Ấn Độ: Quan chức nuốt 5.000 RUPEE để tiêu hủy bằng chứng nhận hối lộ
Quan chức cục thuế ở bang Madhya Pradesh (Ấn Độ) đã nuốt 5.000 RUPEE sau khi bị Cơ quan Cảnh sát Đặc biệt (SPE) thuộc Lực lượng Cảnh sát chống tham nhũng Jabalpur Lokayukta bắt quả tang nhận tiền hối lộ, theo tờ India Today.
Cụ thể, ông Patwari Gajendra Singh đã đòi 5.000 RUPEE từ người khiếu nại Chandan Singh Lodhi để giải quyết một vụ án đất đai. Do bất bình với yêu cầu của vị quan chức này, anh Lodhi đã báo cáo sự việc với cơ quan cảnh sát.
Giám đốc SPE Sanjay Sahu cho biết: “Một người đàn ông sống ở làng Barkheda đã báo cáo với chúng tôi rằng ông Patwari đòi tiền hối lộ”.
Sau khi điều tra, đội cảnh sát Jabalpur Lokayukta đã đến Bilhari và bắt quả tang ông Patwari đang nhận hối lộ tại phòng riêng. Ngay khi bị bắt, ông Patwari đã cho những tờ tiền nhận được vào miệng, nhai và nuốt số tiền đó.
Cảnh sát yêu cầu ông ta nhổ những tờ tiền giấy ra, nhưng ông này vẫn chống đối. Vị quan chức này còn cắn ngón tay của một cảnh sát khi người này cố gắng mở miệng ông ta. Sau đó, ông Patwari được đưa đến bệnh viện huyện. Sau rất nhiều nỗ lực, các nhân viên y tế cuối cùng đã lấy được được một số mảnh tiền giấy từ miệng ông Patwari.
Giới chức cho biết đã lập hồ sơ tố cáo vị quan chức này và cuộc điều tra đang được tiến hành.
Phan Anh
Trung Quốc ra cảnh báo trước thềm chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Ý
Đêm trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước đã cảnh báo rằng chính quyền Washington không nên can thiệp vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo tờ báo LaRepubblica ngày 25/7 đưa tin.
Chính quyền Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng: việc Ý đi theo định hướng chiến lược của Mỹ, rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường, có thể gây tổn hại đến lợi ích của chính quyền Rome.
Tờ Global Times của Trung Quốc viết rằng: “Nếu Ý đi theo định hướng chiến lược của Hoa Kỳ, điều đó sẽ gây tổn hại cho lợi ích của nước Ý, và cuối cùng có thể gây tổn hại đến quyền tự chủ ngoại giao của chính họ. Thỏa thuận ‘Vàng đai và con đường’ vốn chỉ thuộc về Trung Quốc và Ý, không nên trở thành chủ đề thảo luận giữa Ý và Hoa Kỳ”.
Theo tờ La Repubblica: Trung Quốc đang cố gắng gây áp lực lên Ý, nhưng giờ đây Bắc Kinh dường như hiểu rằng, cuộc thảo luận hiện tại ở Ý không phải là có nên rút lui hay không, mà là về việc rút lui như thế nào.
Năm 2019, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và chính quyền Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Ý.
Ý là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia thuộc nhóm G7 đã ký “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng 3/2024. Nếu chính phủ Ý không đưa ra quyết định vào cuối năm nay, thỏa thuận sẽ tự động được gia hạn.
Bốn năm trước, khi Ý ký thỏa thuận đã khiến các đối tác châu Âu khác và Mỹ tức giận.
Tờ La Repubblica chỉ ra rằng: lập trường ngoại giao của Ý giờ đang bị lung lay. Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani có thể tới Mỹ vào tháng 9 tới, và đó có thể là thời điểm chính quyền Rome nhắn tới Bắc Kinh quyết định rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường .
Trong những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để nhắc nhở Ý rằng, việc rút khỏi thỏa thuận “Vành đai và Con đường ” sẽ là một sai lầm.
Tháng 6 năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử một phái đoàn đến Ý để gây áp lực lên chính quyền Rome.
Đối với Trung Quốc, việc khởi động lại “Sáng kiến Vành đai và Con đường” có ý nghĩa chiến lược. Vào tháng 10 tới, ông Tập dự kiến tổ chức Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ ba, và Tổng thống Nga Putin có thể tham dự sự kiện.
Liên Thành
Hoa Kỳ nói cuộc phản công của Ukraina không bế tắc
Người phát ngôn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc – John Kirby ngày 26/7, nói với các phóng viên rằng: cuộc phản công của Ukraina “không phải là bế tắc”, ngay cả khi nó không tiến triển đủ nhanh.
Khi được hỏi về tốc độ phản công của Ukraina, ông Kirby trả lời trong một cuộc họp báo rằng:
“Bản thân Tổng thống Zelenskiy đã nói rằng: cuộc phản công không tiến triển nhanh như ông ấy mong muốn, hàng ngày phía Ukraina cũng không đạt được bước tiến như họ mong muốn. Hoa Kỳ không bình luận về điều đó”.
Vị quan chức Tòa Bạch Ốc nói thêm: “Điều đó nói rằng họ đang tiến lên, đó không phải là bế tắc. Họ không bị đóng băng. Quân đội Ukraina đang tiến lên”.
Theo ông Kirby: Washington sẽ bảo đảm rằng, người Ukraina có các loại phương tiện và khả năng cần thiết để tiếp tục tiến lên.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào đầu tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Ukraina hơn 43 tỷ đô la Mỹ.
Ngày 23/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết: mặc dù Ukraina đã lấy lại một nửa lãnh thổ mà Nga kiểm soát, nhưng cuộc phản công mới chỉ ở những ngày đầu.
Liên Thành
NASA và SpaceX dự kiến tháng 8 đưa phi hành đoàn thứ 7 lên ISS
Hôm 26/7 vừa qua, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo rằng cơ quan này và công ty vũ trụ SpaceX của tỉ phú Elon Musk dự kiến ngày 17/8 tới đưa phi hành đoàn thứ 7 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Sứ mệnh được đặt tên Crew-7 đưa phi hành đoàn thứ 7 luân phiên lên ISS trong khuôn khổ Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA.
Tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX dự kiến được phóng bằng tên lửa đẩy Falcon 9 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở tiểu bang Florida.
Tàu Dragon chở phi hành đoàn gồm nhà du hành vũ trụ Jasmin Moghbeli của NASA và là chỉ huy sứ mệnh; nhà du hành vũ trụ Andreas Mogensen của Cơ quan vũ trụ châu Âu – người điều khiển chuyến bay; cùng các chuyên gia gồm nhà du hành vũ trụ Satoshi Furukawar của Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản và nhà du hành vũ trụ Konstantin Borisov của Cơ quan vũ trụ Nga.
Ở một diễn biến khác, Amazon hôm 21/7 vừa qua đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng một cơ sở xử lý vệ tinh mới trên “Bờ biển không gian” của Florida, đồng thời có kế hoạch phóng hàng ngàn vệ tinh nhân tạo trong vài năm tới để cạnh tranh với Starlink của SpaceX.
Amazon cho biết họ sẽ đầu tư 120 triệu USD vào một cơ sở xử lý vệ tinh mới tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA. Cơ sở này rộng 100.000 foot vuông (tương đương khoảng 9.290 mét vuông), vốn là Cơ sở hạ cánh tàu con thoi của NASA.
Theo Amazon, cơ sở này sẽ không được sử dụng để chế tạo vệ tinh, nhưng trong tương lai nó sẽ là trạm cuối cùng trước khi đưa vệ tinh của Dự án Kuiper (Project Kuiper) vào không gian, đây là sáng kiến mạng vệ tinh băng thông rộng của Amazon. Tại đây các vệ tinh sẽ được lắp vào vỏ tải trọng của tên lửa.
Phan Anh
Mỹ: Dự luật mới giúp Đài Loan thuận lợi tham gia các tổ chức quốc tế
Ngày 25/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật đoàn kết quốc tế Đài Loan” (Taiwan International Solidarity Act), nhằm bổ sung vào Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã có những lỗ hổng trong vấn đề Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố động thái của Mỹ là hành động cụ thể chống lại hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố ý bóp méo Nghị quyết 2758 của LHQ, trong khi đó giới lập pháp Mỹ cho biết dự luật này nhằm giúp Đài Loan thuận lợi hơn trong tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), hôm 25/7 Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật đoàn kết quốc tế Đài Loan”. Trước đó vào ngày 16/5, dự luật này đã được Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện thông qua mà không bị phản đối, từ cuối tháng 2 dự luật được 8 thành viên của Hạ viện Mỹ cùng đề xuất, nhằm sửa đổi “Đạo luật Sáng kiến Tăng cường và Bảo vệ Hữu nghị Quốc tế Đài Loan” (gọi tắt là TAIPEI Act) có hiệu lực vào tháng 3/2020, để chống lại việc ĐCSTQ cản trở Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế.
Dự luật nêu rõ rằng Nghị quyết [2758] công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ, nhưng không đề cập đến vấn đề quyền đại diện của Đài Loan và người dân Đài Loan tại LHQ hoặc bất kỳ tổ chức liên quan nào, cũng không đưa ra lập trường nào về mối quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan, hoặc có bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến chủ quyền của Đài Loan.
Dự luật nhấn mạnh Mỹ phản đối mọi sáng kiến nhằm thay đổi tình trạng của Đài Loan mà không có sự đồng ý của người dân Đài Loan. Dự luật cũng yêu cầu các đại diện của Mỹ tại các tổ chức quốc tế khác nhau hãy thông qua việc bày tỏ quan điểm, bỏ phiếu và gây ảnh hưởng để kêu gọi các tổ chức này chống lại nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bóp méo các nghị quyết, văn bản, chính sách hoặc thủ tục liên quan đến Đài Loan.
Sau khi dự luật được Hạ viện thông qua sẽ được gửi đến Thượng viện để xem xét. Theo quy tắc lập pháp của Mỹ, sau khi hai viện của Quốc hội thông qua một phiên bản dự luật, nó có thể được đệ trình lên tổng thống để ký và có hiệu lực thành luật.
Người phát ngôn Lưu Vĩnh Kiên (Liu Yongjian) của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay, nhiều thập niên qua ĐCSTQ đã mở rộng và giải thích sai một cách ác ý Nghị quyết 2758 của LHQ chỉ đề cập đến “quyền đại diện của Trung Quốc”, sử dụng nghị quyết này để ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan vào các hệ thống quốc tế và ngăn cản cống hiến của Đài Loan trên quốc tế, thậm chí biến thành cơ sở của luật pháp quốc tế cho “nguyên tắc một Trung Quốc” méo mó của họ, trong nhiều trường hợp đã tuyên bố sai sự thật rằng nghị quyết chứng minh chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Ông cho biết “Dự luật đoàn kết quốc tế Đài Loan” là hành động cụ thể của Quốc hội Mỹ nhằm chống lại hành vi của ĐCSTQ cố ý bóp méo Nghị quyết 2758 của LHQ. Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ chân thành cảm ơn những người bạn trong Quốc hội Mỹ dù bất kể đảng phái nào cũng luôn thể hiện ủng hộ vững chắc đối với sự tham gia quốc tế của Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh, với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước có cùng chí hướng khác để tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và đóng góp vào những thách thức mà thế giới phải đối mặt.
Nhà lập pháp Vương Định Vũ (Wang Dingyu) của DPP Đài Loan nói rằng từ cựu đại sứ của thời Tổng thống Mỹ Trump tại LHQ đến đại sứ của chính quyền Tổng thống Biden đương nhiệm tại LHQ, cho đến việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này, đã làm rõ cho thế giới tự do và dân chủ rằng Nghị quyết 2758 đã bỏ qua vấn đề quyền đại diện có chủ quyền của người dân Đài Loan. Ông Vương cho hay đây là bước quan trọng cho sự tương tác của Đài Loan với các nước khác và sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, cũng là bước quan trọng để Đài Loan hợp tác với cộng đồng quốc tế và tương tác với các nước bè bạn.
Tăng cường khẳng định tình trạng quốc tế của Đài Loan
Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn, thành viên Triệu Thiên Lân (Zhao Tianlin) của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Viện Lập pháp Đài Loan cho biết rằng, động thái của Hạ viện Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều cho Đài Loan, việc thông qua dự luật cũng quan trọng như Thỏa thuận “Sáng kiến Thương mại Đài Loan-Mỹ thế kỷ 21” được Viện Lập pháp Đài Loan thông qua hôm 26/7, đây là Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan.
Ông Triệu chỉ ra, bằng cách thông qua nghị quyết lần này cho thấy giới lập pháp Mỹ đã tiến thêm một bước trong quyết định tình trạng của Đài Loan tại LHQ – vấn đề trước đây còn những trì trệ sơ xuất, việc nghị quyết như vậy được thông qua tại Hạ viện Mỹ là chưa từng có.
Ông cho rằng tầm quan trọng của vấn đề này nằm ở việc thảo luận về tình trạng của Đài Loan tại LHQ, đồng thời đề cập đến sự khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như sự cần thiết phải nghiêm túc đối mặt và giải quyết tình trạng quốc tế của Đài Loan. Bước tiếp theo vẫn còn các thủ tục khác như phải thông qua Thượng viện, cần chữ ký của Tổng thống. Với tư cách là thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Hội đồng Lập pháp, ông xin bày tỏ lòng biết ơn tới Hạ viện Mỹ.
Một doanh nhân Đài Loan là ứng viên lập pháp Cao Hùng là ông Cao Hùng Lập (Guo Beihong) cũng nói rằng việc thông qua dự luật là bước đột phá lớn, dựa vào nỗ lực, Đài Loan đã cho thế giới thấy sự tồn tại của chúng tôi. Về việc Mỹ cố gắng ngăn chặn ĐCSTQ đàn áp Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, nhà lập pháp Đài Loan này cho rằng bối cảnh bầu cử tổng thống của Đài Loan đang đến gần, các ứng viên tổng thống của tất cả các bên có thể kêu gọi các tổ chức quốc tế chống lại nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bóp méo tình hình về Đài Loan.
Giai Kỳ, Vision Times
TikTok ‘đầu độc’ thanh thiếu niên đi trộm cắp, cửa hàng ở Ireland tổn thất 400,000 euro
Hoạt động thử thách mới trên nền tảng video ngắn TikTok một lần nữa khiến dư luận quan tâm. Một nghị sĩ Ireland cách đây vài ngày cho biết “thử thách” khuyến khích thanh thiếu niên trộm cắp của TikTok đã khiến một cửa hàng địa phương thiệt hại 400.000 euro, trong khi những thanh thiếu niên tham gia không biết mình đang ăn cắp. Ông kêu gọi các bậc cha mẹ chú ý đến hành vi của con cái họ.
‘Đầu độc’ thanh thiếu niên đến cửa hàng trộm cắp, gọi đó là “vay mượn”
“Thử thách trộm cắp trong cửa hàng” mới này khuyến khích người dùng TikTok ăn cắp từ các cửa hàng càng nhiều càng tốt mà không bị bắt, và TikTok mô tả hành vi trộm cắp là “vay mượn”.
Ủy viên Hội đồng thành phố Galway, ông Niall McNeill, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh địa phương Newstalk vào ngày 19/7 rằng trên một con phố mua sắm ở trung tâm thành phố, đại đa số chủ cửa hàng cho biết họ phải đối mặt với “số lượng trộm cắp đáng kinh ngạc“, “một cửa hàng nói với chúng tôi rằng họ đã mất hàng hóa trị giá 400.000 euro vào năm ngoái”.
Hầu hết những người tham gia trộm cắp đều là thanh thiếu niên, ông McNeill cho biết ông cảm thấy rất lo ngại về điều này. Ông nói: “[Những tên trộm] ở độ tuổi từ 13 đến 16”, “Chúng vào thành phố với một ít tiền tiêu vặt, nhưng lại mang về nhà son môi, đồ trang điểm mới, áo khoác mới và mũ mới”.
Ông McNeill cho biết, nhiều đứa trẻ trong số này xuất thân từ các gia đình trung lưu, và có rất nhiều trẻ là “những đứa trẻ ngoan”, “Chúng không nghĩ rằng việc này gây tổn hại gì, việc này đối với chúng mà nói đó là niềm vui”, “Chúng không thấy tác hại trong hành động của mình, chúng không thấy được tổng thất chi phí khổng lồ mà chúng đang gây ra cho cửa hàng”.
Ông McNeil cho rằng thanh thiếu niên nên ý thức được hậu quả khi họ tham gia thử thách như thế này, và chia sẻ những clip đó lên mạng với bạn bè. “Một số cửa hàng đã quyết định thực hiện chính sách không khoan nhượng”, đó là gọi cảnh sát sau khi bắt được kẻ trộm. “Một cửa hàng nói với tôi rằng họ đã bắt được 13 người trong 2 ngày và điều duy nhất họ có thể làm là gọi cảnh sát.”
Ông McNeill cho biết nhiều bậc cha mẹ không nhận ra con mình đang trộm cắp cho đến khi chúng bị bắt. Ông kiến nghị rằng các bậc cha mẹ cần có những cuộc trò chuyện như vậy với con cái của họ, chẳng hạn như khi trẻ mang về nhà nhiều đồ hơn số tiền tiêu vặt mà chúng có thể mua được, hãy hỏi những món đồ đó đến từ đâu.
Nghị sĩ Mỹ: TikTok là ma túy kỹ thuật số, nên bị cấm
Hành động trộm cắp không phải là lần đầu tiên TikTok gây chú ý đối với các hoạt động “thử thách” của mình. Tháng 4 năm nay, một cậu bé 13 tuổi ở Ohio, Mỹ, tử vong khi tham gia “thử thách diphenhydramine” trên TikTok. Theo Wikipedia, Diphenhydramine (còn được gọi là Benadryl) là thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị dị ứng. Nó cũng được sử dụng cho chứng mất ngủ, triệu chứng của cảm lạnh thông thường, run rẩy trong bệnh parkinson và buồn nôn.
Thử thách này liên quan đến việc uống 12 đến 14 viên Benadryl, một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng như dị ứng hoặc mất ngủ, có thể dẫn đến ảo giác khi dùng quá mức và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xuất hiện bệnh tim, co giật hoặc hôn mê.
Cậu bé tên Jacob Stevens đã nuốt 14 viên còn được gọi là Benadryl trong một hơi, gấp hơn 6 lần liều lượng bình thường, và nhanh chóng lên cơn co giật trong quá trình quay video. Mặc dù đã được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nhưng Jacob Stevens đã tử vong sau khi đeo máy thở trong một tuần trong bệnh viện.
Những ảnh hưởng xấu của TikTok đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đã thu hút sự chú ý của các bậc cha mẹ và các nhà lập pháp. Là một trong những nền tảng xã hội phổ biến nhất đối với thanh thiếu niên, TikTok bị phát hiện có các thuật toán được cá nhân hóa để đề xuất nội dung có hại và đẩy các video sử dụng ma túy, nội dung khiêu dâm đến người dùng vị thành niên.
Một nghiên cứu của một tổ chức phi lợi nhuận của Anh cho thấy, TikTok có thể đẩy nội dung có hại tiềm ẩn liên quan đến tự tử và rối loạn ăn uống cho thanh thiếu niên trong vòng vài phút sau họ tạo tài khoản.
Dân biểu Mỹ Mike Gallagher đã mô tả TikTok gây nghiện là “fentanyl kỹ thuật số”, bởi vì nó gây nghiện và kiểm duyệt tin tức trong khi thu thập dữ liệu người dùng.
Ông Mike Gallagher nói: “ĐCSTQ đang thu thập thông tin về hàng triệu thanh thiếu niên, thậm chí là (trẻ em) còn nhỏ hơn cả thanh thiếu niên. Họ cũng đang dẫn dắt con cái của chúng ta nên xem nội dung gì, vì vậy về cơ bản, họ đang định hình tư duy của chúng một cách có mục đích.”
Theo Lý Du, Epoch Times