Liên Thành
Ngày 12/10, Chính phủ Israel đã bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” sau khi Bắc Kinh không đưa ra lời lên án rõ ràng và dứt khoát đối với việc tổ chức khủng bố Hamas thảm sát thường dân vô tội trong vụ tấn công ngày 7/10.
Một ngày sau, một nhân viên Đại sứ quán Israel tại Bắc Kinh bị một người đàn ông tấn công bằng dao trên đường phố. Đáng chú ý, vụ tấn công diễn ra vào “Jihad Day” – “Ngày thánh chiến”, ngày mà Hamas kêu gọi mọi người ủng hộ tổ chức này bằng hành động.
Chia sẻ với VOA, học giả Chen Yongmiao cho rằng, thời điểm xảy ra vụ đâm nhân viên Đại sứ quán Israel hơi lạ, vì nó xảy ra khi Israel đang chuẩn bị các hành động chống lại Hamas.
Chen cho rằng, thái độ của Trung Quốc đối với các hành vi của Hamas là rất khó hiểu. Nhưng ông tin rằng. Bắc Kinh duy trì thái độ như vậy là vì e ngại rằng việc lên án Hamas sẽ khiến nhiều nước Trung Đông khó chịu. Nên tổ chức đang cai trị Trung Quốc sẽ đợi cho đến khi xung đột Israel-Hamas kết thúc. Nếu Israel thắng, Bắc Kinh sẽ đâm thêm một nhát dao vào Hamas.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của ĐCSTQ. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Israel tăng lên 25,45 tỷ USD.
Trung Quốc được cho là liên tục thu được kiến thức và công nghệ quan trọng thông qua mối quan hệ với Israel, tuy nhiên, đại diện của Chính quyền Trung Quốc thường xuyên bỏ phiếu chống lại Israel tại các diễn đàn quốc tế.
Nhà báo kỳ cựu Hu Ping nói với VOA rằng, trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, thế hệ của ông luôn bị hệ thống giáo dục của ĐCSTQ dạy rằng, Israel rất tồi tệ.
Bình luận viên Cai Shenkun ngày 8/10 viết trên X rằng, các chính trị gia Israel đã lầm tưởng Bắc Kinh sẽ thay đổi lập trường vì Israel đã cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn công nghệ quốc phòng trong nhiều năm qua.
Theo ông Cai, Bắc Kinh muốn một Trung Đông hỗn loạn, giống như Triều Tiên, Chính quyền Trung Quốc sử dụng Trung Đông làm con bài thương lượng với phương Tây.