Đặng Duy Hưng
Ông Hùng nói lời tạm biệt con gái rồi nhẹ nhàng mở cửa vào phòng cháu ngoại. Lâu lâu con gái khẩn cấp nhờ đến lo lắng cho cháu vì không thể tìm được vú em trong phút chót. Nhìn đứa cháu gái khuôn mặt trắng xanh mệt mỏi nằm ngủ mê man, con gái dặn: “Con đã cho nó uống thuốc rồi! Khoảng 4, 6 giờ sau mới uống lại. Có sẵn soup gà trong tủ lạnh ba có thể hâm đút cho nó giùm con. Ba nhớ cho nó uống nhiều nước đừng để bị thiếu nước.”
Nghe giọng nói lo lắng của con gái và nhìn căn phòng ngủ bé nhỏ riêng tư của cháu ngoại đầy ắp những trò chơi thú vật nhồi bông, ông tự nhủ: “Thế giới hôm nay người đời ai ai cũng lo lắng quá mức! Đụng đến thứ gì cũng phàn nàn dựa vào lắm lý do!”
Ngày xưa ông chạy nhảy khắp xóm từ làng trên xuống thôn dưới có bịnh hoạn gì đâu? Ngay cả đồ chơi ông cũng chẳng có gì, nhưng chưa một lần ai nghe ông lên một tiếng than thở! Ông luôn dành thời gian tự tạo trò chơi cho bản thân mình. Mãi mãi ông vẫn thích nhất trò tưởng tượng thế giới vô hình luôn tạo niềm hân hoan tuổi ấu thơ nghèo. Qua đây sau này nghe ai đó nói về trò chời “Imaginary friends” làm ông buồn cười vì thế giới dù khác chủng tộc văn hóa vẫn có vài điểm tương đồng.
Cháu ngoại đã mở mắt thức dậy: “Chào ông ngoại! Cháu đang ở nhà buồn chán chẳng biết làm gì cho vui?”
Ông cười: “Công chúa của ông! Cháu có muốn chơi trò chơi khác hẳn với đồ chơi trong phòng không?”
Con bé ngạc nhiên: “Cháu đang bệnh làm sao chơi được hả ông?”
“Tại sao không!? Hãy chơi trò chơi tưởng tượng về thế giới xa xa.” Ông nói.
Con bé thắc mắc: “Thân thể cháu còn mệt lắm làm sao chơi? Ông đọc sách cho cháu được không?”
Ông âu yếm: “Cháu không cần làm gì hết! Đây là trò chơi tưởng tượng giống như ‘imaginary friends’ game thôi. Bây giờ ông là ông Bụt thuộc thế giới thần tiên đang đi trên nước bờ hồ. Ông đang mặc trên người bộ đồ đủ màu chỉ dành cho ngày lễ hội. Nước trong hồ có chỗ lạnh có chỗ ấm. Cháu có ngửi thấy mùi hoa lài đang xuất hương vui chơi ca hát không? Ô kìa mấy con ểnh ương cũng vào hội vui đùa với nhau kìa.”
Ông lấy tý nước rải vào chân cháu: “Con cá chép phun nước hồ dính vào chân cháu.”
Đôi mắt con bé bắt đầu mở lớn hân hoan vào trò chơi.
Ông tiếp tục: “Bầu trời sáng trong xanh có thể ngửi không khí trong lành xa xa bên bờ hồ. Thế giới thật thanh bình êm đềm không một tiếng ồn ào. Hãy lấy cục đá nhỏ liệng nhẹ trên nước “pup”, cháu có nghe âm thanh tiếng nước hòa theo điệu nhạc không? Cháu có muốn cùng nhảy với ông Bụt không? Có muốn bay trên nước qua phía bên kia hồ không?”
Con bé cười khúc khích: “Ông ngoại tưởng tượng vui quá!”
Ông lắc đầu: “Ta không phải là ông ngoại của cháu. Ta là ông Bụt trong truyện Tấm Cám hiện ra giúp cô Tấm hoàn thành ước mơ. Cháu có muốn bay không?”
Con bé gật đầu: “Cháu muốn bay với Bụt. Cháu muốn chân chạm vào nước trên hồ.”
Ông rải tý nước lên chân con bé: “Cháu có cảm giác chân đang đụng nhẹ vào đá. Cháu có nghe mấy cặp ểnh ương đang đàn hát không?” Ông dùng mũi tạo âm thanh ộp ộp, huýt sáo điệu hát mùa xuân.
Con bé thật sự vào cuộc chơi: “Cháu nghe rồi Bụt ơi. Ồ! Tụi nó đang nhảy quanh chào đón con nè.”
Và từ trò chơi này đến câu chuyện khác con bé dường như quên hết cơn đau, sốt, và thân thể mệt nhọc. Nó ăn tô cháo thật nhanh như sợ ngày mai không còn nữa! Nó quá sức là vui quên đi tất cả cơn đau cả tuần qua. Nó chạy quanh phòng đuổi bắt ểnh ương, lắng nghe tiếng hát của mấy cô chim sáo.
Người mẹ bước vào nhà khuôn mặt lo lắng sau một ngày làm việc mệt nhọc, nhìn con gái đang tự múc cơm ăn vừa cười, vừa hát giỡn một mình, bà lên tiếng: “Con đã khỏe rồi sao?”
Con bé đưa tay lên môi: “Mẹ ơi đừng tạo tiếng động. Gia đình mấy chú rùa đang ngủ bên cạnh ông ngoại.”
Người mẹ nhẹ nhàng trách: “Ba ơi! Bác sĩ nói phải cho cháu nghĩ ngơi ăn uống và uống thuốc mới mau chóng bình phục.”
Ông cười thân thương: “Bác sĩ khuyên nhủ rất đúng, nhưng con nít cần phải được vui chơi. Con có thấy không? Đôi mắt cháu hoàn toàn sáng rực hân hoan. Chỉ cần 1, 2 ngày nữa là nó sẽ trở lại trường học vui chơi với bạn bè.”
Người mẹ nhìn con gái biết cha bà nói đúng. Bà lo lắng quá mức theo chỉ dẫn từ sự tiên tiến của y học. Bà quên đi người cha một đời hy sinh tạo bà thành người như hôm nay. Bà quên mất rằng ngày xưa ông đã tự tạo bao nhiêu trò chơi, kể cho bà nghe cả ngàn câu chuyện thần tiên.
Ông đến gần đặt tay trên vai bà: “Con đừng lo lắng quá sức nhé. Nhìn cháu đang vào cuộc chơi vui tại sao con không cùng vui!”
Bà lắc đầu: “Con lớn rồi đâu còn trẻ con nữa!”
Ông nhẹ nhàng: “Chỉ có thân thể lớn rồi già theo thời gian thôi. Tâm tư mình sẽ vẫn trẻ mãi mãi nếu mình muốn.”
Ông cầm tay bà rồi tay kia cầm tay cháu ngoại. Cả ba người, ba thế hệ khác nhau nhưng trong căn phòng ấm cúng cùng hòa về một mối. Họ ca hát đùa giỡn tâm tư hướng về thế giới huyền ảo. Căn nhà như sáng lên và trẻ lại mấy mươi năm. Tình thương từ người cha dù qua bao thế hệ vẫn không bao giờ thay thế được!
Đặng Duy Hưng