Một blogger Trung Quốc bị công an tịch thu hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 210,000 Úc kim) vì làm việc cho một công ty nước ngoài qua Internet, lý do được đưa ra là vượt tường lửa trái pháp luật. Blogger này mới đây đã đăng lên Weibo để giải thích vụ việc và tìm kiếm sự giúp đỡ từ luật sư.
Hôm 24/9, người dùng Weibo 2406409341 đăng tải nội dung như sau: “Tôi làm việc cho một công ty ở nước ngoài và bị Công an quận Song Kiều, thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc phạt 1.058.000 nhân dân tệ vì truy cập Internet quốc tế. Tôi sẽ nộp đơn kiện hành chính tại địa phương sau ngày Quốc khánh. Hoan nghênh mọi người tới xem truyền hình trực tiếp phiên tòa. Nếu có luật sư sẵn sàng đại diện cho tôi, vui lòng liên hệ với tôi, xin cảm ơn”.
Theo lời giải thích bổ sung mà blogger này đưa ra sau đó và các tài liệu liên quan do cơ quan công an ban hành, blogger này đã làm việc cho một công ty thương mại thông qua Internet từ năm 2019 đến năm 2022 và đã ký hợp đồng dịch vụ kỹ thuật chính thức với công ty. Phương thức làm việc là nhận nhiệm vụ của công ty trên Github để viết code, hỗ trợ giải đáp thắc mắc của người dùng và sử dụng phần mềm Zoom để làm việc từ xa.
Tuy nhiên, vào ngày 22/9 năm ngoái, công an bất ngờ đến tìm blogger này, họ đưa ra lý do rằng nghi ngờ anh đã đăng thông tin liên quan đến “khủng bố” lên Twitter và đã tịch thu máy tính cùng các vật dụng văn phòng khác của anh để điều tra. Khoảng một tháng sau, anh được trả lại máy tính và các vật dụng. Phía công an nói rằng đã điều tra xác minh được nội dung “khủng bố” trên Twitter không liên quan gì đến blogger này, nhưng họ lại quyết định xử phạt anh với lý do: vượt tường lửa làm việc online cho công ty nước ngoài cũng là một “hành vi trái pháp luật”.
Blogger trên cũng đăng tải ảnh chụp màn hình “Quyết định xử phạt hành chính” của Cục Công an, ngoài ra còn có “Giấy trả lời” của họ và cái gọi là “Căn cứ xử lý vụ việc” sau khi blogger này nộp đơn xin xét lại hành chính.
Theo “Quyết định xử phạt hành chính”, blogger này bị cáo buộc “tự ý sử dụng các kênh bất hợp pháp để kết nối mạng quốc tế” và bị phạt 200 nhân dân tệ (khoảng 660 nghìn VND), ngoài ra còn bị “tịch thu số tiền thu nhập bất hợp pháp 1.058.000 nhân dân tệ”.
Blogger này cảm thấy không phục với quyết định xử phạt trên, anh đã nhiều lần giải thích với công an rằng Github mà anh sử dụng để làm việc trực tuyến là một nền tảng lưu trữ framework mã nguồn mở, anh có thể hoàn thành công việc của mình trên Internet mà không cần phải vượt tường lửa, hơn nữa anh cũng đã ký hợp đồng dịch vụ chính thức với công ty nên thu nhập của anh là khoản lương chính đáng. Tuy nhiên, phía công an hoàn toàn không chấp nhận lời giải thích này.
Blogger này không còn cách nào khác đành phải gửi đơn khiếu nại hành chính và đăng lên mạng xã hội Weibo để tìm luật sư giúp đỡ, không ngờ bài viết vừa đăng lên đã bị quản trị mạng xóa và chặn ngay lập tức. Tuy nhiên khi tìm kiếm từ khóa trên Google, vẫn có thể thấy các bài đăng liên quan trên Weibo.
Sau khi tin tức này được lan truyền trên nền tảng mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) ở nước ngoài, nó đã thu hút sự chú ý của nhiều cư dân mạng người Hoa.
Người dùng X @Pandazhq nói: “Theo logic chấp pháp (của công an), ở trong nước mà truy cập Twitter, YouTube, TikTok, Facebook… đều là lên mạng bất hợp pháp. Họ không điều tra bạn không phải vì bạn không vi phạm pháp luật, mà là vì thu nhập của bạn quá ít, không đáng để công an phải đặc biệt ghé thăm. Vì vậy, mấu chốt của việc chấp pháp không phải là ‘vi phạm pháp luật’ mà là ‘mức thu nhập'”.
Có cư dân mạng chế giễu: “Không phải Hồ Tích Tiến cũng vượt tường lửa và mở một kênh truyền thông cá nhân trên YouTube để kiếm nhiều tiền sao? Tôi cực lực yêu cầu công an điều tra tổng biên tập Hồ và tịch thu tất cả những khoản thu nhập bất hợp pháp của ông ta!”.
Được biết, ông Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mở một kênh Youtube tên là “Hồ Khản” (Hu Kan) để kiếm tiền. Ông ta cũng sử dụng logic biến dị của chế độ này để nói về nhiều chủ đề nóng hổi trên Internet nhằm làm nhiễu loạn công chúng. Kênh Youtube này đã hoạt động được vài năm.
Theo NTD tiếng Trung
Minh Lý biên dịch