Hội nghị thượng đỉnh G20 tuần trước đã công bố thiết lập “hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu” để chống lại BRI của Trung Quốc.
Một dự án cảng và đường sắt đa quốc gia nhằm kết nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu, được quảng bá là một đối trọng với dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, đã được thiết lập trong hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở New Delhi.
Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Pháp, Đức, Ý, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều đã ký kết dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC).
Theo các tài liệu dự án, IMEC được hình dung bao gồm hai hành lang riêng biệt: hành lang phía đông nối Ấn Độ với Vịnh Ả Rập; và hành lang phía bắc nối Vịnh Ả Rập với châu Âu. Mục tiêu của IMEC là trở thành một dự án đối trọng với BRI của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích vì đặt bẫy nợ và gây ảnh hưởng chính trị cho chế độ cộng sản Trung Quốc đối với các nước tham gia.
Mục tiêu của IMEC là thiết lập một mạng lưới đường sắt “đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí” giữa Ấn Độ, UAE, Saudi Arabia, Jordan, Israel, và châu Âu. Như đã thông báo, các nước đối tác có ý định lắp đặt cáp điện và cáp kỹ thuật số dọc theo tuyến đường sắt cũng như các đường ống dẫn khí hydro sạch.
Hành lang kinh tế này sẽ vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến bờ biển phía đông của UAE, sau đó đến cảng Haifa của Israel bằng đường sắt, sau đó đến châu Âu từ Haifa bằng đường biển. Ngoại trừ một đoạn đường sắt nhỏ sẽ do Saudi Arabia xây dựng, toàn bộ hành lang này đã được hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Nếu chính quyền quân sự Miến Điện (còn gọi là Myanmar) cho phép xây dựng cảng chuyên dụng cho IMEC thì hành lang này có tiềm năng mở rộng sang các nước như Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, và Bangladesh.
IMEC nhằm đương đầu với BRI của Trung Quốc
Các nhà phân tích cho biết, khu vực này có thể không có đủ lưu lượng thương mại để cho phép hành lang kinh tế mới nói trên lẫn BRI của Trung Quốc hoạt động đồng thời, khiến cả hai hệ thống này phải cạnh tranh trực tiếp.
Hoa Kỳ đã đóng một vai trò dẫn đầu trong các cuộc đàm phán thành lập IMEC nhằm đương đầu với BRI, một dự án khiến nợ của các nước tham gia ngày càng gia tăng từ đó gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Việc khai triển hành lang kinh tế mới cũng đánh dấu việc Hoa Thịnh Đốn trở lại Trung Đông.
IMEC “là một dự án mang tầm lịch sử,” Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết. “Đây sẽ là kết nối trực tiếp nhất cho đến nay giữa Ấn Độ, Vịnh Ả Rập, và châu Âu: với một tuyến đường sắt sẽ khiến tốc độ giao thương giữa Ấn Độ và châu Âu nhanh hơn 40%.”
Hành lang này khiến Ấn Độ trở thành trung tâm của luồng giao thương từ Đông Nam Á đến Trung Đông và châu Âu, vốn là một cơ hội lớn để Ấn Độ và Trung Đông tăng tốc phát triển kinh tế, đồng thời để châu Âu đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng ngoài Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nhấn mạnh rằng IMEC sẽ thúc đẩy khả năng tài chính thay vì tăng gánh nặng nợ nần, cũng như tôn trọng các chuẩn mực xanh và chủ quyền lãnh thổ của các nước đối tác — những yếu tố được nêu ra để phân biệt với BRI của Trung Quốc.
Dự án này đã bắt đầu với một số cuộc họp kín giữa Ấn Độ, UAE, và Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ trọn vẹn của thái tử Saudi Arabia, và sau đó là sự tham gia của Ý, Đức, và Pháp.
Saudi Arabia, UAE, và Ý đã tham gia BRI của Trung Quốc trong những năm trước, nhưng họ hiện là ba thành viên sáng lập của IMEC, trong khi Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đang tìm cách rút khỏi BRI.
Mặc dù BRI — dự án quốc tế lớn của nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình được công bố cách đây 10 năm — được Trung Quốc quảng cáo là tập trung vào kinh tế, nhưng dần dần các quốc gia thành viên ngày càng nhận ra rằng đây là một công cụ được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để định hình lại trật tự thế giới, thuyết phục các nước thế giới phương Nam (Global South), và xuất cảng mô hình quản trị của ĐCSTQ.
“BRI đưa tất cả nhân lực, nguồn lực, và thiết bị từ Trung Quốc qua thay vì sử dụng của địa phương, nhưng lấy nguồn tài trợ của địa phương để phát triển,” ông Chung Chí Đông (Zhong Zhidong), trợ lý nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times. “Đó là một hình thức bóc lột nền kinh tế [của các quốc gia sở tại và người dân của họ].”
Nhà kinh tế học người Mỹ Davy Wong lưu ý đến sự khác biệt giữa một bên là nhóm kinh tế và một bên là nhóm chính trị: IMEC bao gồm các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ châu Âu và Hoa Kỳ, trong khi BRI bao gồm các quốc gia bị Bắc Kinh ảnh hưởng tương đối nhiều về chính trị.
Ông Wong nói: “IMEC thiên về khía cạnh kinh tế hơn, như vận tải đường sắt, một số miễn trừ về thuế, v.v.. BRI thiên về đầu tư dự án trực tiếp, như đào mỏ và xây dựng một số cơ sở công cộng như đường sắt, bến cảng, phi trường, trường học, bệnh viện, v.v. và đầu tư trực tiếp nhiều hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng.”
“IMEC cho rằng địa chính trị, các giá trị chung, và hệ thống pháp luật sẽ được ưu tiên hơn các lợi ích kinh tế; BRI thiên về việc đồng ý với định hướng chính trị của Bắc Kinh. BRI là hoạt động xuất cảng năng lực sản xuất và vốn dư thừa của Bắc Kinh ra thế giới, cũng như ảnh hưởng của nước này trong mọi khía cạnh của quan hệ ngoại giao. Vì vậy, BRI thiên về sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh; nước này muốn thay đổi các quy tắc của thế giới.”
Ông Tống Quốc Thành (Song Guo Cheng), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, theo quan điểm của ông, BRI là không bền vững. Về đầu tư của Trung Quốc, ông cho biết sáng kiến này đã giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh điểm.
“Có hai lý do chính,” ông Tống nói với The Epoch Times. “Một là khả năng trả nợ của các quốc gia vay nợ này tương đối thấp. Bởi vì ĐCSTQ chủ yếu muốn phát triển ảnh hưởng địa chính trị của mình nên họ đã đầu tư vào các quốc gia này. Thứ hai là nền kinh tế trì trệ hiện nay của Trung Quốc không còn đủ khả năng chi trả cho BRI.”
Thanh Nguyên biên dịch