Justin Zhang • Olivia Li
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc khi nước này lợi dụng cuộc khủng hoảng tại các quốc gia khác để kiếm lợi khổng lồ thông qua bẫy nợ.
Ấn Độ – nước giữ chức chủ tịch G20 năm nay – vẫn đang thúc đẩy giảm nợ cho các nước nghèo.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Business Today, ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật tài chính và sự cần thiết của việc các quốc gia phải tự bảo vệ mình khỏi tình trạng vô kỷ luật tài chính.
“Mỗi quốc gia có nghĩa vụ phải tự bảo vệ mình khỏi tình trạng vô kỷ luật tài chính; nhưng đồng thời, cũng có những thế lực đang tìm cách lạm dụng tình hình bằng việc thúc đẩy các cuộc khủng hoảng nợ. Những thế lực này đã lợi dụng tình trạng khó khăn của các quốc gia khác và đẩy họ vào bẫy nợ”, ông Modi nói.
Ông Li Yiming – chuyên gia và nhà bình luận về Trung Quốc, hiện sống tại Nhật Bản – nói với The Epoch Times vào ngày 31/8 rằng cộng đồng quốc tế đã mệt mỏi với những thủ đoạn bẫy nợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và rằng những nhận xét sắc bén ở trên của ông Modi chính là minh chứng rõ ràng.
Ông Li nói: “Thực tế là, ĐCSTQ đã đẩy nhiều quốc gia trên thế giới vào bẫy nợ thông qua chương trình Vành đai và Con đường, phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu. ĐCSTQ muốn tổ chức lại thế giới theo logic của họ, chứ không phải theo trật tự thông thường vốn đã được thiết lập”.
Bắc Kinh lợi dụng các quốc gia đang nợ nần chồng chất
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Business Today, ông Modi cho biết kể từ năm 2021, các nước G20 đã bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có nhiều quốc gia đang gặp khó khăn bởi sở hữu các khoản nợ không bền vững.
Theo ước tính của các tổ chức có thẩm quyền như Ngân hàng Thế giới, từ năm 2008 đến năm 2021, Bắc Kinh đã tung ra các khoản cho vay với tổng trị giá khoảng 240 tỷ USD cho 22 quốc gia đang phát triển. Trong vài năm gần đây, một số quốc gia đã gặp khó khăn khi trả các khoản vay thuộc các dự án cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ngoài ra, khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp và 30% các nền kinh tế thị trường mới nổi đang vỡ nợ hoặc đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Một số nhà phê bình tin rằng ĐCSTQ đang sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để lừa các nước khác gánh những khoản nợ vượt quá mức bền vững của họ, từ đó buộc họ phải nhượng bộ ĐCSTQ về ngoại giao, quân sự hoặc cơ sở hạ tầng.
Ví dụ, Sri Lanka – được Trung Quốc coi là quốc gia chủ chốt trong Sáng kiến Vành đai và Con đường – đang trên bờ vực sụp đổ với vô số bất ổn kinh tế và chính trị do các khoản nợ khổng lồ gây ra.
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã rót khoảng 6,5 tỷ USD vào các khoản cho vay trong các dự án cơ sở hạ tầng tại Sri Lanka, bao gồm sân bay, cảng biển, đường cao tốc, nhà máy điện và bến cảng. Trong đó, 1 tỷ USD được rót vào việc xây dựng cảng Hambantota và 1,4 tỷ USD đổ vào dự án thành phố cảng Colombo.
Sri Lanka cũng là một trong những quốc gia sớm nhất ủng hộ BRI của Trung Quốc. Tính đến tháng 3/2023, nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên tới 50,5 tỷ USD, chiếm khoảng 65% GDP, trong đó gần 13% là nợ Trung Quốc.
Khoản nợ nước ngoài khổng lồ đã đẩy Sri Lanka vào bẫy nợ. Tháng 12/2017, do không có khả năng trả nợ, Sri Lanka đã phải cho ĐCSTQ thuê Cảng Hambantota và 15.000 mẫu (61 km2) đất xung quanh cảng với thời hạn 99 năm.
Ngược lại với Sri Lanka, Malaysia đã kịp thời nhìn thấu bẫy nợ của Bắc Kinh. Khi ông Mahathir Mohamad lần thứ hai đắc cử chức thủ tướng, ông đã hủy bỏ một số dự án BRI mà người tiền nhiệm đã đồng ý với Trung Nam Hải.
Tính đến nay, ĐCSTQ vẫn đang tạo thêm nhiều bẫy nợ. Vào ngày 24/8/2023, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ cung cấp tổng cộng 14 tỷ USD cho các nước châu Phi “với mục đích thúc đẩy các sáng kiến phát triển trên toàn thế giới”.
Vào giữa tháng 7, nhà kinh tế học Justin Yifu Lin – thành viên ban cố vấn của Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Quốc tế “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, cũng là cựu phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới – tiết lộ với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng chi tiêu cho Vành đai và Con đường đã đạt 1 nghìn tỷ USD và cuối cùng có thể đạt tới 8 nghìn tỷ USD.
ĐCSTQ muốn có được lợi ích chính trị và quân sự
Nhà bình luận Li Yiming cho rằng âm mưu bẫy nợ của Bắc Kinh không chỉ là vì lợi ích kinh tế, mà còn vì lợi ích chính trị và quân sự.
Ông nói: “Ví dụ, cảng Hambantota ở Sri Lanka đã dần dần được quân sự hóa kể từ khi nó bị ĐCSTQ tiếp quản. Cái gọi là viện trợ kinh tế của ĐCSTQ cho các nước khác là có tính chính trị, còn khía cạnh kinh tế chỉ là phương tiện kiểm soát. Nhưng hiện nay, cộng đồng quốc tế đang thức tỉnh và bắt đầu điều chỉnh lại trật tự kinh tế quốc tế đã bị biến dạng này”.
Sau khi ĐCSTQ đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013, tỷ lệ nợ của Trung Quốc và Mỹ đối với một số quốc gia đã thay đổi mạnh mẽ.
Trong giai đoạn 5 năm 2016-2021, Trung Quốc chiếm 30,4% tổng nợ của các nước nghèo, trong khi Mỹ chỉ chiếm 2,4%. Ngược lại, trong 5 năm đầu của thập niên 1980, Hoa Kỳ chiếm khoảng 27,5% và Trung Quốc chiếm 2,1%.
Theo báo cáo của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, tổng nợ nước ngoài của châu Phi đạt 696 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2020, tăng hơn 5 lần so với trước đây, và khoản nợ đối với ĐCSTQ chiếm tới 12%, tương đương khoảng 83,52 tỷ USD.
Tuy nhiên, năng lực của Bắc Kinh trong việc cho các quốc gia khác vay tiền đang yếu dần. Nguyên nhân là Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi trong năm nay, chẳng hạn như thảm họa thiên nhiên, suy thoái kinh tế và khủng hoảng bất động sản.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch