Trong khi hàng loạt vụ vỡ nợ đã chứng tỏ cái chết của thị trường nợ Trung Quốc, cái chết của thị trường chứng khoán của nước này cũng sẽ sớm được chứng nhận. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ gần như mất đi tất cả các kênh huy động tài chính toàn cầu.
2 tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc; chỉ số Shanghai Composite Index (SHCOMP) giảm xuống dưới 3.000 điểm, một cột mốc tâm lý. Điều này xảy ra trong bối cảnh chính quyền đang thực hiện “giải cứu thị trường”, cấm ban quản lý cấp cao của các công ty niêm yết thực hiện bán khống. Đúng như dự đoán, hành động như vậy minh họa một ví dụ điển hình về một động thái mang tín hiệu xấu, truyền tải thông điệp tiêu cực đến thị trường.
Việc chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ thị trường cũng cho thấy mức độ kém hiệu quả của chính sách.
Chính quyền Trung Quốc đã phớt lờ sự ảm đạm của thị trường chứng khoán trong hơn một thập kỷ. Kể từ cơn sóng thần tài chính, SHCOMP đã luôn giao dịch quanh mức 3.000 điểm trong 15 năm ngoại trừ một khoản thời gian ngắn vào năm 2015, đây vốn là mức gần tương đương một nửa thời điểm tốt nhất của nó (6.100 điểm) vào năm 2007.
Nỗ lực giải cứu quyết liệt một cách bất ngờ tiết lộ một thông tin quan trọng khác: việc bong bóng bất động sản vỡ và các cuộc khủng hoảng nợ kèm theo đã đạt tới một thời điểm then chốt. Thậm chí ngay cả việc có thêm một dòng tiền nhỏ chảy ra từ thị trường chứng khoán vốn đã ảm đạm cũng sẽ là một thảm hoạ.
Một bối cảnh khác cần chú ý tới là vụ bán tháo ồ ạt cổ phiếu hạng A và việc thất thoát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần đây. Việc thất thoát như vậy đủ toàn diện đến mức cho dù là vốn ngắn hạn từ thị trường chứng khoán hay đầu tư dài hạn, chúng đều đang tháo chạy. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].
Hiện nay đang là một thời điểm rất quan trọng theo hai cách: Một là sự gia tăng gần đây của lãi suất toàn cầu được dẫn dắt bởi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của Mỹ. Điều này khiến mọi khoản đầu tư bị đánh giá lại, với việc các thị trường mong manh nhất (lần này là Trung Quốc) sẽ hết tiền đầu tiên. Một vấn đề khác là lo lắng về một cuộc chiến mới mà Trung Quốc là một bên tham chiến tiềm tàng.
Từ so sánh của chúng tôi đối với Trung Quốc và Nhật Bản (2 chỉ số SHCOMP và TOPIX), chỉ số SHCOMP được dự đoán sẽ sụt giảm sâu trong đợt này. Tỷ lệ tương ứng cho thấy mức thấp của lần giảm này có thể chỉ còn 1.500 điểm, tương đương mức giảm sâu thêm 50% so với mức hiện tại.
Về cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều ít nhiều bị lĩnh vực bất động sản kéo lùi. Việc giảm đòn bẩy không thể thực hiện trong một ngày, thị trường chứng khoán yếu kém sẽ cần thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, đây có thể không phải là vấn đề lớn vì hầu hết các nhà đầu tư bán lẻ đã bỏ cuộc.
Nhưng diễn biến đó có một hàm ý mạnh mẽ: Trong khi hàng loạt vụ vỡ nợ đã chứng tỏ cái chết của thị trường nợ Trung Quốc, cái chết của thị trường chứng khoán cũng sẽ sớm được chứng nhận. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ mất đi tất cả các kênh huy động tài chính toàn cầu. Bạn có thể tưởng tượng ngày nay có một nền kinh tế khổng lồ hoạt động mà không có tài chính không? Theo định nghĩa, điều này có nghĩa là việc giảm đòn bẩy ngày càng sâu sắc.
Quan trọng hơn, điều này còn có nghĩa là việc tái sử dụng đòn bẩy trong tương lai sẽ rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể.
Thật trùng hợp, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang đi xuống từ mức đỉnh. Điều này phần nào báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu đang đến rất gần nếu chưa muốn nói là đã bắt đầu. Thị trường con gấu (mất điểm mạnh) sắp tới sẽ là thách thức rất lớn đối với Trung Quốc, không chỉ giới hạn ở quy mô thị trường mà còn đối với hoạt động tài chính vĩ mô của nước này. Và tình trạng hỗn loạn như vậy có thể tạo ra biến động xã hội hoặc thậm chí là chính trị.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Thủy Tiên biên dịch