thợ đang tiến hành thi công.
Tại đây, vào thời điểm kiểm tra, trên mái tầng 2 có dầm sắt hộp 6×12 lát sàn gỗ, phía trên dựng cột sắt để thi công cơi nới tầng 3. Hiện trạng cũ là căn nhà 2 tầng đã xây dựng trước đây nhưng chưa xác định được thời điểm xây dựng.
Lúc này, ngoài tốp thợ đang thi công, có một người đàn ông tên Trần Chí Thanh xuất hiện, tự nhận mình là chủ đầu tư xây dựng công trình này.
UBND phường Đằng Lâm yêu cầu ông Thanh cùng tốp thợ dừng mọi hoạt động thi công để phối hợp với chính quyền kiểm tra hành chính. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu ông Thanh xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất nhưng ông Thanh không cung cấp được.
Phát hiện vụ việc vi phạm, UBND phường chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, xác minh nguồn gốc sử dụng của thửa đất trên để có cơ sở xác định hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Kết quả xác minh cho thấy, theo hồ sơ quản lý đất đai năm 1998 do địa phương quản lý, thửa đất trên là thửa đất số 101, tờ bản đồ số 18, diện tích 425,5m2 có nguồn gốc là đất trồng màu (đất trồng cây hàng năm), chủ sử dụng là ông Phạm Văn K.
Vào 15h cùng ngày, UBND phường Đằng Lâm đã có buổi làm việc với ông Thanh và yêu cầu ông này cung cấp các giấy tờ liên quan nhưng ông Thanh đã vắng mặt không lý do, chỉ có bà Trần Thị Hải Bình (tự nhận là vợ của ông Thanh) đề nghị được làm việc với UBND phường.
Trong buổi làm việc, bà Bình cũng không cung cấp được các hồ sơ, giấy tờ nào có liên quan đến việc sử dụng đất hợp pháp của gia đình. UBND phường đã hướng dẫn các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật có liên quan đến việc sử dụng đất và xây dựng công trình trên thửa đất.
Sau khi nghe UBND phường hướng dẫn các trình tự trong vụ việc, bà Bình đã tỏ thái độ bất hợp tác và có hành vi hối lộ cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn (là Lao động hợp đồng của UBND phường) để gia đình bà được tiếp tục thi công, nhưng bị từ chối.
Tiếp tục, bà này có hành vi hối lộ ông Đoàn Văn Cường (là lái xe hợp đồng của UBND phường), Ông Cường cũng từ chối nhận và yêu cầu bà Bình nên thực hiện theo đúng quy định.
Bị từ chối nhận hối lộ, bà Bình đã lớn tiếng và có những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, vu khống các lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của UBND phường Đằng Lâm.
Trong đoạn clip này, bà Bình bức xúc hỏi: “Đưa tiền chúng mày không nhận, chúng mày không thích tiền thì chúng mày thích gì?”.
Lúc này, bà Bình còn tự nhận mình là Phó chủ tịch UBND quận Dương Kinh, rồi có những hành vi như đập tay xuống bàn, chỉ tay, ném thẻ nhà báo vào hội nghị để đe dọa lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của phường. Ngoài ra, bà Bình còn tiếp tục nhắn tin cho Phó Chủ tịch UBND phường với nội dung vu khống, đe dọa.
UBND phường đã yêu cầu bảo vệ đưa bà Bình ra khỏi trụ sở, tránh gây rối làm mất an ninh trật tự tại nơi công sở.
Ngày 9/6, UBND phường Đằng Lâm đã có báo cáo và gửi đoạn clip về sự việc trên đến các cấp lãnh đạo và Sở Nội vụ TP. Hải Phòng.
Tiếp nhận thông tin, Sở Nội vụ Hải Phòng đã tiến hành xác minh hành vi thiếu chuẩn mực của bà Trần Thị Hải Bình. Cơ quan này cũng đã yêu cầu bà Bình làm tường trình nhưng bà Bình không làm với lý do bị ốm phải đi khám bệnh.
Có thông tin cho biết bà Bình nhiều năm nay mắc chứng bệnh trầm cảm. Nhất là vào mùa hè, thời tiết nóng nực, chỉ cần một sự kích động nhỏ, bà Bình sẽ không kiểm soát được hành vi của mình. Bà cũng là tiến sĩ Hán – Nôm được đào tạo tại Trung Quốc.
Sở Nội vụ Hải Phòng sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành để xem xét, xử lý vụ việc.
Thạch Lam
Cựu Giám đốc BV Thủ Đức hưởng lợi hơn 103 tỷ đồng từ công ty ‘sân sau’
Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Minh Quân đã can thiệp vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho công ty “sân sau” của mình trúng thầu, hưởng lợi 103,6 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố ông Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM), về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh, C03 cũng đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm; Trần Hậu Nghĩa, Giám đốc Công ty thiết bị y tế Hải Đăng; Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh, cùng là cựu Phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức; Ngô Trương Ngọc Bích, cựu Trưởng phòng Vật tư (Bệnh viện Thủ Đức); Đặng Thị Hiên, cựu Kế toán trưởng Bệnh viện Thủ Đức; Nguyễn Huy Việt, nhân viên Phòng Vật tư (Bệnh viện Thủ Đức).
Theo kết luận điều tra, ông Quân giữ chức Giám đốc, đại diện pháp luật của Bệnh viện Thủ Đức từ năm 2007. Từ năm 2016 – 2020, bệnh viện tổ chức 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh, trong đó 28 gói đã hoàn thiện thanh toán với tổng giá trị 346 tỷ đồng.
Quá trình đấu thầu, ông Quân đã chỉ đạo cấp dưới thành lập nhiều công ty để dự thầu, sau đó tự ý chỉnh sửa hồ sơ, chỉ đạo tổ chuyên trách về đấu thầu của bệnh viện để những doanh nghiệp này chắc chắn trúng thầu. Tổ chuyên trách về đấu thầu của Bệnh viện Thủ Đức vẫn giúp hoàn thiện và hợp thức hồ sơ dù biết các công ty trúng thầu là của ông Quân.
Theo cơ quan điều tra, dưới chỉ đạo của ông Quân, năm 2016-2020, Bệnh viện Thủ Đức đã hợp thức hóa hồ sơ, ấn định cho nhóm 4 công ty do bị can Lợi quản lý trúng 27 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu là 346 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 80 tỷ đồng. Trong số này, 3 gói thầu không thành lập tổ thẩm định mà thuê hai đơn vị tư vấn.
Theo C03, bị can Lợi đã 64 lần chuyển toàn bộ lợi nhuận của 27 gói thầu là 103,6 tỷ đồng cho ông Quân. Tiền hưởng lợi, vợ chồng Quân đem đi mua bất động sản, ôtô và chi tiêu cá nhân.
Quá trình điều tra, ông Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới nên cần xử lý nghiêm.
C03 đã kê biên của vợ chồng ông Quân một căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng thuộc dự án Vinpearl ở TP. Nha Trang; một căn biệt thự song lập thuộc dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son ở quận 1 TP.HCM; hai căn nhà ở TP.HCM; một thửa đất hơn 11.000 m2 ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Đây là vụ án thứ 2 cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đó, ông Quân bị cáo buộc có vi phạm trong đấu thầu, liên quan đến việc mua kit test của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 10 tỷ đồng.
Từ năm 2021, thời điểm còn đương chức, biết mình bị Bộ Công an điều tra sai phạm, ông Quân đã chi hơn 3,7 triệu USD để “chạy án”. 6 người tham gia chạy án cho ông Quân đã lãnh án tù, trong đó có 2 cán bộ của C03.
Phạm Toàn
Nguyên Bí thư Thanh Hóa sai phạm nghiêm trọng liên quan FLC, AIC
Ông Trịnh Văn Chiến đã sai phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng liên quan đến dự án do FLC, AIC thực hiện, đến mức phải xem xét kỷ luật, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo thông cáo được phát đi từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào chiều ngày 15/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có nhiều sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương, trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trong giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, trong phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, trong đó có dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.
Một số cán bộ, đảng viên kê khai tài sản cá nhân thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận trách nhiệm đối với những sai phạm trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Ban cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.
Cá nhân cùng chịu trách nhiệm là các ông, bà: Mai Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh.
Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch tỉnh.
Chu Phạm Ngọc Hiển, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch tỉnh.
Lê Anh Tuấn, Phó bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Giao thông Vận tải, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch tỉnh.
Lê Thị Thìn, Nguyễn Đức Quyền, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch tỉnh.
Phạm Đăng Quyền, Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch tỉnh.
Ngô Văn Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng.
Đào Vũ Việt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn.
Trịnh Huy Triều, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa.
Lương Tất Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn.
Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
Hoàng Văn Hùng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Vũ Đình Xinh, Đào Trọng Quy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Hoàng Sỹ Bình, Trịnh Hữu Hùng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế.
Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, Ủy ban này kết luận.
Phạm Toàn
Giám đốc trung tâm Điều tiết hệ thống điện bị đình chỉ chức vụ
Truyền thông trong nước đưa tin, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc trung tâm Điều tiết hệ thống điện quốc gia (A0) đã bị đình chỉ chức vụ từ ngày 14/6, nhằm để thực hiện việc thanh tra cung ứng điện, trong bối cảnh miền Bắc liên tục bị cắt điện trong thời gian qua.
Quyết định trên được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – ông Trần Đình Nhân ký và có hiệu lực từ ngày 14/6.
Trung tâm Điều tiết Hệ thống điện Quốc gia (A0) là đơn vị độc lập, vận hành từ các khâu truyền tải đến phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.
A0 cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV.
Từ ngày 10/6, Bộ Công thương thanh tra Tập đoàn EVN về quản lý và cung ứng điện trong giai đoạn tháng 1/2021 đến tháng 6/2023.
Từ cuối tháng 5/2023 đến nay, các tỉnh thành ở miền Bắc bị cắt điện liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của người dân và doanh nghiệp.
Hơn nữa, tại các thành phố du lịch, việc cắt điện khiến nhà hàng, khách sạn, resort,… mất khách, vì không thể đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của khách hàng.
Theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn, lượng khách đến khu du lịch Minh Châu – Quan Lạn đã sụt giảm khoảng 35%, chỉ còn khoảng 12.700 lượt khách du lịch/tuần so với thời điểm trước khi vào giai đoạn cắt điện liên tục
“Chúng tôi ở Hải Phòng, đi du lịch Hạ Long, nghỉ ở khu Vườn Đào Bãi Cháy. Đến chập tối, nơi đây mất điện, chúng tôi được chủ khách sạn thông báo mất điện đến 20h nhưng đến 22h cũng chưa có. Cả nhà phải di chuyển ra khu vực cổng Tuần Châu thuê nhà nghỉ để ngủ qua đêm”, một vị du khách chia sẻ trên mạng xã hội.
Khu vực miền Bắc Việt Nam được cung cấp bởi hai nguồn điện chính gồm Nhiệt điện chiếm khoảng 48% và Thủy điện chiếm khoảng 43%.
Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết dẫn đến thiếu hụt nguồn cung từ thủy điện trong năm 2023, còn phải kể đến sự chủ quan của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi phớt lờ hầu hết các cảnh báo về thiếu điện trong những năm trước.
Theo TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngành điện là ngành cần hệ thống và tầm nhìn dài hạn. Tuy vậy, cách làm hiện tại “kiểu nông dân”, đồng thời hệ thống truyền tải rất kém, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên và hậu quả rất nghiêm trọng như bây giờ.
Tuấn Minh