Ngày toàn cầu nóng nhất, theo số liệu Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NCEP), là Thứ Hai vừa qua (3/7), với nhiệt độ trung bình toàn cầu 17,01°C, phá vỡ kỷ lục 16,92°C trước đó vào tháng 8/2016.
“Đây không phải là một cột mốc quan trọng mà chúng ta nên ăn mừng,” theo nhà khoa học Friederike Otto, nhắc nhở rằng xu thế toàn cầu nóng lên sẽ dẫn tới những hậu quả không tốt cho môi trường và nhân loại.
Các chuyên gia cho biết, miền Nam Hoa Kỳ đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt. Ở các vùng của Trung Quốc, một đợt nắng nóng kéo dài vẫn tiếp diễn, với nhiệt độ trên 35°C. Bắc Phi đã chứng kiến nhiệt độ gần 50°C, trong khi ở Trung Đông, hàng ngàn người phải chịu đựng cái nóng thiêu đốt bất thường trong cuộc hành hương tôn giáo ở Ả Rập Saudi. Hà Nội được ghi nhận là 34°C.
Ngay cả Nam Cực, hiện đang trong mùa Đông, cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường, khi sông băng tan nhanh hơn và mặt trời gay gắt hơn. Cơ sở nghiên cứu tại Quần đảo Argentina của lục địa băng giá rộng lớn ghi nhận gần đây đã phá kỷ lục nhiệt độ tháng 7 với chỉ số 8,7°C.
Nhiều nhà khoa học tin rằng một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên là do hiệu ứng nhà kính vì sự gia tăng của CO2 (một sản phẩm do cháy rừng, đốt nhiên liệu hóa thạch, v.v.). Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu có tên “Mặt trời đã ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng nhiệt độ ở Bắc bán cầu? Cuộc tranh luận đang diễn ra” được thực hiện bởi bởi 23 chuyên gia trong lĩnh vực vật lý năng lượng mặt trời và khoa học khí hậu từ 14 quốc gia khác nhau, cho thấy sự thay đổi bức xạ nhiệt mặt trời chứ không phải khí carbon dioxide (CO2) do con người thải ra là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu trong 4 thập kỷ gần đây. Kết quả nghiên cứu mới này mang đến những phát hiện hoàn toàn trái ngược với kết luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC).
Nhật Tân (t/h)