Theo dữ liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm đáng kể trong tháng 6 năm nay. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh virus corona mới (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19). Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong hai tháng liên tiếp và tốc độ giảm mở rộng, nhưng các báo cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng điều này đang “cải thiện chất lượng trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, phù hợp với kỳ vọng”.
Ngày 13/7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, tính theo USD, xuất khẩu tháng 6 năm nay của Trung Quốc giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 6,8%, thặng dư thương mại (xuất siêu) là 70,62 tỷ USD; nếu định giá bằng Nhân dân tệ, xuất khẩu trong tháng 6 giảm 8,3% và nhập khẩu giảm 2,6%, thặng dư thương mại là 491,25 tỷ Nhân dân tệ.
Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong hai tháng liên tiếp và mức giảm ngày càng mở rộng. Một báo cáo của Reuters chỉ ra rằng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Ông Lã Đại Lương (Lu Daliang), phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết: “Hiện tại, sự phát triển ngoại thương của nước ta nói chung là ổn định. So với cùng kỳ năm ngoái có vẻ [tăng trưởng] chậm hơn một chút, nhưng so với tháng trước thì là tiến lên từng bước một cách ổn định; Quý 2 tăng trưởng hơn so với Quý 1, trong 2 tháng liên tiếp gần đây cũng là tăng trưởng, sự phát triển ổn định là có sự chèo chống.”
Truyền thông chính thống chỉ đưa tin tốt, không đưa tin xấu
Truyền thông Trung Quốc tập trung đưa tin, Tổng cục Hải quan đã công bố vào ngày 13/7 rằng quy mô xuất nhập khẩu ngoại thương trong nửa đầu năm lần đầu tiên vượt quá 20.000 tỷ Nhân dân tệ trong cùng kỳ lịch sử, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 11.460 tỷ Nhân dân tệ, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 8.640 tỷ Nhân dân tệ, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, hơn nữa định tính “cải thiện chất lượng trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định trong xuất nhập khẩu ngoại thương, phù hợp với kỳ vọng.”
Ông Tôn Quốc Tường (Sun, Kuo-Hsiang ), giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế và Doanh nghiệp tại Đại học Nam Hoa, Đài Loan, đã trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do (RFA) và chỉ ra, rằng bất kể những con số trong cuộc họp báo của Trung Quốc có đúng hay không, họ muốn tạo ra một hiệu ứng tuyên truyền cho sự phục hồi kinh tế chung của Trung Quốc, giống như những lời ông Tập Cận Bình nói khi gặp ông Bill Gates và quản lý cấp cao của các công ty lớn khác.
Ông Tôn Quốc Tường nói rằng kể từ Quý 2, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không tốt như thị trường mong đợi, chỉ báo tin tốt không báo tin xấu: “Kể từ Quý 2, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc Đại Lục đã vượt quá 20%, đây là một tình huống rất nghiêm trọng. Trung Quốc Đại Lục đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh giảm kéo theo sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc chậm lại trong giai đoạn tiếp theo. Nếu thanh niên rất khó tìm được việc làm, thì sẽ làm trầm trọng thêm hiện tượng thanh niên ‘4 không’ là không yêu, không kết hôn, không sinh con và không mua nhà.”
Theo phân tích của ông Tôn Quốc Tường, so với các dữ liệu khác, tổng lợi nhuận của các ngành và doanh nghiệp Trung Quốc cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân không tạo ra được lợi nhuận có thể là do vốn nước ngoài rút đi, hoặc do không cung cấp được lao động giá rẻ và chi phí đất đai.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng chỉ ra rằng trong nửa đầu năm nay, xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang ASEAN, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, là 3.080 tỷ Nhân dân tệ, tăng 5,4% hàng năm, chiếm 15,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; xuất nhập khẩu sang EU là 2.750 tỷ Nhân dân tệ, tăng 1,9%, chiếm tỷ trọng 13,7%; xuất nhập khẩu sang các nước dọc “Vành đai và Con đường” tăng 9,8%, cao hơn 7,7 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung, chiếm tỷ trọng 34,3%, tăng 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; xuất nhập khẩu đối với các nước trong “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) tăng 1,5%.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là 2.250 tỷ Nhân dân tệ, giảm 8,4%, chiếm 11,2%. Về thương mại giữa hai bờ eo biển (Đài Loan và Đại Lục), tổng trị giá xuất nhập khẩu song phương nửa đầu năm là 123,63 tỷ USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ suy giảm tiếp tục thu hẹp 1,1 điểm phần trăm so với 5 tháng trước.
Học giả: Đối tác thương mại của Trung Quốc xuất hiện sự chuyển biến mang tính kết cấu
Trả lời phỏng vấn RFA, ông Lưu Mạnh Tuấn (Meng-Chun Liu), Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đại Lục thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa, Đài Loan, phân tích rằng bản đồ xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi về cấu trúc, hướng tới những đặc điểm đa dạng và phi tập trung hơn. Trong thời gian qua, tỷ trọng thương mại song phương giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại truyền thống như Mỹ hay các nước tiên tiến khác đã giảm do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, áp đặt thuế quan và kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang các nước ASEAN, “Vành đai và Con đường” và RCEP đã tăng đáng kể.
Ông Lưu Mạnh Tuấn đưa ra ví dụ: “Xuất khẩu xe điện sang Nga đã trở thành một thị trường quan trọng. Ví dụ, xuất khẩu xe chở khách chạy điện, pin lithium và pin năng lượng mặt trời đều tăng. Việc thay thế ba loại cũ bằng ba loại mới phản ánh rằng thế giới đang hướng tới xu hướng lượng khí thải carbon ròng bằng không.”
Ông đề cập rằng xe điện có liên quan nhiều đến việc bố trí các bộ phận sạc ở nước ngoài, Trung Quốc có rất nhiều trợ cấp về mặt này, điều này đã trở thành một năng lượng cạnh tranh xuất khẩu quan trọng. Kể từ tháng 4, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu xe điện lớn nhất.
Ông cho biết: “Do Đức, Nhật Bản hay châu Âu rút khỏi thị trường Nga nên Trung Quốc mới bù đắp vào. Ngoài ra, RCEP được khởi động vào đầu năm ngoái (2022), kết hợp với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chiến tranh công nghệ, vốn nước ngoài bao gồm các doanh nghiệp Đài Loan và thậm chí cả Trung Quốc Đại Lục sẽ chuyển một phần năng lực sản xuất của họ sang ASEAN và các quốc gia dọc theo ‘Vành đai và Con đường’. Cái gọi là di dời chuỗi cung ứng, hay thương mại dựa trên đầu tư cũng sẽ thúc đẩy ra nước ngoài xuất khẩu, vì vậy ASEAN đã trở thành một nhà nhập khẩu và xuất khẩu mới nổi quan trọng đối với Trung Quốc.”
Ông Lã Đại Lương (Lu Daliang) chỉ ra rằng tình hình ngoại thương của Trung Quốc trong nửa cuối năm có cả áp lực và niềm tin, chủ yếu là do lạm phát ở các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức cao, xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn và nhu cầu bên ngoài trong ngắn hạn không đủ để lấy đà. Tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc vẫn đối mặt với áp lực tương đối lớn.
Theo Hạ Tiểu Hoa, RFA