Nhà chức trách Trung Quốc đã dùng tội danh gián điệp để bắt giữ một công dân Trung Quốc làm việc cho một công ty Mỹ, vụ việc nêu bật những rủi ro tiềm ẩn khi làm việc cho các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Theo tin từ tờ Guardian của Anh, cô Emily Chen 50 tuổi đã mất tích sau khi bay từ Doha nơi cô sống đến Sân bay Quốc tế Lộc Khẩu (Lukou) – Nam Kinh – Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
Theo chồng cô là công dân Mỹ Mark Lent, cô Chen đã gửi tin nhắn cho gia đình nói rằng cô đã hạ cánh nhưng sau đó không ra khỏi sân bay. Bốn ngày sau, con trai cô nhận được một lá thư từ An ninh Quốc gia thành phố Đại Liên thông báo rằng cô Chen đã bị giam giữ vào ngày 30/12, nguyên nhân vì nghi ngờ cung cấp trái phép bí mật nhà nước cho các thực thể ở nước ngoài – một tội danh thường có hình phạt tối đa là 10 năm tù, nhưng nếu trường hợp nghiêm trọng thì hình phạt sẽ dài hơn.
Con trai cô Chen là công dân Trung Quốc, anh đã bị cấm rời khỏi đất nước vào tuần trước khi đang cố gắng lên chuyến bay ở Thượng Hải.
Có thời gian ngắn làm việc cho một công ty Mỹ
Giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không tiết lộ nhiều chi tiết về lý do cụ thể giam giữ cô Chen. Tờ Guardian đã liên hệ với Ban An ninh Quốc gia Đại Liên nhưng họ từ chối bình luận. Ông Lent chồng cô Chen là giáo viên nhiếp ảnh (kết hôn với cô Chen ở Trung Quốc vào năm 2016) cho biết, chỉ có một mối liên hệ duy nhất giữa Chen và Đại Liên: năm ngoái, cô đã dành 4 tháng để giúp một công ty hậu cần của Mỹ mở văn phòng ở Đại Liên.
Ông Lent nói với Guardian rằng Chen “không bao giờ do thám đất nước của mình”. Hiện ông đang cố gắng kiếm tiền trang trải chi phí pháp lý cho vợ và chi phí sinh hoạt cho gia đình. Ông đã không thể liên lạc với Chen kể từ khi cô bị giam giữ. Ông nói: “Vợ tôi chỉ là một người ngoài vô tội”.
Từ tháng 1 – 4/2023, cô Chen làm công nhân tự do cho Safe Ports – một công ty hậu cần của Mỹ. Công ty này tự diễn tả là “công ty dẫn đầu toàn cầu về quản lý chuỗi cung ứng”. Người sáng lập và Giám đốc điều hành Lucy Duncan cho biết công ty hy vọng sẽ thành lập văn phòng tại Đại Liên để mở rộng kinh doanh, cung cấp các giải pháp công nghệ xanh cho cảng biển. Ông Duncan mô tả công việc của Chen tại công ty là “thuần túy hành chính”, bao gồm các nhiệm vụ như tìm văn phòng.
“Cô ấy ổn”, ông Duncan nói và nói thêm, “Tôi không biết tại sao cô ấy bị giam giữ”.
Công ty Safe Ports cuối cùng quyết định không theo đuổi dự án ở Đại Liên, một phần vì cô Chen đã tìm được việc làm toàn thời gian tại một công ty năng lượng của Pháp ở Doha. Ông Duncan cũng kết luận rằng môi trường ngày càng xấu đi đối với người nước ngoài có nghĩa là “không nên tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc”.
Chưa có xác nhận chính thức nào cho thấy việc giam giữ cô Chen có liên quan đến công việc của cô tại Safe Ports. Nhưng Đại Liên là thành phố cảng ở phía bắc Trung Quốc và là nơi có căn cứ hải quân quan trọng, do đó bất kỳ cuộc điều tra nào về các cảng trong khu vực đều là vấn đề nhạy cảm. Điều này đặc biệt đúng trong chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của ĐCSTQ, nhằm mục đích tận dụng cơ sở hạ tầng dân sự để hỗ trợ phát triển quân sự.
Ví dụ, Safe Ports trước đây đã làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ để giúp cung cấp vật tư cho quân đội ở Afghanistan, vì vậy có thể đó là lý do công ty thu hút sự chú ý của chính quyền Trung Quốc.
Mơ hồ trong cáo buộc gây lo ngại
Cô Chen đang bị “Giám sát cư trú tại một địa điểm được chỉ định” (RSDL). RSDL cho phép chính quyền giam giữ một người lên đến 6 tháng mà không được tiếp cận với luật sư, gia đình hoặc cơ hội kháng cáo. Họ thường bị biệt giam. Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc mô tả đây là “một hình thức cưỡng bức mất tích, khiến các nạn nhân có nguy cơ cao bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo, hoặc hạ nhục nhân phẩm”.
Trương Đình, Epoch Times