Ngày 21/11, Quỹ tín thác gia đình của Jack Ma sẽ bán cổ phiếu Alibaba có tổng giá trị thị trường 870,7 triệu USD. Do Mỹ mở rộng kiểm soát xuất khẩu, Alibaba tạm dừng việc tách Alibaba Cloud, theo đó chứng khoán Hồng Kông của Alibaba Cloud cũng lao dốc.
Quỹ tín thác gia đình Jack Ma bán cổ phần Alibaba
Hai biểu mẫu 144 mới nhất được Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) tiết lộ cho thấy, JC Properties Ltd. và JSP Investment Ltd. thuộc sở hữu 100% của Quỹ tín thác gia đình Jack Ma dự định ngày 21/11 bán ra cổ phiếu của người sáng lập Alibaba, tổng 10 triệu cổ phiếu lưu ký của Mỹ (ADS) có giá trị thị trường chứng khoán là 870,7 triệu USD.
ADS (American Depositary Shares), cổ phiếu lưu ký Mỹ hoặc biên lai lưu ký Mỹ (ADRs), cho phép cổ phiếu nước ngoài được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu của công ty nước ngoài thường giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ theo cách này. Biên lai lưu ký Mỹ được phát hành bởi các ngân hàng lưu ký Mỹ, mỗi ADR đại diện cho một hoặc nhiều cổ phiếu nước ngoài, hoặc một phần nhỏ cổ phiếu. Khi nhà đầu tư nắm giữ ADR thì nhà đầu tư có quyền và chứng chỉ của cổ phiếu nước ngoài mà họ đại diện.
Qua các tài liệu tiết lộ thông tin trước đây của Alibaba cho thấy, JSP Investment Ltd. và JC Properties Ltd. hoàn toàn thuộc sở hữu của Quỹ tín thác gia đình Jack Ma.
Ngoài ra, báo cáo tài chính của Alibaba những năm gần đây không còn tiết lộ số liệu sở hữu cổ phần của Jack Ma. Năm 2020, thông tin được Alibaba công bố cho thấy, tính đến ngày 2/7/2020 cổ phiếu Alibaba của Jack Ma đã giảm hơn 233,86 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 4,8%.
Thông tin quỹ tín thác của gia đình Jack Ma bán cổ phần tại Alibaba khiến chứng khoán Mỹ của hãng này lao dốc, chứng khoán Hồng Kông của Alibaba ngày 17/11 cũng giảm gần 10%. Điều đáng chú ý là hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Alibaba đang gặp trở ngại và giá cổ phiếu của tập đoàn này trong tương lai có thể còn bị áp lực hơn nữa.
Hoạt động kinh doanh gặp trở ngại
Hồi tháng 3, Alibaba đã công bố những thay đổi tổ chức quan trọng nhất kể từ khi thành lập, theo đó chia 6 nhóm kinh doanh lớn gồm Cloud Intelligence, Taobao Tmall Commerce, Local Services, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce, và Digital Media; đồng thời thành lập các nhóm kinh doanh thực hiện hệ thống trách nhiệm của CEO do ban giám đốc của từng tập đoàn kinh doanh và công ty kinh doanh đứng đầu, nhưng vẫn duy trì khả năng tài trợ và niêm yết độc lập.
Giới phân tích chỉ ra rằng việc tách Cloud Intelligence là phần có giá trị nhất trong kế hoạch tái cơ cấu của Alibaba, giờ đây khi kế hoạch này bị dừng lại khiến giới đầu tư nghi ngờ về mức định giá 200 tỷ USD của Tập đoàn Alibaba.
Alibaba đã thông báo ngày 16/11 rằng việc mở rộng các hạn chế gần đây của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip điện toán tiên tiến khiến triển vọng của Cloud Intelligence Group trở nên bấp bênh, do đó quyết định tạm ngừng kế hoạch tách Cloud Intelligence.
Alibaba cho hay sẽ không thúc đẩy kế hoạch này nữa, tập trung vào việc thiết lập mô hình tăng trưởng bền vững cho Cloud Intelligence để ứng phó tình hình bấp bênh, sẽ tăng cường đầu tư vào Alibaba Cloud, cho phép Alibaba Cloud tập trung vào chiến lược phát triển “trí tuệ nhân tạo (AI) + điện toán đám mây”, cố gắng giảm thiểu tác động bất lợi.
Alibaba đang trải qua đợt thay đổi tổ chức quan trọng nhất trong 24 năm kể từ khi thành lập, theo đó Alibaba Cloud là mảng kinh doanh cần được triển khai triệt để nhất trong kế hoạch tách của Alibaba. Hiện tại, trên thị trường vốn toàn cầu chưa có công ty điện toán đám mây niêm yết độc lập nào như Alibaba Cloud, vì vậy mức định giá của Alibaba Cloud đã thu hút sự chú ý rộng rãi.
Doanh thu của Alibaba Cloud trong năm tài chính 2022 khoảng 1,41 tỷ USD (10,18 tỷ RMB), lần đầu tiên đạt được lợi nhuận cả năm và trở thành nhà cung cấp điện toán đám mây duy nhất ở Trung Quốc có doanh thu vượt 100 tỷ RMB. Nhưng bước sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Alibaba Cloud đã chậm lại, hãng đang dựa vào chiến lược giảm giá các sản phẩm cốt lõi để mở rộng hơn nữa quy mô thị trường.
Nhiều tháng qua, Mỹ đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của các công ty Trung Quốc, bao gồm cả việc hạn chế xuất khẩu thiết bị cần thiết cho hoạt động sản xuất cho các ‘gã khổng lồ’ bán dẫn châu Á.
Alibaba cũng tiết lộ rằng kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty con bán thực phẩm tươi sống Hema đang bị tạm dừng, đồng thời cho biết họ đang đánh giá các điều kiện thị trường và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo thực hiện thành công dự án và nâng cao giá trị cổ đông.
Mỹ siết chặt hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc
Ngày 17/10 chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công bố tăng các hạn chế việc bán chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Mỹ, củng cố các biện pháp được ban hành vào tháng 10 năm ngoái nhằm hạn chế tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực siêu máy tính và AI.
Các quy định này có thể ngăn cản việc vận chuyển hầu hết nguồn bán dẫn tiên tiến từ Mỹ đến các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc – nơi sử dụng chúng để tạo ra các mô hình AI. Nhiều công ty Mỹ muốn bán chip tiên tiến hoặc máy móc sản xuất chip cho Trung Quốc sẽ phải thông báo cho chính phủ về kế hoạch của họ hoặc xin phép đặc biệt.
Để ngăn chặn nguy cơ chip tiên tiến của Mỹ vào Trung Quốc thông qua các nước thứ ba, Mỹ cũng yêu cầu các nhà sản xuất chip phải có giấy phép trước khi vận chuyển đến hàng chục nước khác đang bị Mỹ cấm vận vũ khí.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng việc Trung Quốc mua lại công nghệ tiên tiến này là nguy hiểm, vì có thể giúp quân đội Trung Quốc hoàn thành các nhiệm vụ như dẫn đường cho tên lửa siêu thanh, xây dựng hệ thống giám sát tiên tiến hay bẻ khóa các mật mã tối mật của Mỹ. Các chuyên gia AI hàng đầu đã cảnh báo những công nghệ đó có thể gây đe dọa sinh tồn cho nhân loại nếu không được quản lý đúng.
Nhưng các nhà phân tích trong ngành cho rằng AI cũng có những ứng dụng thương mại có giá trị, do đó những hạn chế chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc đang nỗ lực phát triển chatbot AI, chẳng hạn như công ty mẹ của TikTok là ByteDance, hoặc ‘gã khổng lồ’ Internet Baidu. Về lâu dài, những hạn chế này cũng có thể làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, vì AI đang tạo cuộc chuyển hóa trong các ngành công nghiệp – từ bán lẻ đến chăm sóc sức khỏe.
Các hạn chế này dường như cũng có khả năng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng sang Trung Quốc của các nhà sản xuất chip của Mỹ như Nvidia, Advanced Micro Devices và Intel. Một số nhà sản xuất chip nhận được tới 1/3 doanh thu từ bên mua Trung Quốc. Một năm trước, để đáp lại những hạn chế lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden đối với chip AI, công ty Nvidia đã thiết kế các chip mới cho thị trường Trung Quốc là A800 và H800, dù những chip này chậm hơn nhưng các công ty Trung Quốc vẫn có thể sử dụng được để đào tạo các mô hình AI. Một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ cho biết các quy định mới sẽ hạn chế việc bán hàng như vậy.
Các quan chức Mỹ cho biết các quy định sẽ miễn trừ các chip được sử dụng hoàn toàn cho các ứng dụng thương mại, như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, xe điện và hệ thống chơi game. Hầu hết các quy định sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày, nhưng một số quy định sẽ có hiệu lực sớm hơn.
Theo New York Times, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (đại diện cho các nhà sản xuất chip Mỹ) cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ an ninh quốc gia, tin rằng việc duy trì một ngành bán dẫn lành mạnh của Mỹ là một phần quan trọng để đạt được mục tiêu này. Các biện pháp kiểm soát đơn phương quá rộng có thể gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn của Mỹ hơn là thúc đẩy an ninh quốc gia, vì như vậy sẽ khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm kiếm nơi khác”.
Người phát ngôn của công ty Nvidia nói rằng công ty tuân thủ tất cả các quy định hiện hành, do nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của Nvidia nên dự kiến trong thời gian ngắn không tác động đáng kể đến kết quả tài chính.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết trong một hội nghị trực tuyến với giới truyền thông rằng, Mỹ đã chứng kiến những nỗ lực lách các quy định trước đó, những đột phá gần đây trong việc tạo ra AI đang giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn sâu hơn về đằng sau vấn đề cái gọi là ngôn ngữ lớn đã được phát triển và sử dụng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo chỉ ra những thay đổi này nhằm “đảm bảo các quy tắc hiệu quả nhất có thể”, bà dự kiến đi cùng tiến bộ công nghệ thì những quy tắc này sẽ được cập nhật ít nhất hàng năm. Bà nói: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tiên tiến có thể tạo ra những đột phá về AI và điện toán tiên tiến – những thứ vốn rất quan trọng đối với các ứng dụng quân sự của Trung Quốc”. Bà nói thêm: “Việc kiểm soát công nghệ quan trọng hơn bao giờ hết vì nó liên quan đến an ninh quốc gia”.
Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng kiểm soát tình hình chi phối ngày càng tăng của Trung Quốc đối với nhiều công nghệ tiên tiến bằng cách bơm tiền vào các hãng chip của Mỹ. Bên cạnh đó Mỹ cũng tìm cách đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, đồng thời vẫn đảm bảo cho phép các hoạt động thương mại khác được tự do lưu thông.
Nhưng việc xác định công nghệ nào thực sự gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Các công ty bán dẫn lớn cho rằng lệnh cấm thương mại quá nghiêm ngặt sẽ làm xói mòn nguồn thu mà họ cần để đầu tư vào các nhà máy và cơ sở nghiên cứu mới ở Mỹ. Trong khi một số nhà phê bình cho rằng những hạn chế này cũng có thể thúc đẩy nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển các công nghệ thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng năng lực của Trung Quốc vẫn chậm hơn phương Tây nhiều năm.
Chính Hâm, Vision Times