Sau nhiều nước như Đức, Anh… cảnh báo về các hoạt động gián điệp từ Trung Quốc, trong báo cáo thường niên mới nhất của Chính phủ Na Uy cũng cho biết gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “có mặt khắp châu Âu, là hiểm họa an ninh cho châu Âu”.
Newsweek đưa tin, theo tài liệu do cơ quan tình báo Na Uy công bố hôm thứ Hai (12/2): “Các hoạt động [nguy cơ an ninh] của Trung Quốc (ĐCSTQ) từ các cửa ngõ chính gồm tình báo chính trị, gián điệp công nghiệp, không gian mạng”.
Tình báo Na Uy tuyên bố rằng tình báo ĐCSTQ sử dụng một loạt công cụ phổ biến và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để che giấu dấu vết hoạt động của họ – các hoạt động thúc đẩy trên khắp châu Âu. Tình báo ĐCSTQ không đơn độc trong thực hiện sứ mệnh mà được sự hỗ trợ của các chủ thể dân sự như “các nhà ngoại giao, các đoàn du lịch, cá nhân, doanh nghiệp, và các nhóm lợi ích đặc biệt”.
Theo thông tin, các cơ quan tình báo của ĐCSTQ cũng dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Trung Quốc. Theo luật của nhà cầm quyền Bắc Kinh, tất cả công dân và công ty Trung Quốc phải hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin tình báo khi được yêu cầu.
Na Uy cũng cảnh báo phương Tây đang phải đối mặt với “tình hình an ninh nguy hiểm hơn năm ngoái”, lý do là các chế độ độc tài như tại Trung Quốc, Nga và thế lực cực đoan Hamas được Iran hậu thuẫn đặt ra thách thức đối với trật tự thế giới hiện tại.
Tài liệu còn nêu rõ chính phủ của các nước này có “chương trình nghị sự theo chủ nghĩa xét lại” của riêng họ, mục tiêu tập trung nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây và thiết lập “trật tự quốc tế không bị chi phối bởi các giá trị dân chủ và tự do”.
Cơ quan tình báo Na Uy cũng chỉ ra lợi thế của Nga trong cuộc chiến Ukraine ngày càng được mở rộng nhờ sự hỗ trợ của các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và Belarus. Mặc dù sự hỗ trợ của Trung Quốc không phải vũ khí chế tạo sẵn mà là việc cung cấp “máy móc, phương tiện, sản phẩm điện tử và linh kiện” hữu ích cho ngành công nghiệp vũ khí Nga.
Nhiều nước khác cũng đã lên tiếng cảnh báo
Không lâu trước khi Na Uy đưa ra Báo cáo An ninh, Hà Lan vào tuần trước cũng cáo buộc giới tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn vào năm ngoái đã xâm phạm mạng lưới quân sự của Hà Lan.
Hơn nữa, Hà Lan không phải nước duy nhất gần đây cáo buộc gián điệp từ Trung Quốc cố gắng xâm nhập vào các thông tin nhạy cảm. Trước đó vào tháng 1 năm nay, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines cho biết, tin tặc hoạt động tại Trung Quốc đã cố gắng tấn công hệ thống email của Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines, trang web của Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia, và trang web cá nhân của Tổng thống Philippines, nhưng đã bị Philippines ngăn chặn.
Các cơ quan tình báo và tư pháp Mỹ vào tháng 1 năm nay cũng đã thành công ngăn chặn tin tặc ĐCSTQ nỗ lực xâm nhập hệ thống Internet của Mỹ. Tin tặc từ Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống thông tin liên lạc, năng lượng, giao thông và xử lý nước của Mỹ.
Tại châu Âu, Cục trưởng Thomas Haldenwang của Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức vào tháng 2 năm ngoái nói với truyền thông Đức rằng, Bắc Kinh ngày càng chú ý thúc đẩy hoạt động gián điệp chính trị. Ông lo ngại rằng ĐCSTQ đang mở rộng các hoạt động gián điệp chống lại Berlin, sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc có thể được Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng chính trị.
Trong những năm gần đây, cơ quan tình báo Anh cũng đưa ra những cảnh báo ngày càng lớn hơn về các hoạt động bí mật của Bắc Kinh. Ngoài việc bắt giữ cả thành viên Quốc hội vì nghi ngờ làm gián điệp cho ĐCSTQ, Chính phủ Anh hồi tháng 9 năm ngoái cho biết gián điệp từ Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động “săn người” nhằm vào các quan chức Anh nắm giữ các vị trí nhạy cảm, qua đó nhằm lấy bí mật và kiến thức chuyên môn từ những người này.
Trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc ngày càng tăng, báo cáo an ninh của Na Uy ngoài tập trung vào hoạt động gián điệp và tin tặc từ Trung Quốc cũng lưu ý việc ĐCSTQ ngày càng tăng cường kiểm soát các chuỗi cung ứng quan trọng. Báo cáo đề cập rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang để mắt đến Bắc Cực và tìm cách khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của khu vực này; sức mạnh hải quân đang phát triển nhanh chóng của ĐCSTQ và mối quan tâm đến Na Uy giàu khoáng sản đã khiến các cơ quan tình báo Na Uy lo ngại.
Mộc Vệ (theo VOA)
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.